Những đứa trẻ học kém đi và cú trượt của giáo dục thời COVID

ĐINH THU HỒNG 09/03/2022 20:05 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn và ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất của UNESCO, đã có hơn 1 tỉ (chính xác là 1.254.315.203) trẻ em không được đến trường, chiếm tổng số 72,9% số trẻ đang đi học. Và những đứa trẻ đang học kém đi, sau “cú trượt COVID”.

 
 Các em học sinh trong một buổi làm việc nhóm, học tập theo dự án. Đây là cách học hiệu quả để luyện kỹ năng giao tiếp và trình bày, vốn thiếu và yếu đi sau cú trượt COVID. Ảnh: Hồng Đinh

Trong cùng một tuần vào cuối học kỳ 1, 3/9 đồng nghiệp dạy lớp 3 của tôi đều nhận được học sinh mới. Điểm chung của cả 3 học sinh này là trình độ đọc dưới mức trung bình của khối, thậm chí chỉ còn tương đương trình độ đọc của học sinh lớp 1.

Môn toán cũng vậy. Kỹ năng cộng trừ 3 chữ số có nhớ của các học sinh lớp 3 của tôi năm học này kém hơn nhiều so với học sinh các năm học trước. Mà đây là kỹ năng thuộc về trình độ/tiêu chuẩn trong chương trình học lớp 2.

Chúng tôi họp hành, bàn thảo rất nhiều về sự thụt lùi này trong kết quả học tập của các em, gần như hằng ngày. Không chỉ về sức học, nhiều học sinh còn gặp vấn đề về giao tiếp xã hội. C., một học sinh khá giỏi của tôi, dịp đầu năm học, bỗng trở nên hay ngắt lời người khác, gây tiếng ồn trong giờ học, và không tập trung khi làm bài.

Tình trạng của nhiều em còn tệ hơn C. và 3 bạn học sinh mới nói trên, vì có những em còn chưa được đến trường bao giờ trong vài ba năm nay.

MẤT TRẮNG KIẾN THỨC CỦA 9, 10 THÁNG

Trong một cuộc phỏng vấn của Hãng AP, ông Christopher Morphew, hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục John Hopkins, dùng thuật ngữ “cú trượt COVID” (COVID slide) để chỉ tình trạng học sinh bị tổn thất về học tập do trường học đóng cửa lúc đại dịch: các em mất lượng kiến thức của 9 - 10 tháng, ngày càng bị thụt lùi. Con số này đúng cho cả những em bắt đầu đi học lúc đại dịch và đang đi học trong đại dịch.

Cú trượt này khiến nhiều em, nhất là những học sinh vốn đã yếu kém, bị tụt lại 1 - 2 năm học so với mức trung bình. Các giáo viên và phụ huynh đều chung nhận định: việc học online không hiệu quả và đem lại kết quả mong muốn như học offline (trực tiếp).

Theo khảo sát và phân tích của Công ty McKinsey dựa trên kết quả bài thi i-Ready của 1,6 triệu học sinh tiểu học ở hơn 40 tiểu bang trong nước Mỹ, các học sinh bị chậm lại 5 tháng trong môn toán và 4 tháng trong môn đọc. Việc học dở dang này có một hậu quả lâu dài: những học sinh đó khi trưởng thành sẽ đạt mức thu nhập ít hơn từ 49.000 - 61.000 USD trong suốt quá trình đi làm. Nền kinh tế Mỹ GDP mỗi năm sẽ chịu tổn thất từ 128 - 188 tỉ USD khi các học sinh này tham gia lực lượng lao động.

Ở bậc trung học cơ sở/cấp hai, con số cũng không khả quan. Theo nghiên cứu tiến hành nhiều năm mới được công bố kết quả vào cuối tháng 1 của tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về giáo dục NWEA, điểm số của bài thi MAP (để đo sự tiến bộ trong học tập của học sinh qua 3 môn đọc, toán và khoa học tự nhiên) do 5,4 triệu học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 (cuối cấp hai ở Mỹ) làm trên máy tính trong học kỳ một năm 2021 giảm từ 1/5 - 1/4 trong độ lệch chuẩn của môn toán và 0,09 - 0,18 trong độ lệch chuẩn của môn đọc. Tỉ lệ giảm được so sánh với điểm số của học kỳ một năm 2019, trước khi đại dịch bắt đầu.

Đối với cấp ba, bậc THPT, theo số liệu của Tổ chức EdWeek Education Week, điểm trung bình của bài thi ACT nhằm xét tuyển vào đại học giảm từ 50% (năm 2020, 2019) xuống 46% (2021) trong cả 4 môn tiếng Anh, đọc, toán và khoa học tự nhiên. Điểm bài thi ACT giảm đáng kể dựa trên số liệu thu thập từ 600.000 học sinh cấp ba tại gần 4.000 trường ở 38 tiểu bang do các em đã mất khoảng hơn 3 tháng học ở trường từ ảnh hưởng của đại dịch, bất chấp việc nhiều trường cố gắng dạy trực tuyến. Mất 3 tháng học cũng có nghĩa là số học sinh sẵn sàng cho việc học ở bậc đại học cũng sẽ ít hơn.

Một nhóm trình bày dự án cho môn khoa học xã hội về người dân da đỏ ở Mỹ (Native American Indians). Học tập theo dự án là một trong những cách dạy học phân hoá hiệu quả giúp các em vừa nắm vững nội dung chương trình học vừa rèn luyện những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện… (Ảnh: Hong Dinh) 

 

Theo số liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ, số lượng những vị trí tuyển dụng ngành giáo dục vào nửa cuối năm 2021 tăng lên 75% so với cùng kỳ năm trước. Dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên trong trường học, đặc biệt là những giáo viên dạy toán, khoa học, và giáo dục đặc biệt. Và vì thiếu nhiều giáo viên quá nên nhiều trường đành phải chuyển về học online, lúc cao điểm lên tới 42% tổng số học sinh toàn nước Mỹ, theo thống kê của kênh PBS.

Có những ngày, trường tôi có tới 26 giáo viên nghỉ, chiếm tổng số hơn ¼ số giáo viên toàn trường. Họ không thể trụ lại vì mức lương thấp trong khi những kỳ vọng và trách nhiệm lại cao. Trước mắt, Chính phủ Mỹ, thông qua 1 số đạo luật, cam kết chi hơn 200 tỉ USD cho giáo dục bậc phổ thông K-12 trong 3 năm tới.

CẦN CẢ MỘT NGÔI LÀNG ĐỂ NUÔI DẠY MỘT ĐỨA TRẺ

Theo phân tích công bố tháng 9-2020 của nhà kinh tế học Eric Hanushek (ĐH Stanford), việc học dở dang làm giảm 3% thu nhập trung bình của cả đời người của mỗi học sinh, dẫn đến GDP của Mỹ giảm 1,5% kể từ nay đến cuối thế kỷ 21. 

Nghiên cứu chỉ ra vài nguyên nhân chính: khi trường học đọc cửa, các em thiếu đi sự giảng dạy hiệu quả vốn được cung cấp đều đặn ở trường học; thiếu vắng các hoạt động học tập và sinh hoạt ngoại khóa có tổ chức. Trên thực tế, chỉ có 38% học sinh thực sự học chưa đầy 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Thời gian dành cho tivi, trò chơi điện tử và thiết bị di động tăng lên 5,2 tiếng/ngày.

Làm cách nào để khắc phục việc học dở dang và cú trượt COVID? Ở trường và học khu của tôi, chúng tôi đã đi từ dưới lên trên, bắt đầu từ yếu tố con người.

Nhiệm vụ chúng tôi cần làm đầu tiên là gây dựng lại mối quan hệ với các học trò và phụ huynh. Các em và gia đình cần những lời động viên, tình yêu thương, sự khuyến khích, nhất là sau những tháng ngày thiếu sự tương tác xã hội và cộng đồng. Hiệu trưởng luôn nhắc chúng tôi về việc “check-in” cảm xúc (hỏi han thường xuyên xem mọi chuyện có ổn không và các em cảm thấy thế nào).

Chúng tôi đưa những bài học về giáo dục cảm xúc xã hội (social emotional learning- SEL) vào chương trình học. Học khu tạo ra kho tài liệu các bài học SEL cụ thể, chi tiết cho từng khối lớp và chủ đề của SEL.

Tác giả dạy một bài học KHTN ngoài trời (thu thập số liệu về ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời đến sự vật). (Ảnh: Jasmin Orellana )

 Chúng tôi tập trung vào những điểm mạnh của các em. Các em có thể đã không hoàn thành chương trình toán của năm học trước nhưng các em đã biết cách làm chủ thời gian, hỏi sự giúp đỡ khi cần, biết cách đương đầu/chống chọi với thực tại mới. Các em đã và sẽ mang trở lại trường học sự kiên cường của chính các em.

Chúng tôi được hỗ trợ về tinh thần và chuyên môn. Ban giám hiệu trường tôi luôn gửi thư động viên mỗi thứ hai hằng tuần tới các giáo viên, cung cấp thông tin về cách dạy học thời tiền COVID, tổ chức những khóa tập huấn chuyên môn, và có cả những động viên cụ thể như quà tặng, voucher… Trong đại dịch, học khu Gwinnett của tôi còn có những hỗ trợ tài chính, như những ai tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ được nhận 500 USD, cuối năm được thưởng 1.000 USD; rồi nhiều tiểu bang và học khu tăng lương giáo viên thêm 10%…

Chúng tôi áp dụng phương pháp như dạy học phân hóa để giúp từng em. Học khu chủ động tổ chức hoặc phối hợp với những trường đại học có chương trình đào tạo giáo viên để tạo ra các chương trình phụ đạo miễn phí cho học sinh học kém. Tôi hiện tham gia một trong những chương trình này của học khu l, có tên Saturday school, nhằm hỗ trợ cho các em học sinh học yếu môn toán và văn.

Tất cả những nỗ lực ấy khẳng định điều mà một câu ngạn ngữ châu Phi đã nói “Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”.■

(*) Thạc sĩ giáo dục, giáo viên lâu năm tại học khu Gwinnett (bang Georgia, Mỹ)

Khảo sát cũng của McKinsey, trong tổng số 16.370 phụ huynh, khoảng 80% phụ huynh phần nào lo lắng về sức khỏe tinh thần và sự phát triển cảm xúc xã hội của con kể từ khi đại dịch bắt đầu. Mối lo về sự lạm dụng, ngược đãi cũng rất lớn. Mọi giáo viên và nhân viên của các trường học ở Mỹ đều được tập huấn để trở thành người báo cáo bắt buộc lên hiệu trưởng hoặc các nơi liên quan khi nhận thấy dấu hiệu của sự ngược đãi. Nhưng khi trường học đóng cửa, việc báo cáo này bị hạn chế rất nhiều. Nhiều học sinh đã bị trải qua tổn thương liên tục và chồng chất, không chỉ về học hành mà còn cả tâm lý và sức khỏe.

Các giáo viên cũng đã gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần do căng thẳng mệt mỏi và âu lo cả về sức khỏe của bản thân và gia đình. Trong trường tôi (trực thuộc học khu lớn nhất của tiểu bang với hơn 188.000 học sinh tại 120 trường học), chúng tôi thấy vất vả, bị động khi liên tục phải thay đổi, thực hiện những chính sách mới về phương pháp dạy và học, các phương án đảm bảo an toàn vệ sinh cho bản thân và học trò…

Đầu năm học 2020 - 2021, vào tháng 6, khi học khu khảo sát, có tới 67% phụ huynh chọn cho con đến trường. Sang đầu tháng 7, tình hình thay đổi 180 độ đo tốc độ tăng của số bệnh nhân COVID-19 tại các tiểu bang miền nam, tất cả học sinh phải về nhà học online. Nhưng 2 tuần sau, phụ huynh đến biểu tình rất đông tại văn phòng học khu đòi cho con đi học tại trường. Sang tháng 1-2021, 50 - 70% học sinh đã trở lại trường. Việc tổ chức ăn trưa cũng thay đổi liên tục, năm học này (2021 - 2022), giáo viên chúng tôi lúc thì được yêu cầu cho học sinh ăn trong nhà ăn, lúc lại ăn trong lớp học, nhất là khi biến thể Omicron lan rộng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận