TTCT - Những nhiệm vụ và định hướng phát triển khoa học - công nghệ (KHCN) trong các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ được TP.HCM hiện thực hóa bằng các giải pháp cụ thể nào? PGS.TS Phan Minh Tân - giám đốc Sở KHCN TP.HCM, đại biểu dự Đại hội Đảng XI - chia sẻ cùng độc giả TTCT. Phóng to PGS.TS Phan Minh Tân - Ảnh: Quốc Thanh * Ông đánh giá ra sao về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KHCN của TP.HCM thập niên qua? - Những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước xác định vai trò quốc sách, nền tảng, động lực trực tiếp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của KHCN là rất chính xác. Phải cạnh tranh bằng KHCN và tri thức chứ không thể bằng con đường nào khác. Thế nhưng khâu tổ chức thực hiện để khẳng định KHCN là quốc sách thì chưa làm tốt. Nguyên nhân, theo tôi, quan trọng nhất ở chỗ vẫn còn nhiều cấp, ngành chưa nhận thức đầy đủ vấn đề. Nếu nói là quốc sách hay nhiệm vụ then chốt thì phải thể hiện bằng hành động thực tế. Khi quan tâm đến KHCN, người lãnh đạo sẽ có những chỉ đạo rất cụ thể, giải quyết những vướng mắc khó khăn cho KHCN một cách trực tiếp, sát sao. * Cụ thể những vấn đề vướng mắc đối với KHCN nhìn từ TP.HCM là gì? - Rất nhiều, nhưng vấn đề tương đối lớn là cơ chế quản lý KHCN hiện nay rõ ràng không phù hợp với lao động trí óc, với hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Quản lý nhà khoa học, viện nghiên cứu đang theo cách quản lý hành chính bình thường: cán bộ khoa học ở viện nghiên cứu cũng có bậc lương, cũng xét lên lương hằng năm như mọi công chức, các định mức về tài chính cho nghiên cứu không chỉ rất thấp mà còn chịu cách quản lý y hệt cách quản lý vật tư của một công trình xây dựng. Làm khoa học thực chất là đeo đuổi những cái không thể biết trước được... nhưng làm dự toán lại phải kê biên đủ thứ. Như vậy làm nhà khoa học nản lòng. * Việc đó đã được nói đến hàng chục năm qua, liệu có phải đó là sự lúng túng tìm hướng đi cho cách thức quản lý KHCN? - Khi đánh giá vấn đề cần nhìn từ nhiều góc độ. Bây giờ rất cần một sự đổi mới có tính đột phá trong quản lý KHCN bên cạnh những chính sách đối với trí thức, nhà khoa học. Cấp sở như chúng tôi thì không có quyền đưa ra chính sách. Các quy định về định mức, cơ chế chính sách đều là trung ương, là Bộ KHCN soạn thảo. Sở chỉ là cơ quan thực hiện, nhiều khi thấy bất cập, nhiều điều chưa hợp lý rất rõ nhưng mình không có thẩm quyền thay đổi. Nói như vậy không có nghĩa chúng tôi không làm gì hết. Chúng tôi đã xin thành phố một số cơ chế thoáng hơn so với trung ương, nhưng cũng chỉ có một giới hạn nào đó thôi. Vừa qua sở có đề xuất và thí điểm mô hình Viện Khoa học công nghệ tính toán, mời các nhà khoa học Việt kiều về. Chúng tôi đã mất gần hai năm để xin được một cơ chế trong nghiên cứu khoa học khác hoàn toàn so với cơ chế hiện nay. Tôi mong nghị quyết Đại hội XI của Đảng thể hiện đậm nét chủ trương coi KHCN là một trong ba giải pháp đột phá. Nghị quyết của Đảng về giới trí thức khi ra đời thì trí thức rất phấn khởi, thấy rằng Đảng quan tâm nhiều hơn đối với họ. Nhưng sau đó thì lắng xuống, tôi lo lắng nhất vấn đề này. Vì như vậy nghĩa là tổ chức thực hiện nghị quyết chưa mang lại những điều như mong muốn, giới trí thức còn tâm tư về những điều như vậy.* Cơ chế “xin được” ấy khác biệt ra sao, thưa ông? - Đó là cơ chế lương, cơ chế về quản lý tài chính cho các đề tài khoa học. Nó khác biệt ở chỗ: khi làm dự toán đề tài không cần quá nhiều chi tiết, chỉ căn cứ vào sản phẩm (đăng ký) làm ra của đề tài. Ví dụ, viện đặt mục tiêu đề tài phải có ít nhất một bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín trên thế giới (trong hệ thống ISI). Chủ nhiệm đề tài không nhận một đồng nào từ kinh phí cấp cho đề tài, toàn bộ kinh phí ấy để đào tạo, hỗ trợ 3-4 người phụ việc với chủ nhiệm đề tài để nghiên cứu, trao đổi ở các nước và mua sách, phần mềm phục vụ nghiên cứu... Đi vào hoạt động hơn một năm qua, viện đã có hơn 10 bài báo trên các tạp chí hàng đầu thế giới. Gần 40 nghiên cứu sinh đang được đào tạo và 80 Việt kiều đang làm việc theo cơ chế như vậy tại viện. Đầu tư cho viện thời gian qua cũng chỉ mười mấy tỉ đồng, kể cả cho nghiên cứu khoa học, trả lương cho Việt kiều, mua sắm máy tính... Đầu tư như vậy rất rẻ. Qua đây cho thấy tất cả nằm ở câu chuyện cơ chế. Nếu quyết tâm thay đổi cơ chế, tháo gỡ khó khăn sẽ phát huy được đội ngũ và chắc chắn sẽ phải đầu tư nhiều hơn. Mức đầu tư 2% trên tổng chi ngân sách hằng năm thì hiện nay cũng chỉ khoảng 500-600 triệu USD cho cả nước, trong khi một trường đại học ở Copenhagen (Đan Mạch) mà tôi từng đến thăm đã đầu tư cho khoa học khoảng 400 triệu USD/năm. * Liệu có cách làm khoa học theo kiểu “con nhà nghèo” không, thưa ông? - Nghèo thì cũng không thể làm như hiện nay, đầu tư như thế thì không hi vọng có kết quả vượt bậc. Tuy nhiên, quan trọng là không thể trông mong vào ngân sách nhà nước mà doanh nghiệp phải đầu tư vào KHCN. Ở các nước, thường nhà nước chỉ đầu tư 20-30%, còn lại là doanh nghiệp đầu tư. Ở TP.HCM, chúng tôi cũng nhận thức được một điều là do thiếu những chỉ tiêu thật cụ thể nên đã rút kinh nghiệm, xây dựng một loạt chỉ tiêu rõ ràng cho giai đoạn tới, chẳng hạn tăng đầu tư từ ngân sách thành phố cho KHCN lên 20%/năm, tăng đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách thêm 30%/năm. Giải pháp này không khó thực hiện nhưng cần sự đồng thuận của các sở ngành khác. Hiện nay (năm 2011) ngân sách dành hơn 200 tỉ đồng cho KHCN (năm 2009 là 176,7 tỉ đồng, năm 2005 là 105,7 tỉ đồng). Và từ nay, khi thực hiện các đề tài cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp đóng góp là chính, ngân sách chỉ hỗ trợ một phần. Một chỉ tiêu khác là số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích phải đạt bình quân 200 đơn/năm vào năm 2015, 400 đơn/năm vào năm 2020. Hoặc số doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ đạt 60%, với mức đầu tư chiếm 5% lợi nhuận trước thuế vào năm 2015 (tương tự đạt 70% và 8% vào năm 2020). * Nói như vậy, có vẻ như những vướng mắc về tài chính có hướng tháo gỡ và ông hoàn toàn yên tâm về tiềm lực đội ngũ KHCN của TP.HCM - những người sẽ cùng thực hiện những chỉ tiêu này? - Nói về điều này cần thận trọng vì các nhà khoa học cũng dễ tự ái lắm (cười). Nhưng thật sự là thiếu. Nguồn nhân lực có hai vấn đề: thiếu về số lượng (dù chiếm tới 52% số lượng cán bộ KHCN của cả nước), trong những lĩnh vực công nghệ cao lại càng thiếu, nhất là những chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm. Ngay cả sử dụng, phát huy số hiện có cũng chưa tốt, chưa nói đến làm sao thu hút trí thức Việt kiều, đào tạo đội ngũ trẻ. Cuối quý I, chúng tôi sẽ cùng Cục Thống kê thực hiện một điều tra tổng thể về đội ngũ KHCN, xác định lực lượng KHCN trên địa bàn gồm bao nhiêu người, họ có chuyên ngành gì, đang làm việc trong lĩnh vực nào, ở khu vực công hay tư. Như vậy mình sẽ có một số liệu cụ thể về tiềm lực, ít nhất là với đội ngũ có trình độ sau đại học trở lên. Chúng tôi đã giao Hiệp hội Phòng thí nghiệm đi khảo sát khoảng 500 phòng thí nghiệm ở các nơi, như vậy sẽ có hình dung tương đối sát về những gì mình đang có trong tay để đề ra những chương trình hành động phù hợp. Đóng góp thực tế của KHCN để làm ra tiền thì chưa nhiều, vì sự tham gia của các doanh nghiệp vào nghiên cứu KHCN chưa nhiều. Đó chính là hướng mà TP.HCM lấy làm trọng tâm sắp tới: hoạt động KHCN hướng vào doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, tập trung giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cung cấp các dịch vụ tư vấn về công nghệ, giúp họ xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, xây dựng quỹ phát triển KHCN cho doanh nghiệp vay vốn, tổ chức sàn giao dịch công nghệ. Số doanh nghiệp hiện tham gia chưa nhiều một phần do tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin cho họ về những chương trình đó chưa tốt, cách tiếp cận chưa ổn, còn mang tính chất hành chính. Phát triển KHCN hiện nay được TP.HCM xác định là nhiệm vụ chính trị vì đây là động lực cốt lõi và vì đã thấy cách tổ chức thực hiện còn quá dở. Tôi đi xuống các quận huyện nói về KHCN nhiều nhưng thấy rất ít lãnh đạo ngồi nghe, may lắm thì có quận có một vị cấp phó phụ trách kinh tế ngồi nghe một lúc rồi đi. Khi nói đến KHCN, người ta vẫn nói đấy là chuyện “mới mẻ với tôi” trong khi lẽ ra phải quan tâm từ đầu tư bao nhiêu cho KHCN, xem KHCN có gì khó để gỡ. Câu chuyện “nhiệm vụ chính trị” là ở chỗ đó.
Chủ tịch nước: Dân quân tự vệ là lực lượng có vị trí chiến lược NAM TRẦN 26/03/2025 Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định dân quân tự vệ luôn là lực lượng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng và là hình thức tổ chức thích hợp nhất để thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân.
Thủ tướng phát động phong trào 'bình dân học vụ số' NGỌC AN 26/03/2025 Việc phát động phong trào 'bình dân học vụ số' là nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, tạo động lực và truyền cảm hứng bước vào kỷ nguyên mới với tầm nhìn khát vọng lớn.
Họa sĩ gửi tranh ra nước ngoài để triển lãm, đại sứ tự ý lấy làm quà tặng? THIÊN ĐIỂU 26/03/2025 Họa sĩ Trần Gia Tùng cho biết anh gửi bốn bức tranh đến Đại sứ quán Việt Nam tại Anh để bày triển lãm nhưng chỉ được trả lại một bức, các bức khác đại sứ quán đã ‘làm quà tặng cấp cao’ mà không có sự đồng ý của anh.
TP.HCM ban hành kế hoạch làm 355km metro, khởi công metro số 2 vào tháng 12-2025 ĐỨC PHÚ 26/03/2025 Từ nay đến tháng 4, TP.HCM sẽ hoàn thiện thủ tục chuyển đổi nguồn vốn làm metro số 2 sang đầu tư công và khởi công dự án vào tháng 12-2025.