Sau luận tội, Trump là bất khả chiến bại ?

ANH QUÂN 24/02/2020 05:02 GMT+7

TTCT - Với những người nghiên cứu đám đông ở Mỹ, phiên xử luận tội tổng thống Andrew Johnson là sự kiện lớn của năm 1868. Các hành lang Thượng viện đông kín người “với những quý bà đáng yêu và nổi bật nhất Washington...có mặt hằng ngày”. Cảnh sát khi đó rất vất vả kiểm soát đám đông tụ tập bên ngoài tòa nhà Capitol “liên tục hỏi, đề xuất và buông những câu đe dọa”.

Hành động xé Thông điệp Liên bang của bà Pelosi đã gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Politico
Hành động xé Thông điệp Liên bang của bà Pelosi đã gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Politico

Nhưng ở tuần cuối cùng của cuộc luận tội Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện Mỹ năm 2020, báo The Economist chỉ thấy duy nhất một người phản đối với tấm biển ghi: “Donald Trump sẽ tè lên bạn”.

Tuần thành công nhất nhiệm kỳ

Nhìn tổng thể, tuần đầu tháng 2 có thể là tuần thành công nhất nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Tỉ lệ ủng hộ ông đang tăng mạnh. Khi các điều trần luận tội bắt đầu hồi tháng 10, tỉ lệ ủng hộ ông theo thăm dò của Gallup là 39%.

Giờ sau khi có kết quả phiên xử luận tội ở Thượng viện (trắng án cả hai tội danh lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội), tỉ lệ này là 49%, cao nhất cả nhiệm kỳ. Nếu duy trì được, ông Trump có thể tái đắc cử tháng 11 tới.

Trên khía cạnh đảng, luận tội có lợi cho phe Cộng hòa và bất lợi cho phe Dân chủ. Theo The New York Times, tỉ lệ ủng hộ phe Cộng hòa giờ là 51%, cao nhất kể từ năm 2005. Giờ nhiều người Mỹ nói họ là đảng viên Cộng hòa hơn là Dân chủ. Gallup cũng đưa ra nhận định khi thông báo kết quả: “Gallup thấy sự thay đổi quan điểm tương tự khi Bill Clinton bị luận tội” năm 1998.

Tới những tuần cuối cùng, luận tội thật ra chưa bao giờ là chủ đề chính trong giới lãnh đạo phe Dân chủ, đừng nói là những người phe Cộng hòa hay các nghị sĩ độc lập. Ai cũng biết các cáo buộc sẽ dễ bị đánh bại với phe Cộng hòa chi phối Thượng viện.

Kết cục phiên xử luận tội giải thích vì sao Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, chính trị gia lão luyện về chiến lược của phe Dân chủ, trong thời gian dài chống lại ý tưởng này: xử tại Thượng viện chắc chắn trắng án, theo sau đó là màn ăn mừng thắng lợi và dùng nó để tranh cử của ông Trump, chỉ số ủng hộ tăng ngay khi cuộc đua bước vào giai đoạn nóng.

Giờ phe Dân chủ sẽ phải quyết định làm thế nào để đi tiếp trong bối cảnh chính trị do chính họ tạo ra. Màn xé Thông điệp Liên bang kịch tính của bà Pelosi hôm 4-2 chỉ cho thấy phần nào khung cảnh đối đầu căng thẳng giữa hai đảng, điều sẽ khiến hợp tác đôi bên khó thêm bội phần.

Nói chuyện với phóng viên tại Nhà Trắng hôm 7-2, ông Trump một lần nữa tranh luận rằng vụ luận tội của ông nên được xóa khỏi hồ sơ của Quốc hội. Ngoài chỉ trích, ông Trump còn cáo buộc lãnh đạo phe Dân chủ mắc “hội chứng loạn trí vì Trump”.

“Họ là ví dụ rất tệ”, ông Trump nói. “Có thể thấy rõ điều đó vào cái đêm (Pelosi) xé bản thông điệp. Rất tệ... rất thiếu tôn trọng với đất nước”. Nhưng dù phải cân nhắc con đường phía trước, cả bà Pelosi và những nghị sĩ Dân chủ kiểm soát ở Hạ viện đều thống nhất về quyết định luận tội ông Trump.

Con đường khó của phe Dân chủ

Đó là quan điểm phổ biến trong nhóm tự do (thiên tả) của phe Dân chủ. Nhiều người cho rằng việc quá chú trọng vào điều tra ông Trump đã giúp phe Cộng hòa phản bác rằng phe Dân chủ bị ám ảnh với việc chỉ lo truy đuổi tổng thống.

Các nhà chiến lược cũng lo việc này sẽ khiến phe Dân chủ chệch hướng, không còn tập trung vào các vấn đề kinh tế căn bản từng giúp họ chiến thắng và giành lại Hạ viện trong bầu cử giữa kỳ năm 2018. “Tôi hi vọng đây chỉ là màn phụ, còn màn chính là hành động vì người dân Mỹ, tập trung vào các vấn đề như y tế, hạ tầng”, hạ nghị sĩ Lou Correa của phe Dân chủ từ California nói.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell của phe Cộng hòa nói phiên tòa được thực hiện theo cách phiên luận tội Clinton, vốn dựa hoàn toàn vào bằng chứng đưa lên từ Hạ viện. Nhưng tình huống hai phiên tòa khá khác nhau.

Bằng chứng chống lại ông Clinton được thu thập trong cuộc điều tra suốt 9 tháng với một đại bồi thẩm đoàn, cho phép các điều tra viên lấy lời khai của cả trăm nhân chứng, hàng nghìn trang tài liệu và cả mẫu máu của tổng thống.

Bằng chứng chống lại ông Trump là một bản ghi lại cuộc điện đàm giữa ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, điều trần từ vài quan chức cấp trung, những người chấp nhận vượt qua lệnh cấm ra điều trần từ Nhà Trắng. Bằng chứng thêm chống ông Trump là bản thảo cuốn sách tự truyện của John Bolton, cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng, mà The New York Times có được.

Những ghi chép này của ông Bolton (người nổi tiếng về ghi chép tỉ mẩn) được cho là bất lợi nhất với ông Trump, nhưng Thượng viện Mỹ đã quyết định không gọi thêm nhân chứng (Nhà Trắng đồng thời muốn cuốn sách không xuất bản với nội dung như hiện tại).

Nhưng cũng cần nói rằng, kể cả khi phe Cộng hòa chạm đáy mới về sự không biết xấu hổ thì phe Dân chủ cũng không hơn gì. Họ lúc này về cơ bản không có ai thật sự vượt trội. Kết quả bầu vòng sơ bộ ở Iowa và New Hampshire cho thấy chưa có ứng viên nào quy tụ được hoàn toàn các phe trong đảng. Với việc tỉ phú Mike Bloomberg đang quyết chi gấp đôi số tiền tranh cử của mình, có vẻ trận chiến bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ sẽ còn kéo dài.

Đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ rơi vào tình huống là họ không thể đề cử thượng nghị sĩ Bernie Sanders (bị coi là quá tả), nhưng cũng rất khó để loại ông Sanders, vì cử tri của ông có thể sẽ bỏ phe Dân chủ để bầu cho phe Cộng hòa.

Chỉ có 53% người ủng hộ Sanders nói họ sẽ bỏ phiếu cho bất cứ ứng viên nào của phe Dân chủ. Và đây không phải là đe dọa suông. Trong ba bang truyền thống nhiều thập kỷ của phe Dân chủ mà Trump thắng năm 2016, cử tri của Sanders mang ý nghĩa quyết định với tỉ phú New York.

Năm 2016 ở Pennsylvania, 117.000 cử tri của Sanders trong vòng bầu sơ bộ sau đó đã bỏ phiếu cho Trump, và Trump thắng ở bang này. Ở Michigan, 48.000 cử tri của Sanders bỏ phiếu cho Trump. Ở Wisconsin là 51.300. Ngắn gọn thì cử tri của Sanders là người giúp Trump chiến thắng, ngay cả khi ông thua số phiếu phổ thông.

Phải nói rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump đang định hình cuộc bầu cử lần này rất thông minh. Năm 2016, ông đưa ra thông điệp đen tối về nước Mỹ như chiến địa trong tranh cử. Diễn văn tại đại hội đảng 2016 của ông toàn là về tội phạm, bạo lực. Nhưng ý chính trong Thông điệp Liên bang mới vừa rồi lại là “bình minh ở nước Mỹ”.

Không ai biết liệu Tổng thống Trump có duy trì được giọng điệu này hay không bởi ông không phải kiểu người lạc quan, hào phóng như Ronald Reagan, hay thông thái, nhẹ nhàng như Barack Obama. Nhưng nếu có thể tiếp tục mãi giọng “dịu dàng” đó, ông Trump có thể thuyết phục được cả những người không ưa ông.

Câu hỏi ý thức hệ

Một thông điệp lớn khác của ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới xoay quanh một câu hỏi cốt lõi: chủ nghĩa tư bản có thật sự hiệu quả không, hay nó đang thất bại? Ông Trump có thể tranh cử trên cơ sở một nghị trình bảo vệ cho chủ nghĩa tư bản, khẳng định rằng nó vẫn hiệu quả.

Ông có nhiều bằng chứng có lợi cho mình: tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, lương trung bình đang tăng, thu nhập của các gia đình đang cao nhất trong lịch sử.

Người Mỹ dường như hài lòng với tình hình hiện tại. Niềm tin vào kinh tế hiện cao hơn cả thời Clinton - vốn được coi là một trong những giai đoạn vàng của kinh tế Mỹ. Theo Gallup, 59% người Mỹ nói họ thấy khá hơn một năm trước. 3/4 người Mỹ kỳ vọng tình hình một năm tới sẽ còn tốt hơn.

Phe Dân chủ, ngược lại, đang xoay quanh thông điệp chủ nghĩa tư bản đang thất bại về mặt nền tảng và nền kinh tế đang tệ hại. Như trang Vox viết gần đây, khi phe Dân chủ được hỏi trong cuộc tranh luận của PBS/Politico về nền kinh tế, câu nói của các ứng viên đều giống nhau.

Joe Biden: “Tôi không nghĩ người Mỹ thật sự thích tình hình kinh tế hiện tại. Hãy nhìn những khu thu nhập trung bình. Tầng lớp trung bình đang bị loại dần”. Pete Buttigieg: “Nền kinh tế này không có lợi cho chúng ta”. Elizabeth Warren: “GDP tăng, lợi nhuận của các tập đoàn tăng, nhưng hàng triệu gia đình trên cả nước không cảm thấy điều này”.

Theo The New York Times, đảng đối lập có thể giành lại được Nhà Trắng kể cả khi kinh tế đang tốt. Nhưng họ sẽ không thể làm điều này bằng cách phủ nhận nền kinh tế tư bản hay bằng cách chối bỏ cảm nhận thực tế của phần lớn người dân Mỹ là kinh tế đang tốt lên.

Vậy vấn đề lần này có thể là gì? Trong cuốn The Moral Consequences of Economic Growth (Những hậu quả đạo đức của tăng trưởng kinh tế), Benjamin Friedman từng tranh luận rằng trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng, các cử tri thường chấp nhận các vấn đề đa dạng hơn, muốn hướng tới các vấn đề công bằng và mở rộng cơ hội.

“Kinh tế tăng trưởng đem lại nhiều giá trị đạo đức”, ông viết. Nếu kinh tế tiếp tục tốt, năm 2020 có thể là năm phe Dân chủ sẽ phải vận động tranh cử trên các giá trị ý thức hệ để có hi vọng đánh bại Trump. ■

Thật sự rất khó đánh bại tổng thống đương nhiệm khi kinh tế đang ổn. Nhà nghiên cứu chính trị của Đại học California ở Los Angeles, Lynn Vavrack, tác giả cuốn The Message Matters, thấy rằng chỉ có ít ứng viên thành công khi tìm được các vấn đề khác ngoài kinh tế mà cử tri cũng rất quan tâm.

Như năm 1960, John Kennedy tranh cử dựa trên vấn đề khoảng cách về tên lửa giữa Mỹ với Liên Xô. Năm 1968, Richard Nixon tranh cử với thông điệp về luật lệ và trật tự. Năm 2016, chính Tổng thống Trump tranh cử nhắm vào tầng lớp trung lưu Mỹ, bị coi là bỏ rơi trong toàn cầu hóa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận