Sóc Trăng: Xơ xác đồng tôm!

DUY KHANG 11/04/2004 01:04 GMT+7

TTCN - Diện tích tôm sú bị thiệt hại ở Sóc Trăng đang tiếp tục tăng (đến chiều 7-4-2004 là 11.112 ha). Ở huyện Mỹ Xuyên có 6.000/13.000 ha tôm sú bị chết; còn ở huyện Vĩnh Châu thì trong số 8.300 ha đã có khoảng 3.500ha... "đi đứt".

Phóng to
Một cánh đồng tôm ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) xơ xác vì tôm chết
TTCN - Diện tích tôm sú bị thiệt hại ở Sóc Trăng đang tiếp tục tăng (đến chiều 7-4-2004 là 11.112 ha). Ở huyện Mỹ Xuyên có 6.000/13.000 ha tôm sú bị chết; còn ở huyện Vĩnh Châu thì trong số 8.300 ha đã có khoảng 3.500ha... "đi đứt".

Tại huyện Vĩnh Châu, đến thời điểm này trong số hơn 8.000ha tôm sú thả nuôi thì có hơn 3.000ha bị thiệt hại hoàn toàn. Có mặt tại vùng chuyên canh tôm của huyện Vĩnh Châu, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con than tôm chết, đa số các ao tôm đều phải “phơi đáy”.

Nhiều hộ nuôi tôm đang tất bật bơm nước ra ngoài để kịp cải tạo ao tôm với hi vọng sẽ lấy lại những gì đã mất ở mùa sau. Ở UBND xã Khánh Hòa, một cán bộ xã cho biết: hiện nay toàn xã có gần 100% diện tích tôm sú bị chết sạch. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng tôm chết ở Vĩnh Châu đang diễn ra hàng loạt và diện tích bị thiệt hại cứ tăng thêm mỗi ngày. Anh Huỳnh Văn Đổng ở thị trấn Vĩnh Châu là người có thâm niên trong nghề bán con giống và nuôi tôm sú, nhưng trên 200.000 con tôm post mà anh vừa thả cũng đã... “biến mất”! Giọng anh buồn bã: “Gần 100 triệu đồng xem như đổ xuống ao”.

Nguyên nhân tôm chết do chất lượng con giống quá kém. Tôm được trên một tuần tuổi thì xuất hiện nhiều loại bệnh như đốm trắng và vàng đầu. Tại ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, gần 1ha tôm sú mà anh Chiêm Văn Lảnh thả nuôi với 360.000 con mới được hơn một tháng đã chết sạch. Anh Lảnh chua chát nói: “Chưa năm nào gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn như năm nay. Đầu tư gần 100 triệu đồng xuống ao, ngủ một đêm sáng ra nhìn đáy ao thấy tôm chết đỏ hết”.

Một hiện tượng không thể phủ nhận là hiện có hàng trăm đại lý tôm giống đua nhau chạy theo lợi nhuận, bất chấp thiệt hại của người nuôi tôm để nhập và sản xuất tôm kém chất lượng tung ra thị trường tỉnh Sóc Trăng mỗi năm gần 2,5 tỉ con tôm post. Một đại lý tôm giống ở xã Khánh Hòa không chỉ bán cho bạn hàng một lượng rất lớn tôm sú giống bị nhiễm mầm bệnh, mà chính đại lý này cũng có trên 5ha tôm sú vừa thả nuôi bị chết do không biết rằng con giống đã mang sẵn mầm bệnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có vài cơ sở sản xuất tôm giống với số lượng trên 9.000 con post mỗi năm nhưng nhu cầu thả nuôi của tỉnh Sóc Trăng hằng năm là 2,5 tỉ con. Ông Phạm Hữu Lai - phó giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Sóc Trăng - đau đầu cho biết: “Dù được kiểm dịch rất chặt chẽ nhưng tôm vẫn chết, vì khi kiểm tra lần thứ nhất không phát hiện được bệnh, lần thứ hai sau đó hai ngày cũng không có gì thay đổi nhưng vài ngày sau thì tôm lại phát bệnh mới lạ”.

Theo lịch thời vụ, đến thời điểm này những cánh đồng tôm bạt ngàn ở huyện Mỹ Xuyên bước vào giai đoạn thả nuôi chính vụ. Giờ đây cảnh u ám đang phủ trùm lên vùng tôm lúa của huyện. Anh Phạm Minh Bần - phó chủ tịch xã Hòa Tú 2 - cho biết: “Thời tiết năm nay bất thường, nhiệt độ thay đổi đột ngột giữa ngày và đêm đã làm xáo trộn môi trường sống của tôm. Khi phát hiện tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh, nhiều người dân đã thiếu ý thức thải nước trong ao tôm bệnh ra sông và người khác lại bơm nước này vào đã dẫn đến tôm chết trên diện rộng.

Một điều đáng quan tâm là hiện nay mô hình tôm - lúa ở Sóc Trăng đang bước vào giai đoạn “lão hóa”. Đây là mô hình mang lại hiệu quả từ những năm 1984 đến 1995 trên đồng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên với diện tích khoảng 18.000ha. Tuy nhiên, do bà con áp dụng mô hình này quá lâu nhưng không cải tạo đất, cải tạo ao tôm, lớp mùn hữu cơ lắng dưới đáy ao là nguyên nhân gây nên dịch bệnh đối với con tôm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận