TTCT - Bến Bạch Đằng, quận 1 vừa được cải tạo, đem lại diện mạo mới cho cảnh quan dọc bờ sông ở khu trung tâm TP.HCM. Nhưng đây chỉ là một mảnh đất nhỏ được giữ gìn, tôn tạo để thực sự là một tài sản công cộng cho người dân thành phố. Bị lấn chiếm, bị biến thành của riêng của các dự án nhà ở, cao ốc, bị hoang phế và ngập rác thải... là số phận của bờ sông Sài Gòn ở nhiều nơi. Nhiều đoạn bờ sông Sài Gòn trở thành “vườn” của các dự án bất động sản. Ảnh: QUANG ĐỊNH Các quy hoạch đã minh định rằng, dải đất dọc sông Sài Gòn với hành lang ven kênh rạch rộng từ 20 - 50m, tính từ mép bờ cao của dòng sông sẽ là công viên cây xanh, đường giao thông dọc sông kết nối với giao thông công cộng... Nhưng...Mạnh ai nấy chiếmNăm 2019, UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) có kế hoạch giải tỏa những trường hợp lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn tại phường này để trả lại mặt bằng, làm kè sông và công viên sử dụng chung cho người dân trong khu vực. Nhưng đến nay, phường này mới cưỡng chế được 2 trong số rất nhiều trường hợp bao chiếm hành lang sông.Phường Hiệp Bình Chánh có gần 5km đường bờ sông Sài Gòn, nhưng chưa có một đoạn bờ sông nào được đầu tư để người dân có thể tiếp cận. Khu vực từ rạch Gò Dưa đến chân cầu Bình Triệu có hai điểm là công viên của chung cư 4S Riverside và chung cư Opal Riverside. Ở chung cư 4S, khu công viên và bến thủy ven sông nằm gọn bên trong hàng rào, chỉ người dân ở chung cư được quyền tiếp cận, những con đường từ các khu dân cư lân cận đều dừng lại trước hàng rào bao quanh chung cư này.Công viên bờ sông trước chung cư Opal cũng bị bao lại bằng những tấm rào di động. Người dân vô công viên chơi phải lách qua một lỗ hổng ở hàng rào. Theo quy hoạch của các dự án khu dân cư dọc sông Sài Gòn, phía sau dãy nhà ven sông dọc đường số 10 còn một hành lang an toàn bảo vệ sông. Nhiều tuyến đường giao thông cắt ngang vuông góc với đường số 10 đi thẳng đến và kết nối với công viên bờ sông. Phần lớn bờ sông khu vực này đang bị lấn chiếm làm nhà hàng, quán ăn, quán cà phê hoặc biến thành vườn riêng của những biệt thự ven sông. Chỉ khoảng 700m bờ sông dọc đường số 10, có đến hơn chục quán ăn, nhà hàng, quán cà phê lấn chiếm hành lang sông, đường giao thông cũng bị bao chiếm để kinh doanh.… Bờ sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến Rạch Đĩa (cũng thuộc địa phận phường Hiệp Bình Chánh) hoàn toàn không có lối ra sông. Từ quốc lộ 13, các con đường số 5, số 11, 13 đều chạy về hướng sông Sài Gòn và khựng lại trước những tường rào, những dãy nhà sát sông. Nếu không có những cái tên quán kiểu cà phê Ven Sông, quán Gió và Nước… thì chẳng ai hay biết mình đang cách một con sông lớn vài chục bước chân. “Nhiều khi tôi cũng quên mất mình ở gần sông!” - chị Lê Thị Lan, một người dân ở hẻm đường 11, nói.Nhìn từ phía dưới sông lên, bờ sông khu vực này chỗ thì bỏ hoang lau lách mọc um tùm, chỗ thì người dân tận dụng làm những sàn tạm ra bờ sông để bán quán. Bùn lầy và rác khắp nơi.View sông “triệu đô”Trong khi các đồ án quy hoạch công viên cảnh quan công cộng bờ sông ì ạch thì các chủ đầu tư dự án nhà ở, chung cư cạnh sông rất nhanh nhảu tận dụng để tăng giá trị cho dự án của mình. Giá của những căn hộ, biệt thự “view sông” cao hơn nhiều các căn hộ và biệt thự ở vị trí khác.Chủ đầu tư một dự án biệt thự ở phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) cạnh sông Sài Gòn mới mở bán gần đây giới thiệu dự án có 200m bờ sông và cầu tàu riêng, giá cao hơn hẳn các dự án “xa sông”. Những biệt thự mặt hướng ra sông Sài Gòn có giá đất cao gần gấp rưỡi những biệt thự quay hướng khác.Ở bờ sông Sài Gòn phía quận 12, nhiều dự án biệt thự cũng mọc lên ven sông nhằm tận dụng lợi thế thiên nhiên có một không hai này. Dự án Villa An Phú Đông (quận 12) có gần 20 biệt thự chồm ra, lấn chiếm bờ sông. Một người môi giới bất động sản tại khu vực quận 12 cho hay giá đất của những biệt thự ven sông trong dự án trên cao hơn những vị trí khác 30%.Ở khu vực trung tâm TP.HCM, bờ tây sông Sài Gòn gần như đã bị các dự án bất động sản vây kín. Từ cầu Sài Gòn đến rạch Bến Nghé gần như chỉ còn đoạn bến Bạch Đằng là trống. Những khu vực còn lại tuy được quy hoạch là hành lang an toàn và cây xanh cảnh quan dọc sông nhưng hầu hết được bao bởi các dự án bất động sản hạng sang. Nhiều đoạn bờ sông Sài Gòn ở trung tâm thành phố cây cỏ mọc đầy, nham nhở - Ảnh: QUANG ĐỊNH Chờ đợiTheo các đồ án quy hoạch, bờ sông Sài Gòn sẽ là một dải cây xanh chạy dọc đôi bờ, nối những khu công viên công cộng tạo thành một không gian cây xanh - mặt nước từ quận 7 lên đến huyện Củ Chi. Bờ tây sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP còn được quy hoạch thành một tuyến đường ven sông chạy từ khu Tân Cảng cũ (quận Bình Thạnh) đến Ba Son nhằm giảm tải giao thông.Ở khu vực Củ Chi, không gian hai bên dòng sông Sài Gòn sẽ là nhà vườn sinh thái, khu nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề… để làm du lịch, nghỉ dưỡng.Nhưng qua thời gian, những không gian ven sông tiếp tục bị chia cắt, lấn chiếm manh mún. Có nơi, như ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, là hành lang an toàn của sông khi Nhà nước duyệt quy hoạch 1/500 cho dự án khu nhà ở, thì hằng năm đều sạt lở, cỏ lau mọc um tùm, thành nơi chứa rác và tập trung cả tệ nạn xã hội.Khi được hỏi, những người dân Sài Gòn đều ao ước được thấy hai bờ của con sông Sài Gòn trở thành công viên công cộng, đường ven sông, những khu vui chơi, bán đồ lưu niệm, văn hóa, nơi cắm trại cuối tuần… có sức sống và lợi ích chung. Hoặc những bến thuyền nhỏ để người dân từ quận 1 muốn đến Thủ Đức có thể đi bằng buýt sông, canô, du thuyền…Đấy cũng là góc nhìn của giới chuyên môn, mà ý kiến của kiến trúc sư Khương Văn Mười - nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - là một ví dụ. “TP phải giữ được cảnh quan hai bên bờ sông. Có chỗ nhô ra để xây dựng ven sông, có chỗ giữ làm cảnh quan cây xanh - mặt nước, có khu vực cho phát triển kinh tế cảng, phục vụ du lịch, giao thông.Nhà nước cần công bố quy hoạch hai bên bờ sông chỗ nào được xây dựng, chỗ nào là bến sông để khuyến khích, mời gọi người dân đầu tư những dịch vụ phục vụ du lịch và giao thông đường thủy”.■Hiện tại, đôi bờ sông Sài Gòn đã có quy hoạch phủ kín từ quận 7 lên đến huyện Củ Chi. Phía tây bắc TP, khu vực dọc sông Sài Gòn được chia thành 10 phân khu với các chức năng văn hóa lịch sử, nông nghiệp công nghệ cao và dân cư nhà vườn, khu sinh thái nghỉ dưỡng và làng nghề, trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa, giải trí… Bờ tây sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm TP và quận 4 được quy hoạch trong khu 930ha trung tâm TP.HCM, nổi bật nhất ở phía bờ đông sông Sài Gòn là khu đô thị mới Thủ Thiêm.Trong định hướng quy hoạch của TP Thủ Đức, khu cảng tại phường Trường Thọ dự kiến sẽ thành khu đô thị trung tâm. Quy hoạch 1/2000 bán đảo Thanh Đa, một trong những điểm nhấn quan trọng của dòng sông Sài Gòn đoạn chạy qua trung tâm TP đã được UBND TP.HCM phê duyệt từ nhiều năm trước và đang chờ nhà đầu tư triển khai dự án...Dự án “khu đất vàng” dọc sông Sài GònCảng Sài Gòn trải dài gần 2km dọc sông Sài Gòn, từ khu đất giáp Bảo tàng Hồ Chí Minh đến kênh Tẻ (quận 4). Khu đất của cảng hiện tại được giao cho Công ty TNHH đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông làm dự án bất động sản trong khi chờ di dời cảng này ra Hiệp Phước và kỳ vọng 2022 - 2023 sẽ di dời xong để giao mặt bằng cho dự án.Theo quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND TP.HCM phê duyệt năm 2015, khu đất nằm giữa sông Sài Gòn và đường Nguyễn Tất Thành kéo dài từ kênh Bến Nghé đến kênh Tẻ diện tích hơn 45ha, được quy hoạch nhà biệt thự, nhà cao tầng chức năng hỗn hợp và trường học, trạm y tế… Theo quy hoạch ban đầu, dự án chỉ có 31ha thuộc Cảng Sài Gòn cũ. UBND quận 4 cho biết UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện dự án trên toàn bộ diện tích 45ha nên chủ đầu tư phải bồi thường và tái định cư cho toàn bộ dân đang sống trong khu vực. Ngoài ra, đường Nguyễn Tất Thành sẽ được mở rộng, khu vực này sẽ có cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 4 qua khu đô thị mới Thủ Thiêm…Hiện chủ đầu tư đang phối hợp UBND quận 4 tiếp tục bồi thường cho người dân trong khu vực dự án sau thời gian ngưng trệ (triển khai bồi thường từ năm 2018 - 2019). Tại hội nghị cổ đông đầu năm 2021, lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cho biết khu đất này “có khả năng cao” sẽ phải đưa ra đấu giá theo quy định mới.Công ty TNHH đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông thành lập năm 2014 với số vốn điều lệ 1.154 tỉ đồng. Trong đó, Cảng Sài Gòn góp 300 tỉ đồng bằng giá trị tài sản và giá trị lợi thế vị trí địa lý kinh doanh (chiếm 26% vốn điều lệ), Tập đoàn Vingroup góp 513 tỉ đồng (chiếm 45%) và Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé (Bến Nghé IDC) góp 334,6 tỉ đồng (chiếm 29%). Năm 2016, Ngọc Viễn Đông điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên 5.400 tỉ đồng theo hướng phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Hai cổ đông Cảng Sài Gòn và Vingroup không góp thêm vốn, Bến Nghé IDC đã góp thêm vốn thành 4.581 tỉ đồng đã trở thành cổ đông kiểm soát tại công ty này với tỉ lệ sở hữu 84,82%.Sau đó, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn có ý định xin thoái vốn khỏi dự án này với lý do quản lý bất động sản không phải thế mạnh của đơn vị này và cần kinh phí 300 tỉ đồng từ việc thoái vốn để di dời và phát triển cảng biển. Đến năm 2019, công ty này xin dừng việc thoái vốn. Dự án trên cũng ngưng tiến hành các bước tiếp theo từ đó đến nay. Tags: Sông Sài GònLấn chiếm bò sôngView sôngQui hoạch bờ sông Sài Gòn
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.