Nhìn thấy tâm hồn mình qua trang sách

TIẾN SĨ GIÁO DỤC THỤY ANH 30/12/2022 04:08 GMT+7

TTCT - Ngày cuối năm, căn phòng bé nhỏ của CLB Đọc sách cùng con ngập trong hương quế. Các bạn nhỏ làm bánh. Các cô giáo pha trà cam quế và kết cây thông, trang trí bằng những món đồ bé nhỏ do các thành viên trong CLB tự tay làm.

Ngày cuối năm, căn phòng bé nhỏ của CLB Đọc sách cùng con ngập trong hương quế. Các bạn nhỏ làm bánh. Các cô giáo pha trà cam quế và kết cây thông, trang trí bằng những món đồ bé nhỏ do các thành viên trong CLB tự tay làm. Chúng tôi sắp đón một ông già Noel thật đặc biệt, người đã làm ra những món quà cho biết bao trẻ em thích đọc ở nước mình - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ông hứa sẽ ghé qua đây, ngồi đọc sách, trò chuyện cùng độc giả. Giáng sinh này, đó chẳng phải là món quà tuyệt diệu lắm sao?

Nhìn thấy tâm hồn mình qua trang sách - Ảnh 1.

Bạn Chi Mai, lớp Nghĩ và Viết, vào vai cô Sóc.

Ở góc phòng, một cô bé đặt tay lên phím đàn: "Hai... ba...!" Giọng hát của dàn đồng ca vang lên du dương, chỉ khác là bọn trẻ hát bằng... tiếng mèo! Meo meo meo méo mèo meo... Năm Mèo sắp đến, chúng con phải tập hát đón mừng năm mới chứ cô! Tiếng cười ấm áp lan tỏa trong không gian, khi gió lạnh ngoài kia vẫn tiếp tục ùa về.

"Tâm hồn em như một tờ giấy"

Tôi không thể tưởng tượng nổi, mới đầu năm nay trở về trước, chúng tôi vẫn còn dè dặt không dám gặp nhau vì dịch bệnh quái ác. Tối tối, các cô "phù thủy đầm lầy" của CLB Đọc sách cùng con lại lên sóng đến với các bạn nhỏ qua chương trình Sách ru. Những trích đoạn với nhiều tương tác, chia sẻ và cả những câu đố đã khiến nhiều cô cậu bé của chúng tôi nghĩ ngợi trước khi chìm vào giấc ngủ.

Sáng dậy, các em tích cực nhìn quanh, quan sát cuộc sống, ngắm kỹ người bên cạnh mình... để tìm ra lời đáp, nhắn nhủ tới các cô phù thủy. Cậu bé Bách "nghiện" Sách ru đến nỗi nhớ vanh vách tên cuốn sách được đọc từng buổi tối, nhận xét "cô Phù Thủy Chủ Nhật hôm nay chiếm sóng 17 phút, cô Thứ Bảy hôm qua thì đọc ngắn hơn nhiều!"...

Hai chị em bé Vy, bé Dy lại bắt chước các cô phù thủy, thu âm giọng đọc của mình, ngân nga giai điệu nhạc dạo đầu của chương trình Sách ru. Hai cô bé nhờ mẹ nhắn đến nhóm phù thủy: "Xin các cô đừng chúc ngủ ngon vì con không muốn ngủ ngay sau khi nghe cô đọc sách! Con còn phải nghĩ nữa!"... 

Thế là các cô giáo CLB, thay vì chúc ngủ ngon, mời các bạn nghĩ ngợi một chút rồi mới ngủ.

Các bé nghĩ ngợi gì vậy? Có cô bé băn khoăn về nỗi buồn trên lưng của Ốc sên và hỏi mẹ về nỗi buồn của mỗi con người. Có bạn nhỏ hỏi mẹ về ngày mình ra đời, đăm chiêu hồi lâu trước khi thiếp đi. Một vài bạn nhắn rằng con đã suýt không ngủ được vì món bánh xèo của má Bác-bơ-ranh trong cuốn Không gia đình mà các cô trích đọc, bụng cứ sôi lên vì thèm... Cuốn sách nào cũng có thể đem lại những dòng suy nghĩ miên man, kích thích tư duy, kết nối các em với cuộc sống.

Với câu chuyện Chú chim tâm hồn của một nhà văn người Israel, rất nhiều bạn đọc đã gửi đến CLB suy ngẫm về tâm hồn mình. Có em nói, tâm hồn như đám mây, khi buồn bực thì mây đen kéo đến, nặng trĩu; trút được cơn giận, mây lại sáng dần, bay bổng thảnh thơi... Có bạn viết, tâm hồn em như tờ giấy. Khi buồn bực, nó bị vo lại rầu rĩ, khi vui sướng, nó lại được vuốt cho phẳng phiu, nhẹ bay lên... 

Chao ôi! Tâm hồn những đứa trẻ thật muôn màu muôn vẻ, đầy nhạy cảm và tinh tế qua chính cảm nhận của các em. Và những cuốn sách đã giúp các em nhìn thấy tâm hồn mình theo cách thú vị ấy.

Suốt hai năm giãn cách, chúng tôi cố gắng giữ liên lạc với nhau qua màn hình. Đầu cầu bên này, một thầy giáo nhảy múa để ở các đầu cầu, các bé giục cả gia đình đứng lên nhảy theo. Có hôm, các cô giáo làm salad, tất cả các gia đình cùng làm và chia sẻ kết quả cho nhau. Những bài thơ, trích đoạn truyện vẫn vang lên. Những câu đùa vui nhộn, những trò nghịch ngợm, trêu chọc nhau chí chóe của lũ trẻ "nhất quỷ, nhì ma..." vẫn rộn ràng cả màn hình. Thế nhưng, ai cũng kêu nhớ không gian CLB. Dường như, nhờ dịch bệnh, bọn trẻ cũng chợt cảm nhận được sự thiếu thốn hơi ấm có thật của những ánh mắt, bàn tay trực tiếp tương tác với nhau.

Trở lại cuộc sống bình thường, tôi vui mừng thấy hoạt động của CLB vẫn trong nhịp điệu ấy, ban đầu có chậm nặng do quán tính đình trệ thời covid, nhưng càng lúc càng sôi nổi hơn.

Với các em nhỏ mầm non và tiểu học, chúng tôi hân hoan dẫn dắt các em đến với các tác giả đương đại trong nước và thế giới. Những cái tên như Trần Đức Tiến, Lê Phương Liên, Cao Xuân Sơn, Hoài Khánh, Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Quang Trạng, Văn Thành Lê, Hồ Huy Sơn, Lê Đức Dương, Bùi Tiểu Quyên, Phương Huyền, Phạm Thị Hoài Anh, Trang Nguyễn... đã vô cùng thân thuộc với bạn đọc nhỏ tuổi.

Còn các tác giả quốc tế - các em nhỏ cũng chẳng thờ ơ. Mỗi cuốn sách mới đều khiến chúng tôi bận rộn: nào đọc, nào chơi với các ý tưởng của nhà văn, nào sân khấu hóa các tác phẩm. Bọn trẻ tuổi này thích được hóa thân vào nhân vật, sắm vai mà chuyện mà trò.

Nhớ nhất là tiểu phẩm vui được xây dựng trên nền cuốn truyện thơ Phòng cho thuê (Leah Goldberg, NXB Kim Đồng). Với sự bận rộn của các bé, chúng tôi chỉ có thể tập cùng nhau vẻn vẹn 3 buổi, lại còn phải chia đôi nhóm vì không thể hẹn cùng một thời gian. (Cái thời kỳ lạ, trẻ con kín lịch hơn cả người lớn!). Thế mà khi lên sân khấu, buổi công diễn thực sự hoàn hảo. Nhịp đi, nhịp đứng, nhịp thoại cùng âm nhạc đều khớp, nhuần nhuyễn đến mức các nhân vật tưởng chừng chính là cô Gà mái, ngài Heo, chàng Chuột, ả Tu Hú, chị Bồ Câu, cô Mèo Mun, nàng Sóc... 

Các chàng các nàng cho đến bây giờ vẫn chưa... xả vai. Đến CLB, chúng gọi nhau bằng cái tên trong vở kịch. Một vở kịch thơ mà tạo một cú hích đặc biệt: các bé bắt đầu quan tâm đến thơ ca. Khi tôi đọc những bài thơ nhỏ trong những buổi chiều muộn, các em rất chăm chú lắng nghe. Mỗi bạn còn chọn một từ yêu thích để nói về nó, để nâng niu nó. Và rồi, các em bắt đầu viết - những vần thơ non non về vần luật nhưng đã rất sâu sắc về ý tứ rồi.

Với học sinh THCS, chúng tôi thích thú đón nhận những câu ngụ ngôn của các em sau khi cùng các em đọc một số tác phẩm của Tủ sách Đời người do Công ty Omega Plus phát hành. Một tích chuyện cũ bình thường, qua cách nhìn cách nghĩ của các em lại nhận thêm những ý nghĩa mới. Tôi đọc từng mẩu chuyện nhỏ mà bật cười vì những bài học đáng yêu, đôi khi khá nghiêm khắc của bọn trẻ. Bằng cách đó, chúng đang tự tìm ra bộ giá trị cho chính mình. Nói người cũng là cách răn mình là thế.

Nhìn thấy tâm hồn mình qua trang sách - Ảnh 2.

Các bạn nhỏ diễn tiểu phẩm trên nền kịch thơ, từ đó yêu thơ hơn. Ảnh: Vũ Quang Tùng

Nghe tâm hồn tụi nhỏ dè dặt cất lời

Nhưng những buổi học để lại nhiều ấn tượng nhất với các bạn là khi chúng tôi đi ra bên ngoài. Tôi nhớ buổi xem tranh của 5 họa sĩ ở triển lãm Anh em tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các họa sĩ sẵn sàng chia sẻ nhiệt tình khiến các em rất phấn khích. 

Trở về, mỗi em chọn viết về tác phẩm mình thấy tâm đắc nhưng ở tư cách... người sáng tác. Các em đặt mình ở vị trí các họa sĩ, đoán xem họ nghĩ gì khi dùng chất liệu này, khi thể hiện đề tài kia, khi chọn ánh nắng ấy, khi cho hiện hình những chuyển động kỳ diệu nọ... 

Tôi không bất ngờ khi đọc những dòng các em viết vì tôi biết, không bao giờ người lớn có thể đánh giá hết khả năng của các con mình. Nhưng tôi thấy rưng rưng vì niềm hạnh phúc chúng mang đến cho những người lớn - cơ hội được nghe tâm hồn chúng cất lời - dẫu còn dè dặt, thì thầm...

Chúng tôi có rất nhiều chuyến trải nghiệm cuộc sống tương tự như thế: Buổi nghe hòa nhạc mùa thu trong khuôn viên bảo tàng. Những ngày trở về với làng quan họ Đặng Xá, nghe các bác hát bên cánh đồng, học cách quấy bánh đúc, làm bánh tẻ, thử sức với bát canh riêu cua óng màu gạch đỏ. Một sớm đi tuốt lá đào ở vườn đào Nhật Tân, đón một mùa hoa mới...

Mỗi chuyến đi đều cho nhiều thu hoạch, những bài viết, những chia sẻ. Lớn hơn cả là những rung cảm trước vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên, đất nước; là những ước mơ bắt đầu nhen nhóm trong lòng.

Mùa hè 2022, với trại hè EcoCamp của CLB có tên "Sải bước cùng mặt trời", các em được tiếp xúc với nhiều nhân vật thú vị: nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ câu chuyện của màu sắc; nhà báo Phạm Hồng Tuyến với câu chuyện âm nhạc; vũ sư Đỗ Trung Nghĩa, nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tùng cùng các cô chú bác Nhà hát Tuổi trẻ đưa các em vào thế giới sân khấu và cách cảm nhận cơ thể, giọng nói của mình. Nhà văn Lê Phương Liên, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, nhà báo Yên Khương lắng nghe và phản biện về những vấn đề xã hội là đề tài tranh luận của các em... Mỗi người đều hé lộ cho các bạn trẻ của chúng tôi vẻ đẹp tâm hồn mình, vẻ đẹp của sự lao động cần mẫn hướng tới những mơ ước lớn lao, lựa chọn cho mình một công việc cống hiến cho đời.

Cô trò chúng tôi đã đi qua một mùa hậu covid cùng nhau như thế. Một năm không bình yên trọn vẹn nhưng thu hoạch đủ đầy: những phát hiện mới, những niềm vui khi cùng nhau nhìn thấy, đọc được tâm hồn mình qua trang sách.

Kể chuyện lan man về một câu lạc bộ đọc sách bé bỏng, tôi chỉ muốn, trong một ngày cuối năm bồi hồi này, chia sẻ với các bạn niềm vui cũng bé nhỏ nhưng miên man, bất tận ấy như con đường dài bọn trẻ thương mến sẽ còn dấn bước. ■

Các bạn trẻ lớp lớn lại bắt đầu đọc các nhà văn quen thuộc với chương trình phổ thông theo một cách khác - đọc thật sự các trích đoạn truyện ngắn, những khổ thơ, sau đó thảo luận đưa ra cách hiểu của mình, kể cả là kỳ lạ nhất, về những điều còn cảm thấy mơ hồ. Các em chưa cần sự phân tích tỉ mẩn của thầy cô hay các chuyên gia trong sách giáo khoa, chỉ cần tranh luận với nhau về một chi tiết trong truyện, phỏng đoán, đặt câu hỏi, tìm cách hiểu nó...

Đó thật sự là một quá trình sôi nổi. Chẳng hạn, với Nam Cao, các bạn rất thích cách dùng từ của ông: "Bà nuôi đứa cháu từ thuở "tấm tấm tí tí", hay quá cô ạ, con chẳng hiểu thực sự là gì, chỉ đoán bằng cảm giác...". Hay các em cho rằng "con đường sỏi đá" của nhà thơ Thạch Quỳ trong Với con là những thử thách bất ngờ mà cuộc đời có thể dành cho mình, như dịch covid chẳng hạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận