Sáu Quân xây cầu

DUY KHANG 26/03/2009 15:03 GMT+7

TTCT - Mấy ngày nay người dân thôn Huyện Sử ở xã Trí Phải (Thới Bình, Cà Mau) kéo nhau đến nhà Sáu Quân (Nguyễn Văn Quân) ở đầu kênh 7 xem ông cùng đám thợ xây cầu treo bắc qua kênh xáng Chắc Băng.

Cầu treo Chắc Băng được xem như chuyện lạ ở vùng bán đảo Cà Mau, bởi Sáu Quân là người dân đầu tiên ở đây dám làm cầu BOT bằng tiền túi với vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng.

Phóng to
Ông Sáu Quân trên công trường xây dựng cầu treo Chắc Băng

Lớn lên trong gia đình nông dân đông anh em, học đến lớp 9 ông đã nghỉ vì nhà nghèo, đường đến trường lắm khó khăn bởi quá nhiều sông rạch. Làm ruộng, trồng mía đến tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” thì Sáu Quân đi học may để kiếm sống.

Kẻ “phá đám”

Sau khi lấy vợ, Sáu Quân rời Tân Lộc về Huyện Sử cất nhà cặp mé kênh xáng Chắc Băng, nơi giáp ranh đầu kênh 7, để trồng mía trên phần đất cha mẹ cho. Ở đây có một con lộ nhỏ dẫn vào phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực nên Sáu Quân thấy được lợi thế “trên bến dưới thuyền”, bèn bàn với vợ mở tiệm tạp hóa kèm thêm vài bó rau cải, nước uống bán cho bà con trong xóm và khách lỡ đường đi viếng phủ thờ. Thấy vợ chồng Sáu Quân hiền hậu, bán hàng giá rẻ cho bà con theo kiểu lấy công làm lời nên người dân nơi đây ít khi ra chợ, chỉ ghé nhà Sáu Quân mua hàng khiến cuộc sống của hai vợ chồng trẻ trở nên khấm khá dần.

Bán tạp hóa vài năm, Sáu Quân cảm thấy bực mình khi các đại lý bán phân bón ở Huyện Sử năm nào cũng kê giá tăng 20-30% mỗi khi đến vụ lúa, mía. Kế hoạch “phá đám” của Sáu Quân được đề ra. Anh đón tàu rong ruổi lên Cần Thơ tìm các đại lý kinh doanh phân bón lớn nhất đồng bằng xin “cắm” lại sổ đỏ của đám mía sau nhà để mua phân bón... thiếu với số lượng lớn về chia sẻ cho nông dân trong vùng. Thấy anh thật tình, các đại lý phân bón không ngại chuyển xuống cho Sáu Quân hàng trăm bao phân, đến vụ thu hoạch nông sản mới thu tiền mà không tính thêm đồng lãi nào.

Quá phấn khởi, Sáu Quân chạy khắp xóm gọi bà con đến nhà lấy phân về sử dụng, khi nào bán được mía mang tiền đưa anh đi trả. Uy tín của Sáu Quân dần được nâng lên, bà con đốc thúc anh mở đại lý vật tư nông nghiệp để kiếm thêm đồng lời vì thấy anh vất vả liên hệ mua phân bón ở khắp nơi cho họ mà không tính tiền công nên người nào cũng ái ngại. Sau nhiều bận nghĩ suy, Sáu Quân thấy lý lẽ bà con cũng đúng bởi nếu mở đại lý bán phân sẽ có thêm đồng ra đồng vô cho vợ đi chợ, con cái có thêm tiền đi học.

Thế nhưng bán phân bón được vài năm, sức khỏe vợ chồng anh yếu đi bởi hằng ngày phải ngửi mùi phân hóa học, hơi thuốc trừ sâu liên tục. Người mua phân ngày cũng thưa dần do phong trào phá mía, san bằng ruộng lúa để nuôi tôm. Thế là anh dẹp tiệm phân bón, chuyển sang dựng thùng phuy bán xăng dầu ven kênh xáng cung cấp nhiên liệu cho xuồng máy đuôi tôm.

Bán xăng dầu hơn năm năm, Sáu Quân thấy sức khỏe càng tệ hại hơn vì ngày nào cũng trực tiếp ngửi mùi xăng, mụn nước dị ứng nổi khắp người nên anh cũng dẹp luôn tiệm xăng dầu, dồn hết vốn thuê nhà ngoài chợ Huyện Sử kinh doanh... vàng bạc, đá quý. Anh cho biết: “Lúc đầu thấy bán vàng tưởng ngon ăn, nhưng loại này rất khó kinh doanh vì giá lên xuống liên tục. Kinh doanh vàng không bao lâu mà thâm vào vốn nên vợ chồng tôi nghỉ bán vàng, mang tiền mua phà sắt trở lại kênh 7 đưa đò ngang rước khách qua dòng Chắc Băng”.

Phóng to
Kênh xáng Chắc Băng, nơi Sáu Quân xây cầu treo nối liền xã Trí Phải với xã Trí Lực ở huyện Thới Bình, Cà Mau - Ảnh: Duy Khang

Ý chí cầu treo

Ông Võ Hoàng Hiệp - chủ tịch UBND huyện Thới Bình - cho biết: “Chính quyền và nhân dân địa phương rất quan tâm, ủng hộ ông Sáu Quân xây cầu treo giúp Nhà nước giảm bớt gánh nặng xây dựng hệ thống giao thông liên xã, vì nếu xây cầu bêtông kiên cố bắc qua kênh Chắc Băng ngân sách địa phương phải chi trên 40 tỉ đồng. Khi cầu Chắc Băng đưa vào sử dụng, UBND huyện Thới Bình sẽ lập dự án mở rộng đường nối liền quốc lộ 63 vào phủ thờ Bác Hồ để thông xe bốn bánh”.

Có lẽ thấy được lợi ích ấy, hiện nay Sáu Quân đang lập thêm hồ sơ xin chủ trương xây tiếp cầu treo ở xã Tân Bằng bắc qua sông Trẹm. Ý nghĩ táo bạo này chắc chắn sẽ được sự đồng thuận từ các cấp chính quyền địa phương để Sáu Quân tiếp tục nối thêm những nhịp cầu vui ở vùng sông nước Cà Mau.

Chiếc phà sắt Sáu Quân mua hết 10 lượng vàng đưa xuống kênh xáng Chắc Băng làm nhiều người ngạc nhiên, ai cũng bảo Sáu Quân bị... khùng vì đầu tư phà quá lớn nhưng đưa khách qua kênh xáng chỉ thu lại những đồng tiền lẻ.

Sáu Quân không để ý lời cười chê vì anh chỉ nghĩ đến mức độ an toàn của phà mỗi khi gặp gió to, sóng dữ sẽ đảm bảo tính mạng cho khách sang sông. Tuy nhiên, do phà bằng sắt thường xuyên ngâm trong nước mặn nên chỉ năm năm đã mục rệu khi vừa thu hồi được vốn. Thế là anh đóng đò nhỏ bằng gỗ, trang bị phao cứu sinh để ngày ngày đưa rước khách qua dòng Chắc Băng rộng lớn.

Cứ tưởng nghề đưa đò sẽ gắn bó với mình suốt đời nhưng những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, Sáu Quân xem tivi thấy sự cố chìm đò trên sông Gianh ở Quảng Bình mà sởn tóc gáy. Là dân vùng sông nước Cà Mau, anh từng chứng kiến cảnh chìm đò dọc, lật đò ngang nên không muốn thảm cảnh người đi đò qua kênh xáng Chắc Băng phải xa lìa người thân khi thủy thần nổi giận. Trắng đêm suy nghĩ, Sáu Quân quyết định đi Sóc Trăng và An Giang một chuyến để tham khảo mô hình cầu treo bắc qua sông rộng.

Anh cho biết: “Sau chuyến khảo sát, tôi thấy ở Sóc Trăng có cầu treo Hòa Lý và cầu treo Thạnh Trị bắc qua sông lớn do các doanh nghiệp ở An Giang đầu tư rất hiệu quả, giúp người dân qua lại an toàn, tiết kiệm được nhiều thời gian. Còn bên An Giang có đến vài chục cầu treo được thiết kế vững chắc, độ bền trên 20 năm và được láng nhựa để xe bốn bánh qua lại nhưng kinh phí thấp hơn cầu bêtông vài chục lần. Hiện nay ngân sách nhiều địa phương khó khăn nên giao thông còn cách trở, vì vậy vùng sông nước Cà Mau cần lắm những cầu treo do tư nhân đầu tư giúp Nhà nước giảm bớt gánh nặng xây cầu”.

Sau chuyến đi tìm hiểu mô hình cầu treo, Sáu Quân thật sự “thèm” một chiếc cầu treo bắc qua kênh xáng Chắc Băng để người dân Cà Mau dễ dàng đến với vùng căn cứ cách mạng Thới Bình và viếng phủ thờ Bác Hồ bất kể ngày đêm mà không phải lụy đò. Theo Sáu Quân, khó khăn nhất là những trường hợp đau bệnh vào giữa đêm khuya muốn tìm đò qua sông mất rất nhiều thời gian, trong khi mạng sống của người bệnh được tính bằng giây.

Tuy nhiên, số tiền gần 2 tỉ đồng xây cầu treo không nhỏ nên ngoài tất cả tài sản ky cóp được, anh phải hỏi mượn thêm bạn bè trước khi mang hồ sơ trình cơ quan chức năng phê duyệt. Do đây là tuyến sông do Bộ Giao thông vận tải quản lý, mố cầu một bên đấu nối với quốc lộ 63 nên hồ sơ trình Cục Đường sông phải có thiết kế rõ ràng, đảm bảo an toàn và đạt các tiêu chuẩn về độ tĩnh không thông thuyền. Khi nhận được chủ trương đồng ý của UBND tỉnh Cà Mau, Sáu Quân nhanh chóng mời đội “Tam gia cầu treo” ở An Giang sang khảo sát địa hình, lập hồ sơ thiết kế để nhanh chóng xây cầu.

Theo hồ sơ thiết kế, cầu treo Chắc Băng có hình dáng giống như cầu Mỹ Thuận, dài trên 61m, rộng 3m, sàn cầu tráng nhựa đảm bảo xe có trọng tải 3 tấn qua lại dễ dàng với thời gian bảo hành lên đến 20 năm. Bốn trụ cầu được làm bằng 64 cọc bêtông dài 12m cắm sâu xuống đáy kênh xáng. Phía trên cọc bêtông là các trụ bêtông khác cao 5,5m nối liền với trụ thép cao 16m, trên đỉnh có điểm tựa để đỡ 72 sợi cáp đường kính 22 ly treo cả sàn cầu lên cao.

Cuối tháng hai vừa qua, Sáu Quân tiến hành khởi công xây cầu treo trong niềm vui rộn ràng của người dân Huyện Sử. Hằng ngày, ông trực tiếp cùng nhóm thợ hồ địa phương tất bật trên công trường để xây mố, đổ trụ bêtông. Gần chục công nhân của đội “Tam gia cầu treo” cũng đổ quân về Huyện Sử tham gia thực hiện phần dầm thép dưới sự giám sát của “chủ đầu tư” Sáu Quân để cầu kịp hoàn thành vào tháng năm tới đây trong dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Sáu Quân cho biết: “Nhìn theo hồ sơ, tôi liên hệ mua cát, đá, sắt thép sao cho đúng với thiết kế và giám sát anh em trộn hồ, đổ cọc đúng kỹ thuật để cầu đạt chất lượng tốt, sử dụng được lâu dài”. Theo nhẩm tính của ông, hiện nay mỗi năm đưa đò thu về khoảng 150 triệu đồng nhưng thuê hai tài công mất gần 30 triệu, chi phí bảo dưỡng thân phà và tiền dầu mất thêm khoảng 80 triệu đồng nên thu nhập từ nghề đưa đò chia ra bình quân mỗi tháng không được bao nhiêu, mà người dân địa phương lại mất quá nhiều thời gian vàng cho việc chờ đò và đặc biệt là đi công việc về trễ lúc đêm khuya không có đò phải đi vòng đường xa hàng chục cây số.

Cầu treo Chắc Băng hoàn thành, Sáu Quân thu phí giống như đưa đò (2.000 đồng/xe máy, miễn thu phí người đi bộ) nhưng cái lợi trước tiên là người dân không phải chờ đợi đò ngang mất nhiều thời gian, học sinh đến trường nhanh hơn, an toàn hơn và Sáu Quân không phải mất hàng chục triệu đồng mua dầu, thuê tài công mỗi năm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận