TTCT - Khi mà mọi thứ cho ngày Tết chỉ cần đi một vòng siêu thị, đặt hàng online là có đủ thì không ít người ở Sài Gòn vẫn giữ cho gia đình cái không khí náo nức chuẩn bị của những ngày giáp Tết: canh nồi bánh chưng, bánh tét, muối hũ dưa hành, củ kiệu... đón Tết về. Người Sài Gòn chọn mua lá dong, khuôn gói bánh những ngày giáp Tết. Ảnh: Duyên Phan Cứ 27, 28 Tết góc hẻm trên đường Bành Văn Trân (P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM) lại rộn ràng không khí Tết bởi những nồi bánh chưng sôi ùng ục, tỏa đi mùi lá dong, mùi nếp cái. Nồi bánh chưng ngày Tết của mẹ theo chị Trần Thị Ánh Tuyết (47 tuổi) và mấy chị em trong nhà từ ngày còn thơ bé đến tận bây giờ, cho dù họ lấy chồng ra riêng, sinh con đẻ cái... Năm này qua năm khác, những ngày cuối tháng chạp, người này gọi người kia, cùng con cái tụ lại nồi bánh chưng Tết ở nhà mẹ đẻ. Nồi bánh tét, bánh chưng đong đầy vị tết “Lúc chị còn nhỏ thì mẹ chị gói chính, chị em trong nhà phụ rửa lá dong, lau lá, cắt lá trộn nhân đậu... Giờ mẹ đã 85 tuổi, chỉ nhìn con cháu làm rồi nếm thử xem mặn, nhạt, đường, muối ra sao, tụi chị đôn lên chân gói chính, mấy đứa nhỏ trong nhà thì nhận chân rửa lá, xếp lá” - chị Tuyết kể. Từng khâu đều được chăm chút để bánh chưng ra lò “có màu xanh mướt của lá dong, mùi thơm đậm đà của nếp”. Ngày 28 gói thì trước đó một ngày, chị và em gái chạy xe máy xuống tận Hóc Môn, tìm vườn dong của người dân để chọn mua lá. “Lá dong bán đầy quanh khu Ông Tạ chủ yếu từ Long Khánh (Đồng Nai), nhưng gói bánh thường bị vàng nên nhà tôi chỉ mua lá dưới Hóc Môn” - chị Tuyết giải thích. Gạo nếp thì phải là nếp cái hoa vàng nhờ người quen mua ngoài quê gửi vào, đậu thì phải là đậu nguyên hạt, nấu chín giã nhuyễn rồi nhào kỹ với hành phi, thêm chút muối cho đằm, thịt thì ra chợ mua từ 5h-6h sáng, thái to bản để phủ được bề mặt bánh. Ngày gói bánh thì “huy động cả nhà, người ra chợ, người nấu đậu, rửa lá”, các chị gói rồi anh trai, em trai trong nhà tay khỏe sẽ buộc lạt để bánh được cột chặt tay, khi luộc và ép không bị xì... “Vui nhất là mấy ngày chuẩn bị, gói bánh. Chiều kê nồi luộc bánh thì thay nhau canh lửa, tiếp nước đến nửa đêm để vớt bánh. Công việc quanh năm vất vả, Tết đến nấu nồi bánh chưng chủ yếu để cả nhà sum vầy” - chị Tuyết cho biết. Vốn là người Hà Tĩnh, sống ở Sài Gòn đã gần 20 năm, bà Nguyễn Thị Hòa (52 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) gói cả bánh chưng và bánh tét vào ngày Tết. “Mỗi năm chỉ có một lần Tết, bày ra làm cho con cháu trong nhà có không khí để sau này còn biết để làm theo” - bà nói. Nồi bánh chưng ngày giáp Tết cũng là nơi mà hằng năm vợ chồng bà Hồ Thị Thanh Phương (50 tuổi, ngụ Q.7) cùng các anh chị em trong gia đình quây quần. Ngôi nhà ở Q.Gò Vấp là nhà của ba mẹ đã mất, có khoảng sân rộng để đặt bếp nấu bánh. Bà Phương kể: “Cứ 27 Tết chúng tôi dành cả ngày để gói bánh chưng, đến tối thì bắt đầu luộc, khoảng 100 cái và chia nhau ngồi canh lửa đến sáng sớm bánh chín”. Trước đó, cả gia đình đã phân công người chuẩn bị nếp, người lo mua và lau lá dong, người mua thịt, đậu xanh... Ngày gói bánh bận rộn, tất bật nhưng vui vẻ vì cả nhà có dịp bên nhau. Tự tay xếp từng chiếc lá dong, gói từng cái bánh khiến người lớn bồi hồi nhớ về ký ức tuổi thơ và lại nuôi lớn ký ức cho những đứa trẻ trong nhà. 28 Tết có lẽ là ngày đông vui nhất trong năm của gia đình anh Đinh Tuấn Anh (27 tuổi, Q.Tân Phú). Sáu anh chị em cùng cha mẹ xếp lá gói bánh tét và nấu vào tối 28. “Năm nay tính gói cỡ 50-60 đòn. Vài ngày nữa chị hai sẽ đi chợ mua nếp, thịt, lá... Sau đó mỗi người tự tay gói vài đòn để “truyền nghề” cho nhau, có cả những người cháu” - anh chia sẻ và khoe rằng mình cũng biết gói bánh. Dù hiện nay mỗi người đều có gia đình riêng nhưng đã thành thói quen, mỗi mùa Tết mỗi người lại bỏ ra một ít tiền để góp mua nguyên liệu gói bánh, không để ai phải “chủ xị”. Khoảng sân chật hẹp của ngôi nhà năm nào vào cận Tết cũng ấm áp khói bếp, rộn tiếng cười vui. “Có một năm tụi tôi bận quá không có thời gian gói, mua ngoài siêu thị. Năm đó thấy ba mẹ buồn buồn, từ đó tụi tôi dù lu bu nhưng nhất định phải gói” - anh kể. Quà quê Tết Sài Gòn chẳng thiếu món Tây, món Tàu, bánh chưng, bánh tét, dưa hành, dưa cải, dưa món, giò chả... bày la liệt siêu thị, hàng quán. Không ít cửa hàng, siêu thị chỉ đóng cửa ngày mùng 1 Tết, mùng 2 mở lại nhưng nhiều gia đình vẫn rộn ràng nấu nồi thịt đông, bó giò thủ, mua măng khô, miến dong, làm dưa hành ăn mấy ngày Tết, nhờ người nhà ở quê gửi thêm những loại rau củ, gà quê... cho bữa ăn ngày Tết thêm vị quê hương. “Ngày trước khi còn khó nghèo thì Tết mới có thịt, có giò thủ. Giờ đủ đầy thì vẫn nấu ăn để nhớ vị quê hương, cúng ông bà tổ tiên” - bà Trần Thị Khoa (75 tuổi, ở P.15, Q.10) nói. Chung cư cũ chật hẹp, người ta hạn chế đun nấu củi nên không nấu được bánh chưng như cách đây 5-6 năm nhưng nhà bà Vũ Thị Tam (65 tuổi, ngụ Q.1) vẫn phải có bánh chưng. Mấy ngày trước Tết là người nhà ở Nam Định gửi người quen đi tàu Bắc - Nam mang vào cho mấy cặp bánh chưng, gửi măng khô, su hào, khoai tây. Ngoài món củ kiệu quen thuộc của người miền Nam, bà muối thêm củ hành tím và dưa cải, những món mà từ ngày ở quê mẹ bà vẫn làm mỗi dịp Tết đến. Bà Nguyễn Thị Song (61 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) thì có món bánh tét gốc Huế mà chị em bà đang sống ở Xuân Lữ, Đồng Nai gửi lên. Bà còn đặt mua loại bánh tráng “lớn, dày bằng bột gạo” ở Dĩ An, Bình Dương để ăn và tặng cho người thân mỗi người một ít. “Bánh tét của người Huế không nhiều nhân như ở Sài Gòn, đậu xanh nấu lên được giã nhuyễn với hành với tiêu ăn đậm đà, đúng vị của người Huế nên không năm nào tôi mua bánh” - bà kể. Mấy ngày này, bà và người cháu cũng mê mải làm, ngâm gần 200kg củ kiệu, đóng hơn 150 hộp xếp la liệt ở nhà để Tết cho con cái, biếu người thân.■ Cần gì cũng có Tại một số hệ thống siêu thị lớn có cả món thịt kho trứng và khổ qua nhồi thịt chế biến sẵn, nhận đặt hàng và giao hàng tận nhà gà luộc, bánh chưng, bánh tét, thịt kho, xôi, dưa món... Trên các trang mạng xã hội thì ngoài bánh chưng, bánh tét, bánh ít, dưa món còn có giò heo ngâm mắm, cá khô, hải sản một nắng, trái cây... Các dịch vụ trước và trong Tết cũng giúp người đô thị không phải “đụng móng tay”, từ mâm cúng cho ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng chạp), cúng giao thừa, mùng 1 Tết với bảng giá cụ thể: mâm cỗ cúng như mâm ngũ quả khoảng 180.000 đồng/mâm, xôi chè 120.000 đồng/phần, bánh chưng 130.000 đồng/cái, trái cây, trà rượu, nhang đèn... Tùy số lượng yêu cầu, trung bình mâm cúng sẽ có giá từ 900.000 đồng/mâm trở lên. Tags: Tết cổ truyềnTết ở đô thịTết đô thị
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Gia đình Gerard Williams cho biết vụ kiện Đàm Vĩnh Hưng sẽ bằng pháp lý, không nhận 2 USD nữa HOÀI PHƯƠNG 07/01/2025 Trong livestream mới nhất trên kênh Dũng Taylor TV, bầu sô Dũng Taylor - chồng ca sĩ Thu Phương - cùng các cộng sự thông tin tuyên bố mới nhất vụ việc ông Gerard Williams kiện Đàm Vĩnh Hưng.
Đang giao lưu trực tuyến xử lý vi phạm giao thông: Nên tránh 'trào lưu săn tiền thưởng' THÀNH CHUNG 07/01/2025 Dừng xe cán vạch mà không thể lùi có bị phạt không? Báo tin vi phạm cho ai, như thế nào để được nhận tiền?... Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đang giải đáp trên tuoitre.vn sáng 7-1.
Giám đốc xổ số Quảng Bình nói lặp số 'bình thường', chuyên gia tính ra tỉ lệ 3/10.000.000 TRƯỜNG TRUNG 07/01/2025 Giám đốc xổ số Quảng Bình cho rằng những cặp số lặp nhau liên tục là chuyện xác suất bình thường, chuyên gia xác suất thống kê tính ra tỉ lệ tương đương 3/10.000.000.
Xét xử vụ tranh chấp thừa kế của gia đình cố nghệ sĩ Vũ Linh TUYẾT MAI 07/01/2025 Sáng 7-1, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ 'tranh chấp về thừa kế di sản và đòi nhà cho ở nhờ' giữa nguyên đơn Võ Thị Hồng Nhung (62 tuổi, em gái cố nghệ sĩ Vũ Linh) và bị đơn Võ Thị Hồng Loan (38 tuổi, con gái cố nghệ sĩ Vũ Linh).