TTCT - Những ám ảnh cũ về hợp tác xã có lẽ chưa nguôi ngoai hoàn toàn, dù mô hình này ở Việt Nam đã bước qua thời kỳ suy thoái để phục hưng từ những năm 2000. Đáng nói là đằng sau nỗ lực xóa bỏ những ám thị không hay, thể chế pháp lý cho hoạt động của hợp tác xã đến nay có vẻ vẫn tụt xa so với những bước dài của đời sống xã hội.Nguồn: Liên minh HTX Việt Nam, 2019Từ những con số: Hiểu hợp tác xã là gìTrong nhiều năm, bài giảng về hợp tác xã của tôi thường bắt đầu bằng mô hình kiểu mẫu của Saigon Co.op. Nhưng rồi cũng chỉ có thế. Vì trong số 22.714 hợp tác xã đang hoạt động được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thống kê trong năm 2019, có hơn 31% đơn vị đang hoạt động không hiệu quả.Đáng nói là trong số gần 23.000 hợp tác xã nói trên, có đến gần 15.000 đơn vị là hợp tác xã nông nghiệp và không khó để tìm thấy có cả những hợp tác xã nông nghiệp đang tiếp tục tồn tại trên tàn dư cũ. Ngược lại, số lượng hợp tác xã công nghiệp, dịch vụ và giao thông vận tải chiếm tỉ lệ không nhiều.Đặc biệt, phần lớn trong 85 liên hiệp hợp tác xã vẫn là liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Một lần nữa, Saigon Co.op với số vốn điều lệ hơn 3.000 tỉ đồng (trong khi tổng vốn điều lệ của tất cả các hợp tác xã trong cả nước ước tính đến 31-12-2019 cũng chỉ đạt 37.000 tỉ) trở thành minh chứng điển hình cho sự thành công của hợp tác xã và là điểm nhấn quan trọng trong các chính sách phát triển hợp tác xã trong nhiều năm qua.Nhưng những lùm xùm gần đây trong việc tăng vốn điều lệ của Saigon Co.op cũng là dịp để chúng ta nhìn lại bản chất của hợp tác xã và những bất cập trong khung chính sách, pháp luật về nó.Sự xuất hiện các cơ quan nhà nước bên cạnh câu chuyện của Saigon Co.op không phải để nói rằng Saigon Co.op hay các hợp tác xã khác là doanh nghiệp nhà nước. Hợp tác xã là... hợp tác xã. Liên hiệp hợp tác xã cũng là hợp tác xã và thành viên của nó là các hợp tác xã khác.Khác với mô hình doanh nghiệp và công ty, hợp tác xã là hiện thân chủ đạo cho khu vực kinh tế tập thể. Với chiến lược tăng cường phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (cùng tổ hợp tác) nghiễm nhiên được lựa chọn làm lực lượng nòng cốt.Và bởi mục tiêu đảm bảo tính tập thể, hợp tác xã kiểu mới qua bao nhiêu phiên bản Luật hợp tác xã dần được định hình và luôn được khẳng định là một đơn vị kinh tế “hợp tác tương trợ lẫn nhau... nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã” (điều 3 Luật hợp tác xã 2012). Có thể hiểu theo luật là hợp tác xã tồn tại chủ yếu để gánh vác chính sách an sinh xã hội cho một bộ phận dân cư, thay vì nhắm tới mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế.Vì lẽ đó, có thể lý giải vì sao Nhà nước luôn có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã: quyền sử dụng đất, tài sản cố định, vốn và cả thuế. Hầu hết các tài sản này được cấu thành... tài sản không chia của hợp tác xã. Việc sử dụng tài sản không chia của hợp tác xã vì vậy luôn có sự hiện diện của cả pháp luật và nhà nước.Hợp tác xã hoạt động vì ai?Trong một báo cáo hỗ trợ cho dự án Luật hợp tác xã năm 2012 (hiện còn hiệu lực), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng khẳng định hợp tác xã cần phát triển theo mô hình hướng đến phục vụ xã viên, đặc biệt là hợp tác xã lao động - việc làm, hơn là hoạt động vì lợi nhuận.Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng xu hướng doanh nghiệp hóa trong hoạt động hợp tác xã ngày càng phát triển. Những vấn đề sử dụng vốn, phân chia lợi nhuận và thậm chí chuyện xung đột lợi ích bắt đầu xuất hiện. Những vấn đề này đương nhiên đã được nhìn thấy từ sớm. Chỉ có điều, nhấn mạnh mục tiêu “đảm bảo nhu cầu chung của xã viên” tiếp tục đặt Luật hợp tác xã vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.Mọi thứ sẽ trở nên ổn thỏa nếu như các hợp tác xã phát triển vượt ra kích cỡ của chiếc áo hiện thời buộc phải chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật hợp tác xã đã không chọn con đường đó. Ngược lại, quy định “hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” tiếp tục được duy trì trong Luật hợp tác xã 2012 (điều 3).Đương nhiên, đã là doanh nghiệp thì phải hoạt động theo Luật doanh nghiệp và không thể không vì lợi nhuận. Sự ra đời và tồn tại của SCID, SCD hay Công ty Xuân Hồng, Nam Dương và các doanh nghiệp thành viên của Saigon Co.op lại là minh chứng sống. Vậy thì cuối cùng, đâu mới là mục tiêu thật sự của hợp tác xã?Điều lạ là mô hình này vẫn tồn tại trước sự hiện diện của quy định giới hạn tỉ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã ra bên ngoài cho các đối tượng không phải là thành viên của hợp tác xã hay liên hiệp hợp tác xã.Cụ thể, con số này được xác định là không quá 50%. Có nghĩa 50% còn lại buộc phải được duy trì để dịch chuyển trong nội bộ mỗi hợp tác xã.Thực ra, mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa quan trọng đối với các thành viên hợp tác xã vì nó liên quan đến tỉ lệ phân chia lợi nhuận, ngoài phần phân chia theo tỉ lệ góp vốn. Quy định này càng đặc biệt hơn khi cơ chế “góp sức” và phân chia lợi nhuận theo mức đóng góp đã bị Luật hợp tác xã 2012 xóa bỏ (trừ hợp tác xã lao động). Chỉ có điều, loại bỏ cơ chế đóng góp càng cho thấy mức độ tương trợ trong hợp tác xã có phần thuyên giảm trong tiếp cận của pháp luật về hợp tác xã.Một dạng xung đột lợi íchTrở lại với tài sản không chia của hợp tác xã, Luật hợp tác xã 2012 giới hạn ở quyền sử dụng đất; các khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước; khoản được tặng, cho và vốn, quỹ đầu tư phát triển hay tài sản khác được thống nhất hay được điều lệ quy định là tài sản không chia.Đối với phần tài sản này, pháp luật yêu cầu hợp tác xã chuyển giao lại cho Nhà nước hay các đơn vị khác khi giải thể, chấm dứt hoạt động. Thậm chí, khi thành viên rút khỏi hợp tác xã thì hợp tác xã cũng chỉ trả lại cho họ đúng phần vốn mà họ đã góp.Nhưng dù gì thì giới hạn đó cũng chỉ có ý nghĩa trong trường hợp chấm dứt tư cách xã viên hay khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động.Trước đó, bất kể là loại tài sản gì thì nó cũng là tài sản chung của hợp tác xã, và vì vậy vẫn được sử dụng để tạo nguồn thu. Đương nhiên, điều đó có nghĩa là mọi thành viên của hợp tác xã đều có cơ may hưởng lợi từ nguồn thu dựa trên tài sản mà hợp tác xã có được bằng con đường... miễn phí.Đó là ưu thế lớn của việc tham gia hợp tác xã. Các hợp tác xã càng có khoản hỗ trợ lớn và khoản lợi nhuận khủng từ việc huy động và khai thác tối đa nguồn lực thì càng có hấp lực lớn. Thậm chí, ưu thế này còn hơn hẳn cả việc góp vốn vào các doanh nghiệp.Khác với mô hình doanh nghiệp nhà nước, người tham gia góp vốn bên ngoài thường chỉ có thể trở thành người của công ty sau khi doanh nghiệp đó được cổ phần hóa. Có nghĩa, giá trị phần vốn góp (hay cổ phần) lúc đó được định giá dựa trên cơ sở giá trị doanh nghiệp và giá vốn theo mức giá thị trường.Người mua cổ phần khi đó có thể phải trả số tiền cao hơn con số vốn góp được ghi vào điều lệ và trên giấy chứng nhận góp vốn do phải trả thêm phần giá trị chênh lệch được mang lại bởi chính giá trị của công ty.Với hợp tác xã, dù là hợp tác xã có giá trị vốn hóa rất cao thì thành viên góp vốn vào hợp tác xã bao nhiêu sẽ được ghi nhận bấy nhiêu. Điều đó cũng có nghĩa khi trở thành người một nhà của hợp tác xã, họ có cơ hội được hưởng phần giá trị tăng thêm mà hợp tác xã có được hay tạo ra được từ trước đó.Quay trở lại với bản chất và mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, chúng ta có thể lý giải vì sao quy chế pháp lý của hợp tác xã thiếu hẳn tính đối vốn như các công ty đối vốn khác. Nhưng với khối tài sản và doanh thu quá lớn, không khó để những động cơ ngoài mục đích tương trợ xuất hiện trong các quyết định tham gia hợp tác xã. Những lỗi này nào phải bởi... hợp tác xã, vì tăng vốn và phát triển mạng lưới thành viên không phải là điều bị pháp luật ngăn cấm.Bỏ qua thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc những năm 1950, tính từ thời hoàng kim của hợp tác xã Việt Nam những năm 1980 đến nay, chúng ta đã có gần 40 năm thăng trầm với những biến đổi các mô hình cũ, mới. Nếu tính thời điểm ban hành Luật hợp tác xã cho mô hình hợp tác xã kiểu mới vào năm 1996, Việt Nam cũng đã có gần 25 năm bồi đắp thể chế pháp lý về hợp tác xã.Nhưng biến chuyển thể chế chẳng có gì đáng kể, thậm chí còn làm xuất hiện những ngờ vực về vai trò của chúng trong phát triển kinh tế tập thể. Ít ra, như những gì đã thấy, vì thiếu rõ ràng và dứt khoát, khung pháp lý hiện nay vẫn đang lộ ra nhiều kẽ hở dễ dàng bị lợi dụng và... hợp thức hóa cho một số hành vi và động cơ khác, không chút dính líu gì tới tập thể.■ Tags: Hợp tác xãSaigon Co.opXung đột lợi íchKinh tế hợp tác xã
Ông Medvedev: Nga sẽ đáp trả hạt nhân nếu phương Tây chuyển giao vũ khí này cho Ukraine NGHI VŨ 26/11/2024 Theo ông Medvedev, một khi phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Matxcơva có thể xem đó là một cuộc tấn công vào Nga.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Anh trai vượt ngàn chông gai ra nhóm nhạc; Eun Jung T-Ara du lịch Việt Nam LAN HƯƠNG 26/11/2024 Một số thông tin nổi bật: Anh trai vượt ngàn chông gai chuẩn bị ra mắt nhóm nhạc; Hoa hậu Lê Hoàng Phương lột xác trong Bước nhảy hoàn vũ; Thành viên T-Ara du lịch Việt Nam; Hé lộ sự thật đằng sau Hoa hậu Hoàn vũ 2024.
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.