Sa Pa trước ngã ba đường 

KHÁNH ĐOAN LƯỢC DỊCH 27/10/2017 02:10 GMT+7

TTCT - Đầu tháng 10, những người quan tâm đến du lịch đã bàn tán lao xao quanh một bài viết đăng trên trang A Travellers Journal (http://www.atravellersjournal.com/the-commercialization-of-sapa/) với tựa đề “Thương mại hóa Sa Pa”. Có thể nói đây là một lời cảnh tỉnh cho Sa Pa đang phát triển quá nóng. Chúng tôi xin lược trích bài viết này:

Homestay mọc lên vô tội vạ như
Homestay mọc lên vô tội vạ như "đấm" vào mắt du khách và thiên nhiên. -Ảnh: atravellersjournal.com

 

Bất kỳ ai từng đến Sa Pa đều quen với cảnh bị những “đội quân” phụ nữ, trẻ em mặc trang phục dân tộc thiểu số đeo bám tới cùng với “tính chiến đấu” rất cao, làm như sắp ăn tươi nuốt sống du khách tới nơi. Họ bán những món hàng lưu niệm “thủ công”, nói được tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nga và thậm chí tiếng Ý.

Cùng với dòng du khách đổ tới Sa Pa, thị trấn này đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ người nước ngoài. Những khách sạn, hộp đêm, nhà hàng dành cho người nước ngoài mọc lên chen chúc, chẳng còn thấy những đồng lúa bạt ngàn đâu.

Những điểm nóng du lịch như làng Cát Cát trở thành những khu giải trí đồ sộ, lúc nào cũng thấy cảnh người dân bản địa mặc trang phục truyền thống tìm mọi cách bán hàng lưu niệm cho du khách. Cứ như thế, di sản văn hóa của người dân địa phương nơi đây - điều mà nhiều du khách đến Sa Pa để mong được thưởng thức - lần hồi mất dần.

Ông Phil Hoolihan, người đã cùng với vợ là bà Hoa lập ra tour du lịch sinh thái Sa Pa Ethos, bức xúc: “Bản sắc văn hóa đang dần mất đi và nhiều du khách đến đây đã vô cùng thất vọng.

Tôi đã hỏi ý kiến của 366 du khách đến thị trấn Sa Pa và bản Tả Van hồi tháng 6 vừa qua, trong đó 70% là người nước ngoài. 90% trong số này cho biết rác là thứ họ ngán ngẩm nhất và 69% nói họ sẽ không trở lại Sa Pa nữa”.

Khách sạn mọc lên lổn ngổn khắp nơi dường như vẫn là chưa đủ với Sa Pa. Hiện hơn 9.000 phòng vẫn đang được xây dựng.

Không có nơi nào là bất khả xâm phạm. Ngay cả Fansipan - đỉnh núi cao nhất Việt Nam - cũng không yên thân. Khách du lịch thường đến Sa Pa chỉ trong 2 hoặc 3 ngày rồi đi nên lắm công ty cũng chỉ chăm chăm kiếm tiền nhanh theo kiểu mì ăn liền.

“Phát triển kiểu này là quá thiển cận, chẳng mấy ai quan tâm tới tính bền vững. Sự phát triển xảy ra quá nhanh. Ở một thị trấn không có hệ thống xử lý rác, không có cơ chế kiểm tra các tòa nhà và nước không đạt chất lượng, hậu quả quá lớn đang đè lên người dân địa phương” - Phil nhận xét.

Sức hấp dẫn từ những đồng tiền kiếm được do bán hàng lưu niệm cho du khách khiến nhiều gia đình lôi con ra khỏi trường học, bắt chúng ngày ngày mặc quần áo truyền thống của người H'Mông để thu hút sự chú ý của du khách.

Hậu quả nhãn tiền: tỉ lệ mù chữ ở trẻ em dân tộc thiểu số tăng lên. Chính quyền địa phương cảnh báo là đừng mua hàng lưu niệm do trẻ em bán nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở cảnh báo.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang đổ hàng tỉ USD vào Lào Cai, người dân hi vọng họ sẽ được hưởng chút ít lợi ích. Chị Lý Thị Mỹ, một hướng dẫn viên của Ethos, nói: “Du lịch đã làm cho nơi đây ồn ào hơn và dơ bẩn hơn.

Con đường dẫn tới Lào Cai từng rất hoang sơ, nay thì các tòa nhà mọc lên khắp nơi. Tôi chẳng thích điều này tí nào vì chẳng còn được thưởng thức cảnh đẹp nữa, các dòng sông thì đầy rác”. Nhìn vào tình trạng đường sá ở đây: toàn ổ gà ổ voi do các xe tải hạng nặng chở vật liệu cho các công trình xây dựng quy mô lớn gây ra thì thấy được ngay là chẳng có mấy đồng, nếu có, được đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Cũng có người ủng hộ sự phát triển ở Sa Pa. Du lịch đã mang lại lợi nhuận cho những ai làm việc trong các ngành du lịch và ăn uống.

Với những người này, du lịch đã mang lại ích lợi cho nền kinh tế địa phương. Giàng Thị So, một hướng dẫn viên khác, kể: “Hồi tôi còn nhỏ, gia đình tôi thậm chí chẳng đủ ăn.

Chúng tôi không có dép để mang hoặc quần áo ấm để mặc. Giờ đây du lịch đã giúp tôi mua những thứ cần thiết và con cái tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn tôi trước đây”. Nhưng thực tế là chẳng có mấy người địa phương được tuyển dụng làm việc trong các ngành dịch vụ du lịch.

Theo ước tính của Phil thì đến gần 95% nhân viên dịch vụ là người các tỉnh, thành khác của Việt Nam.

Sa Pa thực sự đang đứng trước ngã ba đường...■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận