TTCT - Đó là một trong những câu hỏi gây nhiều tranh cãi nhất với giới học thuật và nhiều tò mò nhất với đại chúng: Ngôn ngữ có từ bao giờ và đã tiến hóa như thế nào? Tranh vẽ trên tường hang động tại hang Lascaux, Pháp, ước tính khoảng 17.000 năm trước. -Ảnh: thalo.com Câu chuyện nổi tiếng về tháp Babel trong Thánh kinh và sự không hiểu nhau của loài người dẫn tới biết bao xung đột và tang tóc không chỉ có ý nghĩa đạo đức. Nhiều chuyên gia ngôn ngữ học, như Daniel Everett, tin rằng ta có thể tìm thấy câu trả lời từ cứ liệu lịch sử.Cuốn sách mới nhất của vị giáo sư 66 tuổi người Mỹ này, trong đó khẳng định ngôn ngữ khởi đầu 1,9 triệu năm trước cùng với Homo erectus (người đứng thẳng, là tổ tiên của Homo sapiens - người thông minh hiện đại), đã gây rất nhiều tranh luận.Tiếng nói không có hóa thạch, nên các nhà cổ nhân loại học không có bằng chứng trực tiếp nào về đặc điểm tối quan trọng với sự hình thành và phát triển của con người: ngôn ngữ. Nhiều học giả đã hao tốn cả cuộc đời cho những câu hỏi liên quan, nhưng không có mấy phát hiện của họ tạo ra được sự nhất trí trong giới nghiên cứu.Có một điều ít ra là hầu hết nhất trí: Trong khi động vật cũng giao tiếp, chỉ con người thực sự có ngôn ngữ, với khả năng tổ chức những suy nghĩ phức tạp thành một chuỗi những lời lẽ, rất nhiều khi để diễn tả những thứ trừu tượng, có lớp lang.Hầu hết các học giả cũng tin rằng Homo sapiens là giống loài duy nhất sở hữu khả năng đó. Họ nghĩ tất cả bắt đầu từ khoảng 200.000-50.000 năm trước.Nhưng Everett, hiện làm việc ở Đại học Bentley, Massachusetts, phản đối ý kiến đó trong cuốn sách mới của ông, How Language Began (tạm dịch: Ngôn ngữ đã khởi đầu như thế nào).Ông nghĩ rằng Homo erectus, tiền nhân của Homo sapiens, đã có điều gì đó tương đương với ngôn ngữ rồi. Kết luận đấy đồng nghĩa đẩy mốc xuất hiện ngôn ngữ về 1,9 triệu, chứ không phải 200.000 năm nữa.Vấn đề không chỉ là niên đại. Nhà ngôn ngữ học lớn Noam Chomsky nêu giả thuyết rằng một phần tử người duy nhất đã phát triển, qua đột biến gen, kỹ năng mà ông gọi là “Merge” (tiếng Anh, nghĩa là “nhập lại”), vào khoảng 50.000 năm trước.Kỹ năng “Merge” cho phép hai đơn vị ngôn ngữ nhập lại làm một, chẳng hạn như tạo ra một cụm danh từ (“căn nhà” và “đồi” trở thành “căn nhà trên đồi”), rồi câu phức (“Sally yêu Lucy” trở thành “Bill biết rằng Sally yêu Lucy”).Chomsky gọi đó là “phép đệ quy” - một thuật ngữ mượn từ toán học để chỉ các cấu trúc mà một lớp các đối tượng được xác định qua việc xác định một số rất ít các đối tượng đơn giản, rồi tìm quy tắc quy các cấu trúc phức tạp về lại đơn giản.Trước đó, giáo sư Everett, vào năm 2005 đã đăng một bài báo nói bộ tộc Amazon mà ông sống cùng nhiều năm, Pirahã, không có phương pháp đệ quy như thế. Everett từ đó được coi là người chống Chomsky, nhà ngôn ngữ học có lẽ là lẫy lừng nhất thế giới với cả sự nghiệp tại MIT (nhưng cũng bị coi là hống hách và chua cay).Giáo sư Everett đã sống trong rừng cùng gia đình ông và vài bộ tộc Amazon, học ngôn ngữ của họ. Từ nghiên cứu của mình, Everett nói phép đệ quy không cần thiết hay đầy đủ với ngôn ngữ của con người.Everett tin rằng ngôn ngữ đòi hỏi hàng loạt các “dấu hiệu” trước khi tiến tới mức độ phức tạp. Đầu tiên là các “chỉ mục”, một dấu hiệu trung tính, không chủ ý, chẳng hạn dấu móng chân chỉ ra có một con ngựa ở gần.Tiếp theo là “hình tượng”, một dấu hiệu trung tính, nhưng có chủ ý, như việc vẽ một móng chân để phản ảnh ý niệm con ngựa. Khảo cổ học cho thấy Homo erectus có vẻ thích thú những hòn đá có hình dương vật hay một phụ nữ béo tốt, điều này cho thấy họ đã có tư duy trừu tượng và biểu tượng.Theo giáo sư Everett, hình tượng sau đó phát triển thành “biểu tượng” - điều không giống với hình tượng, đã mất hoàn toàn liên hệ với vật mà nó chỉ (âm thanh khi ta nói “con mèo” không có liên hệ gì tới con mèo vật chất).Khi Homo erectus bắt đầu sử dụng nhiều biểu tượng theo một mô thức nhất quán hơn, ta có thể nói họ đã bắt đầu có ngôn ngữ, theo Everett.Bằng chứng của ông: Homo erectus cần ngôn ngữ mới có thể đóng được những chiếc tàu và thực hiện những chuyến hải trình như tới Flores, hòn đảo thuộc Indonesia cách vùng đất liền gần nhất 24km, nơi giới khảo cổ đã tìm thấy công cụ của thời kỳ này.Những ý nghĩa triết học và tri thức của giả định này là rất lớn. Nếu ngôn ngữ là điều mới mẻ của Homo sapiens, thì điều đó ngụ ý về cơ bản, “tiếng người” là giống nhau, nhưng phân biệt chúng ta với loài vật. Bằng ngược lại, chúng ta hẳn khác nhau sâu sắc hơn là chúng ta vẫn nghĩ. Cuộc tranh luận, vì thế, không phải là về ngôn ngữ mà còn về bản chất con người. ■ Tags: Ngôn ngữNgôn ngữ tiến hóa
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
50 công trình kiến trúc tiêu biểu phía Nam có đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi, trường Nguyễn Văn Tố HOÀI PHƯƠNG 19/04/2025 50 công trình kiến trúc tiêu biểu của 34 tỉnh, thành phía Nam (từ Quảng Trị trở vào) được Hội Kiến trúc sư Việt Nam vinh danh.
Người dân có phải làm lại sổ đỏ, căn cước khi sáp nhập tỉnh, xã? THÀNH CHUNG 19/04/2025 Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ, căn cước đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu.
Giá vàng đồng loạt giảm mạnh sau chỉ đạo nóng của phó thủ tướng ÁNH HỒNG 19/04/2025 Sáng nay 19-4, các thương hiệu vàng đồng loạt giảm mạnh giá vàng mua vào lẫn bán ra, sau khi Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo nóng vào tối qua.
30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 6: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn QUỐC MINH 19/04/2025 Sau bước ngoặt lịch sử 30-4-1975, rất nhiều cuộc đoàn viên cảm động và cũng không ít éo le do hoàn cảnh đất nước hàng chục năm phải phân chia chiến tuyến: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn.