Saudi Arabia: Thập niên chi kế...

HUY ĐĂNG 16/08/2023 09:55 GMT+7

TTCT - Vài ngày trước, hai HLV lừng lẫy Jurgen Klopp cùng Pep Guardiola đồng lòng kiến nghị FIFA hạn chế khả năng chuyển nhượng của Giải vô địch bóng đá Saudi Arabia (Saudi Pro League).

Cụ thể, Klopp và Guardiola muốn FIFA thay đổi hạn chót kỳ chuyển nhượng mùa hè của Saudi Pro League, vốn được ấn định là ngày 7-9.

Ronaldo (trái) mở màn cho làn sóng siêu sao đến Saudi Arabia. Ảnh: REUTERS

Ronaldo (trái) mở màn cho làn sóng siêu sao đến Saudi Arabia. Ảnh: REUTERS

Bản sao Trung Quốc

Hạn chót cho mùa chuyển nhượng hè của hầu hết các giải vô địch hàng đầu châu Âu là 1-9. Có thể hình dung rằng khi các CLB châu Âu chốt sổ chuyển nhượng, đó sẽ là thời điểm Saudi Arabia tiếp tục săn ngôi sao. Bóng đá châu Âu sẽ bị đặt vào thế bị động so với nền bóng đá đang trỗi dậy từ thế giới Ả Rập.

Đây không phải lần đầu bóng đá châu Âu gặp khó vì một nền bóng đá châu Á bỗng dưng mạnh tay chi tiền. Khoảng 5 năm trước, Trung Quốc từng khuynh đảo giới túc cầu vì lượng tiền ồ ạt mà các tập đoàn hàng đầu đại lục đổ vào China Super League. Giải vô địch Trung Quốc khi đó có lợi thế nhờ hạn chót kỳ chuyển nhượng đầu năm của họ là cuối tháng 2, trễ hơn châu Âu đến 1 tháng.

Nhưng lúc đó, nhiều người trong giới bóng đá đỉnh cao châu Âu tỏ ra e dè trước tác động của bóng đá Trung Quốc. Dù các CLB China Super League đã chi ra 2 tỉ USD để mua sắm các siêu sao từ châu Âu và Nam Mỹ trong 5 năm, họ dường như mới thổi một làn gió thoảng vào phần ngọn của thế giới bóng đá đỉnh cao. Đại dịch COVID-19 xuất hiện cũng đánh dấu sự suy tàn nhanh chóng của một nền bóng đá "ăn xổi".

Nhưng câu chuyện với Saudi Arabia có thể khác.

Không tính Cristiano Ronaldo, 18 CLB của Saudi Pro League đã thực chi 446 triệu euro để mang về các ngôi sao bóng đá từ khắp mọi miền thế giới, trong đó có 35 cầu thủ từ châu Âu ở kỳ chuyển nhượng hè này. Con số đó không quá đặc biệt so với tổng chi của bóng đá Trung Quốc đã nói ở trên. Nhưng nếu tính cả lương thưởng, dòng tiền mà Saudi Arabia bỏ ra lần này thực sự che mờ Trung Quốc mấy năm trước.

2 năm ở Saudi bằng một đời làm đội trưởng Liverpool

200 triệu euro, 199 triệu euro và 100 triệu euro lần lượt là mức lương mà Ronaldo (Al-Nassr), Karim Benzema và N'Golo Kante (Al-Ittihad) nhận được khi đến Saudi. Jordan Henderson, ngôi sao chỉ vào tầm khá ở Liverpool, cũng nhận mức lương 42 triệu euro/năm khi đến Al-Ettifaq, kèm bản hợp đồng thời hạn 3 năm. 

Xuyên suốt sự nghiệp, tiền vệ người Anh mới kiếm được khoản tiền lương tất cả 70 triệu euro. 2 năm ở Saudi như thế bằng cả sự nghiệp của một ngôi sao mang băng đội trưởng Liverpool.

Thêm một thống kê nữa có thể sẽ khiến người hâm mộ bóng đá choáng váng: Tổng lương 10 ngôi sao hàng đầu Saudi Pro League hiện là 710 triệu euro, nhiều hơn tổng quỹ lương của 20 CLB Serie A mùa giải trước cộng lại - 705 triệu euro!

Đại gia dầu mỏ Saudi đang đổ "tiền tấn" vào bóng đá theo đúng nghĩa đen, và châu Âu đang rơi vào thế bị động, với Real Madrid và Liverpool là hai ví dụ điển hình. Ban đầu, đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha chưa có ý định chia tay Benzema ngay trong hè này, nhưng tiền đạo người Pháp đã nhận được "đề nghị không thể từ chối" từ Al-Ittihad. 

Kết quả là Real buộc lòng phải để anh ra đi, dù tới giờ họ vẫn chưa thể mang Kylian Mbappe về thay thế như dự tính, khi chính ngôi sao này cũng đang được Saudi chèo kéo. Liverpool thì lâm vào khủng hoảng lực lượng nghiêm trọng sau khi Fabinho và Henderson rời đội để chạy theo tiếng gọi đồng tiền. Sau ngày 1-9 tới, mọi chuyện sẽ càng rối loạn hơn.

Người Saudi Arabia hiển nhiên không đổ tiền nhằm làm chao đảo làng bóng đá châu Âu. Họ có một kế hoạch lâu dài. Năm 2027, Saudi Arabia sẽ đăng cai VCK Asian Cup, và hiện đang bắt đầu chạy đua đăng cai World Cup 2034. Ngay từ bây giờ, kế hoạch 10 năm của Saudi Arabia được khởi động.

Bóng đá Saudi Arabia muốn đuổi kịp Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng họ đồng thời cũng nói không với việc gửi cầu thủ xuất ngoại. Không phải vì các ngôi sao Ả Rập không đủ tài năng, mà là do một lệnh cấm với bóng đá Saudi từ 3 thập niên trước, do sợ chảy máu tài năng. 

Dù lệnh cấm đã được gỡ bỏ từ năm 1998, nhưng nó để lại dấu ấn sâu sắc với các lò đào tạo, HLV, quan chức bóng đá và cầu thủ Saudi: họ không muốn tới châu Âu, nơi quá khác biệt về văn hóa, để chơi bóng.

Thế là "nếu ngọn núi không tới với Mohammed thì Mohammed phải lên núi thôi". Cầu thủ Saudi không ra nước ngoài thì Saudi vung tiền để mang châu Âu về Saudi cho cầu thủ của họ được tiếp cận trình độ đỉnh cao. Nếu tiếp tục cường độ mua sắm tương tự trong một năm nữa, số ngôi sao nước ngoài chơi bóng ở Saudi có thể sẽ lên đến hàng trăm. 

Trước đây, Saudi Pro League vốn nổi tiếng là giải đấu "dễ dãi" khi đặt hạn ngạch cho cầu thủ nước ngoài ở mỗi CLB lên đến 7 người. Sau khi Ronaldo xuất hiện, con số này đã là 8. Các CLB Saudi cũng không chịu sự trói buộc của hệ thống Luật công bằng tài chính (FFP) như ở châu Âu.

Không hứa hẹn bền vững

Nhưng liệu một nền bóng đá lỏng lẻo về luật lệ và mơ hồ về thị trường như Saudi Arabia có thực sự phát triển nhờ cầu thủ ngoại? Về chuyên môn, bắt đầu có những nỗi lo rằng một khi cầu thủ ngoại tràn ngập, cơ hội dành cho các ngôi sao bản địa ở Saudi Pro League sẽ thu hẹp dần. Đây là vấn đề mà Trung Quốc từng gặp phải.

Trong khi đó, tác động tài chính từ Ronaldo và các ngôi sao là hết sức mơ hồ. Chính phủ Saudi Arabia tin rằng Saudi Pro League sẽ tăng lợi nhuận từ 120 triệu lên 480 triệu USD mỗi năm vào năm 2030. Nhưng họ lại không đưa ra những dẫn chứng cụ thể về ước tính này. Thực tế cho thấy, cơn sốt vé từ Ronaldo của CLB Al-Nassr đã nhanh chóng hạ nhiệt.

Từ khi sở hữu siêu sao người Bồ Đào Nha, Al-Nassr đã tăng giá vé khoảng 5 lần so với trước đây. Nhưng lượng khán giả đến sân không hề tăng, với mức trung bình 16.000 người/trận thời điểm trước đại dịch tăng lên 16.400 người/trận mùa 2022-2023.

Để so sánh, bóng đá Mỹ tận dụng hiệu ứng siêu sao tốt hơn hẳn. Ngay sau khi Lionel Messi đặt chân đến, nước Mỹ chứng kiến một cơn sốt đúng nghĩa trên sân cỏ lẫn khán đài. Trong trận ra mắt của Messi tại Inter Miami, mức vé trung bình tăng gấp 20 lần, từ khoảng 45 lên 878 USD/vé. 

Giá vé cao nhất thậm chí lên đến 110.000 USD, tương đương một chiếc xe sang. Cả những trận đấu diễn ra trên sân các CLB khác cũng vậy. Ước tính CLB FC Dallas đã thu gần 20 triệu USD khi tiếp Inter Miami của Messi ở vòng 16 đội Leagues Cup 2023 đầu tuần này. Con số đó tương đương 1/3 doanh thu hằng năm của FC Dallas!

Tạp chí Forbes dự đoán giá trị của MLS (giải bóng đá nhà nghề Mỹ) sẽ tăng gấp đôi - từ 600 triệu lên 1,3 tỉ USD sau một năm sở hữu Messi. Đó là một tính toán có cơ sở, trong một giải đấu với các luật lệ về lương bổng và tài chính rất rõ ràng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận