Những cô gái đẹp

HÂN HUỲNH 28/02/2022 23:02 GMT+7

TTCT - Vô tình lướt qua hình ảnh một cô hoa hậu Việt Nam mặc chiếc áo Jacquemus cropped-top hở sườn với độc một chiếc khóa cài hờ hững chỉ che được một nửa bầu ngực, tôi chợt nhớ đến câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính: “Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi”.

Sau gần trăm năm kể từ khi bài thơ Chân quê ra đời, xã hội đã chứng kiến bao đổi thay, nhưng thời trang dường như vẫn luôn có cách vượt qua những lề lối thông thường để khẳng định cá tính. 

Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, mỗi cá nhân đều mong muốn trưng ra phiên bản đẹp nhất có thể của mình và sự bận tâm về ngoại hình càng trở nên thường trực. 

Năm 2011, tôi vào vòng chung kết một cuộc thi hoa hậu cùng hơn 60 cô gái trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Đó là trải nghiệm khó quên với một cô gái chưa bao giờ nghĩ mình đẹp theo tiêu chuẩn của số đông người Việt. 

Khi còn ở Việt Nam, từ nhỏ đến lớn, tôi luôn được xếp vào nhóm “da đen” vì nước da bánh mật của mình. Mãi đến khi đi Úc du học, lên giảng đường ngồi giữa một bạn gốc Âu da trắng và một bạn gốc Phi da đen, tôi mới nhận ra là mình đúng chuẩn châu Á da vàng.

 
 H’hen Niê là một hoa hậu có ngoại hình khác lạ so với tiêu chuẩn đẹp "rập khuôn" của xã hội Việt Nam. Ảnh: Duyên Phan

Ngoại hình thời mạng xã hội

Một bài viết tâm đắc mà tác giả mất nhiều ngày chấp bút, dựa trên nền tảng kiến thức nhiều năm tháng hoặc bề dày trải nghiệm chưa hẳn đã được nhiều “likes”, nhưng chỉ cần một bức ảnh khoe cơ thể hấp dẫn đôi khi chẳng cần một chữ caption nào cũng có thể trở thành hiện tượng trên mạng.

Rốt cuộc, thứ mà chúng ta đang quan tâm và tương tác nhiều khi không hẳn là thứ chúng ta thật sự muốn, nhưng những thuật toán đã chủ động hiển thị và định hướng điều đó. 

Thế giới mạng, công nghệ và truyền thông đã gần như không thể tách khỏi cuộc sống con người ngày nay, và ảnh hưởng của chúng với cách chúng ta nhìn nhận về ngoại hình của mình là không thể phủ nhận.

Đầu thế kỷ 21, khi làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, hình ảnh những diễn viên đẹp không tì vết với làn da trắng như tuyết và những đường nét cơ thể hoàn hảo đã tạo ra cơn sốt tắm trắng, lột da bằng kem trộn, và phẫu thuật thẩm mỹ. 

Ở phương Tây, các cô gái da trắng lại mê mẩn màu da nâu bóng và những đường cong nóng bỏng kiểu cô Kim siêu vòng ba (Kim Kardashian) và các dịch vụ như nhuộm da nâu cũng đắt hàng không kém tắm trắng ở châu Á.

Trào lưu “thà đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên” đã thôi thúc một bộ phận không nhỏ các cô gái trẻ quyết định đại tu nhan sắc, “đập đi xây lại”, và càng mạnh mẽ trong thời đại mạng xã hội này. 

Hội chứng “sợ bị bỏ lỡ” (FOMO - Fear Of Missing Out) và thuật toán của các nền tảng mạng xã hội có tính tương tác cao như Instagram hay Facebook khiến người dùng dễ bị nghiện, cảm thấy áp lực và vô hình chung bị cuốn theo một cuộc đua không hồi kết phô trương phiên bản đẹp nhất, dù có chân thật hay đã qua chỉnh sửa, của mình. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy mạng xã hội gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đặc biệt với các em gái vị thành niên, gồm tình trạng trầm cảm, giảm lòng tự trọng, thất vọng về ngoại hình, biếng ăn, sống ảo và có ý nghĩ tự sát…

Bạn có đẹp không?

Đi tìm lời giải cho câu hỏi “bạn có đẹp không?” hoặc “bạn đã đủ đẹp chưa?” chắc cũng khó như làm giám khảo một cuộc thi hoa hậu, bởi kết quả nào cũng đều có tranh cãi và ý kiến trái chiều. 

Những tiêu chuẩn được đặt ra luôn đối mặt với thử thách và thay đổi theo thời gian, chưa kể rất nhiều tiêu chuẩn xa rời thực tế lại góp phần tạo nên những định kiến méo mó về cái đẹp.

Một trong những trường hợp hiếm hoi ấn tượng nhất trong làng hoa hậu ở Việt Nam là trường hợp của H’hen Niê - một cô gái có ngoại hình khác lạ với tất cả những hoa hậu từng đăng quang trước đó: da ngăm đen, tóc tém, như một viên ngọc thô, nhưng vẫn toát ra một nguồn năng lượng đầy thu hút và một câu chuyện cá nhân truyền cảm hứng.

Gần đây nhất, xu hướng “vẻ đẹp chân thật” (Real Size Beauty) cũng nhận được nhiều sự ủng hộ, như trường hợp hoa hậu Thái Lan Anchilee Scott-Kemmis với cân nặng 71kg và thân hình vốn được xem là quá khổ; hoa hậu Úc Maria Thattil người gốc Ấn Độ chỉ cao 160cm (nhân tiện mới nhắc: tiêu chí dự thi hoa hậu tại Việt Nam là chiều cao tối thiểu 163cm - trong khi chiều cao trung bình của phụ nữ Việt Nam là 154cm); hoa hậu Mỹ Emma Broyles là người gốc Hàn Quốc...

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng thấy bắt đầu phải thắt chặt hoạt động quảng cáo khai thác hình ảnh cơ thể người mẫu siêu gầy như Ý, Pháp và Israel. 

Tại Pháp, quảng cáo sử dụng hình ảnh đã qua chỉnh sửa phải ghi chú rõ ràng. Tại Việt Nam một số nghệ sĩ bị tạm thời cấm biểu diễn hoặc phạt hành chính vì ăn mặc phản cảm, dù định nghĩa cụ thể thế nào được xem là phản cảm còn rất mơ hồ.

Ngày càng nhiều nhãn hàng đa dạng hóa hình ảnh người mẫu đại diện, bao gồm người mẫu nhiều kích cỡ, ở những quốc gia đa chủng tộc thường sẽ có sự tham gia của những người mẫu có nguồn gốc khác nhau để công nhận sự đa văn hóa và hòa nhập cộng đồng. 

Phải kể đến một bước tiến đầy táo bạo và nhân văn trong việc sử dụng người mẫu với hội chứng Down, như trường hợp Gucci hợp tác với người mẫu Ellie Goldstein; hay như người mẫu Úc Madeline Stuart nổi tiếng thế giới. 

Thay vì dùng từ “người khuyết tật” (people with disabilities), nhiều người chọn cách dùng thay thế “người có khả năng khác biệt” (people with different abilities) để thể hiện sự tôn trọng.

Thời gian sống ở Úc, được tiếp xúc với muôn vàn vẻ đẹp đa dạng từ khắp nơi trên thế giới đã giúp tôi dần thay đổi nhận thức về cái đẹp của ngoại hình, và tập trung ý thức về giá trị thật sự bên trong mỗi người. 

Tôi đã mê đắm nhìn những đôi mắt xanh thẫm với hàng mi dài cong vút trên những gương mặt hoàn hảo như những bức tượng nữ thần Hy Lạp cổ xưa của những cô gái phương Tây. 

Tôi đã bị quyến rũ bởi những đôi mắt sâu thẳm đầy huyền bí của những cô gái Ả Rập ngay cả khi khuôn mặt đã được che mạng kỹ càng không cho ai nhìn thấy. 

Tôi yêu thích cái năng lượng tràn đầy và màu da đen bóng khỏe khoắn của các cô gái Phi châu. Còn những cô gái Á Đông thì luôn tỏa ra một sự thanh tú thật ngọt ngào và gần gũi.

Học ở con trẻ

Cũng ở Úc, tôi đã gặp những học sinh, sinh viên lần đầu xa gia đình du học, những người đã giúp tôi có cái nhìn cởi mở và bao dung hơn về quá trình trưởng thành và thích nghi văn hóa của các em. 

Một số phụ huynh khi gặp lại con sau thời gian du học đã không tránh khỏi bị sốc, khi đứa con gái “ngoan ngoãn bé bỏng” của họ vừa “xuất ngoại” chưa lâu đã vội “đua đòi” học theo các “thói xấu” như xăm mình, xỏ khuyên, nhuộm tóc, hay thậm chí là đi học múa cột, ăn mặc sexy, hoặc sống thử…

Thật ra, những việc tương tự hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ đâu và ở nhiều bối cảnh. Hơn nữa, không chỉ đối với người trẻ, suy nghĩ và quan điểm của con người ở mọi độ tuổi đều có những chuyển biến tùy vào trải nghiệm và nhận thức cá nhân. 

Với người trẻ, trải nghiệm dù tích cực hay tiêu cực đều sẽ trở thành tài sản quý giá trong hành trang vào đời. Tất nhiên, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục con cái cho đến khi thành niên không thể nào xem nhẹ. 

Nhưng khi một người đã đủ tuổi trưởng thành, hãy để họ được tự do lựa chọn con đường họ muốn đi, những việc họ muốn làm và chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó. 

Trong một môi trường đa văn hóa và sắc tộc, làm sao để hòa nhập mà vẫn giữ được bản sắc của mình cũng là một loại thử thách cần nhiều thời gian, thử nghiệm, và cả sai sót, để định hình.

Ngoại hình hay ăn mặc bắt mắt có thể dễ dàng gây sự chú ý và tạo ấn tượng trong những bối cảnh và tiếp xúc sơ giao, nên dễ hiểu vì sao mạng xã hội là môi trường lý tưởng cho những người ưa sống ảo, nhưng giá trị nội tâm mới là điều tạo nên sự khác biệt bền vững trong cuộc sống của chúng ta. 

Mọi cố gắng thay đổi mình chỉ để mưu cầu sự xác tín từ bên ngoài, từ người khác, đều không mang lại sự thỏa mãn thực sự, mà sẽ khiến chúng ta mãi đuổi theo những thứ mình không bao giờ đạt được một cách vẹn toàn.

Ở Úc, cô con gái bốn tuổi của tôi đã được thực hành thiền và chánh niệm ở nhà trẻ. Bé vẫn hay hỏi “con có đẹp không?”, nhưng rồi lại tự biết trả lời rằng “mỗi người đều có một vẻ đẹp riêng” hoặc “cơ thể mỗi người đều không giống nhau”, và bọn trẻ đã được dạy không nên so sánh mình với bạn khác vì “mỗi người có một khả năng khác nhau”. 

Trong lớp mẫu giáo của con có 22 bạn với gần như đầy đủ các sắc tộc và tôn giáo khác nhau, kể cả bạn mắc tự kỷ và hội chứng Down học cùng. 

Dù là ngẫu nhiên, nhưng với tôi trải nghiệm này là một may mắn lớn với các con, vì lớp học như mô phỏng xã hội thực của chúng ta với đầy đủ thành phần. Sự vô tư và thông tuệ của con trẻ là điều mà tôi luôn ngưỡng mộ.

Mỗi cá nhân đều có những nhu cầu và mục tiêu khác nhau trong cuộc đời, và việc một người ưu tiên điều gì trong quỹ thời gian và nguồn lực có hạn của họ là quyền tự do cá nhân cần được tôn trọng. 

Là một phụ nữ, ở những thời đoạn khác nhau trong đời, tôi cũng từng hoặc đang có nhu cầu trở nên đẹp hơn, khỏe hơn, giỏi hơn, hạnh phúc hơn… 

Nhưng khi là một người mẹ, tôi chỉ mong con gái mình nhận thức được mỗi người là một cá thể duy nhất với bản sắc độc đáo, và vẻ đẹp tâm hồn cũng như khả năng sống một cuộc đời độc lập có sức hấp dẫn hơn nhiều những thứ có thể dễ dàng nhìn thấy từ bên ngoài.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận