Sudan: Hồi kết còn xa

SÁNG ÁNH 07/05/2023 06:03 GMT+7

TTCT - Xung đột đang nổ ra tại Sudan là kết quả của không chỉ tranh đoạt quyền lợi phe phái hiện tại. Mâu thuẫn ở vùng đất này cũng lâu đời như chính nó vậy.

Tiếng súng vang lên từ ngày 15-4. Tại thủ đô Khartoum của Sudan, Lực lượng Yểm trợ nhanh chóng (RSF) do tướng Mohamed Dagalo cầm đầu dàn quân tại các khu vực nhiều dân lao động. RSF là lực lượng dân quân võ trang hùng hậu tới 100.000 tay súng. Họ chốt ở các trại lính và căn cứ của quân đội quốc gia, vốn dưới quyền tướng Abdel al-Burhan.

Xung đột vũ trang nhiều hình thức đã dai dẳng ở Sudan suốt một thời gian dài từ khi độc lập. Ảnh: AFP

Xung đột vũ trang nhiều hình thức đã dai dẳng ở Sudan suốt một thời gian dài từ khi độc lập. Ảnh: AFP

Đến 25-4, theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tình hình hỗn loạn đã khiến 450 người chết và 4.000 người bị thương. 

Người dân Sudan hay người lính chết thế cũng chẳng là mấy, "kệ chúng mày", nhưng tại thủ đô đây kia, một số nhân viên quốc tế và sứ quán nước ngoài bị đe dọa. Thổ Nhĩ Kỳ di tản được 100 kiều dân bằng máy bay, tương tự là nước Đức. Saudi Arabia di tản kiều dân và hơn 2.000 người nước ngoài khác bằng tàu thủy.

Từ căn cứ Mỹ tại Djibuti, hải kích SEAL Hoa Kỳ dùng ba trực thăng vận tải di tản toàn bộ sứ quán gồm 70 nhân viên. Số người mang quốc tịch Mỹ họ bỏ lại là 16.000 người vì không có phương tiện. 

Phần lớn số người này gốc Sudan và mang song tịch. Sứ quán Mỹ cho biết phần lớn cũng muốn ở lại coi đì đùng cho vui và ba chiếc trực thăng đằng nào cũng không đủ, không nên tái diễn cảnh đu càng khó coi.

Tây phương chọn giải pháp dàn xếp ngưng bắn vì cả hai vị đang mâu thuẫn nói trên, tướng quân đội al-Burhan và tướng dân quân Dagalo, đều là nơi quen biết và người của họ cả. Xung đột xảy ra là vì Sơn tinh và Thủy tinh đều ở Phong Châu tranh Mỵ nương và chỉ có một nàng mà hai rể, thế cũng hơi nhiều.

Mùa xuân tới trễ

"Mùa xuân Ả Rập" đến Sudan cũng hơi bị trễ, tận năm 2018, và sau 30 năm quân phiệt dưới quyền tướng Omar al-Bashir. Ông này bị quân đội lật đổ năm 2019 và vào tù vì tội nhẹ là tham nhũng, so với các tội danh khác như thảm sát, tội ác chống loài người, tội ác chiến tranh... 

Sudan bước vào thời kỳ được Tây phương coi là tốt đẹp. Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao vui vẻ và Khartoum - một nước thuộc khối Ả Rập - tuyên bố công nhận Israel.

Chính phủ chuyển tiếp là dân sự, được Tây phương đỡ đầu với quân đội và RSF đứng ra bảo vệ. Năm 2022 dự kiến có bầu cử và tương lai dân chủ rực rỡ. 

Chỉ tiếc là 2021 thì chính phủ dân sự này bị lật đổ: "Kê thuốc uống ba năm, mà sao hai năm đã vội chết". Hai vị tướng nói trên đứng ra lập hội đồng lâm thời - ông al-Burhan làm chánh và ông Dagalo làm phó.

Thế tại sao Sudan lại có hai lực lượng võ trang mâu thuẫn nhau? Quân đội là lực lượng truyền thống từ thời độc lập (1956), lãnh đạo là tinh hoa khu vực dòng Nile và thủ đô Khartoum, xuất thân võ bị, biết đọc biết viết. 

Biến loạn tại khu vực Darfur từ cuối thế kỷ trước khiến Nhà nước Sudan phải dùng đến một lực lượng võ trang địa phương, xuất thân là cướp cạn và gọi là dân quân Janjaweed.

Lực lượng này hữu hiệu trong yểm trợ trị an, như tên gọi chính thức sau này RSF. Tướng Dagalo cầm đầu RSF học lực lớp 3 chưa tốt nghiệp và khai báo lý lịch là lái buôn lạc đà, nhưng có lẽ nghề chính là thu tiền mãi lộ. 

Ông được al-Bashir phong tướng và làm giàu nhanh chóng nhờ không ngại công tác nào hết, từ đốt nhà dân ở Darfur tới đàn áp biểu tình ở thủ đô Khartoum. Đến tháng 4-2023, khi lẽ ra lực lượng của ông phải nhập vào quân đội, thì ông nổi loạn.

Nói chung, nhìn vào bản đồ lục địa, ta có thể đoán được ở Phi châu nơi nào sẽ sinh chuyện. Chiến tranh giữa các nước láng giềng hay chiến tranh ly khai, nội chiến thường xảy ra ở những nơi có đường biên giới thẳng như kẻ bằng thước. 

Những đường thẳng này được vẽ vào thế kỷ 19 và 20 bởi các nước châu Âu - Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Bồ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ý khi họ phân chia thuộc địa như người ta chia phần một cái bàn trong lớp học.

Những đường thẳng đó cắt ngang các dân tộc và tôn giáo, các nền văn hóa và kinh tế, các chế độ sản xuất và nguồn tài nguyên. Nó cắt ngang lịch sử và địa lý châu Phi ngàn xưa để phục vụ nhu cầu khai thác thuộc địa và đáp ứng quan hệ sức mạnh giữa các cường quốc Tây phương, trở thành nền tảng cho mọi rối ren sau này.

Sudan, Darfur và Nam Sudan. Ảnh: BBC

Sudan, Darfur và Nam Sudan. Ảnh: BBC

Đủ kiểu mâu thuẫn

Sudan nằm vắt mình giữa vòng đai sa mạc và châu Phi "đen". Đây cũng là nơi va chạm giữa các dân tộc sống bằng chăn nuôi và du mục ở miền ven sa mạc với các dân tộc canh nông định cư. 

Người du mục thì tay kiếm và hảo hán. Người nông dân thì tay cuốc và hiền hòa. Khác biệt này và mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế thì ai xem phim cao bồi Viễn Tây Mỹ đều biết. 

Cốt truyện thường là dân cư sống yên lành tại một thị trấn bỗng một hôm thấy bọn chăn bò đeo súng kéo đến. Bò của họ thì cần gặm cỏ mà chăn bò thì cần uống rượu, thế là bắn súng đì đoàng. Miền Viễn Tây Sudan là khu vực Darfur.

Darfur là vùng đất mênh mông diện tích gấp rưỡi Việt Nam (510.000km2), nhưng chỉ có 6 triệu dân. Trước khi Tây phương đến, đây là một vương quốc độc lập (đến 1874). Tây phương lấy thước kẻ một đường thành Sudan của Anh bên này và Chad của Pháp bên kia. 

Bản đồ quốc gia này khi độc lập năm 1956, do nhu cầu của mẫu quốc Anh cần kiểm soát tuyến đường biển từ Địa Trung Hải, qua Hồng Hải để thông với Ấn Độ Dương, Anh đã "dán" Nam Sudan với các dân tộc Nuer và Dinka "da đen" theo đạo ông bà vào Sudan dân tộc Ả Rập "da nâu" theo đạo Hồi để tiện cho họ. 

Nam Sudan sau đó trải qua hai cuộc chiến ly khai và 2 triệu người chết để lập quốc trở lại năm 2005.

Về phía Tây, để chặn ảnh hưởng Pháp thì lá chắn của Anh là Darfur. Khu vực này ở miền cao, kiểm soát nguồn nước ngọt và tài nguyên dầu hỏa, là 70% nguồn xuất cảng của quốc gia. Về mặt văn hóa, họ được coi là dạng du mục và du côn du quyền so với vùng đồng bằng được định hình từ thượng cổ năm bảy ngàn năm trước ở thượng lưu dòng Nile.

Mâu thuẫn hiện nay tại Sudan là giữa hai lực lượng cùng thân Tây phương và từng sát cánh với nhau. 

Mâu thuẫn này là quyền lợi cá nhân và bè phái giữa nhóm võ bị râu mép chải chuốt và nhóm cướp cạn râu xồm, giữa nhóm trung ương đồng bằng và nhóm địa phương núi đồi sa mạc. Anh và Mỹ đầu tháng 4 còn đứng ra mời họ ăn cơm tối chung để dàn hòa, nhưng sáng ra tỉnh cuộc rượu thì họ lại mang quân choảng nhau chí chóe. 

Trong chiến tranh Yemen thì cả hai ông tướng đều gửi quân sang đánh thuê cho Saudi và UAE đồng minh. Ông al-Burhan thì Saudi trả tiền và ông Dagalo thì nhận lương UAE, tuy hai mà một.

Đối với khu vực, Ai Cập láng giềng có thể thân với tướng al-Burhan hơn vì cùng uống nước sông Nile đầu sông và cuối sông, cùng truyền thống quân sự Ăng-lê kẹp gậy chỉ huy ở nách. Với láng giềng Ethiopia hay Eritrea thì ai cũng thế, đây là chuyện nội bộ Sudan. 

Nga thì có thể thiên vị ông Dagalo, nghe đâu ông có hứa cho họ bến đỗ tại Hồng Hải để có đường ra Ấn Độ Dương như Anh, Mỹ hay Pháp. Đây chẳng phải vì ông Dagalo thân Nga. Nếu Mỹ ủng hộ thì ông sẽ hứa cắt bến của tàu Nga ngay, chẳng qua ông có gì thì bán nấy thôi. Mà địch thủ của ông al-Burhan thì cũng rứa!

Số phận nói rộng của Sudan thì dù lãnh đạo nào, điểm chủ yếu là họ nằm trên tuyến hàng hải dẫn ra Hồng Hải và Ấn Độ Dương, chưa kể xa hơn là Địa Trung Hải hay Hắc Hải. Tranh đoạt ở đây, bởi vậy, sẽ còn dài dài. ■

Chiến tranh Darfur 2003-2020 khiến gần 2 triệu người (trên dân số 6 triệu) bỏ nhà cửa và 300.000 người thiệt mạng, một thảm họa nhân đạo kinh hoàng nhưng hầu như không được lên truyền hình. Hung dữ nhất là thành phần Janjaweed-RSF của tướng Dagalo. Họ phụ trách những phần việc "nặng nhọc" thay quân đội nhà nước, như nổ súng vào người biểu tình. Nói thêm, tướng Dagalo là người gốc Chad thuộc Pháp, giống như một số bộ hạ tin cẩn của ông. Tổ tiên họ từng ruổi rong sa mạc đến Libya (trước thuộc Ý), nên các đường biên giới do các nước Âu châu vẽ ra với họ không nghĩa lý gì.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận