TTCT - Nhiều người lao động bị chấm dứt hợp đồng, xin việc khó khăn mới thấy tiếc vì đã bỏ qua nhiều cơ hội tái đào tạo nâng tay nghề. Anh công nhân may Nguyễn Văn Nhân (34 tuổi, quê Sóc Trăng) đọc xong dòng tin "tuyển gấp thợ chính máy cắt vải" của một công ty may mặc thì lẳng lặng cầm hồ sơ xin việc bỏ đi. Trước đây, chính anh đã ham ngày công tăng ca của người công nhân may, bỏ qua cơ hội tái đào tạo, học vận hành máy cắt để giờ tiếc nuối.Công nhân thờ ơ, doanh nghiệp "không rõ"Tính đến tháng 7, anh Nhân thất nghiệp tròn 4 tháng và thấm thía câu chuyện đời công nhân chạy theo năng suất, không nắm cơ hội để có một ngón nghề cứng cáp. Những năm còn là một thợ may trẻ, công ty từng đề nghị anh Nhân chuyển sang khu máy, học vận hành máy cắt khổ lớn, đi đường chỉ. Nhưng thời điểm đó, công ty tràn ngập đơn hàng, thanh niên lành nghề và sung sức như Nhân tăng ca kiếm thêm 5-7 triệu đồng thu nhập mỗi tháng. Thay vì đi học kỹ thuật vận hành máy cắt phức tạp với đồng lương cơ bản, Nhân chọn làm công nhân tăng ca để kiếm tiền. Nay khủng hoảng kinh tế, đơn hàng ít, những công nhân may máy hai kim 10 năm kinh nghiệm như Nhân cũng phải cầm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ra đi. Các công ty tuyển mới cũng cần người có tay nghề, có kỹ thuật.Nhiều doanh nghiệp đưa điều kiện kỹ năng, bài tập thử thách vào chương trình tuyển dụng nhân sự. Ảnh: CÔNG TRIỆUCô nhân viên kinh doanh Lê Hồng Lý (quê Đắk Lắk) cũng vừa nhận quyết định ngừng hợp đồng lao động tại một công ty may mặc ở huyện Bình Chánh. Nguyên nhân sâu xa, theo Lý, là vì trình độ ngoại ngữ của cô không đáp ứng được công việc trong giai đoạn mới. Trước đây, công ty từng có gói tài trợ 80% học phí để nhân viên kinh doanh học nâng cao ngoại ngữ phục vụ công việc, nhưng lúc đó, Lý đứng trước áp lực phải hoàn thành công việc hằng ngày, phải lo 20% học phí… vừa mệt mỏi, vừa lo lắng về tài chính. Lý đã chọn cách dễ, gác việc học sang một bên để "chạy KPI" ở công ty và hẹn khi có tiền sẽ học nâng cao ngoại ngữ. Lần lữa đến giờ này, khi công việc cần thì trình độ ngoại ngữ của Lý không đáp ứng được nhu cầu mở rộng kinh doanh của công ty.Để tìm hiểu về chương trình tái đào tạo người lao động, chúng tôi hỏi nhiều lãnh đạo của các đơn vị đại diện người lao động, chủ tịch công đoàn của nhiều công ty, doanh nghiệp tại TP.HCM. Đa số câu trả lời là "không nắm rõ", thậm chí là "tốn thời gian lắm".Chị Vân - đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da tại TP Thủ Đức - chia sẻ hầu như từ trước tới nay doanh nghiệp chị "không để ý lắm tới việc này". Chị Vân cho rằng vì là một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, khối lượng công việc nhiều, sản xuất theo dây chuyền "rập khuôn", từng công đoạn là lý do khiến công ty ít có điều kiện nghĩ đến việc tái đào tạo.Tương tự, anh Hiền - cán bộ công đoàn tại một doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại TP Thủ Đức - thừa nhận doanh nghiệp cũng chưa từng ghi nhận hoạt động tái đào tạo nào. Anh Hiền nói công ty hoạt động sản xuất theo dây chuyền công nghiệp hàng loạt nên khó tổ chức cho công nhân đi đào tạo nâng cao tay nghề. Khi cần nhân sự cho vị trí nào, công ty tuyển người phù hợp, ai đó muốn "bứt phá", phát triển thì phải "tự thân vận động".Nhiều kế hoạch nhưng…Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết sở này đã trình UBND TP.HCM hàng loạt chương trình kế hoạch hỗ trợ, đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Bao gồm: Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM, Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố đến năm 2025, Kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2023.Về kết quả, sở này cho biết trong năm 2021 các đơn vị trực thuộc sở hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.310 lao động thất nghiệp, năm 2022 là 1.094 người. Năm 2023, các doanh nghiệp đăng ký đào tạo nâng cao 494 người lao động. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đã đăng ký đào tạo nghề nâng cao cho gần 3.000 lao động. Tuy nhiên trong năm nay, sở chưa tổ chức đào tạo được lớp nào, một phần vì "đơn vị tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên chưa thể thu xếp thời gian". Sở này nói sẽ tập trung công tác đào tạo vào cuối năm.Tuy nhiên, con số hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao cho người công nhân trên quá ít so với 82.589 người lao động nghỉ việc, chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn TP.HCM và chắc chắn chưa dừng lại cho đến cuối năm nay. Con số này càng bé nhỏ khi so với quy mô những chương trình, kế hoạch mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, tham mưu. ■ Tái đào tạo lao động để doanh nghiệp phát triển bền vữngÔng Phạm Quang Anh, CEO Công ty cổ phần quốc tế Dony, quan niệm việc tái đào tạo nhân lực là việc đương nhiên nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.Không ít lần ông Quang Anh đích thân xuống tận xưởng "bắt người" đi đào tạo. Các công nhân có ưu điểm được "chấm" và đưa đến các vị trí phù hợp để học việc. Không ít công nhân trong công ty đã trở thành nhân viên phòng kinh doanh, văn phòng, phòng nhân sự."Người lao động lo nhất là đi học thì tiền đâu sống, tiền đâu gửi về phụ cha mẹ, con cái đóng học phí bằng gì. Vậy là công ty cho đi học nhưng vẫn được giữ nguyên lương, công nhân sau giờ học có thể tăng ca. Riêng khối kinh doanh, công ty chi trả học phí đào tạo nâng cao", ông Quang Anh kể. "Cũng tốn kém, nhưng tôi xem như khoản chi phí đầu tư cho hoạt động tuyển dụng. Nhưng tuyển dụng kiểu này nhân sự sẽ gắn bó lâu dài, chung tay góp sức cho phát triển của công ty tạo môi trường làm việc và phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và người lao động", ông Quang Anh nói.Công ty TNHH Schneider Electric Manufacturing Việt Nam có chủ trương ưu tiên công tác nâng cao, đa dạng hóa kỹ năng tay nghề cho người lao động ở tất cả các khối (công nhân sản xuất, kỹ sư, văn phòng). Công nhân có thể làm việc ở nhiều khu vực khác nhau, có cơ hội thăng tiến lên chuyền trưởng, tổ trưởng... Công ty này có ứng dụng nội bộ dành riêng cho công nhân, người lao động thực hiện các khóa rèn luyện và đánh giá. Ứng dụng này có nhiều chương trình và bài học từ kiến thức, kỹ năng chuyên môn đến kỹ năng mềm như làm việc nhóm, quản lý, xử lý tình huống... Mỗi công nhân có một tài khoản sử dụng và được liệt kê, đánh giá kết quả. Các trưởng nhóm/bộ phận căn cứ vào đó xây dựng lịch học phù hợp. Thời gian người lao động đi học vẫn được hưởng lương, thưởng như giờ lao động bình thường. Tái đào tạo người lao động là cấp thiếtKhảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân trên 8.343 người lao động vào tháng 5-2023 cho thấy tỉ lệ người lao động không có việc làm do không biết ngoại ngữ là 15% và không đủ trình độ/tay nghề theo yêu cầu là 12%. Con số này cao hơn so với khảo sát tháng 11-2021 (trong bối cảnh dịch Covid-19), tỉ lệ này lần lượt là 10% và 11%. Điều này là một gợi ý cho thấy việc người lao động cần được đào tạo lại và đào tạo về ngoại ngữ vẫn là điều cấp thiết.Báo cáo khảo sát cũng tổng hợp hai nội dung đề xuất của người lao động về tạo việc làm, trong đó có đề xuất chính quyền cấp trung ương và địa phương hỗ trợ người lao động tham gia các khóa học nâng cao trình độ, tay nghề, ngoại ngữ . Tags: Người lao độngChấm dứt hợp đồngNguyễn Văn NhânCông ty may mặcChấm dứt hợp đồng lao độngTuyển dụng nhân sựDoanh nghiệp sản xuấtĐào tạo nghềNguồn nhân lựcLao động thất nghiệpPhát triển bền vữngTạo việc làmTái đào tạo
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cứu dân là ưu tiên cao nhất THÀNH CHUNG 12/09/2024 Chiều tối 12-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại tỉnh Phú Thọ.
Thủ tướng tới Làng Nủ - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương NGỌC AN 12/09/2024 Thủ tướng đã vào tới thôn Làng Nủ (Lào Cai) - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương khiến gần 100 người tử vong và mất tích.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê hơn 12.000 trang ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3 THÀNH CHUNG 12/09/2024 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với tổng số tiền lên tới 527,8 tỉ đồng.
Một quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3 HÀ THANH 12/09/2024 Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3.