Quảng cáo trên thân xe buýt: Rụt rè cho làm, vì sao?

GIÁNG HƯƠNG THỰC HIỆN 29/06/2014 04:06 GMT+7

TTCT - Quảng cáo trên thân xe buýt sẽ được thực hiện thí điểm tại TP.HCM sau hơn 10 năm nay bị cấm dù luật cho phép. Vì sao cấm? Không chỉ là câu chuyện cơ hội kinh doanh, quảng bá của doanh nghiệp, mà còn là nguyên tắc ứng xử văn minh: người dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Quảng cáo trên thân xe buýt: quản lý rụt rè, doanh nghiệp hào hứng - Ảnh: Quang Định

Trao đổi với TTCT, ông NGUYỄN QUÝ CÁP, phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, giải thích:

- Trước hết cần khẳng định Luật quảng cáo năm 2012 cũng như pháp lệnh về quảng cáo trước đó không cấm quảng cáo trên thân xe buýt. Loại hình quảng cáo này trên thực tế đã được thực hiện tại TP.HCM từ năm 1992, sau đó thì ngưng. Trên thế giới, người ta đã làm hàng trăm năm nay. Tôi và nhiều người trong ngành không hiểu tại sao không cho quảng cáo trên thân xe buýt.

* Hội Quảng cáo TP có nhận được những lời giải thích thỏa đáng về việc cấm quảng cáo trên thân xe buýt?

- Có một số giải thích, nhưng là những giải thích không chính thức từ các cơ quan thẩm quyền và những cá nhân có trách nhiệm. Lập luận cho rằng quảng cáo trên thân xe buýt là hình thức quá bắt mắt khiến người đi đường chú ý mà lơ đễnh trong quan sát, có thể dẫn đến mất an toàn giao thông.

Một lo ngại nữa hay được đề cập là sẽ xuất hiện những hình ảnh quảng cáo không đảm bảo yêu cầu về thuần phong mỹ tục, mỹ quan, hình ảnh gây phản cảm… ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, xã hội.

* Ông có thấy những lo ngại về tác động tiêu cực đến xã hội, cộng đồng là xác đáng nếu cho quảng cáo trên thân xe buýt?

- Tôi nói một cách thẳng thắn rằng Hội Quảng cáo TP đã có nhiều kiến nghị và có những lập luận để giải thích, thậm chí đặt vấn đề với HĐND TP và các sở, ngành, hầu hết đều ủng hộ quảng cáo trên thân xe buýt. Có ý kiến còn cho rằng không nên để phí một loại phương tiện có thể làm dịch vụ và ít nhiều có thể góp thêm nguồn thu cho ngân sách TP.

Do vậy, với những giải thích mà tôi và nhiều người trong ngành đã từng nghe thì cá nhân tôi cho rằng đấy là những giải thích chưa thuyết phục so với thực tế của TP cũng như kinh nghiệm của quốc tế trong lĩnh vực này. Nếu quảng cáo trên thân xe buýt có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến môi trường văn hóa và xã hội, không được cộng đồng chấp nhận, kể cả vấn đề an toàn giao thông, có lẽ nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm hoặc hạn chế.

Còn ngay trong một quốc gia, có luật pháp thống nhất, nhiều tỉnh, thành khác cũng cho quảng cáo trên thân xe buýt. Bởi thế có thể xem những tranh luận về việc cho hay không cho (phép) quảng cáo trên thân xe buýt là câu chuyện của riêng TP.HCM.

Tất nhiên vấn đề vẫn đang bàn có nguyên nhân sâu xa của nó. Tôi nhớ từ năm 2008 đã rục rịch làm đề án, tổ chức nhiều cuộc trao đổi… nhưng sau đó có “lệnh” không cho làm, cuối cùng đề án và nhu cầu này vẫn phải “treo” cho đến nay.

Tôi cho rằng khi có dự định mở chủ trương thì nên tham khảo kỹ các nhà làm dịch vụ để có những cân đối hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu xã hội, nhu cầu kinh doanh và lợi ích chung mang lại trong việc mở chủ trương này. Nên hết sức tránh tình trạng ngồi đó “vẽ” ra những triển vọng, tiềm năng hay hiệu quả…

Nói những điều như vậy để thấy rằng những tranh luận hay đấu tranh bằng lý lẽ cho một loại hình được kinh doanh hợp pháp - quảng cáo trên thân xe buýt - không chỉ vì sự hấp dẫn trong việc tìm kiếm lợi nhuận từ lĩnh vực có thể tham gia làm ăn này.

* Nói như ông có vẻ như loại hình kinh doanh này không phải lúc nào cũng mang đến cơ hội tìm kiếm lợi nhuận kiểu “ăn chắc ba bó một giạ”, nhưng vì sao liên tục có nhiều tranh luận kéo dài trong nhiều năm nay?

- Đương nhiên, mục tiêu của mọi hình thức kinh doanh là hiệu quả kinh tế. Nhưng tôi nghĩ ở đây không có vấn đề gì lớn cả. Trong thị trường quảng cáo, khi có nhiều loại phương tiện để chuyển tải dịch vụ này thì càng tốt cho môi trường kinh doanh nói chung.

Còn hỏi tại sao vẫn đấu tranh, tôi có thể nói rằng luật pháp cho phép quyền kinh doanh quảng cáo trên thân xe buýt nhưng chúng tôi lại không được cho phép. Đó còn là quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Trước tiên phải vì quyền kinh doanh bình thường cái đã, còn khi đã vào trận rồi, nếu gặp khó khăn gì lại là câu chuyện của kinh doanh ở mỗi thời điểm.

Tôi vẫn nói rằng thực tế có nhu cầu của doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo mà còn là nhu cầu chuyển tải thông tin sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

* Về những lo ngại quảng cáo trên thân xe buýt, dù chưa có lý lẽ nào có thể thuyết phục được ông để giải thích cho những lo ngại được đặt ra, nhưng dưới góc nhìn đạo đức trong kinh doanh, theo ông, phải tránh điều gì khi kinh doanh loại dịch vụ này?

- Trước hết, những gì pháp luật cấm thì không được đụng đến. Kế đến, trong ý tưởng sáng tạo phải hết sức cân nhắc những yếu tố không phù hợp với môi trường xã hội, đặc biệt là đối với trẻ em. Đối với một số sản phẩm chưa có quy định cấm quảng cáo nhưng nếu việc quảng cáo đó có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý, hành vi… của trẻ em, người kinh doanh phải hết sức cân nhắc. Không phải cứ có hợp đồng là chấp nhận thực hiện.

Quảng cáo trên thân xe buýt lại là loại phương tiện di động khắp TP, tác động trực quan từ những hình ảnh quảng cáo, màu sắc… cũng không phải nhỏ nên cần được kiểm soát, đảm bảo hài hòa các mặt.

Tôi cho rằng cần mạnh dạn làm, qua thời gian sẽ điều chỉnh những gì cần thiết. Riêng cá nhân tôi vẫn chưa thấy có những tác động gì khiến chúng ta phải e ngại ngoại trừ những điều nên tránh như đã nói trên. Khả năng điều chỉnh đều nằm trong tay mình, có thể điều chỉnh sau mỗi giai đoạn thực hiện.

Theo tôi, nếu không còn gì cản trở nữa và thật ra thời điểm cũng đã chín muồi rồi, hi vọng đầu năm 2015 có thể triển khai quảng cáo trên thân xe buýt. Tôi nghĩ rằng những gì TP hứa thì nên thực hiện theo một lộ trình xác định rõ ràng. Cần mời doanh nghiệp góp ý biện pháp thực hiện phù hợp, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu của cả nhà làm kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp thuê dịch vụ quảng cáo.

* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường quảng cáo trên thân xe buýt?

- Hiện tại ở TP có khoảng 3.000 chiếc xe buýt, dù có được phép quảng cáo trên thân xe buýt ngay ở thời điểm này thì trong giai đoạn đầu nếu làm được khoảng 1.000 xe (có được hợp đồng quảng cáo trên thân xe) đã là một thành công. Theo quy định hiện nay, diện tích quảng cáo trên thân xe buýt bị khống chế 50% thì chưa phải là hấp dẫn lắm.

Sắp tới quy chuẩn quảng cáo ngoài trời được siết lại, sẽ tăng tính hấp dẫn các loại phương tiện quảng cáo khác, trong đó có quảng cáo trên thân xe buýt. Giai đoạn đầu có thể thu được vài chục tỉ đồng từ quảng cáo trên thân xe buýt. Bên cạnh đó cho quảng cáo trên thân xe buýt sẽ có nhiều tác động khác như có thêm phương tiện truyền tải thông tin sản phẩm, gián tiếp kích thích đến các ngành sản xuất, dịch vụ khác.

“TP.HCM có khoảng 300 trạm chờ xe buýt ở nội và ngoại thành. Tôi cho rằng khai thác quảng cáo ở phương tiện này chỉ có thể tập trung ở nội thành và tần suất khai thác khoảng 80%. Tất nhiên, loại phương tiện quảng cáo này vẫn hấp dẫn với lý do trạm chờ được đặt ở những vị trí có nhiều người qua lại. Mặt khác, nơi nào có hợp đồng quảng cáo thì trạm chờ xe buýt nơi đó sẽ được chăm sóc góp thêm hình ảnh mỹ quan đô thị. Đương nhiên, thiết kế và nội dung quảng cáo cần kiểm soát để đảm bảo phù hợp, không gây “sốc” cho môi trường văn hóa, xã hội…“.

Ông NGUYỄN QUÝ CÁP

● Năm 1992, TP.HCM cho phép thực hiện loại hình quảng cáo trên các phương tiện giao thông.

● Năm 2001, pháp lệnh về quảng cáo được ban hành.

● Năm 2002, TP.HCM ra quyết định 108 không cho thực hiện “quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng”.

● Năm 2007, Sở Giao thông vận tải TP.HCM xây dựng đề án cho thuê quảng cáo bên ngoài thành xe buýt (giá dự kiến từ 33-50 triệu đồng/m2 thành xe). Với 3.200 xe buýt, có thể thu về khoảng 100 tỉ đồng quảng cáo/năm.

● Tháng 6-2009, TP.HCM ra quy định “Các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải là vị trí, địa điểm, khu vực cấm hoạt động quảng cáo”.

● Năm 2010, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) có văn bản xác nhận việc cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông tại TP.HCM là trái pháp luật.

● Năm 2011, UBND TP.HCM giao thực hiện đề án “Xây dựng hệ thống thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt”.

● Năm 2013, Luật quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013) nhìn nhận “phương tiện giao thông” là phương tiện quảng cáo được cho phép.

● Ngày 13-6-2014, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã xây dựng đề án quảng cáo bên ngoài thân xe buýt trên địa bàn TP và báo cáo với UBND TP.HCM, thực hiện thí điểm quảng cáo bên ngoài thân xe buýt trên 10 tuyến, với số lượng 156 xe (loại 40-80 chỗ), qua hình thức đấu giá cạnh tranh. Việc thực hiện thí điểm này đang chờ HĐND TP thông qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận