TTCT - Lũ chúng tôi, thế hệ “trẻ ranh” mới 16, 17 tuổi của những ngày tháng 4-1975 ấy, nay đã lục tục về hưu, nhưng tiếng dội của khoảnh khắc lịch sử đó như vẫn chưa thôi vang vọng. Bức tranh "Xâu kim" của họa sĩ Trọng Kiệm (1930-1991) vẽ năm 1958. Một “ông già” bước vào lục tuần trong tôi vẫn cứ quanh quẩn cà phê, cà pháo quanh cái công viên trước “dinh Độc Lập”, nơi chàng thanh niên là tôi ngày ấy lần đầu tiên gặp mặt những anh bộ đội miền Bắc vừa “tiến vào Sài Gòn”. Những chiếc tăng T-54 lấm bụi, chiếc xe tải quân sự hiệu Zil của Liên Xô hay Giải phóng của Trung Quốc cũ kỹ và quá hiền lành so với chiếc xe quân sự GMC của quân đội Sài Gòn. Và các người lính ngồi trên nó cũng thế: những chàng lính nông dân còn vương mùi ruộng đất của đồng quê miền Bắc đang bị vây quanh bởi dân trí thức, thị dân Sài Gòn cùng vô số lời hỏi han về chính sách mới của cách mạng. Cuộc cách mạng từ đồng quê Với cái tuổi quân dịch đã cận kề, chúng tôi là thế hệ “xém chết” sau cùng của miền Nam trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Hầu hết chúng tôi - đám thanh niên đô thị thuộc gia đình khá giả - đều có một khai sinh giả: cha mẹ cố tìm cách hạ tuổi của con trai xuống một vài năm, để đẩy xa cái ngày chúng phải đăng lính, với hi vọng còn kịp trước lúc kết thúc cuộc chiến. Và quả còn kịp thật, chúng tôi đã không bị rơi vào cái “gọng kìm ấy của lịch sử”. Và cũng nhờ may mắn ấy, chúng tôi còn giữ được cái nhìn khách quan về những chuyển biến của giai đoạn lịch sử này... Tôi còn nhớ như in một chuyện mình chứng kiến: sáng 1-5-1975, trước dinh Độc Lập, người ta vây quanh bắt chuyện, hỏi thăm mấy chú bộ đội giải phóng về đủ thứ chuyện, về chính sách sắp tới của cách mạng... Một ông trạc tuổi trung niên ngập ngừng: “Thế còn, có hai vợ thì cách mạng xử lý sao?”. Anh bộ đội căng lập trường liền: “Ấy chết, không được, chế độ ta chỉ cho phép một vợ một chồng. Không được!”. Ông khách căng thẳng, đỏ mặt ngập ngừng lắp bắp: “Thế, thế... nếu đã lỡ có rồi... thì sao!!!”. Anh bộ đội ngập ngừng, tình hình có vẻ quá phức tạp so với suy nghĩ hồn nhiên của anh và những bài học chính trị chuẩn bị tiếp quản miền Nam: “Lỡ có rồi à..., thế thì... thôi chứ sao giờ!!!”. Anh chiến binh nông dân với tâm hồn đơn giản bắt đầu tiếp cận với cái xã hội phức tạp, rắc rối và đa chiều gọi là... Sài Gòn. Đối với tôi, câu chuyện toát lên một bản chất thật mà có thể lúc này nhiều người đã quên: Đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn là một đội quân chất phác, hầu hết xuất thân từ nông dân, gan dạ, có kỷ luật, có lý tưởng, chưa hề nhuốm màu kim tiền, danh lợi. Họ là một đội hùng quân có lẽ không khác với đoàn quân lớn lên từ đồng quê Việt như cảm khái của cụ Đồ Chiểu: “Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Họ giống như đoàn quân áo vải cờ đào của khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi hay đoàn nghĩa quân nông dân Tây Sơn của Quang Trung. Dường như, rất nhiều cuộc khởi nghĩa mang tính cách mạng trong lịch sử Việt Nam đều ra đời từ lực lượng chủ chốt này. Khi nghĩ về nét riêng này, ta nhận ra cái thần thái của người Việt từ ngàn đời đều kết tụ ở chốn thôn ổ. Trong chúng ta ai cũng có mùi... phèn. Cả lãnh thổ Việt Nam rộng lớn là kết hợp của những làng quê. Kinh thành Huế vương giả cũng chỉ có cái Thành Nội - mà bản thân nó cũng mang khí sắc của các đình làng lớn - và các làng, xã xung quanh. Hà thành, chốn phồn hoa với 36 con phố quê quê. Sài thành, chỉ có khu Pháp kiều và Hoa kiều là rộn ràng, còn người Việt từ thức giả đến bình dân đều sống quanh các vùng ven Gia Định, Tân Bình, Biên Hòa... Chúng ta thật sự đâu có thành thị. Nên, cái thần thái, trí tuệ, minh triết, sự gan dạ, liều mình vì nghĩa lớn của dân tộc này đều tích tụ ở chốn làng quê. Ngàn đời đã thế, cứ nhớ đến cuộc kháng Pháp mạnh mẽ, triền miên từ những ngày đầu mất nước, đều có gốc rễ từ những “văn thân”: thành phần nho sĩ, chức sắc làng quê, dẫn đầu những “dân lân, dân ấp” ấy. Do đó, sai lầm lớn nhất của các chính thể miền Nam thập niên 1960-1970 là đã đem thành thị đối đầu với nông thôn. Sức mạnh của họ dựa vào giới tiểu tư sản thành thị, mà một phần trong đó có lũ chúng tôi, là một tầng lớp mới, dễ chao đảo, nhiều lý sự, vốn đã bị bứt ra khỏi gốc rễ bám sâu vào sức mạnh thật của dân tộc này. Một sĩ quan biệt kích Mỹ chỉ huy các chiến dịch xâm nhập miền Bắc đã than rằng: “Chúng tôi yêu cầu họ - chính quyền Sài Gòn - gửi những người Việt gan dạ xuất thân từ nông thôn thì họ toàn gửi cho chúng tôi các thanh niên thành thị khó mà chịu đựng nổi cái khắc nghiệt của rừng núi, gian khổ của chiến tranh”. Chính sách xây dựng “ấp chiến lược” vừa là một sai lầm vừa là một sự xúc phạm đến bản chất sâu xa của người Việt: nhốt các làng quê vào sau những hàng rào thép gai, cô lập nông thôn ngăn không cho “cộng sản” xâm nhập, góp phần hủy hoại nền tảng xã hội nông thôn rất căn cơ của đất nước này. Ấp chiến lược là một tham vọng kỳ quặc muốn phá tan hồn cốt của một đất nước nông nghiệp ngàn đời qua. Đừng quên rằng ngay trong thời hiện tại này, chính những người Mỹ “nông dân vùng sâu vùng xa”, tầng lớp “blue collar” (cổ xanh) Mỹ (chỉ người lao động mặc áo công nhân) đã tạo nên một chiến thắng gây ngạc nhiên của ông Donald Trump. Và cho đến lúc này, sau hơn 400 ngày ông ta lãnh đạo nước Mỹ gây bao xìcăngđan, họ vẫn tiếp tục trung thành với ông ta. Truyền thông Mỹ gọi đó là “base” của Trump, tức nền tảng chính cực kỳ trung thành. Nếu nền tảng đó mà là tầng lớp trí thức thành thị, “white collar” (cổ trắng) chỉ người thành thị ăn trắng mặc trơn, thì có lẽ họ đã quay ngược lại loại bỏ ông ta rồi. Nhìn rộng hơn, ở Pháp, ở Đức, ở Nhật..., dù đã công nghiệp hóa, đô thị hóa cao độ, họ vẫn tôn vinh các phẩm chất nông nghiệp của xứ sở mình. Các nông dân, thợ thủ công và cách sống thôn dã vẫn được tôn trọng và học hỏi. Phẩm chất của một cuộc cách mạng Vào lúc này đây, khi gần kết thúc thập niên thứ hai của thế kỷ 21, nhìn thế sự toàn cầu ta bỗng giật mình nhận ra: làm khác ý của các cường quốc, kiên quyết sống theo cách của mình, quả là nguy hiểm: Saddam Hussein của Iraq bị hành quyết, Gaddafi bị kéo lê và đập đến chết trên đường phố Libya, Venezuela bị cấm vận đến bên lề phá sản, Cuba kiệt quệ sau hơn nửa thế kỷ bị cấm vận, Syria tan vỡ hoàn toàn, Iran - đế quốc Ba Tư một thời nay rã rời, cường quốc hàng đầu như Nga bị hết thòng lọng này đến thòng lọng khác liên tục tròng vào cổ... Chưa bàn chuyện đúng sai, nhưng một trong những “tội” của họ là không biết chiều lòng và khom mình xuống trước các cường quốc, vốn luôn liên minh với nhau để giữ thế thống trị. Trong khi, không ít chính thể độc tài khác, vi phạm nhân quyền, kỳ thị phụ nữ, sắc tộc... vẫn an toàn vì luôn chịu phép, thỏa hiệp và biết chi tiền để vận động hành lang. Trong bối cảnh một thế giới hiện đại, kết nối, nhân quyền còn thế, thì hồi thập niên 1940-1950, thời những giá trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc còn thống soái, đất nước nghèo nàn, lệ thuộc chỉ được gọi bằng cái tên An Nam này làm sao có thể được chấp nhận tồn tại khi dám tự tuyên bố độc lập, rồi kháng chiến, rồi vây hãm các chiến binh Pháp ở Điện Biên Phủ, thách thức nước Mỹ - một thế lực lớn đang thống trị toàn cầu? Thế mà họ vẫn làm được và đĩnh đạc tiến vào Sài Gòn tháng tư năm ấy. Tại sao vậy? Theo thiển ý, đó là bởi bản chất cách mạng của cuộc chiến tranh này. Nó không giống với bất cứ kiểu chiến tranh quen thuộc nào của người phương Tây. Nó chọn cách chơi trên một hệ giá trị khác nên người phương Tây không thể tính toán và dùng các hệ giá trị của mình để ăn hiếp nó. Nó chấp nhận kham khổ, đạm bạc và đơn giản. Sống nghèo cùng nhau đến mức chẳng có gì nên cấm vận kinh tế là vô ích. Nó bền bỉ chịu đựng, chịu đòn đến mức gây nản chí cho những anh nhà giàu muốn giải quyết mọi chuyện một lần cho xong để về nhà. Nó vui bằng niềm vui riêng, đói mà vẫn mê thơ, nghèo mà vẫn yêu đương, đi vào cái chết mà vẫn yêu, vẫn nhung nhớ: “Anh lên xe trời đổ cơn mưa / Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ / Em xuống núi, nắng về rực rỡ / Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư”. Nó hồn hậu, ngây thơ, vui chất phác đến mức gây ngạc nhiên cho những người văn minh vốn cần phải có bao nhiêu là thứ mà vẫn thấy... buồn. Sự khác thường ấy của cuộc cách mạng là cách nói với người chưa biết, chứ ai hiểu cái hồn của phẩm chất thôn ổ Việt đều nhận ra nét quen thuộc: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao / Thu ăn măng trúc, đông ăn giá / Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao / Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp / Ngồi xem phú quý tựa chiêm bao. Mấy câu thơ đại diện cho tinh hóa thôn ổ Việt của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một đại quan quay về ruộng đồng làm ẩn sĩ, bày tỏ sự khiêm hạ, minh triết nhưng cũng thực hiện đại. Nhưng người ẩn sĩ ấy lại nắm hết thế sự đương thời, khi khuyên Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi bằng câu: Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân; đồng thời khuyên chúa Trịnh không phế truất nhà Lê để giữ yên đất nước bằng lời nhắn: Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản. Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa Bây giờ lũ chúng tôi đã già, thành thị Việt đã mở rộng hơn, vậy cốt cách của một nông thôn Việt còn lại những gì? Những thức giả của miền thôn ổ cất giữ thần thái của một dân tộc có còn không? Họ có bị cái chất của phồn hoa đô hội lôi mất đi không? Cái dữ dội của đời sống, của tiền tài, của thị trường đã kịp hủy diệt thần thái ấy chưa? Còn nhớ trong lịch sử, vào thế kỷ thứ 5 ở châu Âu, khi “rợ” (barbarian) vùng Bắc Âu tràn vào tàn phá văn minh La Mã, chính kiểu sống tu viện ẩn dật vùng thôn dã do thánh Benedict tạo lập đã lưu giữ cái thần thái của nền văn minh rực rỡ ấy, dần dần truyền đạt trở lại cho xã hội để tiếp nối văn minh Âu châu đến tận ngày nay. Thôn ổ Việt chính là một loại “tu viện” như vậy. Nơi ấy nằm ngoài tầm dòm ngó của mọi đối thủ, mọi phù du, cám dỗ và nằm sâu trong lòng của đất nước, dân tộc. Cho nên, sẽ có tội rất lớn nếu làm suy thoái thần thái, cốt cách của nông thôn và cách sống, cách tư duy của những nông dân kẻ sĩ ấy. Bây giờ nhiều người thành đạt, công danh cao trọng đang lo mua nhà ở Mỹ, lo doanh nghiệp lớn mạnh, giới trẻ hơn thì lo cho đủ bằng cấp ở nước ngoài, kiếm việc để có thẻ xanh, nhiều người trong bộ máy thì lo vun xới quan hệ, lo thăng tiến chức tước, lo tập đánh golf để giao tế... vậy ai sẽ lo cho nơi ẩn náu của mảnh hồn kia? Tôi có vài người bạn là tu sĩ Công Giáo, suốt nhiều chục năm qua, khi mọi người tìm đến chốn phương Tây giàu có, anh và các tu sĩ khác đi về vùng sâu vùng xa của rừng núi thôn dã để đến với người nghèo và thực thi sứ vụ của mình. Tôi cảm động rơi nước mắt khi xem bộ phim tài liệu về các thầy giáo bản làng ở vùng Tri Lễ (Hà Tĩnh), hàng tháng băng rừng, lội suối vào tận các điểm trường hiu quạnh trong rừng sâu để “mang con chữ” đến cho các cháu dân tộc thiểu số. Hình ảnh các thanh niên trẻ trung, thay vì mê mẩn, sùng bái xe hơi, hàng hiệu, nói chuyện Paris, London, New York... lại cặm cụi cắt móng tay cho những học trò bé bỏng ăn mặc sơ sài, hết buổi dạy ra suối bắt cá về cải thiện bữa ăn cho học trò, muốn liên lạc về gia đình thì phải lên đồi cao, đưa điện thoại lên để hi vọng bắt được chút sóng... có lẽ không thua gì các tu sĩ dấn thân hay các thức giả miền thôn ổ mà đại diện là cụ Trạng Trình hay cụ Đồ Chiểu thuở nào. Chúng ta tôn trọng những đóng góp của những người thành đạt, giỏi giang, kinh bang tế thế, nhưng chỉ những người đi gần với nhân dân, đi sâu vào chốn thôn ổ ấy mới chính là những người đầu tiên tạo ra các bước ngoặt cho lịch sử. Tôi lại nhớ về câu chuyện sáng tháng 5-1975 ấy, với anh chiến binh nông dân từ ruộng đồng, rừng núi ngỡ ngàng khi gặp cái phức tạp của Sài Gòn, và ao ước rằng giờ đây thế hệ tiếp nối anh sẽ đi theo một chu trình ngược lại: biết hết cái phức tạp của nó rồi mà vẫn thoát ra, trở về với bản chất hồn hậu, đơn sơ của mình. Bây giờ thế hệ tiếp nối ấy đã trí thức hơn, đã đạt đến một tầm giáo dục cao hơn, đã đi đến năm châu bốn biển, nhưng nó vẫn từ chối đánh mất mình, từ chối luật chơi của đồng tiền và các ảo vọng, nó trở về tham gia vào đời sống đất nước, với một minh triết của kẻ sĩ vùng thôn dã: không màng danh lợi, Ngồi xem phú quý tựa chiêm bao.■ Tags: Nhìn từ một cuộc chiếnPhần hồn thôn ổ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".