"Nhìn vaccine cấp phép": Bất lợi dành cho ai?

XUÂN MINH 26/06/2021 19:30 GMT+7

TTCT - Việc cấp hộ chiếu vaccine theo kiểu “nhìn vaccine cấp phép” và mỗi nơi một phách giữa các nước châu Âu đang khiến người tiêm vaccine của các nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ gặp nhiều bất lợi.

Ảnh: Getty Images

 

Chủ tịch của ba cơ quan chính của Liên minh châu Âu gồm Nghị viện, Hội đồng và Ủy ban châu Âu mới ký thông qua Quy định về chứng nhận vaccine EU (hay hộ chiếu vaccine) dành cho các nước thành viên, có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 đến ngày 31-6-2022.

Được đem ra bàn bạc từ giữa tháng 3-2021, chứng nhận vaccine của EU nhằm khôi phục quyền đi lại tự do trong khối một cách an toàn trong mùa hè năm nay cho người sinh sống hợp pháp giữa các nước thành viên.

Theo thông tin từ trang schengenvisainfo, chứng nhận sẽ được các nước cấp cho những người hoặc đã tiêm một trong 4 loại vaccine mà Cơ quan Quản lý dược châu Âu (EMA) phê duyệt, hoặc vừa khỏi COVID-19, hoặc có xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Cho đến nay, EMA mới phê duyệt 4 loại vaccine COVID-19 do các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson phát triển.

Cơ quan này đang xem xét kết quả của 4 loại vaccine COVID-19 khác là CureVac (Đức), Novavax (Mỹ), Sputnik V (Nga) và Sinovac (Trung Quốc) nhưng chưa đưa ra khuyến cáo nào.

Vaccine Sinovac đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép phê duyệt khẩn cấp vào ngày 1-6-2021, trong khi Sputnik V đã trình WHO nhưng chưa được thông qua dù được hơn 60 quốc gia trên thế giới phê duyệt.

Trong vấn đề vaccine, văn bản của Ủy ban châu Âu có phần mở rộng cho phép các nước thành viên tự quyết định có chấp nhận cho những người đến từ EU nhưng đã tiêm các loại vaccine ngoài 4 loại EMA phê duyệt nhập cảnh không. Các nước thành viên cũng tự quyết định có chấp nhận hộ chiếu vaccine của người mới tiêm một liều hay chỉ cho phép những người đã tiêm đủ 2 liều nhập cảnh.

Không khó dự đoán là phần lớn các nước thành viên EU (27 nước) và khối Schengen (26 nước ở châu Âu) đều nói “không” với các loại vaccine chưa được EMA cấp phép, dù có quyền chấp nhận cấp chứng nhận vaccine cho những người tiêm các loại vaccine khác.

Iceland, nước đầu tiên ở châu Âu mở cửa biên giới cho người đã tiêm vaccine đã khẳng định chỉ cấp hộ chiếu vaccine cho những ai tiêm một trong các loại vaccine do EMA hoặc WHO phê duyệt. Theo quy định này, ai tiêm vaccine Sputnik V sẽ phải ngậm đắng nuốt cay.

Chính phủ Pháp cũng công bố chiến lược mở cửa biên giới với công dân EU, khối Schengen và các nước khác và khẳng định quy tắc nhập cảnh dành cho những ai đã tiêm vaccine chỉ áp dụng với người nào tiêm với một trong các loại vaccine được EMA phê duyệt, không phải các loại khác, như vaccine của Nga hay Ấn Độ.

Lithuania cũng thể hiện rõ lập trường của mình là không chấp nhận vaccine Sputnik V của Nga và sẽ không xem những ai đã tiêm vaccine này là có miễn dịch. Trong khi đó, Hy Lạp, Slovenia và Hungary là một trong số các nước châu Âu cho nhập cảnh người tiêm vaccine Sputnik V.

Ở Đan Mạch, quy định với người nước ngoài nhập cảnh ghi rõ ưu tiên miễn xét nghiệm với những ai tiêm các loại vaccine được cấp phép bởi EMA, các nước OECD (phần lớn cũng ở châu Âu) hoặc khối Schengen. Điều này được hiểu là vaccine Sputnik V của Nga và Sinopharm của Trung Quốc được Hungary, một nước OECD phê duyệt sẽ được chấp nhận ở Đan Mạch nhưng Covaxin, vaccine do Ấn Độ phát triển thì không.

Cách áp dụng hộ chiếu vaccine ở các nước EU dễ làm những ai đã tiêm vaccine COVID-19 của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ thấy chạnh lòng vì đã tiêm loại vaccine bị “hắt hủi” - ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Dù đã tiêm vaccine nhưng có thể họ sẽ vẫn không được nhập cảnh vào nhiều nước EU vì không tiêm đúng loại vaccine.

Việc cấp hộ chiếu vaccine theo kiểu “nhìn vaccine cấp phép” và mỗi nước EU một kiểu cho thấy hộ chiếu vaccine thực sự có vấn đề về bình đẳng ngay trong nội bộ EU, Schengen. Đó là chưa nói công dân từ các nước ở châu Á, châu Phi dẫu có tiêm nhưng bằng các loại vaccine khác, cũng sẽ trải qua những thủ tục rườm rà hơn nếu muốn nhập cảnh vào châu Âu.

Trong khi EU ủng hộ hộ chiếu vaccine và đồng thuận cao thì ở Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden phản đối ý tưởng bắt buộc phải có hộ chiếu vaccine. Nhà Trắng đã có những cuộc thảo luận với các hãng hàng không và các nhóm ngành du lịch khác ở Mỹ nhằm đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật để hộ chiếu vaccine có thể sử dụng cho mục đích thúc đẩy du lịch quốc tế an toàn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận