TTCT - Hồi đầu tháng 10, khi được mời lên án chủ nghĩa ưu sinh da trắng, trong trường hợp cụ thể này là phong trào “The Proud Boys” (Những cậu bé kiêu hãnh), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối và thay vào đó lại phát biểu: “Hãy lùi lại và hãy sẵn sàng” (“Stand back and stand by”). Câu này được Proud Boys coi như sự nhìn nhận vai trò của họ, đồng thời là một mệnh lệnh từ nguyên thủ nước Mỹ, hãy chờ sẵn để “cứu giá” bằng mọi cách một khi cuộc bầu cử không diễn ra theo đúng ý ông Trump và phe cánh hữu. Tuần hành bảo vệ quyền sở hữu súng, chuyện chỉ có ở Mỹ? -Ảnh: LA Times Phải nói thêm, “bằng mọi cách”, với những nhóm cực hữu, thực ra chỉ là một cách - trong mọi trường hợp: bạo lực. The Proud Boys, Boogaloo Bois, American Identity Movement… là các tổ chức cực hữu bán võ trang hiện đang được nhắc tới nhiều và là bọt nổi của những đợt sóng ngầm kỳ thị chủng tộc và tôn giáo lại được dịp lùng bùng lên ở Mỹ từ khi ông Trump đắc cử năm 2016.Tội lỗi nguyên sơHoa Kỳ là một quốc gia mang vết chàm hay một “tội lỗi nguyên sơ” là kỳ thị màu da - suốt từ thời lập quốc. Ở đâu trên thế giới thì cũng có kỳ thị này kia và không có mới là chuyện lạ, nhưng Hoa Kỳ là một nước đặc biệt được định hình bởi vấn đề này, có lẽ chỉ kém Nam Phi trước kia hay Israel hiện nay. Đây là một quốc gia thành lập trên sự tận diệt thổ dân và phát triển trên sức lao động của nô lệ nhập từ châu Phi. Dĩ nhiên là nếu nô lệ chỉ ăn hại và không có ích lợi gì thì đã chẳng ai buôn và nhập họ tốn kém từ xa xôi như thế. Công nghiệp hóa, tích lũy tư bản của Hoa Kỳ dựa trên bông gòn, vải sợi và chế độ nô lệ lao động đồn điền. Nhắc lại, Hoa Kỳ là miền đất hứa của mọi người, nhưng da đen hay da đỏ không có ai di dân sang đây theo diện kết hôn, tìm vàng hay tị nạn cả.Xã hội Hoa Kỳ đã có nhiều thay đổi về mặt này. Thay đổi lớn nhất là nội chiến trên vấn đề nô lệ 1861 - 1865 khiến hai phe phang nhau và chết bộn chứ chẳng phải đùa. Cuộc chiến này gây thiệt hại về sinh mạng cho khoảng 600.000 đến hơn 1 triệu người Mỹ khi dân số cả nước lúc đó mới là 31 triệu. Nó là một khúc quanh lớn trong lịch sử quốc gia này, và kết quả cuộc nội chiến cho đến giờ vẫn chưa được hoàn toàn chấp nhận: miền Nam thua trận vẫn dai dẳng phất cờ! Năm 2020 này, tức 155 năm sau nội chiến, vẫn còn xô xát chuyện cờ quạt và tượng đài. Chuyện đòi công bằng của người da đen cũng đã có nhiều điểm mới. Phong trào bình quyền nhen nhúm thực sự từ thập niên 1960, tức 60 năm qua và trong vòng một đời người. Chính người viết bài này còn chứng kiến cảnh một người da đen bảo, tôi có quyền được ngồi ở ghế trên xe buýt (khoảng năm 1980)! Những thành quả của phong trào bình quyền chẳng những chưa được chấp nhận đầy đủ mà còn bị đe dọa liên tục.Việc ông Trump thắng cử năm 2016 là dịp để “xét lại” những vấn đề vẫn còn âm ỉ đó. Thành phần chống bình quyền, nữ quyền, không ưa da màu, di dân, tôn giáo khác ngoài Kitô… cảm thấy là họ được giải thoát khỏi “áp bức xã hội” bấy lâu nay, bắt họ phải kiềm chế và hành xử đúng đắn với những người họ vốn khinh bỉ và căm ghét. Thành phần này nở rộ và Tổng thống Trump rất biết khai thác tâm tư của họ. Trong số này, có một thiểu số đặc biệt là các nhóm “dân quân” võ trang, dựa vào điều 2 tu chỉnh của Hiến pháp Hoa Kỳ, vốn coi quyền sở hữu vũ khí là hiến định.Từ Oklahoma City tới BoogalooNăm 1995, một xe bom lao vào tòa nhà Liên Bang tại Oklahoma City, giết chết 168 người và gây thương tích cho 680 người khác. Vụ đánh bom này do thành phần cực hữu tổ chức, thành phần này chống tất cả các loại chính quyền, trước tiên là chính quyền Mỹ, với động cơ tuyên bố là để “trả thù” cho các biến cố Waco (1993) và Ruby Ridge (1992). Tại Waco, cảnh sát liên bang tiêu diệt 82 thành viên của giáo phái Davidian, bố ráp và san phẳng cứ địa của giáo phái này khi họ từ chối trao vũ khí bất hợp pháp. Tại Ruby Ridge, cũng từ việc sở hữu vũ khí bất hợp pháp, cảnh sát liên bang giết con và vợ của cựu lính đặc nhiệm Randy Weaver.Gần đây hơn, các vụ cực hữu da trắng xả súng vẫn là vấn nạn nhức nhối ở Mỹ: 27-10-2018, một kẻ cực hữu da trắng giết 11 người tại một hội đường Do Thái; 3-8-2019, 23 người bị bắn chết trong một siêu thị Wal-Mart “để chặn nạn xâm lăng từ Mexico”; 29-5-2020 và 6-6-2020, 2 thành viên phong trào Boogaloo bắn chết 2 cảnh sát tại bang California…Vậy phong trào Boogaloo này là gì? Như các phong trào tiền thân và đương thời, Boogaloo, Proud Boys, Atomwaffen, Crusaders… có cơ sở pháp lý là quyền sở hữu vũ khí và thành lập các đội dân quân theo điều 2 tu bổ của Hiến pháp. Điều 2 này khi được thông qua năm 1791 nhắm vào việc tránh tập trung quyền lực trong tay một quân đội trung ương lệ thuộc vào nhánh hành pháp Liên bang. Dân quân thuộc quyền các tiểu bang và việc tự vũ trang vào thuở đó tránh cho chính quyền bang gánh nặng trang bị, huấn luyện, và trả lương cho các tổ chức dân quân này. Lúc đó, nó được coi là giải pháp để ngăn ngừa nguy cơ độc tài của quân đội trung ương. Nhưng ngay từ lúc sơ khai, người ta đã thấy biện pháp “dân quân” không có hiệu quả khi phải chống chọi với lực lượng quân sự trung ương, vốn chuyên nghiệp và trang bị tối tân hơn hẳn. Thử hỏi cỡ như Boogaloo làm sao chống chọi được với quân đội Hoa Kỳ? Súng ngắn, súng dài, ba bảy anh “dân quân” tự sắm lấy so thế nào được với quỹ quốc phòng 650 tỉ đôla?Trên thực tế và trong lịch sử, các lực lượng dân quân nhanh chóng trở thành lực lượng hỗ trợ chứ không phải kiềm chế quân đội chính quy, và dần thay đổi để trở thành lực lượng Vệ binh quốc gia Hoa Kỳ ngày nay. Tại các tiểu bang và địa phương, đó là lực lượng an ninh được huy động trước tiên trong biến loạn. Mà biến loạn tại Mỹ là gì? Suốt ba thế kỷ, đó vẫn chủ yếu là xung đột chủng tộc, như phong trào Black Lives Matter hiện nay. Mỗi lần như thế, các lực lượng võ trang dân quân lại được điều động, xuất đầu lộ diện để bảo vệ trật tự của xã hội cũ. Lần này cũng thế thôi, các phong trào cánh hữu nhanh chóng ôm súng xuống đường để dằn mặt chống đối, nói trắng ra là để dằn mặt da màu. Có điều năm nay, nó mang thêm một vẻ khác thường.Thành viên Proud Boys. Ảnh: Reuters Bài ca muôn thuở50 năm nay (từ thời cải cách dân quyền), 150 năm nay (từ thời nội chiến) hay 250 năm nay (từ thời lập quốc), tất cả các đời tổng thống Hoa Kỳ đều tuân thủ khuôn phép và những quy tắc tối thiểu của chính trường quốc gia, tùy từng giai đoạn. Nhưng tổng thống thứ 45 lại là người trúng cử nhờ tuyên bố bất tuân khuôn phép, và theo nghĩa này thì là một người cách mạng. Ông đang có nguy cơ lớn sẽ thất cử trong hai tuần tới. Nếu mọi việc bình thường, bầu cử bình thường và kết quả bình thường, đã thua thì ông phải ra đi. Vì thế, ông đang kêu gọi và tâng bốc ngay cả thành phần trước giờ mang danh “chống chánh quyền”, mong họ sẽ dấy loạn giúp ông chăng nếu ông bị cử tri “chê”. Quả là trong tất cả các ứng viên tả hữu, ông Trump là nhân vật, chí ít là qua các phát biểu, gần gũi nhất với thành phần cực hữu. Đó là một nghịch lý trớ trêu, một mâu thuẫn cùng cực: người phê bình guồng máy chính quyền thối nát, tham nhũng, vô lại, bất lực… lại chính là người đứng đầu guồng máy, tức Tổng thống Trump.Nhưng phong trào cực hữu không đồng nhất. Nó gom góp đủ thành phần, từ những người bị vợ bỏ (nói nghiêm túc không có đùa) đến thành phần chống phá thai hay tin vào tận thế. Nếu muốn gia nhập Proud Boys phải tuyên thệ từ bỏ việc thủ dâm (vẫn nghiêm túc không có đùa), thì việc tin vào tận thế trở thành điều dễ hiểu, như các con chiên Davidian tử thủ và hi sinh tại Waco, Texas năm 1993. Nhưng ngoài những thành phần “dị” như thế, mẫu số chung là tin tưởng vào sự thượng đẳng của da trắng, kỳ thị da màu các loại, kỳ thị Hồi, Do Thái, và có khi cả những thành phần Kitô giáo cấp tiến hơn. Có người tin vào chủ nghĩa phát xít, có người tin thiên sứ sắp xuống cứu chuộc trần gian, có người tin vào nước Mỹ được vận mệnh lựa chọn, cũng có người tin phải sống đời lang thang trên núi, hai tay hai súng đuổi theo bò rừng (cái gì thì cái, súng là không thể thiếu).Nói qua, Hiến pháp là Hiến pháp của cả Hoa Kỳ và điều 2 tu chỉnh là điều 2 của mọi người Mỹ. Do đó, cũng có một số ít tổ chức “dân quân” da đen vũ trang hợp pháp không kém “dân quân” da trắng. Phong trào tự vệ cực tả này ít hơn, thành viên cũng ít tiền hơn nên vũ trang có phần nghèo nàn hơn. Họ lại không được sự đồng cảm của cảnh sát, và vác súng đến đâu thì bị coi ngay là đe dọa an ninh tới đó, chứ không phải “gìn giữ trật tự” như thành phần da trắng!■Cho đến biến cố 11-9-2001, và ngay cả sau biến cố này, khủng bố cực hữu vẫn là mối đe dọa nguy hiểm nhất với nước Mỹ. Giai đoạn 2001 - 2017, 73% hành vi khủng bố gây chết người là do các thành phần cực hữu gây ra khiến 106 người chết. Để so sánh, khủng bố Hồi giáo là thủ phạm 23% vụ khủng bố, khiến 119 người thiệt mạng (bao gồm 49 người chết trong vụ xả súng tấn công hộp đêm Pulse tại Miami năm 2016). Tags: MỹĐắc cử tổng thốngNhóm cực đoan
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục TTXVN 26/11/2024 Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng).
Hot TikToker Thu Nhi đóng cửa thương hiệu thời trang Meo vì 'bán ế quá' NHẬT XUÂN 26/11/2024 Hot TikToker Thu Nhi - Eat Clean Hồng thông báo đóng cửa thương hiệu thời trang Meo, khiến nhiều người hâm mộ tiếc nuối.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Nga tấn công UAV lớn chưa từng có vào Ukraine THANH HIỀN 26/11/2024 Ukraine cáo buộc Nga phóng 188 thiết bị bay không người lái (UAV) vào nước này trong đêm, gây ra thiệt hại nặng nề với lưới điện ở thành phố Ternopil.