"Sự nguy hiểm của vĩnh cửu"

ĐỖ DUY 27/02/2011 03:02 GMT+7

TTCT - Nhân vật Dưỡng trong Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần đã viết: “...tôi viết để đưa hiện tại của tôi ra khỏi thời gian, để ngày hôm nay được tồn tại vĩnh viễn” (*).

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Chuyện đó trước đây không dễ, đòi hỏi người có khả năng viết như Dưỡng. Có nghĩa là thiên chức “đưa hiện tại ra khỏi thời gian” chỉ là của một số người thôi. Chuyện của số người còn lại có vẻ đơn giản hơn, là sống.

Nhưng thời thế nay khác, ai cũng nắm trong tay điều kiện để làm “thư ký thời đại”. Chuyện viết và chụp giờ thông dụng như là ăn cơm. Thành ra, ở góc độ nào đó ai cũng có thể là “anh Dưỡng” hết.

Không kể đến nhật ký cá nhân, chỉ nói đến những dạng đang được công bố một cách phổ biến - ngoài sách, báo, những công trình nghệ thuật hay nghiên cứu xã hội có tính hệ thống, có tầm nhìn về thời đại mình đang sống - tôi thấy có một ý khá lạc quan từ việc người ta hì hục viết blog và Facebook: vài chục, vài trăm năm sau, muốn biết con người ở thời này sống thế nào, có thể tìm ở đây - một bức tranh nhiều màu, thật thà hay giả dối thì cũng đều không tồi chút nào.

Không bằng lời thì bằng hình ảnh, hằng ngày, thậm chí là hằng giờ, hằng phút, giới trẻ (cả giới hết trẻ) đều đang nhiệt thành lắm, báo cáo chi tiết trên mạng, từ những thứ hữu hình: rằng thì tôi đang ngồi ở quán cà phê này, tôi đang dùng cái điện thoại này, tôi đang uống loại rượu này, tôi đang nói chuyện với nhân vật này, tôi đang đọc cuốn sách này, xem bộ phim này... đến vô hình hơn như: tôi đang suy nghĩ điều này, tôi bức xúc chuyện này, tôi đang say sưa vấn đề này... Thế nên chuyện “sao chẳng có gì để viết”, “viết gì bây giờ”, “muốn viết nhưng chẳng biết viết gì”... trở thành một nỗi ám ảnh thường trực của không ít người.

Với thành tích ngày mấy chục lần “báo cáo” như thế, thế hệ sau hẳn sướng hơn khi muốn tìm hiểu về người đi trước lắm.

Nhưng rồi lại thấy thương người cùng thời với mình một chút...

Bởi, đôi khi, gọi một món ăn, nhiều khi lo chụp hình, lo hỏi xuất xứ, công thức chế biến (để sau đó kể lại) mà quên chuyện bỏ vào miệng mình, để nghe nó mặn, đắng, chát hay chua. Đôi khi, trước một cảnh đẹp, lo giương máy lên, in khoảnh khắc có mình trong đó để “post blog” mà quên ngắm, ngửi, nghe... coi có gì lúc đó. Đôi khi, trước một ca sĩ hát hay, diễn viên diễn giỏi, làm khán giả mà quên thưởng thức tài nghệ, chỉ bàn nhau về khoảnh khắc đứng bên cạnh họ, giơ hai ngón tay, cặp cổ để chứng minh điều gì đó. Thậm chí, đôi khi, cái ấm áp, thiêng liêng của việc nắm tay nhau, hôn nhau cũng nhường chỗ cho nỗi lo phải làm sao cho lên hình thật rõ, thật đẹp...

Từ đó, chẳng lạ gì khi người ta sinh nghi nhau, rằng những mối quan hệ trong đời, khi đi với nhau, nói chuyện với nhau, đùa vui với nhau, thậm chí tỏ tình với nhau không phải là cho riêng chuyện “với nhau” nữa rồi...

Giữa cuộc sống nhộn nhạo, trôi đi vùn vụt này, nhu cầu làm “anh Dưỡng” hay ho kia ai cũng có, nhiều khi cũng không trách được. Chỉ là nói thì phải nói cho hết, cũng chính anh, sau cái đoạn ở trên, đã nói “nhưng”.

Đằng sau cái “nhưng” đó là kinh nghiệm này: “...tôi bắt đầu nhận thấy sự nguy hiểm của vĩnh cửu... Sự vĩnh cửu giống như vũng nước tù, càng vĩnh cửu càng hôi thối, càng lắm ký sinh trùng...” (**).

Bằng nhiều cách khác nhau, bên cạnh cái quá khứ không thể xóa, bên cạnh cái tương lai hãy còn mịt mờ, Dưỡng thật chú tâm vào việc sống trong hiện tại, nhiều khi chẳng cần quan tâm đến chuyện phải lấy nó đi đâu.

Diễn giải theo cách khác là anh ta đang sống đã (một) đời.

__________

(*), (**): Trích Những ngã tư và những cột đèn

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận