Nirut Surasiang: "Việt Nam là quê hương thứ hai..."

SĨ HUYÊN 09/09/2008 18:09 GMT+7

TTCT - “Đứng lên đi. Thua thì làm lại thôi. Bóng đá mà...”. Nirut Surasiang lần lượt ôm chầm từng đồng đội vừa lặp đi lặp lại câu an ủi đó sau trận thua play-off trước Đồng Tháp. An ủi đồng đội nhưng mắt Nirut đỏ hoe, thi thoảng anh quay vội sang nơi khác để gạt nước mắt. Trung vệ lừng danh của đội tuyển Thái Lan và Bình Định trong suốt năm năm qua, không tin được rằng ngày nói lời chia tay của anh với đội Bình Định lại buồn đến vậy.

Phóng to
Đeo bám và truy cản quyết liệt trong màu áo Bình Định
TTCT - “Đứng lên đi. Thua thì làm lại thôi. Bóng đá mà...”. Nirut Surasiang lần lượt ôm chầm từng đồng đội vừa lặp đi lặp lại câu an ủi đó sau trận thua play-off trước Đồng Tháp. An ủi đồng đội nhưng mắt Nirut đỏ hoe, thi thoảng anh quay vội sang nơi khác để gạt nước mắt. Trung vệ lừng danh của đội tuyển Thái Lan và Bình Định trong suốt năm năm qua, không tin được rằng ngày nói lời chia tay của anh với đội Bình Định lại buồn đến vậy.

Sau năm mùa bóng cùng Bình Định chinh chiến ở V-League rồi Champions League châu Á trong cương vị vô địch Cúp quốc gia (2004), Nirut chia tay với đội bóng đất võ để đầu quân cho đội bóng phố núi Hoàng Anh Gia Lai với bản hợp đồng ba năm.

Học tiếng Việt trong hai tháng!

Có khoảng 30 ngoại binh đến thử việc và khoác áo Bình Định trong năm năm qua, nhưng chỉ sót lại có mỗi mình trung vệ Nirut. Đó cũng là cái tên đọng lại rất sâu trong lòng người hâm mộ vùng đất Quy Nhơn nắng gió. Trong hàng loạt tuyển thủ Thái Lan từng đầu quân cho Bình Định như Pipat, Narongchai, Yuthayak, Sarayoot, Issawa... chỉ mỗi Nirut tạo được ấn tượng đáng nhớ nhất.

Trên sân tập anh luôn là cầu thủ mẫu mực, theo trọn giáo án, trong thi đấu anh thường xuyên có mặt ở những điểm nóng để truy cản, bảo vệ khung thành thủ môn Minh Quang, Văn Cường, Vĩnh Lợi hay Văn Phúc. Ngoài đời, Nirut là người đàn ông đáng mến với tính tình hiền hòa, vui nhộn với nụ cười thường trực trên môi. Nét bình dị đáng yêu của Nirut giúp anh sớm chiếm được cảm tình ngay cả với người khó tính nhất.

Điều mà Nirut dễ dàng chinh phục tình cảm người hâm mộ khắp nơi chính là khả năng nói tiếng Việt rất trôi chảy. Không chỉ vậy, anh là ngoại binh duy nhất tính đến thời điểm này có thể viết tiếng Việt đúng chính tả, đọc báo vanh vách và hiểu đến 90% nội dung bài viết! “Từ lóng, từ địa phương hay từ đồng nghĩa là 10% còn lại mà Nirut chưa thể rành rẽ như một công dân Việt Nam thực thụ” - cựu trung vệ thép của Bình Định bẽn lẽn thú nhận như thế.

Gần cuối năm 2003, Nirut đến thử việc ở Bình Định thông qua lời tiến cử của Issawa. Nghe đồng hương Thái Lan nói tiếng Việt như sáo với mọi người xung quanh, Nirut liền bày tỏ ước ao một ngày nào đó anh sẽ làm được như thế. Ngay lập tức, Nirut có ngay hai “thầy giáo”: HLV trưởng Dương Ngọc Hùng cầm tay dạy vỡ lòng từ A-B-C rồi ráp chữ, HLV phó Nguyễn Văn Cường luôn theo sát một bên để bổ túc khả năng nói và cách phát âm chuẩn xác. Không hơn hai tháng từ lúc đặt chân đến Quy Nhơn, anh thừa sức giao tiếp mỗi khi ra phố một mình. Trong chiếc túi xách nho nhỏ luôn kề bên vai của Nirut có vật bất ly thân là các cuốn từ điển Thái - Anh, Việt - Anh, Thái - Việt.

Chịu khó giao tiếp, cộng với năng khiếu thiên phú về ngoại ngữ, tròn một năm sau khi chơi ở V-League Nirut đã có thể nói, viết và đọc trôi chảy tiếng Việt trong sự ngỡ ngàng của đồng đội. Không chỉ vậy, vốn từ tiếng Anh của anh chàng cử nhân khoa marketing Trường đại học Quốc gia Bangkok cũng tăng lên đáng kể nhờ thường xuyên xem phim Việt có kèm phụ đề tiếng Anh.

Nhớ lại thời gian học ngoại ngữ đã qua, Nirut hào hứng nói: “Rút (nickname do cầu thủ Bình Định đặt) cũng không ngờ mình tiến bộ nhanh đến thế, không chỉ tiếng Việt mà cả tiếng Anh nữa đó. Đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Nhiều lúc về thăm nhà, Rút hay xổ hàng tràng tiếng Việt khiến bạn bè và gia đình cười ngặt nghẽo vì không hiểu Rút nói gì. Ba mẹ Rút đùa rằng kiếp trước có lẽ Rút là người Việt. Cũng nhờ vậy mà khi thi đấu, đối phương nói với nhau về chiến thuật Rút đều nghe được cả”.

Lời chia tay buồn

Phóng to
Nirut Surasiang sinh năm 1979 tại tỉnh nông nghiệp Ratchaburi nằm ở miền trung Thái Lan, cách thủ đô Bangkok 80km. Quà sinh nhật đáng nhớ nhất khi lên 5 tuổi là quả bóng da do cha tặng. Là công chức quản lý trong nhà máy đường, nhưng cha Nirut khá am tường về bóng đá. Ông là vị HLV đầu tiên trong sự nghiệp đá bóng chuyên nghiệp của Nirut.

Vừa đi học, vừa chơi bóng đá suốt từ cấp I lên đến đại học. Anh nhận bằng cử nhân marketing vào năm 23 tuổi. Đã lập gia đình và có một con trai 2 tháng tuổi. Từng đoạt chức vô địch Giải đại học Thái Lan vào năm 2001. Trước khi sang Bình Định, Nirut có năm mùa bóng chơi cho CLB nổi tiếng Bec Tero. 84 lần khoác áo đội tuyển Thái Lan, ghi được tám bàn thắng, HCV SEA Games 21. Kỷ niệm đáng nhớ nhất: đối đầu với thần tượng Michael Owen khi Liverpool sang Bangkok đá giao hữu cùng tuyển Thái Lan năm 2002. Vô địch Cúp quốc gia cùng Bình Định vào năm 2004, HCĐ V-League 2005.

Thời gian rảnh thích uống cà phê, tán chuyện cùng người hâm mộ. Khi gặp chuyện không vui thường vào chùa gần sân Quy Nhơn tìm lại cảm giác thăng bằng. Sách về bóng đá luôn được gối đầu giường. Thói quen buổi sáng: nghiền ngẫm tất cả tờ báo có trang thể thao. Sở thích ăn uống: chả giò, Nirut có thể ăn hằng ngày không biết ngán và ít nhất là từ chục cuốn trở lên!

Chiều 30-8, trên sân Quy Nhơn diễn ra trận cầu khá đặc biệt. Đó là trận đấu giữa đội Bình Định gặp đội bóng mang tên “Những người bạn của Nirut”, quy tụ các cựu cầu thủ Bình Định và cầu thủ nghiệp dư. Trận đấu được tổ chức thay lời tri ân về những đóng góp của “Rút” trong năm năm qua. Đó cũng là lần sau cùng anh khoác trên người chiếc áo đỏ truyền thống của đội bóng đất võ.

Nirut nói: “Tôi ra đi không phải vì việc đội bóng rớt hạng. Việc ấy đã được tôi thông báo đến lãnh đạo đội nhiều tháng trước khi kết thúc hợp đồng. Tôi có lỗi khi không giữ trọn lời hứa lúc đặt chân đến đây là mãi mãi đá cho Bình Định đến ngày giã từ đời cầu thủ. Đội bóng thay đổi nhiều quá trong mùa này, từ trưởng đoàn đến HLV rồi cầu thủ. Ngay cả tôi cũng phải ngồi ghế dự bị trong suốt lượt đi vì HLV mới thích cầu thủ Brazil hơn”.

Ngồi ghế dự bị mãi tất nhiên phong độ cũng đi xuống. Mấy tháng qua, Nirut nhiều lần suýt bị mất vị trí trụ cột ở đội tuyển Thái Lan qua các trận vòng loại World Cup 2010. Ở tuổi 29 tràn đầy sinh lực, việc phải ngồi xem người khác thi đấu quả là một cực hình. Cho dù việc ra đi là hợp lý và đúng với quy chế bóng đá chuyên nghiệp, song Nirut không thôi ray rứt với quyết định kém vui ấy, nhất là đúng vào thời điểm chuyện buồn ập đến cùng Bình Định.

Anh nói: “Ăn cơm Bình Định đến mòn răng, vậy mà ước ao được xả thân chơi trận play-off cũng bất thành vì ban huấn luyện không đăng ký tên tôi với ban tổ chức giải từ khi kết thúc lượt đi V-League 2008. Vì lòng tự trọng của một cầu thủ chuyên nghiệp, tôi đành dứt áo ra đi. Mà tôi chỉ chia tay bóng đá Bình Định thôi chứ không chia tay người Bình Định đâu...”.

Vì sao Việt Nam thường thua Thái Lan?

Nhiều người cho rằng việc thua ấy bắt nguồn từ việc có nhiều tuyển thủ Thái Lan chơi ở V-League và hiểu rõ nội tình bóng đá VN. Nirut cực lực phản đối quan điểm đó và cho rằng: “Là người trong cuộc, từng nhiều lần đối đầu với Việt Nam, tôi nói thật là có lúc cầu thủ Thái rất sợ thi đấu với Việt Nam.

Cụ thể là lúc đá tại sân Mỹ Đình ở trận bán kết AFF Cup 2007. Trời thì lạnh, khán giả đầy sân và cuồng nhiệt khiến nhiều cầu thủ trong đội “cóng” giò. Ngay cả đàn anh Kiatisak cũng cho rằng trận ấy khó mà lấy được của Việt Nam 1 điểm.

Vậy mà trận đó và cũng như nhiều trận quan trọng khác ở Tiger Cup hay SEA Games, chúng tôi vẫn giành phần thắng. Đơn giản chỉ vì cầu thủ Việt Nam không có tâm lý vững vàng trong suốt 90 phút, hay nôn nóng, mất sự tập trung vào một khoảnh khắc nào đó nên bị thủng lưới. Và chỉ cần bị thủng lưới trước Thái Lan, cầu thủ Việt Nam không còn giữ được tinh thần thi đấu ngoan cường nữa”.

Năm năm chơi bóng ở V-League, ba cái tên mà Nirut thích nhất và muốn được chơi bóng cùng họ là tiền đạo Công Vinh và cặp trung vệ Như Thành - Huy Hoàng. Nirut cho rằng: “Huy Hoàng mạnh mẽ, Như Thành thông minh, bộ đôi này mà hợp lại cùng nhau thì tuyển Việt Nam có cặp trung vệ tuyệt vời. Tiếc rằng chuyện đó không thành vì Huy Hoàng nói lời chia tay với tuyển Việt Nam. Công Vinh là một trong rất ít chân sút lợi hại nhất của bóng đá Đông Nam Á sau thời Lê Huỳnh Đức, Kiatisak, Bambang Pamuncas (Indonesia)...”.

Trong suốt cuộc trò chuyện, Nirut luôn nhắc đi nhắc lại rằng năm năm chơi bóng đá ở V-League anh đã “được” rất nhiều. Đánh đổi cho gần 2.000 đêm xa mái ấm gia đình là việc Nirut tích cóp được từ tiền lương, tiền thưởng mua đất xây nên căn nhà khang trang rộng hơn 100m2. Nirut thừa nhận rằng nếu năm năm ấy anh vẫn đá bóng ở quê nhà thì thu nhập chỉ tạm đủ sống chứ không thể có của để dành như vậy. “Nhận” được khá nhiều từ Việt Nam, vì vậy Nirut ước ao rằng Hoàng Anh Gia Lai sẽ là CLB cuối cùng mà anh thi đấu đến lúc giải nghệ.

Nirut nói: “Cùng ăn cơm, cùng dùng đũa, cùng chung đạo Phật và cùng chung bản tính hiền hòa, vui vẻ nên Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng. Năm năm sống ở đây, trừ thời gian ngắn ban đầu, tôi ít khi nghĩ rằng mình đang sống xa nhà, xa quê hương. Ở đâu bạn cũng phải làm việc để sống. Ở mảnh đất này, tôi không chỉ được làm việc mà còn nhận được nhiều thứ quý giá khác mà ngay cả ở quê nhà chưa chắc tôi được hưởng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận