Những cuộc chơi dân chủ loay hoay

HẢI MINH 10/12/2016 16:12 GMT+7

TTCT - Những đảng cực hữu ngóc đầu dậy khắp nơi ở châu Âu lục địa. Nhưng rốt cuộc người ta vẫn chưa thể tìm ra cơ chế nào tối ưu hơn cho các cuộc chơi chính trị, điều giải thích cho cơn lốc cảm xúc sau hai cuộc trưng cầu ý dân ở Áo và Ý tuần qua.

Ông Renzi đã từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý thất bại -REUTERS
Ông Renzi đã từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý thất bại -REUTERS

Tất cả vì EU?

CNN mô tả kết quả các cuộc bỏ phiếu là “dân châu Âu đã được dịp đi tàu lượn cao tốc hôm chủ nhật, lên rồi lại xuống”.

Phần lao dốc là tin tức về đầu giờ sáng 6-12, Thủ tướng Ý Matteo Renzi đã từ chức sau khi các cử tri nói không với những cải cách chính trị mang tính nền tảng của ông thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Chỉ vài giờ trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã được dịp lên tiếng nồng nhiệt chúc mừng ứng viên thân EU Alexander Van der Bellen, sau khi ông này đè bẹp ứng viên cực hữu Norbert Hofer trong cuộc bầu cử tổng thống Áo.

Tổng thống Pháp François Hollande nhắn tin trên Twitter rằng “người Áo đã chọn châu Âu”. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố “cả châu Âu cất được gánh nặng”.

Trong cơn bão của chủ nghĩa dân túy toàn cầu, những cuộc bỏ phiếu này là các chỉ dấu quan trọng về hướng đi sắp tới của các nền chính trị phát triển, vốn đang ngày càng nhiều bất ổn và đảo lộn.

Nhưng ông Steinmeier chưa thở ra được bao lâu thì tin xấu lại đến. Thất bại của ông Renzi trong cuộc trưng cầu ý dân cho thấy sự nghi ngờ còn rất lớn của cử tri Ý với EU.

Giống như ở nhiều nơi, chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ở Ý là một nhân vật hoàn toàn ngoài giới chính trị chính thống: cựu diễn viên hài trở thành chính trị gia Beppe Grillo của Đảng Phong trào 5 ngôi sao (M5S), một đảng chống EU, muốn gỡ bỏ các hạn chế của đồng tiền chung và mục tiêu cuối cùng là một Itexit, giống như Brexit vậy.

Cũng khá giống Brexit và bầu cử Mỹ, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Renzi có cơ hội chiến thắng khá cao, nhưng rồi các đảng chống EU đã tập hợp lại được dưới một ngọn cờ. Ngoài M5S còn có Liên minh phương Bắc hay Lega Nord. Tới 59,1% cử tri rốt cuộc đã nói không với những cải cách của ông.

Thông điệp cho Brussels thật không thể rõ ràng hơn: Nếu tâm lý chống EU có thể khiến thủ tướng của một nước hàng đầu trong khối mất ghế thì họ cũng đủ sức lôi nước Ý ra khỏi nhóm 27 quốc gia này.

Trong khi đó, nước Áo rốt cuộc đã vượt ra khỏi sáu tháng những thông điệp chống nhập cư, chống Hồi giáo và dân tộc chủ nghĩa liên tục của ông Hofer. Một cuộc bầu cử bị hủy bỏ hồi tháng 5 cho thấy ông Hofer chỉ kém ông Van der Bellen 31.000 phiếu, nhưng lần này ông thua tới 7%.

Những lộn xộn của cuộc bầu cử 7 tháng trước, ở một nền dân chủ lâu đời và một quốc gia hiện đại cũng như giàu có như Áo, cho thấy cuộc chơi “mỗi người một lá phiếu” có thể thách thức ra sao.

Khi đó ông Hofer cũng thất cử, nhưng tòa án hiến pháp đã tuyên cuộc bầu cử là không giá trị sau khi phát hiện những sai phạm trong việc đếm các phiếu gửi qua đường bưu điện. Tòa ấn định thời hạn bầu cử lại là tháng 10, rồi phải hoãn hai tháng vì lại xuất hiện những sơ suất trong keo dán dùng để niêm phong các phiếu gửi qua đường bưu điện!

Vận động cho cuộc bầu cử, nhân vật cực hữu Hofer nói ông muốn Áo tiếp tục thuộc về EU nhưng phản đối chính sách biên giới mở, điều đi ngược với lý tưởng cốt lõi của những người sáng lập tổ chức này.

Sức hấp dẫn của ông Hofer có lẽ đã giảm bớt từ tháng 5, bởi lẽ châu Âu ngăn bớt người nhập cư tới biên giới Áo: con đường Balkan đã bị đóng lại với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp.

Trong khi bên cánh tả và trung dung hồ hởi, đây rõ ràng là thất bại lớn của phe cực hữu. Lãnh đạo Mặt trận dân tộc (NF) Pháp Marine Le Pen nhắn tin trên Twitter an ủi người đồng chí Hofer rằng Đảng Tự do của ông đã “chiến đấu đầy quả cảm” và “sẽ lại chiến thắng ở những cuộc bầu cử sắp tới!”.

Vài giờ sau đó, cũng lại bà Le Pen hồ hởi nhắn tin sau thất bại của ông Renzi: “Làm tốt lắm bạn tôi Matteo Salvinimi (lãnh đạo Liên minh phương Bắc)... Người Ý đã tránh xa ông Renzi và châu Âu. Chúng ta phải lắng nghe nỗi khát khao tự do và khát khao bảo vệ những dân tộc (châu Âu)”.

Cuộc bầu cử ở Ý được cho là có tầm quan trọng lịch sử và được so sánh với cuộc bỏ phiếu năm 1946, khi quốc gia này quyết định hủy bỏ nền quân chủ và thiết lập chế độ cộng hòa, hay năm 1974 với việc hợp pháp hóa ly dị.

Nhưng cũng có những nhà bình luận cho rằng cuộc bầu cử ở Ý chỉ đơn giản là nguyện vọng của cử tri về hệ thống chính trị trong nước và các vấn đề quốc nội, chứ không liên quan tới EU.

Điều ban đầu là một cuộc cải cách hiến pháp mã thượng đã trở thành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính quyền và chính Thủ tướng Matteo Renzi - báo Anh The Guardian bình luận - Thất bại của ông Renzi là điều không thể tránh khỏi: một chính quyền đang tại chức đặt cược số phận vào một cuộc trưng cầu ý dân luôn kết thúc trong nước mắt, đã có vô số ví dụ như thế trong lịch sử”.

Như thế, ông Renzi đơn giản không nhận ra rằng người Ý đã quá mệt mỏi với cách đất nước được điều hành, chứ “không phải là cuộc bỏ phiếu chống lại những lý tưởng châu Âu, như một số kẻ dân túy muốn tô vẽ” - Guardian viết tiếp.

Cần lưu ý rằng tờ báo vào loại ảnh hưởng nhất ở Anh này là một tờ cánh tả, nơi cũng đã khẳng định rằng thất bại của ông Hofer ở Áo “là một chiến thắng dứt khoát trước chủ nghĩa dân túy cực hữu”. Trong các kết quả thăm dò dư luận khác, người Áo tỏ ra vẫn thiết tha với EU: chỉ 34% muốn rời khối này, so với 49% ngay sau Brexit.

Nhưng sự ủng hộ đó không phải là tất nhiên và chắc chắn. “Nếu EU muốn tiếp tục sinh tồn, người dân phải được thấy những kết quả - Guardian viết - Họ muốn thấy một gói kích thích kinh tế thuyết phục để chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế và đối phó với tình trạng thất nghiệp ở người trẻ đang lan tràn khắp châu Âu.

Họ muốn sự bảo vệ biên giới và bờ biển đủ mạnh để xử lý các cuộc khủng hoảng người nhập cư. Hơn nữa, họ muốn một EU sẵn sàng can dự hơn để quản trị toàn cầu hóa nhằm mang tới cơ hội cho mọi người”.

Và không chỉ là EU?

Chỉ nhìn hai cuộc bỏ phiếu mới nhất qua lăng kính EU sẽ là không đầy đủ. Ở Áo, cử tri nữ đã đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của ông Van der Bellen: họ bỏ phiếu ủng hộ ông với tỉ lệ 62% (38% bỏ phiếu cho ông Hofer, lãnh đạo Đảng Tự do).

Các thành thị cũng bỏ phiếu cho ứng viên tự do và hội nhập với tỉ lệ 2:1 so với ông Hofer. Kết quả đó là một thông điệp mạnh mẽ cho những ai cho rằng các cử tri khắp châu Âu đang mù quáng đón nhận những quan điểm cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại.

Đó cũng là một sự đảo lộn trật tự với nền chính trị truyền thống: các đảng trung tả và trung hữu vốn đã nắm quyền hàng thập niên qua đều không vào được tới vòng cuối cùng.

Ở Ý, cuộc trưng cầu ý dân cũng là thất bại cho giới chính trị lâu năm. Ông Renzi đã thảm bại với khoảng cách 18 điểm phần trăm, chỉ thắng được ở vùng bầu cử quê nhà Tuscany và hai vùng khác. Phần lớn miền bắc và toàn bộ miền nam Ý bỏ phiếu bác bỏ các đề nghị của ông nhằm trao thêm quyền lực cho chính quyền trung ương với lập luận là thúc đẩy các cải cách kinh tế.

Truyền thống vùng miền rất mạnh của Ý có vai trò trong kết quả này, nhưng có một thực tế là suốt từ năm 1945 đến nay, quốc gia này vẫn chủ yếu là nơi thống trị của các quan điểm cánh hữu.

Việc ông Renzi từ trước cuộc bỏ phiếu tuyên bố sẽ treo sinh mệnh chính trị mình lên đó cũng là một sai lầm chí mạng về vận động, theo các nhà phân tích, bởi cả hai phe đối lập cánh hữu và cánh tả đều nhất trí đoàn kết chống lại ông.

Phe cánh hữu khắp châu Âu đang chờ đợi kết quả này. Họ hi vọng sự sụp đổ của ông Renzi sẽ lại đưa những đảng chống EU cực hữu lên cầm quyền ở Ý, thậm chí khiến nước này rời khu vực đồng euro.

Cả hai kết quả đó không hẳn là không thể diễn ra, nhưng hiện giờ tình hình vẫn tỏ ra ổn định, các thị trường ở châu Âu không biến động nhiều và dân Ý nói chung vẫn còn thiết tha với EU.

Dự án EU hậu chiến tranh đang bị đe dọa theo nhiều cách ở nhiều nước. Không có những cải cách mạnh mẽ, dự án đó có nguy cơ đổ vỡ, nhưng xu hướng hiện giờ vẫn là sự giằng co quyết liệt.

Brexit tất nhiên là một bước lùi lớn cho những người ủng hộ hội nhập, nhưng chính trị ở Anh không có nghĩa chỉ là EU. Tương tự như thế là ở bất cứ nước EU nào khác và chừng nào các hệ thống chính trị còn được vận hành theo đúng nguyên tắc mỗi người một lá phiếu, vẫn sẽ luôn có hi vọng nhìn thấy hướng đi đúng ở cuối con đường.■

Những đảng cực hữu chính ở châu Âu

Đức: Alternative für Deutschland (AfD). Đảng mới thành lập ba năm trước, chống người nhập cư và đồng euro. Vào tháng 9 vừa rồi, đảng này về nhì trong cuộc bầu cử cơ quan dân biểu của bang Mecklenburg-Vorpommern, bang nhà của đương kim Thủ tướng Angela Merkel. Lãnh đạo đảng là Frauke Petry, 40 tuổi.

Pháp: Mặt trận dân tộc (NF). Đảng vận động dựa trên luận điệu chống nhập cư, chống EU, bảo hộ mậu dịch... được thành lập năm 1972, với người sáng lập là những người thông cảm với những người Pháp từng hợp tác với Quốc xã trong chế độ Vichy. Lãnh đạo NF hiện là Marine Le Pen, lên nắm quyền sau khi lật chính cha bà, ông Jean-Marie Le Pen, năm 2011. Bà Le Pen dự kiến ra tranh cử tổng thống vào năm 2017.

Áo: Đảng Tự do. Lãnh đạo là Norbert Hofer, đảng này đã dẫn đầu ở vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 với 35% số phiếu. Khẩu hiệu của đảng là “Nước Áo trên hết” và hiện có 40 ghế trong quốc hội 183 ghế.

Hà Lan: Đảng Tự do. Chống EU, chống Hồi giáo và chống nhập cư, đảng này kêu gọi đóng cửa tất cả các trường học Hồi giáo và yêu cầu đăng ký sắc tộc với mọi công dân Hà Lan. Lãnh đạo đảng là Geert Wilders, được coi là nhân vật cực hữu cực đoan bậc nhất ở châu Âu. Wilders hiện đang phải hầu tòa với cáo buộc kích động thù hận sắc tộc. Đảng có 15 ghế ở Hạ viện Hà Lan, so với 24 ghế sau cuộc bầu cử năm 2010.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận