TTCT - Dù nợ công của Việt Nam chưa vượt ngưỡng 65% GDP, nhưng điều đó chưa phải là an toàn trước tình trạng vay nợ hiện nay. Chính phủ đi vay để làm gì? Trao đổi với TTCT, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, phân tích:Trong 10 năm qua, nợ công của Việt Nam đạt mức tăng bình quân gần 18%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến tỉ lệ nợ công trên GDP cũng liên tục tăng, vượt qua các ngưỡng nợ công được quy định trước đây và cũng sắp chạm ngưỡng 65% GDP được Chính phủ đề ra trong Chiến lược tài chính đến năm 2020, cũng như Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài vừa mới được ban hành vào khoảng giữa năm 2012.Nợ công so với GDP cuối năm 2012 được Chính phủ công bố là 55,7%, dù chưa vượt ngưỡng 65% song nhiều người lo ngại nó không phản ánh hết được các rủi ro tiềm tàng của gánh nặng nợ công hiện nay.Mặc dù Việt Nam cũng định nghĩa nợ công theo chuẩn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tức bao gồm nợ chính phủ, nợ chính quyền địa phương và nợ do chính phủ bảo lãnh, nhưng định nghĩa này đã bỏ qua nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - thành phần vốn giữ vai trò quan trọng trong các nền kinh tế chuyển đổi, trong đó có Việt Nam.Trên thực tế, gánh nặng nợ của DNNN ở Việt Nam, ngay cả khi không được Chính phủ bảo lãnh chính thức, một khi vỡ nợ Chính phủ cũng phải can thiệp bằng cách này hoặc cách khác. Chính vì vậy, nếu thận trọng tính cả nợ của DNNN thì tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đã trên dưới 100% GDP, tức khoảng 3,2 triệu tỉ đồng, chưa kể nợ đọng xây dựng cơ bản hiện chiếm khoảng 1,5% GDP, tức 46,7 nghìn tỉ đồng, cũng phải tính vào nợ công.Rủi ro lớn hơn số nợ* Như vậy, đâu là ngưỡng an toàn, thưa ông? - Phải nói rằng con số 65% chưa hẳn được xem là ngưỡng nợ công an toàn. Trên thực tế không có cái gọi là “ngưỡng an toàn” vì nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là chất lượng thể chế. Một nước có chất lượng thể chế tốt thì ngưỡng cảnh báo có thể sẽ cao hơn so với nước có thể chế kém. Ngưỡng cảnh báo của từng quốc gia cũng có tính động chứ không phải tĩnh. Các nước EU, nơi được cho là có chất lượng thể chế tốt hơn Việt Nam, đặt ra ngưỡng nợ công là 60% GDP trong khi Việt Nam lại đưa ra con số 65% thì không rõ dựa trên cơ sở gì. Nói chung, đánh giá nợ công không thể chỉ nhìn vào con số tỉ lệ nợ so với GDP là có thể kết luận. Điều quan trọng là phải nhìn vào các rủi ro mà gánh nặng nợ đó có thể gây ra như thế nào. Bài học ở nhiều nước cho thấy ngay cả các khoản nợ của tư nhân cũng có thể đặt gánh nặng chi phí giải cứu lên vai ngân sách chính phủ.Nếu tính cả thâm hụt ngân sách năm 2013 cũng như kế hoạch năm 2014 là 5,3% GDP, cùng với kế hoạch vay nợ năm 2014 mà Chính phủ vừa thông qua thì hoàn toàn có cơ sở nghi ngại ngưỡng nợ công sẽ sớm bị phá vỡ trước năm 2015 chứ chưa đến năm 2020. * Ông đánh giá rủi ro nợ công của Việt Nam hiện nay đến mức nào? - Rủi ro của nợ quan trọng hơn con số nợ. Đối với Việt Nam, nợ công tiềm ẩn nhiều rủi ro cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Một là, không thấy dấu hiệu quy mô nợ công sẽ được cải thiện cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Qua gần 30 năm đổi mới, không năm nào chúng ta có thặng dư ngân sách để có tích lũy trả nợ cả. Chúng ta chỉ trả nợ bằng cách vay mới trả cũ, tức đảo nợ.Như năm nay, theo kế hoạch vay và trả nợ mà Chính phủ đã phê duyệt, chúng ta dành đến 70.000 tỉ đồng trong số 367.000 tỉ đồng vay mới, tức gần 20% để đảo nợ. Cách trả nợ như vậy không bao giờ là bền vững cả.Hai là, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang bị chậm lại. Nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, nhu cầu mở rộng chính sách tài khóa nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế sẽ càng làm tăng sức ép lên thâm hụt ngân sách và nợ công.Ba là, đầu tư công của chúng ta rất kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng. Việc Chính phủ đi vay nợ để đầu tư thì cũng bình thường nhưng người ta chỉ trích là vì hai lẽ. Thứ nhất: sử dụng vốn vay không hiệu quả để có tiền trả nợ. Thứ hai: nó chèn lấn khu vực tư nhân do đã lấy đi các cơ hội kinh doanh và nguồn lực của khu vực tư nhân.Bốn là, DNNN vay nợ nhiều nhưng lại hoạt động kém hiệu quả dù được trao rất nhiều đặc quyền, lại hoạt động trong môi trường được bảo hộ cạnh tranh. Các khoản nợ của DNNN một phần được bảo lãnh và đã tính vào nợ công, nhưng phần không được bảo lãnh cũng có nguy cơ lớn biến thành nợ công.Năm là, trong cơ cấu nợ công, nợ công nước ngoài chiếm khoảng 30% GDP, trong khi nợ nước ngoài nói chung đã lên đến hơn 41% GDP đang đặt ra nhiều thách thức trong điều hành tỉ giá. Phá giá đồng tiền có thể sẽ có lợi cho xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại nhưng lại làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài tính bằng nội tệ. Đây chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan trong điều hành tỉ giá hiện nay.Sáu là, dù nợ công nước ngoài của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là nợ ưu đãi, chẳng hạn các khoản vay ODA, nhưng vay thương mại cũng đã tăng lên, mà một phần lý do là chúng ta đã chuyển sang nước thu nhập trung bình thấp, chi phí vay nợ cũng sẽ tăng lên.Bảy là, nợ công tăng lên sẽ làm giảm hạng mức tín nhiệm nợ của chính phủ. Nghĩa là chính phủ sẽ phải chi trả lãi suất vay nợ cao hơn. Khi lãi suất chính phủ phải trả tăng lên thì tư nhân không thể tìm được vốn tín dụng giá rẻ. Điều này cũng có nghĩa là tư nhân cũng đang gánh một phần chi phí nợ công cho chính phủ.Tám là, hiện nay mỗi người dân Việt Nam đang gánh bình quân gần 900 USD nợ công. Xét về nhân khẩu học, chúng ta đang ở giai đoạn gọi là dân số vàng. Thế nhưng lợi thế này đã không được tận dụng và khai thác tốt cho chính sách công nghiệp hóa. Năng suất lao động của chúng ta quá thấp để có thể bứt phá ra được bẫy thu nhập trung bình.Khoảng 20-30 năm nữa dân số chúng ta sẽ chuyển sang già hóa, khi đó các áp lực tài khóa, chính sách xã hội và nợ nần sẽ là thách thức rất lớn.Thu nhập tăng, khó khăn cũng tăng* Nợ công tăng nhanh ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân, đặc biệt là người làm công ăn lương?- Nợ công, xét cho cùng, cũng là nợ của người dân. Khi nợ công tăng lên, người dân sẽ nghĩ rằng chính phủ phải tăng thuế trong tương lai, hoặc là thuế thu nhập (hoặc thuế tiêu dùng) hoặc là thuế lạm phát (thuế vô hình làm giảm thu nhập thực của người dân). Khi đó, người dân sẽ thắt lưng buộc bụng để có tiền nộp thuế hoặc để bù đắp sức mua tiêu dùng trong tương lai.Điều này sẽ làm giảm tổng cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, làm suy giảm niềm tin của người dân vào bộ máy chính phủ.Điều quan trọng hơn, nợ công còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân không chỉ trong hiện tại mà còn liên thế hệ. Trước hết, sức ép lạm phát và bất ổn vĩ mô sẽ có tác động phân phối lại thu nhập của xã hội.Theo đó, người lao động làm công ăn lương sẽ chịu thiệt thòi nhất vì tiền lương danh nghĩa của họ thường ổn định ở mức thấp. Nguy cơ phân hóa giàu nghèo sẽ tăng lên, gây sức ép lên việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế và xã hội.* Nợ công và việc sập “bẫy thu nhập trung bình” làm đời sống người dân khó khăn hơn?- “Bẫy thu nhập trung bình” là một khái niệm dùng để chỉ tình trạng một quốc gia sau khi đã đạt ngưỡng thu nhập trung bình rồi, mãi không bứt phá ra được để trở thành nước có thu nhập cao. Nhiều nước bứt phá lên nhóm nước thu nhập cao như Hàn Quốc, Singapore, nhiều nước bị rớt lại như Philippines, Malaysia... Nợ công thoạt nghe có vẻ xa lạ với “bẫy thu nhập trung bình”, nhưng thật ra lại có liên quan dưới góc độ phân bổ nguồn lực và tái phân phối thu nhập của xã hội.Đối với Việt Nam, sẽ là người bi quan nếu nói rằng chúng ta đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” vì Việt Nam mới chuyển sang nhóm nước thu nhập trung bình chưa đầy bốn năm. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể quá lạc quan để nói rằng Việt Nam sẽ không có nguy cơ rơi vào bẫy khi nhìn vào thực trạng kinh tế hiện nay.Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong vài năm qua rất thấp, kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, sức mua yếu... Nếu nhìn vào “cơ ngơi” kinh tế hiện nay cũng như triển vọng cải cách kinh tế, đúng là có cơ sở để lo ngại. Ngay cả khi chưa rơi vào bẫy thì đời sống của một bộ phận lớn người dân cũng đã hết sức khó khăn rồi.Để giải quyết vấn đề này, chỉ cải cách chính sách xã hội là không đủ, mà điều quan trọng là phải đảm bảo các nguồn lực và cơ hội được chia sẻ công bằng hơn giữa mọi người dân.Siết chặt kỷ luật tài khóa, giảm quy mô khu vực kinh tế nhà nước, xóa bỏ đặc quyền của DNNN, cùng với các cải cách thể chế khác không chỉ giúp giải quyết bài toán nợ công mà còn giải luôn bài toán thoát “bẫy thu nhập trung bình” như kinh nghiệm thành công của các nước công nghiệp mới Đông Á.* Xin cảm ơn ông. Tags: GDPNợ côngBẫy thu nhập trung bìnhRủi ro nợ công của Việt NamĐỗ Thiên Anh TuấnGánh nặng nợ của DNNNNgưỡng nợ công an toànKế hoạch vay và trả nợNợ công nước ngoài
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.