Sức sống từ đường đua xanh

TẤN PHÚC 19/12/2011 00:12 GMT+7

TTCT - Cảm xúc khi được vẫy vùng trong nước, đọ sức trên đường đua xanh đã tạo nên động lực để Võ Thanh Tùng trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của làng thể thao người khuyết tật VN, với hai chuẩn A và một chuẩn B tham dự Paralympic 2012 tại London, Anh.

Phóng to
Kình ngư Thanh Tùng mạnh mẽ trên đường đua xanh - Ảnh: Tấn Phúc

Bơi là môn thể thao thuộc loại khó bởi con người phải hoạt động ở môi trường không thuận lợi. Với người bình thường đã thế, với người khuyết tật càng khó hơn. Nhưng với đôi tay mạnh mẽ như những mái chèo, chàng kỹ sư điện tử viễn thông Võ Thanh Tùng thật sự là một chú rái cá trên đường đua xanh.

Không đầu hàng số phận

“Tôi đến với bơi lội không chỉ vì niềm đam mê và năng khiếu. Khi ở dưới nước, tôi không cảm thấy mình là người khuyết tật. Hơn nữa, mỗi tấm huy chương giành được luôn mang ý nghĩa khác nhau nhưng đều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Chính những thành công trên đường đua xanh là động lực để tôi sống mạnh mẽ”.

Thanh Tùng chào đời năm 1985 tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Dù gia đình vẫn chưa thoát cảnh chạy ăn từng bữa, nhưng cậu út Thanh Tùng được cha mẹ và hai người chị cưng như trứng mỏng. Bi kịch ập đến với Thanh Tùng ở tuổi lên 4 khi bệnh sốt bại liệt khiến đôi chân bị teo tóp.

Phải rất nỗ lực và chịu nhiều đau đớn, Thanh Tùng mới đứng được trên đôi chân bé xíu của mình. Nhiều lần Thanh Tùng muốn quỵ xuống trước những lời trêu ghẹo của bạn bè. Bơi lội là nơi Thanh Tùng khỏa lấp nỗi buồn bởi trong môi trường nước, anh không hề thua kém chúng bạn.

Từ nhỏ, Thanh Tùng tỏ ra rất có năng khiếu bơi và thường trốn cha mẹ ra mương rạch để bì bõm. Ban đầu, cha mẹ đánh đòn rất dữ khi biết Thanh Tùng trốn đi bơi vì lo lắng an toàn cho con mình. Nhưng niềm đam mê quá lớn của Thanh Tùng đã khiến cha mẹ xiêu lòng và đích thân người cha đã dạy anh bơi khi chỉ mới 7-8 tuổi.

Lớn một chút, Thanh Tùng cùng cha rong ruổi trên một chiếc ghe nhỏ xuôi dọc khắp vùng sông nước miền Tây, từ Phú Tân đến cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt... Họ dựng lều tạm để kiếm sống bằng nghề rèn dao và bữa ăn chính là những con cá, con cua mà Thanh Tùng lặn mò được mỗi ngày.

Khó khăn là thế nhưng Thanh Tùng có ý chí học tập rất cao. Khi ở nhà cũng như lúc cùng cha sống trong căn lều tạm, Thanh Tùng thường mượn ánh sáng từ đèn đường cao áp để học mỗi đêm, hoàn thành chương trình trung học phổ thông và thi đậu vào trường trung cấp điện tử tại Cần Thơ. Mỗi ngày, anh ì ạch đạp xe bằng đôi chân teo tóp vượt qua 3,5km để đến trường. Thanh Tùng nói: “Với tôi, đạp xe vất vả lắm nhưng tôi ham học quá. Khi qua cầu Bình Thủy, tôi phải xuống xe dắt bộ vì không đạp nổi”.

Học xong trung cấp, Thanh Tùng tiếp tục học liên thông lên đại học để có được tấm bằng kỹ sư điện tử viễn thông. Ra trường với trình độ chuyên môn khá tốt, Thanh Tùng được nhận vào làm ở nhiều hãng kinh doanh điện thoại như Thế giới di động, Nokia... nhưng anh vẫn không từ bỏ nghiệp bơi.

Cứ mỗi lần đến giải đấu lớn, Thanh Tùng phải gác lại mọi công việc để tập luyện và thi đấu. Kết quả là anh bị đuổi việc sau mỗi lần dự giải. Công việc của Thanh Tùng chỉ ổn định từ khi trở thành người phụ trách chính về kỹ thuật của một cửa hàng buôn bán, sửa chữa điện thoại tại Cần Thơ. Để có thêm thu nhập, Thanh Tùng còn làm nhiều nghề khác, trong đó có dạy bơi cho trẻ em.

Cùng với những khoản tiền thưởng từ thi đấu, sau Asian Para Games 2010 Thanh Tùng đã mua được một căn nhà nhỏ (5x16m) tại huyện Bình Thủy, Cần Thơ.

Phóng to
Thanh Tùng trong lễ xuất quân tham dự ASEAN Para Games 2011 - Ảnh: Tấn Phúc

Vươn đến thành công và hơn thế nữa

Khi còn là sinh viên, Thanh Tùng đã tham gia Hội Người khuyết tật Cần Thơ chỉ với mục đích hòa nhập xã hội chứ không nghĩ sẽ theo nghiệp VĐV. Môn thể thao đầu tiên Thanh Tùng chọn cũng không phải bơi mà là cầu lông, bởi đơn giản học cầu lông sẽ được tặng vợt, quần áo... Ai ngờ đó chỉ là lời trêu chọc của đám bạn. Không có tiền mua vợt, Thanh Tùng mới chuyển sang bơi từ năm 2005.

Thanh Tùng thi đấu ở hạng S5 (bị tật từ sống lưng trở xuống và chân, tay). Dưới làn nước xanh, đôi chân của Thanh Tùng hoàn toàn vô tác dụng và được vắt qua nhau cho đỡ cản nước. Lực bơi chủ yếu đến từ đôi tay, nhưng ít ai biết được đôi tay ấy cũng bị tật. Thanh Tùng kể: “Năm lên 6 tuổi, tôi bị té cầu thang khiến tay trái chỉ còn sử dụng lực chưa đầy 7/10 so với tay phải. Vì vậy lúc đầu tôi bơi luôn bị xéo đường. Sau này tôi phải tự tìm cách khắc phục bằng kỹ thuật quạt nước của riêng mình”.

Vậy mà chỉ sau vài tháng tập luyện, Thanh Tùng đã gây được tiếng vang khi đoạt 3 HCV ở cả ba cự ly bơi 50m bướm, 50m tự do và 100m tự do tại Giải vô địch bơi lội người khuyết tật toàn quốc 2005. Đến nay, Thanh Tùng đã bảy năm liên tiếp không có đối thủ ở các nội dung này tại các giải vô địch toàn quốc.

Bước ra đấu trường quốc tế, ngay lần đầu được tham dự ASEAN Para Games năm 2009 tại Kuala Lumpur, Malaysia, Thanh Tùng đã xuất sắc giành 2 HCV và 1 HCB ở ba cự ly bơi sở trường này. Tính đến nay, bộ sưu tập thành tích của Thanh Tùng rất phong phú. Nhưng nổi bật nhất là chiếc HCV 50m tự do và HCB 100m tự do tại Asian Para Games 2010 ở Quảng Châu. Đó là giải đấu mà Thanh Tùng đã mang về cho mình hai chuẩn A (50m tự do, 100m tự do) và một chuẩn B (50m bướm) tham dự Paralympic 2012 tại London. Đến với ASEAN Para Games 2011, Thanh Tùng tự đặt mục tiêu phá kỷ lục châu Á nội dung sở trường 100m tự do.

Chẳng những không để người khác nhìn mình bằng con mắt thương hại dành cho người khuyết tật, Thanh Tùng còn có thể giúp đỡ nhiều người. Thanh Tùng nói: “Quê tôi còn nghèo lắm. Chỉ khu vực xung quanh nhà tôi đã có hàng chục trường hợp bị tật giống tôi vì điều kiện y tế còn hạn chế. Tôi muốn giúp họ càng nhiều càng tốt”.

Sau thành công tại Asian Para Games 2010, một số mạnh thường quân đã thông qua Thanh Tùng chi tiền làm từ thiện, phát gạo cho người dân nghèo tại huyện Phú Tân, An Giang. Thanh Tùng mong rằng đó chỉ mới là sự bắt đầu những gì anh làm được cho quê mình. Vì thế, anh đã chọn địa chỉ email là phutan_ngaymai@... với khao khát nhìn quê hương Phú Tân có một ngày mai tươi sáng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận