Ruộng kề chân núi

PHAN AN 23/04/2016 20:04 GMT+7

Làng nằm ở chân núi. Dãy núi thấp, bên sườn có một trảng đất trống nhìn như con ngựa xám đang phi về phía tay phải. Có người nói đó là ngọn Gành Ngựa, nhưng tôi không chắc.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP


Chỉ biết ai ở xa về, thấy con ngựa xám lẩn khuất trong những cụm mây trắng như khói bay là đà là biết đã gần đến nhà.

Bên kia núi là Quế Sơn. Làng tôi quê mùa cục mịch, không ai biết tới nên không có bài hát nào, nhưng Quế Sơn thì có. Những khi nhớ quê, tôi thường mở Quế Sơn đất mẹ ân tình, nghe ông nhạc sĩ Đình Thậm tả ruộng kề chân núi mà nghĩ đến quê mình.

Quê tôi cũng có ruộng kề chân núi vậy. Như Võ Hồng trong Đi trong bóng lá viết “cũng ruộng, cũng tre, cũng núi”. Rồi ông viết tiếp: “Nhưng đó là quê hương tôi”.

Tôi chưa lên núi bao giờ. Con nít không được đi núi. Chỉ có người lớn mới đi núi. Người lớn đi núi, nắm cơm rắc muối mè bọc trong lá chuối, lưng giắt cái rựa, tay quấn dây thừng, tay cầm đòn xóc.

Họ đi từ gà gáy, tiếng bước chân thình thịch trên đường, vừa đi vừa kêu: “Anh Bốn đi chưa anh Bốn?”. Đến giờ tôi vẫn không biết họ lên núi làm gì. Nhưng độ vài ngày thì họ về, mang theo chùm chà là, chùm dèo hoặc một bao hạt đười ươi. Trái chà là màu đen, ăn ngọt. Hạt đười ươi sần sùi, ngâm nước một hồi thì nở bằng cái bát, ngậm vào miệng thì tan ra.

Hột dèo màu vàng đỏ, nhỏ bằng đầu ngón tay út, nhưng tôi không còn nhớ mùi vị thế nào. Những cái chợ sau này tôi đi qua, từ Bắc vào Nam, không thấy người ta bán dèo. Tôi hỏi ở đây có dèo không, người trong chợ trợn mắt nhìn tôi, tưởng tôi nói ngọng.

Trên núi có trại xẻ gỗ. Tôi biết vậy vì cứ tới mùa lụt nước sông dâng lên, gỗ lại từ thượng nguồn đổ xuống. Cứ tới mùa lụt trời mưa dầm dề, lạnh cắt da cắt thịt, người trong làng lại bơi ghe ra vớt gỗ. Mỗi ghe vậy là hai người, một người đằng mũi, một người đằng lái.

Nhà nào chỉ có một đàn ông thì rủ nhà khác vớt chung. Hai người cởi trần dưới trời mưa dầm dề, lạnh cắt da cắt thịt, cứ luân phiên nhau người chèo người vớt, vớt được gỗ thì bán lấy tiền chia nhau. Có những súc gỗ lớn đã được cưa bào vuông vức, ở góc có đánh dấu mực.

Có những cây gỗ mới róc cành nhánh còn nguyên vỏ. Lại có những tấm gỗ xẻ to như cái bàn, buộc lại với nhau từng mười tấm một bằng dây thừng. Bác họ tôi có năm vớt được mấy khối gỗ như thế, tiền bán gỗ đủ làm lại gian nhà trên.

Nhưng thường thì người ta không vớt được gỗ mà chỉ được dăm cành cây gãy cùng với những rác rều, đợi ngày nắng lên đem ra phơi làm củi đốt. Có năm người ta vớt được xác thợ gỗ chết trôi, trên cánh tay có hình xăm.

Trên núi cũng có thú dữ như voi, cọp nhưng ít. Thường thì chỉ có con mang lúc nửa đêm đi lạc xuống làng. Mỗi lần như vậy cả làng như có động. Người ta đánh kẻng, cái kẻng làm từ mảnh bom sét gỉ treo trên nhánh cây bòng trước ngõ nhà ông Nhứt và người ta cầm đòn gánh, dao cuốc chạy rầm rập. Bọn con nít tụi tôi bị bắt ngồi co ro trên giường, không được thò chân xuống, không được ló mặt ra khỏi nhà.

Tôi học trong sách có dãy Trường Sơn, có bộ đội hành quân xuyên rừng Trường Sơn và núi giăng thành lũy sắt dày. Tôi tưởng tượng dãy núi đầu làng tôi ngày xưa cũng có bộ đội kéo pháo. Thành ra cũng gần như vậy. Thời chiến tranh, quê tôi là vùng cộng sản, bên kia sông là vùng cộng hòa.

Thanh niên quê tôi trốn quân dịch, chạy vào núi. Những người cộng sản trốn càn cũng ở sâu trong núi. Một giờ sáng, cha tôi từ trong núi chạy ra bờ sông, bơi về với mẹ tôi bên kia sông. Ông Hai Biền lúc ấy hình như là tiểu đội trưởng đuổi theo bắn, đạn xiên xuống nước líu ríu. Lính Việt Nam cộng hòa từ bên kia bắn trả.

Cha tôi thoát chết, nhưng từ đó trở đi ông Hai Biền đi khắp nơi trong làng đòi “giết thằng Ngôn” vì tội phản bội cách mạng. Sau này từ lớp 2 đến lớp 5, tôi học chung lớp với thằng Phóng và thằng Quân, hai thằng con sinh đôi của ông Hai Biền. Chị nó tên là Giải, như đã có lần tôi kể.

Nhà tụi nó lụp xụp, chỉ có hai gian, gian dưới là chái bếp, gian trên kê cái chõng tre, trên vách có huy chương kháng chiến, sau nhà là cái ghè nước bơi đầy lăng quăng. Khi cha tôi kể chuyện ông Hai Biền đòi “giết thằng Ngôn vì dám phản bội”, tôi không hiểu cho lắm. Lúc ấy tôi mới bảy tuổi, tôi chưa biết đã có một thời người trong nước giết nhau, rồi người cùng làng cũng đuổi bắn nhau từ trong núi ra đến bờ sông.

Tôi chưa lên núi bao giờ. Kể cũng buồn cười. Tôi đã lớn lên, tuy không phải là dân phượt gì, nhưng dần dà cũng bắt đầu biết đi đây đi đó. Tôi từng đi ngang Ba Vì, qua Hải Vân, vượt Khau Phạ. Vậy mà ngọn núi quê mình tôi còn chưa đến được. Đến cái tên núi tôi còn không biết. Có người nói là Gành Ngựa, nhưng tôi không chắc.

Tôi chỉ biết một cách mơ hồ rằng ai ở xa về, qua ngã tư Ái Nghĩa, qua Đại Cường, lên Đại Minh, đến Đại Thắng, nhìn xa xa thấy con ngựa xám đang phi về phía tay phải là biết đã gần đến nhà. Từ nhà tôi men theo đường cái, đi thẳng hoài sẽ đến chân núi và bên kia núi là Quế Sơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận