Số phận kỳ lạ của Julian Assange

SÁNG ÁNH 16/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Đã trở thành tù nhân nổi tiếng nhất thế giới, người chuyên tiết lộ bí mật của các chính phủ Julian Assange giờ đang đợi phán quyết từ tòa án ở Anh xem ông có bị dẫn độ sang Mỹ hay không. Số phận kỳ lạ của nhân vật người Úc cho tới giờ đã đi vào những khúc quanh không ai ngờ tới, và tương lai thậm chí còn khó đoán hơn nữa với ông.

Ngày 12-7-2007, tại khu phố tên là Tân Baghdad của thủ đô Iraq, hai trực thăng võ trang AH 64 Apache được gọi đến lúc 9h53 để yểm trợ và dọn đường cho một đoàn xe quân đội Mỹ di chuyển bên dưới. 

Họ phát hiện một nhóm người mặc quần áo dân sự và dáng điệu thảnh thơi, trong đó có một người đeo AK47 và một người đeo tên lửa. 

Chú thích cho bạn đọc: Tại Iraq cũng như một số quốc gia Trung Đông Yemen, Lebanon hay Syria, nhà nhà, người người đều có AK47, và lúc nhiễu nhương chòm xóm xách súng ra đầu ngõ đứng là chuyện bình thường, không có nghĩa là phiến loạn. 

Súng phóng lựu xách tay RPG thì hiếm hơn, nhưng vì giá có khi rẻ hơn AK47 nên người túng thiếu hay sắm đỡ một cây để tự vệ. Đây là điểm còn cần bàn cãi, còn quan điểm thường dân đeo AK là quan điểm được mọi người ở đó chấp nhận. 

Tội tình của ai?

Trong số người này có hai nhà báo địa phương là nhân viên của Hãng thông tấn quốc tế Reuters, một người đeo máy ảnh. Trực thăng Mỹ nổ súng đại bác 30 li sát hại nhóm này. 

Nữ diễn viên Pamela Anderson là một trong những người vận động ủng hộ ông Assange nhiệt tình nhất. Ảnh: Independent

 

Sau đó lại nổ súng vào một xe cá mập đi ngang dừng lại để cứu người bị thương đang bò lết trên đường. Trên xe này có hai em bé đi cùng với cha và may mắn chỉ bị thương, còn lại chết 11 người. 

Một lát sau, trực thăng Mỹ lại bắn tên lửa Hellfire vào một tòa nhà gần đó khiến 7 người khác chết, trong đó có vợ chủ nhà và 3 đứa con. Toàn bộ chuyện này diễn ra trong 39 phút và được ghi hình bằng máy gắn ở ống nhắm súng trực thăng, kèm lời thoại của xạ thủ, phi công và trung tâm chỉ huy.

Tới năm 2010, đoạn phim này mới được tung ra ngoài bởi một binh sĩ quân báo Mỹ tên là Bradley Manning, cùng một thước phim chiếu cảnh Mỹ đánh bom làng Granai ở Afghanistan. 

Theo chính quyền Afghanistan (thân Mỹ) thì 140 thường dân gồm 22 nam, 15 nữ và 93 trẻ em thiệt mạng. Các thước phim này không được xếp hàng bí mật nhưng Manning còn đưa ra 250.000 điện thư ngoại giao và nửa triệu tờ trình về chiến trận ở hai nước trên.

Số tài liệu này được trao cho mạng Wikileaks của nhà báo Julian Assange người Úc và được tổ chức của ông trao lại cho báo chí quốc tế để khai thác. Theo Assange, nguyên là một hacker, ông chỉ đổi tên mã trên mạng cho Manning để bảo mật cho nguồn tin như các nhà báo vẫn làm. 

Manning bị bắt giữ và bị chính quyền Hoa Kỳ xử 35 tù về tội gián điệp và vi phạm bí mật quân sự vào năm 2013. Năm 2017, sau khi ngồi tù 4 năm, cô (lúc này đã chuyển giới và đổi tên thành Chelsea) Manning được Tổng thống Barack Obama cải án và phóng thích.

Wikileaks, sau vụ tiết lộ tài liệu quân sự này trở thành nổi tiếng. Thước phim vụ oanh kích tại phố Tân Baghdad được truyền thông ưu ái đặc biệt vì tính cách lôi cuốn điện ảnh của nó. 

Ta được thấy phóng viên Saeed Chmag của Reuters thoi thóp bò ra khỏi khói lửa sau khi anh bị thương nặng và chiếc xe cá mập của một người đi qua dừng lại để cấp cứu người bị nạn cũng ăn luôn đạn. 

Khi phát hiện trên xe này có hai trẻ em trúng đạn, một quân nhân Mỹ nói trên máy bộ đàm, có thể nghe rõ trong đoạn video: “Đánh trận còn mang con nít theo!”. 

Tất nhiên, tài xế chiếc xe bị bắn không mang con ông đi đánh trận, mà chỉ là một người qua đường thấy có kẻ bị thương nên dừng lại giúp đỡ, không ngờ khiến chính ông mất mạng. 

Trước khi thước phim này xuất hiện, chính Hãng thông tấn Reuters đã tìm cách điều tra cái chết của hai nhân viên với tất cả phương tiện của một hãng thông tấn quốc tế mà không có kết quả.

Dẫn độ hay không dẫn độ

Ông Assange, 50 tuổi, là công dân Úc đang cư trú tại Anh và bị Hoa Kỳ đòi dẫn độ để truy tố về 17 tội danh gián điệp, có thể bị kết án đến 170 năm tù. 

Cô Stella Morris và hai con chung với ông Assange. Ảnh: thetimes.co.uk

 

Nếu chuyện này xảy ra, sẽ là một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm cho các nhà báo. Nếu phổ biến tin mật của bất cứ quốc gia nào thì họ cũng có thể bị dẫn độ sang nước đó hay sao? 

Nếu Assange được ai đó trao cho tin quân sự của Trung Quốc, Nga, hay... Myanmar gì đó và phổ biến thì Anh có bắt giữ và trao ông cho các nước đó hay không?

Cá tính huênh hoang nửa lãnh tụ nửa cao đơn hoàn tán và đời sống cá nhân ông này, bên lề, lại có nhiều nhược điểm. Assange có 5 người con đây đó trên thế giới với 5 bà khác nhau. 

Ông bèn bị một thiếu nữ Thụy Điển từng có liên hệ với CIA tự nguyện qua đêm với ông rồi tố ông sáng dậy làm tình với cô không đeo bao cao su mà không xin phép, vốn là một tội hình sự tại xứ nữ quyền Thụy Điển. 

Thụy Điển đòi Anh trục xuất ông sang Thụy Điển để thẩm vấn. Assange không tuân vì cho rằng sang đó Thụy Điển sẽ bắt ông và đưa sang Hoa Kỳ. Thay vì ra trình diện nhà chức trách Anh, ông trốn vào sứ quán Ecuador tại London xin tị nạn chính trị. Đó là năm 2012.

Ecuador là một nước Nam Mỹ nhỏ, với một sứ quán nhỏ xíu tại Anh, chỉ có mấy phòng ở tầng trên của một tòa nhà. 

Lúc đó Tổng thống Rafael Correa của Ecuador thuộc thành phần xã hội dân chủ và muốn có đường lối độc lập tương đối với Mỹ nên thuận cho Assange tị nạn và cho ông này cả quốc tịch Ecuador. Tuy nhiên, Assange không đi đâu được và đã phải ở trong sứ quán bé tí đó 7 năm trời.

Dần dà năm tháng, tính khí của vị khách dạng nói to ồn ào này lẫn hoạt động chính trị của ông gây khó khăn cho sứ quán, chưa kể áp lực không ngừng của hai thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc Hoa Kỳ và Anh. 

Tân tổng thống Ecuador từ năm 2017 là Lenin Moreno lại có chính sách hòa hoãn với Mỹ, nên mời Assange ra khỏi sứ quán London bằng cách gọi cảnh sát Anh vào bắt ngày 11-4-2019. Sứ quán nhờ thế bớt một người sử dụng phòng vệ sinh.

Assange bị giam với tội danh không ra trình diện tòa Anh với án tuyên 50 tuần lễ. Nhưng sau 50 tuần lễ, ông vẫn không được thả và chuyển sang quy chế tạm giữ để chờ trục xuất! 

Cuối tháng 10 vừa qua, tòa hoãn việc trục xuất ông sang Mỹ vì lý do sức khỏe tâm thần, mang bệnh tự kỷ (hội chứng Asperger) để tránh cho ông nguy cơ bị biệt giam tại Mỹ và rủi ro tự sát.

Phía Hoa Kỳ phản đối, tự kỷ-tự sát cái gì. Trong khi tị nạn tại sứ quán, ông này có thêm 2 mặt con nữa với một cô luật sư gốc Nam Phi là Stella Moris. 

Quan hệ này có từ năm 2015 và được giấu kín hoàn toàn, cô Moris đổi tên họ và khi mang thai không cho ngay cả mẹ cô được biết. Chỉ mới sang năm 2021 dư luận mới tỏ. Thời gian đầu tị nạn tại sứ quán, Assange có nhiều bạn gái đến thăm, kiểu những phụ nữ thích làm thân với người bị tù.

Sau đó thời điểm 2014 trở đi, ông được diễn viên Pamela Anderson thuộc dạng nữ thần nhục thể (ngôi sao tập phim bộ chuyên đào đẹp mặc áo tắm Baywatch) thăm nuôi đều đặn nên không ai nghi ngờ gì cô Moris. 

Theo cô Moris, tuy họ có dựng lều trong phòng để quan hệ riêng tư và che mắt thế gian, nhưng chắc là vẫn bị quay phim. CIA xâm nhập cả công ty được thuê để bảo vệ Assange và có lúc định lấy cắp một cái tã đã sử dụng của con ông để xác định ADN. 

Âm mưu này thất bại như nhiều âm mưu của CIA, nhưng đáng để ý hơn là vụ ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận tin CIA từng toan tính bắt cóc Assange năm 2017 để mang đi, thậm chí nếu không được thì thủ tiêu luôn.

Cuối tháng 11, tòa Anh sẽ lại được dịp xét chuyện dẫn độ Assange. Chính quyền Joe Biden có vẻ bớt máu hơn các chính quyền trước và cho biết Assange sẽ không bị biệt giam và 17 tội danh gián điệp có khi chỉ bị tuyên 63 tháng tù thay vì 170 năm. 

Tuy nhiên nhắc lại lần nữa cũng chẳng thừa: nếu Assange phát tán tài liệu quân sự Nga cho thấy họ phạm tội ác chiến tranh ở Syria thì Anh có trục xuất ông cho Nga mang về nước xử tội gián điệp hay không? 

Ông có bị Belarus đòi truy tố về tội xâm phạm tình dục và sử dụng bao cao su bất hợp pháp và chạy vào sứ quán Ukraine tại London tị nạn 7 năm không? Chính trị mà, hỏi tức là trả lời!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận