Những giải pháp để tăng mảng xanh 

26/08/2017 01:08 GMT+7

TTCT - Ưu tiên đất cho công viên, quan tâm không gian mặt nước, xanh hóa vỉa hè... là những góp ý của các chuyên gia giúp tăng mảng xanh đô thị

Hàng cây cổ thụ rợp bóng mát trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. -Ảnh: HỮU KHOA
Hàng cây cổ thụ rợp bóng mát trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM. -Ảnh: HỮU KHOA

 

KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Ưu tiên đất di dời cho công viên

Từ những năm 1990 đến nay, nhiều công trình mọc lên nhưng mảng xanh chưa phát triển tương ứng, khiến tỉ lệ cây xanh trên đầu người giảm dần.

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM thời gian qua có nhiều cơ hội “trả lại” mảng xanh nhưng ít nơi làm. Đó là việc di dời các khu nhà xưởng, trụ sở công ty thuộc Nhà nước có diện tích lớn ở khu vực nội thành.

Thay vì dùng những khu đất này để phát triển thêm mảng xanh thì lại tiếp tục xây dựng các cao ốc với mật độ dày đặc.

Hay như nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) với diện tích lên đến 44ha, sau khi di dời lẽ ra dành một thời gian nhất định (ít nhất 10 năm) để trồng cây xanh, làm công viên nhằm “rửa đất”, làm sạch khu vực này thì chúng ta lại tính chuyện đấu giá đất để làm dự án.

Việc trồng cây xanh không chỉ giúp có thêm lá phổi cho TP, mà còn giúp môi trường xung quanh cải thiện tốt hơn do đây là khu vực dân cư đông đúc, chưa có nhiều mảng xanh.

Sau thời gian trồng cây xanh, TP sẽ sử dụng một phần diện tích làm dự án. Đây là điều mà cơ quan chức năng TP.HCM cần cân nhắc khi quy hoạch, đấu giá khu vực này.

Nguyễn Trịnh Kiểm (kỹ sư lâm nghiệp):

Quan tâm đến không gian mặt nước

Cùng với cây xanh, mặt nước sạch tại đô thị cũng góp phần không chỉ về thẩm mỹ mà còn điều tiết vi khí hậu đô thị.

Theo tiêu chí của Nga, diện tích mặt nước sạch được tính bằng 1/2 diện tích cây xanh khi đánh giá mảng xanh đô thị.

Nhưng quá trình đô thị hóa ồ ạt thời gian qua ở các đô thị của VN đã đẩy lùi và thay thế biết bao diện tích cây xanh, mặt nước nơi đô thị.

Theo số liệu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong vòng 15 năm qua Hà Nội đã mất đi 21 hồ trong tổng số 40 hồ (tương đương 850ha, hiện còn 547ha).

Bình quân diện tích cây xanh khoảng 2m2/người ở Hà Nội và TP.HCM là quá thấp so với Paris (Pháp) 10m2/người, Matxcơva (Nga) 40m2/người và các nước Đông Nam Á 8-10m2/người.

Riêng tại Huế, theo một số liệu nghiên cứu, nếu tính cả những khu rừng trong các lăng tẩm triều Nguyễn thì cây xanh lên tới 40m2/người. Vì vậy mà năm 2016 Huế được tổ chức Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) trao bằng công nhận “Thành phố xanh quốc gia” cùng với 17 thành phố khác trên thế giới.

Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố lớn và có những nét đặc trưng riêng, công tác quy hoạch mảng xanh làm sao phát huy hết những ưu thế của những đặc trưng ấy:

Hà Nội với ưu thế của mạng lưới ao hồ dày đặc, còn TP.HCM với hệ thống kênh rạch chằng chịt đang được cải tạo đều là những điểm nhấn khi quy hoạch không gian xanh cho hai thành phố này.

Ông Trần Thiện Hà (phó chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh VN):

Kêu gọi các đơn vị đầu tư

Để phát triển đô thị bền vững, các nhà quy hoạch bao giờ cũng đặt vai trò của việc phát triển mảng xanh đô thị lên hàng đầu.

Tuy nhiên, việc phát triển mảng xanh tại nhiều đô thị ở VN chưa được quan tâm đúng mức. TP.HCM có những dự án chú trọng đến mảng xanh như Phú Mỹ Hưng nhưng những khu như thế vẫn còn ít, chưa tương xứng với sự gia tăng cư dân tại đô thị lớn này.

Có thực tế là khi làm quy hoạch, mảng xanh được vẽ thật đẹp nhưng việc triển khai chậm, không đồng bộ với các công trình nhà ở. Đất cây xanh mà “cắm” ngay khu dân cư đông đúc, phải di dời hàng loạt hộ dân, tiền đâu mà làm?

Ngược lại, những khu vực trống, đang còn là đất nông nghiệp lại ít được chú ý quy hoạch mảng xanh. Một vài nơi chủ trương phát triển cây xanh bằng cách làm dự án nhà ở để có mảng xanh.

Khổ nỗi, khi làm dự án thì nhà đầu tư phải tìm cách giảm diện tích mảng xanh đến mức thấp nhất để có lợi cho mình, nên mảng xanh trên thực tế không còn được như quy hoạch ban đầu.

Chưa nói đến chuyện dự án triển khai nhiều năm đã dành diện tích đất làm mảng xanh, nhưng sau đó lại kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh giảm mảng xanh để phân lô, tiếp tục bán nền!

Với mảng xanh hiện tại, việc cố gắng giữ lại cũng không phải dễ. TP.HCM từng diễn ra những vụ xâm hại cây xanh, đặc biệt những căn nhà mặt tiền đường không thích cây xanh án ngữ trước nhà mình, ảnh hưởng việc kinh doanh nên tìm cách chặt đẽo gốc cây, dùng hóa chất đổ vào gốc cây cho đến chết.

Việc này chưa được ngăn chặn. Dù đã có quy định nhưng việc xử lý người xâm hại cây xanh như đóng đinh, buộc dây vào cây xanh... để quảng cáo chưa hiệu quả.

Để tăng mảng xanh đô thị, cần quy hoạch riêng mảng xanh hoàn chỉnh, tạo quỹ đất và dành kinh phí thực hiện (TP.HCM hơn 10 năm qua quy hoạch mảng xanh chưa xong). Bên cạnh đó, tạo giống cây thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết, những chủng loại hoa phù hợp áp dụng cho vùng miền...

Với đất quy hoạch mảng xanh nhưng chưa có vốn đầu tư, chúng ta có thể kêu gọi các đơn vị đầu tư qua hình thức xã hội hóa, các đơn vị này được tham gia kinh doanh ở vị trí thuận tiện của công viên đó trong thời gian nhất định, được ưu tiên đặt bảng quảng cáo... Điều quan trọng là cơ chế, chính sách hợp lý để kêu gọi đầu tư, phần còn lại làm từ ngân sách nhà nước.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận