Những thông điệp "bền vững" của các nhà tài trợ

TTCT - Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Consulting Group - CG), diễn ra thứ hai 10-12 vừa qua, đã lại nhấn mạnh đến hai từ “bền vững” qua chủ đề bàn thảo quan trọng nhất của nó “đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững”.

Thông điệp đó một lần nữa ngược dòng thời gian để trở lại khuyến cáo “nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô được bền vững” mà hội nghị CG đầu tiên tổ chức ngày 6-12-1996 đã đưa ra.

Cam kết tài trợ gần 6,5 tỉ USD cho Việt Nam
Các nhà tài trợ quan ngại về nợ xấu

Phóng to
Các đại biểu dự hội nghị CG lần cuối. Từ năm 2013, các đối tác phát triển của Việt Nam và đại diện Chính phủ Việt Nam sẽ gặp gỡ trong khuôn khổ hình thức đối thoại mới mang tên Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển cho Việt Nam - Ảnh: H.Giang

Như vậy, cả một chặng đường hợp tác đối thoại giữa hai bên trong gần hai thập niên qua vẫn ghi nhận điểm cốt lõi là nỗi trăn trở về những gì “không bền vững” đã và đang diễn ra trong quá trình tăng trưởng của Việt Nam. Kết thúc 20 năm bền bỉ của các kỳ CG để chuyển qua một giai đoạn hợp tác mới - nơi các bên đối thoại về chính sách cấp cao và hướng tới những hành động cụ thể hơn - các nhà tài trợ vẫn muốn chốt lại ở việc “thống nhất giải pháp nhằm đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững”, như tựa đề thông cáo báo chí về hội nghị này do Ngân hàng Thế giới phổ biến.

Tất nhiên, dị biệt là điều khó tránh khỏi khi có đến mấy chục đối tác khác nhau từ khắp thế giới, từ cấp quốc gia đến các tổ chức quốc tế: nước này có quan niệm tăng trưởng như thế này, nước kia như thế kia, tổ chức nọ như thế nọ... và Việt Nam theo cách thức và chọn lựa riêng của mình.

Những cảnh báo từ lâu của IMF

Năm nay, đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Sanjay Karla, trong góc độ tài chính - tiền tệ - ngân hàng, cho rằng: “Trong một vài năm qua và trước khi có sự suy giảm gần đây, nền kinh tế đã tăng trưởng ở những mức độ không thể duy trì bền vững được lâu trong dài hạn, và đã tích tụ những tổn thương trên suốt chặng đường. Những tổn thương này và những hạn chế về cơ cấu đã làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Sang năm 2013 và sau đó, cần giải quyết những thách thức khó khăn này”.

Đây không phải là lần đầu tiên IMF đề cập sự yếu kém của các ngân hàng của Việt Nam cùng nhu cầu “nắm lại dây cương” các ngân hàng đó.

Trong tổng kết tư vấn tài khóa 2008 của IMF cho Việt Nam đã có thể thấy nhấn mạnh những cảnh báo về những “vulnerabilities” mà thông cáo báo chí hôm 10-12 dịch là “tổn thương”, trong khi trong bối cảnh năm 2008 mới chỉ có ý nghĩa là những điểm yếu có thể gây thương tổn: “Những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng đã nổi lên vào năm 2008. Các ngân hàng có tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (ở mức) cao, và tùy dựa nặng nề nơi dòng vốn ngắn hạn liên ngân hàng, lợi nhuận của các ngân hàng này bị co lại bởi các chi phí vay vốn và lãi suất cho vay cao. Các ngân hàng cổ phần nhỏ hơn được ghi nhận là thương tổn nặng nề nhất...

Nợ xấu tăng gấp đôi lên 3% trong tháng 10-2008 so với cuối năm 2007, và một số ngân hàng đầy triển vọng phải đối diện với một sự gia tăng đáng kể nợ quá hạn do nền kinh tế đang chậm lại...”. Tổ chức tài chính quốc tế này cũng hoan nghênh các cố gắng gần đây nhằm cải thiện việc giám sát ngân hàng, song kêu gọi “có thêm cải thiện nhằm đảm bảo cho các yếu kém dễ gây tổn thương đó có thể được lượng giá đúng lúc và một cách hiệu quả. (IMF) động viên giới hữu trách tiến hành cải cách hệ thống tài chính hơn nữa...”.

Tái cảnh báo cuối năm 2012

Những khuyến cáo từ năm 2008 đó quay trở lại, vì trong CG cuối cùng này vẫn là những quan ngại về nền kinh tế đang suy giảm, và sự không tiến triển mấy trong việc thực hiện lịch trình tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính ngân hàng, và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Các đại biểu dự CG đã thúc giục Chính phủ Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, có những hành động quyết đoán trong chương trình cải cách cơ cấu bao gồm giải quyết nợ xấu, nâng cao (trình độ) quản trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước và trong các ngân hàng, nâng cao tính công khai minh bạch và công bố thông tin về khu vực nhà nước, và kết nối tốt hơn các hoạt động chính sách với các kết quả của tiến trình tái cơ cấu. Khi lưu ý đến điểm sau cùng này, ông Tomoyuki Kimura, giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - nơi đang quản lý số vốn trong các dự án tại Việt Nam lên tới 7,5 tỉ USD - đã bổ sung rằng để thực hiện được việc đó thì Việt Nam “cần tăng cường điều phối liên bộ khi có nhiều kết nối ngành quan trọng thực hiện xuyên suốt chương trình cải cách”.

Từ phía Bộ Kế hoạch - đầu tư của Việt Nam, vấn đề cơ bản là làm sao giải ngân nguồn vốn ODA hiệu quả. “Bởi thế, thời gian tới Việt Nam sẽ ưu tiên nguồn vốn đối ứng ODA lên hàng đầu nhằm giải quyết những khó khăn này”. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi họp báo bế mạc CG 2012 được tổ chức chiều 10-12.

Thế nhưng, từ phía các nhà tài trợ, vấn đề cơ bản đặt ra cho hội nghị lần này lại không phải là ODA. Các đại biểu CG nhất trí về việc chuyển đổi hình thức của CG thành Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam từ năm 2013 trở đi, với tầm nhìn chung nhằm hỗ trợ đối thoại chính sách về các lĩnh vực mà các bên quan tâm giúp tăng cường phát triển kinh tế xã hội theo ngành và nâng cao đời sống của người dân. “Hình thức CG hiện tại được thiết kế từ 20 năm trước chủ yếu nhằm phục vụ mục đích huy động ODA. Hiện nay, phần lớn đối tác phát triển có những cuộc thảo luận về ODA riêng và chức năng huy động ODA là không còn phù hợp nữa” (*).

Tại sao phải "thống nhất giải pháp"?

Vì những góc nhìn còn tương đối khác biệt đó mà “thống nhất giải pháp” được CG lần này tập trung cao độ. Có rất nhiều vấn đề mà các nhà tài trợ nêu ra để tìm giải pháp thống nhất: từ xây dựng nguồn lực lao động kỹ năng cao đến điều chỉnh chính sách đất đai cho mục đích tăng trưởng bền vững.

Về vấn đề này, các đối tác phát triển khuyến nghị thành lập quy trình thu hồi và đền bù đất của Nhà nước bình đẳng, minh bạch hơn và hạn chế những vấn đề nảy sinh trong quá trình thu hồi đất bắt buộc. Bà Pratibha Mehta, điều phối viên của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng: “Đây là cải cách chủ chốt cho tăng trưởng bình đẳng và toàn diện của Việt Nam trong tương lai. Cải cách đem lại cơ hội để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị đất đai của Việt Nam và để đảm bảo rằng cơ chế thị trường được áp dụng trong Luật đất đai, đặc biệt là các vấn đề đền bù cho người sử dụng đất trong quá trình thu hồi đất đai”.

Trong góc nhìn của châu Âu, thông cáo chung của các nhà tài trợ EU nêu những vấn đề các nước này quan tâm khi nhận định “... các thách thức mang tính cơ cấu vẫn còn đó và đang trở nên bức bách hơn bao giờ hết”. EU khuyến cáo Việt Nam trong khi tiếp tục tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô hơn là tăng trưởng ngắn hạn, Chính phủ cần tiến hành những bước cụ thể nhằm giải quyết các yếu kém mang tính cấu trúc, kể cả trong giáo dục...

“Chúng tôi quan tâm theo dõi những tuyên bố chính sách gần đây nhìn nhận nhu cầu cải cách lĩnh vực ngân hàng, và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi thừa nhận rằng sự cải cách đó sẽ gây đớn đau và phải trả giá, cũng giống như trường hợp đất nước chúng tôi vậy. Điều chúng tôi đặc biệt băn khoăn là không thấy “nêu” rõ ràng mục (ngân sách) dự phòng trong ngân sách thường niên dành cho “tái cơ cấu” (là bao nhiêu) hoặc để “đệm” cho các khoản chi bất thường...”.

Một giai đoạn quan tâm cam kết tài trợ bao nhiêu đã qua, như mô tả của đại diện EU: “Hội nghị CG lần này là lần cuối trong kiểu này và đánh dấu chấm hết cho một kỷ nguyên”. Hiểu rõ những thông điệp ấy của các đối tác, đặc biệt là trọng tâm “đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững” sẽ hữu ích hơn cho một Việt Nam khi bước vào một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ và các đối tác về phát triển của mình kể từ năm tới.

“Không có những giải pháp quyết đoán thì chi phí để giải quyết những thách thức này sẽ cao. Ở một số nước, chi phí giải quyết khó khăn trong khu vực tài chính cao đến mức 30-40% GDP. Không có giải pháp kiên quyết, Việt Nam cũng có khả năng gặp rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình với năng lực cạnh tranh thấp, với khả năng quay trở lại tình hình bất ổn định tái diễn làm nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội...

Chúng tôi mong muốn có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam từ việc lập kế hoạch đến triển khai thực tế. Các hành động quyết đoán và tin cậy có thể thu hút các nguồn lực tư nhân cần thiết để bổ sung các nguồn lực hiện có của Chính phủ và đó là nội dung mà chúng tôi và các đối tác phát triển có thể thảo luận để giải quyết những thách thức này”.

____________

(*) Phát biểu khai mạc CG của bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận