Nhà khoa học có cần kể chuyện cho công chúng?

TRÚC ANH 18/10/2022 06:45 GMT+7

TTCT - Phải chăng giới khoa học chưa "làm truyền thông" các nghiên cứu của họ đủ tốt với người ngoại đạo?

Nhà khoa học có cần kể chuyện cho công chúng? - Ảnh 1.

Ảnh: lifescicommunications.com

Hệ gene của các tông người đã tuyệt chủng, vướng mắc lượng tử, hóa học "click" là tên lĩnh vực nghiên cứu của các nhà khoa học lần lượt được trao Nobel y sinh, vật lý và hóa học năm nay. Nhưng không dễ giải thích cho số đông công chúng những khái niệm này, và vì sao những người theo đuổi nó lại được vinh danh.

Trong vài năm trở lại đây, các giải Nobel khoa học cũng có lúc thuộc về những chủ đề gần gũi với công chúng hơn (hay ít ra là dễ hình dung hơn) như virus viêm gan C (Nobel y sinh 2020), phát triển pin lithium-ion (hóa học 2019) hay vật lý laser (vật lý 2018). Nhưng nhìn chung, các công trình, khám phá được trao giải thưởng danh giá này đều rất phức tạp, ngoài tầm hiểu biết của đa số chúng ta.

Phải chăng giới khoa học chưa "làm truyền thông" các nghiên cứu của họ đủ tốt với người ngoại đạo?

Ai đứng giữa khoa học gia và công chúng?

Elizabeth Bass, người từng có nhiều năm làm biên tập viên khoa học và sức khỏe cho tờ Newsday (Long Island, New York), không giấu giếm rằng cứ vào mùa Nobel là bà lại lo lắng, vì phải tổ chức bài vở theo phong cách báo chí giải thích về các nhà khoa học được trao giải, trong khi bản thân bà không có xuất thân khoa học.

"Việc của tôi là phải bảo đảm các bài viết đó rõ ràng và dễ hiểu với bất kỳ độc giả nào, và hấp dẫn với một nhóm độc giả ít hơn" - Bass kể trong một bài viết cho The Conversation năm 2015. Không phải nhà báo nào cũng có nền tảng về khoa học đủ để viết về các công trình đoạt giải Nobel ở đủ mọi lĩnh vực; trái lại, nhiều nhà khoa học lại không có khả năng "kể chuyện" hấp dẫn và dễ hiểu cho người không chuyên môn.

Theo Bass, việc nói với "người ngoài" về khoa học là một thử thách với các nhà khoa học là vì "lời nguyền tri thức": khi bạn nắm quá rõ một vấn đề, sẽ khó đặt mình vào vị trí không có những kiến thức đó thì sẽ thế nào. Một nhà khoa học sẽ không còn nhận ra đâu là thứ lý thú hay bí ẩn, thậm chí hài hước hay rối ren về công trình của họ, và dùng toàn từ chuyên môn mà không nhận ra.

Giải thích khoa học rối rắm và phức tạp cho người ngoại đạo rất khó, nhưng không phải là không có cách. Kỹ năng truyền thông khoa học (science communication) - hiểu ngắn gọn là việc thông tin và truyền cảm hứng cho công chúng về các tri thức khoa học - có thể giải quyết điều này.

Ví dụ, say mê nói về phát hiện hạt neutrino có khối lượng (công trình giúp 2 nhà khoa học đoạt Nobel vật lý 2015) mà không giải thích rằng hạt đó là gì là một cách kể chuyện khoa học không đúng; thay vào đó, có thể vẽ ra bức tranh sống động về những hạt cơ bản bí ẩn này, cho ta biết chúng tồn tại ở khắp nơi nhưng hầu như không thể phát hiện được.

Tương tự, các chuyên gia có xu hướng dùng toàn thuật ngữ khô khan khi nói về nghiên cứu của họ; cách làm tốt hơn là sẽ kể chuyện người thật việc thật, về cách các nhà khoa học dấn thân để giải những thách thức khoa học, mang lại những hiểu biết mới, quan trọng về thế giới và chia sẻ cho nhân loại.

Năm 2009, Bass bỏ nghề báo, sáng lập và làm giám đốc Trung tâm truyền thông khoa học Alan Alda của Đại học Stony Brook, chuyên mở các khóa học giúp nhà khoa học "làm truyền thông" về các công trình của họ với người ngoại đạo tốt hơn, cũng như cho họ biết tầm quan trọng của việc này. Trung tâm đã mở các buổi học cho hàng trăm nhà khoa học khắp nước Mỹ, trong đó có vài chủ nhân giải Nobel.

Nhà khoa học có cần kể chuyện cho công chúng? - Ảnh 2.

Ảnh: News Medical

Lợi cả đôi bên

Tháng 10-2008, khi được bổ nhiệm ghế giáo sư Simonyi của Đại học Oxford, vị trí có nhiệm vụ phổ biến kiến thức khoa học đến công chúng, nhà toán học Marcus du Sautoy, một trong những nhà khoa học hàng đầu Vương quốc Anh, đã xác định 2 mục tiêu hành động trong cương vị mới: truyền đạt nghiên cứu khoa học với công chúng và khuyến khích truyền thông khoa học giữa các ngành nghiên cứu khác nhau trong giới khoa học.

"Khoa học có ảnh hưởng lớn đến nhân loại. Để mọi người có thể đưa ra quyết định về khoa học sẽ đi đến đâu và những ảnh hưởng lâu dài của nó đối với xã hội, trước tiên họ phải hiểu đầy đủ các vấn đề xung quanh khoa học" - Sautoy nói với tạp chí Scientific American. Điều này cũng trả lời câu hỏi công chúng có cần biết các bộ óc to lớn đang làm gì trong phòng thí nghiệm của họ không.

Sautoy chia sẻ thêm về tầm quan trọng của truyền thông khoa học: "Tôi luôn nghĩ rằng khoa học là về 2 thứ - khám phá và truyền đạt. Là nhà khoa học, chúng tôi phải học cách nhấn mạnh làm sao để một nhóm khán giả đại chúng có thể hiểu hoàn toàn và nắm bắt các ý tưởng mà chúng tôi đang nhìn thấy. Khoa học càng tiếp cận nhóm khán giả càng rộng thì lợi ích càng lớn, theo nghĩa ý tưởng mới được truyền đạt thành công".

Trong khi đó, Bass cho rằng giới khoa học cần phải "mở cửa" để không chỉ một số ít người làm khoa học mà nhiều người hơn có thể trầm trồ trước nét đẹp của tri thức và ngưỡng mộ những khám phá mới. "Khi các nhà khoa học mời ta bước vào thế giới của họ… họ đã mở mang đời sống của ta" - bà viết.

Nhà sinh học thần kinh Nicholas Spitzer, đồng giám đốc Viện nghiên cứu thần kinh Kavli Institute for Brain and Mind tại Đại học California, San Diego, cho rằng khi diễn giải thông điệp của mình cho khán giả đại chúng, bản thân các nhà khoa học cũng sẽ được lợi. "Khi nói chuyện với công chúng, tôi nhận thấy sự cần thiết phải lùi lại và trình bày bức tranh lớn, tức đưa thêm chi tiết vào một bối cảnh lớn hơn, dễ tiếp cận hơn và đáng nhớ hơn cho khán giả. Điều này đã kích thích tôi suy nghĩ về những câu hỏi lớn hơn và ảnh hưởng đến hướng nghiên cứu của tôi trong nhiều năm qua" - Spitzer nói trong một bài phỏng vấn năm 2012.

Nhà khoa học có cần kể chuyện cho công chúng? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chủ nhân giải Nobel nghĩ gì?

Chính những người đã từng đoạt giải Nobel nghĩ thế nào về câu hỏi "truyền thông khoa học có quan trọng với các nhà khoa học không"? Hai khôi nguyên Nobel có quan điểm khác nhau về câu hỏi này.

Theo giáo sư tiến sĩ Benjamin List, đồng chủ nhân Nobel hóa học 2021 vì công trình về chất xúc tác bất đối xứng (asymmetric catalysis), cho rằng truyền thông khoa học là cần thiết cho cả công chúng lẫn khoa học gia.

Ông nói với kênh European Science-Media Hub ngày 14-9: "Các nghiên cứu hóa học, sinh học, y học hoặc vật lý được thực hiện trong phòng thí nghiệm đều quan trọng và hấp dẫn. Tuy nhiên, nó cũng có thể trông đáng sợ đối với một số người, và không phải ai cũng hiểu các thuật ngữ kỹ thuật được các nhà khoa học sử dụng. Con người có xu hướng sợ hãi những gì họ không hiểu. Vì vậy, truyền đạt khoa học một cách chính xác là rất quan trọng; nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ có được niềm tin vào khoa học".

Trái lại, nhà vật lý gốc Anh Michael Kosterlitz, người giành Nobel vật lý năm 2016 vì khám phá pha chuyển đổi bất thường của vật chất ở nhiệt độ cực thấp, cho rằng nhìn tổng thể, bất kỳ nỗ lực nào để giải thích công trình của ông cho "một ông bà gặp bâng quơ ngoài phố nào đó" đều là "lãng phí thì giờ", vì đó là nhiệm vụ bất khả thi.

Theo Kosterlitz, nhà khoa học có nói gì thì cũng "giống như tay bán xe hơi cũ, lời lẽ nghe thì có lý nhưng người nghe chỉ hiểu sơ sơ hoặc chẳng hiểu gì". "Trong vật lý, cứ nói 2 từ thì lại có 1 thuật ngữ xuất hiện; thứ bạn nói chẳng ai hiểu đâu, và điều đó cũng đúng thôi" - ông nói với tạp chí Times Higher Education bên lề một cuộc gặp giữa những người được Nobel và nhà khoa học trẻ ở Đức năm 2019.

Cố gắng giải thích một thứ với người không có nền tảng về những thứ quá đỗi tự nhiên với nhà khoa học thì cũng bằng thừa, chẳng khác nào "tới Hàn Quốc hay Trung Quốc rồi cố gắng giao tiếp mà không dùng bản ngữ". Kosterlitz thừa nhận nhiều người trong giới của ông đang cố gắng làm truyền thông khoa học; song với ông, việc các nhà vật lý cố gắng "chắp nối vài từ lại để cho thành cái gì đó có nghĩa" để nói chuyện với công chúng thì chẳng khác "trò lừa đảo".

Sau này ông đổi giọng, thừa nhận đã hơi nặng lời khi nói thế. Có lẽ Kosterlitz bức xúc vì từ khi đoạt Nobel, người ta cứ tìm ông nhờ "ban phát vài lời thông thái về những chủ đề mà tôi chả biết gì".■

Giải Ig Nobel, hay "Nobel không danh giá", hằng năm được trao cho các phát kiến khoa học "cười trước rồi ngẫm nghĩ sau", là minh chứng cho thấy trong truyền thông khoa học, sự hài hước là một yếu tố then chốt. Mỗi năm, ban tổ chức Ig Nobel lọc hàng ngàn bài báo khoa học nghiêm túc để tìm ra những công trình "vừa hài hước vừa lý thú" để trao giải. Người lập ra giải này, Marc Abrahams, biên tập viên và đồng sáng lập tạp chí khoa học hài hước Annals of Improbable Research (Mỹ), cho rằng việc "thắng" giải Ig Nobel cho các nhà khoa học cơ hội để giải thích cho một nhóm khán giả lớn hơn vì sao công việc của họ quan trọng. "Nếu bạn thắng giải Ig Nobel, nhiều người, trong đó có báo giới, sẽ muốn nói chuyện và tìm hiểm thêm về công việc của bạn" - Abrahams nói với báo The Brilliant của Úc hồi tháng 9.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận