Những bước ngoặt lớn của Thuận Phạm

KHỔNG LOAN 22/08/2017 22:08 GMT+7

TTCT- Các kỹ sư công nghệ thường ít được biết đến. Nhưng sự thành công xuất sắc của Uber trong thời gian ngắn đã đưa Thuận Phạm, giám đốc công nghệ toàn cầu, trở thành “ngôi sao bất đắc dĩ”.

Thuận Phạm (trái) trong cuộc trò chuyện với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tại UP Co-working Space, ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 25-7-2017.-Ảnh: Uber
Thuận Phạm (trái) trong cuộc trò chuyện với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tại UP Co-working Space, ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 25-7-2017.-Ảnh: Uber

 

Trong những ngày cuối của tháng 7-2017, Thuận Phạm có một lịch trình làm việc bận rộn ở Việt Nam. Ông là nhân vật chính trong chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Uber tại Việt Nam với nhiều cuộc gặp các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng khởi nghiệp.

“Tôi cảm thấy hơi bị ngợp - ông cho biết - Là người chuyên về kỹ thuật, thường đứng đằng sau thì các hoạt động này khác hẳn so với môi trường mà tôi cảm thấy thoải mái hằng ngày”.

Giá trị của may mắn 

Uber là một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ đang nổi nhất hiện nay, và là một trong những công ty tư nhân được định giá cao nhất thế giới (gần 70 tỉ đôla Mỹ).

Hiện hoạt động ở hơn 600 thành phố với khoảng 10 triệu chuyến xe mỗi ngày, Uber đang nhắm tới mục tiêu trở thành mô hình cung cấp và có thể kiếm lợi được từ bất kỳ hoạt động di chuyển nào của con người hay đồ vật trên Trái đất.

Thuận Phạm chắc chắn là người gốc Việt nổi tiếng nhất trong giới công nghệ thế giới hiện nay, xét trên bối cảnh mô hình Uber đang thực sự tạo ra thay đổi toàn diện của rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực trong xã hội.

Ông là người đứng đằng sau sự hình thành nên nền tảng hệ thống kỹ thuật khổng lồ giúp thúc đẩy mô hình đó hoạt động gồm cách tính toán giá cả linh hoạt, định vị nguồn xe, khách hàng, bản đồ, dữ liệu đường sá...

Thực tế, cơ hội hiếm hoi để thực thi mong muốn “tạo ra ảnh hưởng trên quy mô rộng” đã được ông sắp đặt từ những ngày mới bước vào sự nghiệp kỹ thuật, hay sớm hơn nữa từ thời cấp II?

- Với tôi, cơ hội làm việc ở Uber là đột phá nghề nghiệp - ông trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Không phủ nhận may mắn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời mỗi người, đặc biệt là khi còn thơ bé, Thuận Phạm cho rằng khi trở thành người trưởng thành thì sự sẵn sàng tiếp nhận thách thức và cơ hội khi nó đến mới giúp mỗi người giữ được may mắn đó để tạo ra thành công.

Thuận Phạm chắc chắn đã thấu hiểu được giá trị của may mắn khi ông sống sót được sau những ngày tháng lênh đênh trên biển, đối mặt với bão lớn, cướp biển, cuộc sống thiếu thốn ở trại tị nạn Indonesia khi di cư bằng đường biển cùng mẹ và em trai tới Mỹ lúc 10 tuổi (năm 1979).

Rồi sau đó là những tháng ngày khó khăn khi đặt chân tới bang Maryland (Mỹ), mẹ ông phải làm hai công việc chân tay để nuôi các con; họ sống cùng một gia đình khác và tổng cộng bảy người ở trong căn hộ hai phòng ngủ.

Thuận Phạm là cậu bé hay cười rất tươi nếu nhìn vào những bức hình hồi ông còn nhỏ. Ông kể mình có những năm tháng tuổi thơ “cực kỳ bận rộn”.

Vào Trường cấp III Richard Montgomery ở Maryland, trong lúc vừa phải đảm bảo điểm số tốt ở trường, ông phải làm việc bán thời gian để có tiền tiêu vặt, rồi tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ tennis, kịch nghệ, toán, viết báo tường.

“Không ai bắt ép tôi phải học tập, làm việc chăm chỉ như vậy và làm tất cả những việc này. Tôi chỉ làm vì tôi thích và muốn mình giỏi trong những hoạt động đó” - ông nhớ lại.

Những năm tháng đại học cũng thú vị không kém. Điểm số xuất sắc ở trường cấp III đã giúp ông được nhận vào học ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhưng ông đã nhận ra ở môi trường mới này mình chỉ là người “tầm tầm” chứ không phải học trò xuất sắc đầu lớp như trước đây.

Thay vì có thể vượt qua các môn học dễ dàng với những điểm số “gần hoàn hảo”, ông phải học rất nỗ lực để có được điểm số “trên trung bình tí chút”. Ông tham gia các hoạt động thể thao với bạn học, đặc biệt là các bạn trong Hội Sinh viên Việt Nam ở MIT.

“Kinh nghiệm giá trị nhất mà tôi thu lượm được thời đó là phải nỗ lực, gan góc để vượt qua những khó khăn trong học tập và đủ khiêm tốn để biết rằng mình không là gì giữa biển trời rộng lớn này”.

Những năm tháng đại học đã định hình lối tiếp cận trong công việc mà sau này ông áp dụng trong sự nghiệp của mình: cần cù chịu khó để bù đắp bất kỳ thiếu hụt khả năng bẩm sinh nào.

 

 

Chấp nhận rủi ro

Thuận Phạm khởi đầu sự nghiệp cùng lúc với thời điểm Thung lũng Silicon bắt đầu hình thành và phát triển trở thành trung tâm công nghệ của thế giới.

Ông nhận được công việc trong phòng thí nghiệm của HP - một công ty lớn với 100.000 nhân viên - ngay sau khi tốt nghiệp. Một kết quả không tồi trong mắt mẹ ông, vốn luôn mong muốn con cái ổn định sau những biến cố lớn.

Nhưng chỉ ba năm ở HP, ông quyết định nghỉ, chuyển sang Silicon Graphics (SGI) - công ty công nghệ đang phát triển nhanh nhất thời đấy với quy mô nhỏ hơn nhiều (1.000 nhân viên).

Bước ngoặt này dẫn tới bước ngoặt khác vào thời điểm đồng nghiệp của ông sáng lập NetGravity (sau này sáp nhập với DoubleClick) và ông tham gia với tư cách là kỹ sư thứ tư của công ty, khi công ty mới có 10 nhân viên. Ông chỉ cho mẹ biết điều đó khi công ty niêm yết và ông có đủ tiền mua một ngôi nhà.

Ông tiếp tục sự nghiệp kỹ thuật với vai trò phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật tại DoubleClick trong gần ba năm, để tiếp tục phát triển sản phẩm phần mềm doanh nghiệp AdServer.

Sau đó, từ năm 2002-2004 ông tham gia đội ngũ sáng lập và nắm vai trò phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Westbridge (sau này Progress mua lại) để phát triển từ đầu sản phẩm tường lửa và cung cấp các giải pháp về quản trị với an ninh doanh nghiệp.

Sau khi Westbrigde thất bại, trong gần sáu năm tiếp theo ông là phó chủ tịch phụ trách R&D và quản lý hệ thống hạ tầng ảo tại VMware, mà vào thời điểm đỉnh cao có đội nhóm gồm 700 kỹ sư phát triển sản phẩm ở ba lục địa.

Ông tiếp tục nắm giữ mảng nền tảng quản trị đám mây tại VMware gần ba năm sau đó, nhằm xây dựng thế hệ tiếp theo về nền tảng quản trị phân phối cho dịch vụ đám mây công và tư.

Vợ ông, bác sĩ nhãn khoa có sự nghiệp riêng, ủng hộ hết lòng những công việc của chồng và sự ra đời của con gái đã khiến ông cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống để “làm việc chăm chỉ” và “là người tốt”.

Hai yếu tố đó tạo ra tiền đề cho Thuận Phạm nắm bắt được cơ hội hiếm hoi để có thể thực thi được mong muốn lớn hơn của mình: tạo ra ảnh hưởng trên quy mô rộng với Uber.

Những cột mốc cuộc đời của Thuận Phạm cho thấy nhiều người có thể có kỹ năng, nhưng ai cũng đều cần tạo ra cơ hội để thể hiện họ có thể làm gì.

Cơ hội đến trong lúc ông định nghỉ ngơi một năm trước khi bắt đầu công việc tiếp theo mà ông chưa biết là gì thì Bill Gurley, tổng giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Benchmark, đề nghị ông tham gia phỏng vấn với Travis Kalanick, sáng lập Uber còn rất mới thời điểm đấy và đang đứng trước thách thức lớn về công nghệ khi muốn quy mô hóa ở thời điểm có khoảng 200 nhân viên và hoạt động tại 30 thành phố.

Cuộc phỏng vấn trở nên nổi tiếng sau này về tính đặc biệt của nó: kéo dài 30 tiếng, mỗi ngày khoảng hai tiếng qua Skype và đến lúc Thuận Phạm quên đây là cuộc phỏng vấn việc làm, mà là cuộc trao đổi, tranh luận về kỹ thuật và công nghệ với Travis - người cũng có nền tảng học vấn tương tự ông.

Trong vai trò giám đốc công nghệ Uber toàn cầu sau đó, Thuận Phạm đã phát triển đội ngũ kỹ sư từ 40 người lên hơn 2.000 người hiện nay.

Danh tiếng là gánh nặng

Để nổi bật, bất kỳ ai cũng phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thúc đẩy bản thân mình tiếp nhận thách thức và nỗ lực.

Sau 25 năm phát triển sự nghiệp xuyên suốt ở Silicon, năm 2016 Thuận Phạm được vinh danh trong danh sách 40 người di cư xuất sắc nhất nước Mỹ của quỹ Carnegie Corporation (40 Great Immigrants of 2016 by the Carnegie Corporation).

Ông nghĩ gì về điều đó? “Bạn sống trong một thế giới của tự do và cơ hội lớn lao. Đừng coi tự do cùng cơ hội là điều đương nhiên và hãy tận dụng điều đó tốt nhất có thể”.

Dáng người cao gầy, nước da ngăm đen khỏe khoắn, Thuận Phạm có thể khiến người đối diện ngạc nhiên về sự bình dị, thẳng thắn hay tích cực, chân thành trong chia sẻ.

Thời điểm này, ông lo lắng điều gì nhất? “Vẫn còn quá nhiều nghèo đói, bất bình đẳng, đau khổ ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi hi vọng loài người sẽ không tự hủy diệt chính mình hay hành tinh này, để chúng ta có thể để lại nguyên vẹn cho các thế hệ sau.

Hành tinh sẽ luôn tồn tại theo dạng này hay dạng khác, chính là loài người mới có thể sẽ không thể tồn tại nếu chúng ta không cẩn thận”.

Thuận Phạm đã trở thành nhà lãnh đạo công nghệ nổi tiếng thế giới. Nhưng ông cho rằng danh tiếng hay tài sản là gánh nặng nhiều hơn là điều lợi. “Chúng có thể làm tha hóa con người”.

Nhưng nếu câu chuyện cá nhân ông có thể trở thành nguồn cơn gợi cảm hứng cho người khác dám làm, nỗ lực lao động để đạt được bước ngoặt trong sự nghiệp của mình, ông sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ họ bằng câu chuyện, kiến thức, kinh nghiệm của mình.■

TTCT: Khởi nghiệp rất rủi ro, 99% sẽ thất bại. Ông sẽ nói gì với những cha mẹ có con cái đang theo đuổi giấc mơ lớn của mình với các ý tưởng khởi nghiệp công nghệ?

- Thuận Phạm: Không có sự vĩ đại nào đạt được bằng lối tiếp cận an toàn. Không có sự đột phá nào nếu chỉ đi con đường cũ kỹ.

Khi hấp hối, chúng ta sẽ tiếc về những thứ mình đã làm hay không dám làm? Tôi đã có những thất bại ở các công ty thành công, tôi cũng có thành công ở những công ty thất bại...

Cuối cùng, điều tôi học được là thất bại và thành công đã giúp tôi chuẩn bị tốt nhất để thành công với công việc hiện tại.

Vậy nên nếu con ông bà đang muốn khởi nghiệp, hãy để cho chúng theo đuổi giấc mơ của mình. Chúng sẽ nhanh chóng biết mình có thích hay không, vì cuộc sống khởi nghiệp không phải là phù hợp với tất cả mọi người.

Cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam được xem là năng động nhưng vẫn chưa có nhiều câu chuyện lớn đáng chú ý. Điều gì đang còn thiếu? Làm thế nào chúng ta có thể lên kế hoạch để thành công?

- Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần cởi mở hơn với những sáng kiến, công nghệ mới và các doanh nhân cần liều lĩnh hơn, táo bạo hơn. Điều này sẽ giúp tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn để cho phép sáng kiến và cạnh tranh phát triển.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận