Tao vẫn còn sống nhăn ra đây

THANH GƯƠNG (CHUYỂN NGỮ) 09/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT- Roberto Saviano, tác giả quyển tiểu thuyết nổi tiếng Gomorra nói về các hoạt động băng đảng xã hội đen ở Ý, tự sự về trải nghiệm 10 năm phải sống dưới sự hộ vệ thường trực ngày đêm của cảnh sát (1).

Roberto Saviano (đầu trọc, vận áo vest) đi giữa nhóm năm cảnh sát hộ vệ bận thường phục
Roberto Saviano (đầu trọc, vận áo vest) đi giữa nhóm năm cảnh sát hộ vệ bận thường phục


Cũng đã 10 năm rồi, vậy mà chuyện cứ như mới xảy ra hôm qua. Bởi vì trong cuộc đời có nhiều chuyện mà người ta không thể nào “bình thường hóa” nó được. Dù đã xảy ra nhiều năm tháng về trước, dù có muốn cũng không thể nào xem như chuyện “bình thường” được. Một trong những chuyện đó là phải sống dưới sự hộ vệ thường trực của cảnh sát.

Vào một ngày của 10 năm về trước, tôi nhận được điện thoại của viên thiếu tá cảnh sát Ciro La Volla.

Tôi không thể nào quên được những gì viên thiếu tá nói qua điện thoại, dù ông ta đang hết lời trấn an tôi, ông ta dùng những từ ngữ rất “kỹ thuật” để rào trước đón sau, nhưng tôi cảm thấy ngay trong giọng nói của ông ta có hơi hướm lo lắng bận tâm. Viên thiếu tá báo cho tôi biết là kể từ ngày hôm đó tôi sẽ “được/bị” cảnh sát hộ vệ ngày đêm, 24/24 giờ.

Khi cảnh sát đến nhà đưa tôi đi, tôi hỏi: “Hộ vệ trong bao lâu?”. Viên thượng sĩ cảnh sát nói: “Chắc chỉ vài ngày”. Để rồi đến bây giờ là 10 năm chẵn.

Những lý do khiến Nhà nước Ý phải quyết định hộ vệ tôi cũng rất bất ngờ đối với tôi: một tay tù nào đó trong khám đã hé lộ một kế hoạch của băng đảng camorra (2) tìm cách thủ tiêu tôi, sau đó là những tuyên bố hăm dọa của Carmine Schiavone, một tay “boss” trong giới camorra, rồi tiếp theo là hàng loạt “thông tin” do nhà nước thu nhặt được.

Lúc ấy cảm giác đầu tiên của tôi là muốn được trở ngược lại quá khứ để không viết quyển Gomorra, để không viết bất cứ một bài báo nào, để xa lánh tất cả.

Không dễ gì ngồi làm quyết toán của 10 năm sống với những luật lệ nghiêm ngặt của một người “được” hộ vệ ngày đêm.

Đầu tiên là tôi muốn nói lên sự biết ơn chân thành dành cho tất cả các nhân viên cảnh sát đã túc trực hộ vệ tôi ngày đêm, chân thành cảm ơn tất cả những sĩ quan an ninh đã thường trực đưa ra các kế hoạch và điều động sự đi đứng của tôi.

Trong 10 năm qua, phần lớn thời gian, gần như tôi đã phải “ăn nằm” với cảnh sát. Tôi đã chứng kiến tận mắt những gì họ phải đối đầu hằng ngày, những hi sinh gian khổ của họ, những căng thẳng khi họ phải hộ vệ tôi... và trong lúc này tôi chỉ muốn nói lên sự chân thành cảm ơn tất cả họ.

Những nhân viên cảnh sát này, sau 10 năm, đã trở thành như “bà con thân thích”, nhiều khi tôi đã phải ngủ trong các đồn bốt của họ như ngủ nhờ nhà của bà con trong gia đình.

Sự khó chịu đầu tiên là sau khi “nổ” ra chuyện tôi “được” hộ vệ, một thời gian ngắn sau đó ở Ý cảnh sát nhận được hàng tá yêu cầu xin được “hộ vệ” của mọi tầng lớp: từ các phóng viên nhà báo đến các nhà hoạt động trong các hội đoàn tranh đấu xã hội dân sự. “Hộ vệ” hình như được xem là một “biểu tượng đẳng cấp” để tự phong cho mình cái chức danh “yếu nhân” đem ra trình làng khoe xóm.

Cô lập và gây áp lực

Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Vấn đề là trước đó tôi không hình dung ra được những tình huống nào sẽ xảy đến với mình.

Tôi có thể tưởng tượng ra những lời lẽ hăm dọa, những cảnh trả thù nhưng tôi không tưởng tượng ra được một đất nước Ý bị trói chặt trong một thứ “văn hóa” mang đầy màu sắc bạo lực đe dọa, gây áp lực, hành hung, mua chuộc của các băng đảng xã hội đen.

Ai cũng nghĩ rằng tự do ăn nói là quyền tự nhiên của mọi người. Nhưng trên thực tế, quyền tự do ăn nói luôn bị đe dọa thường trực đối với bất kỳ ai, vì lý do nghề nghiệp hay địa vị, có đời sống riêng tư luôn bị công luận dòm ngó, đối với những người quyết định đối đầu với những vấn đề bức xúc trong xã hội.

Trước khi đi tới những đe dọa bằng vũ lực, các băng đảng đe dọa bằng hình thức cô lập, gây áp lực, bằng các luận điệu xuyên tạc bôi nhọ, mục tiêu là để cho những người này không thể yên tâm mà sống. Do đó những ai đưa ra những bài báo, sách vở, tố cáo những tổ chức băng đảng xã hội đen, những kế hoạch thông đồng với một số bộ phận của nhà nước để chiếm được những cú áp phe béo bở, những hoạt động rửa tiền đều trở thành mục tiêu cần phải “giải quyết” của các băng đảng.

“Giải quyết” không phải là phản biện lại những gì mà những người đó đưa ra báo chí công luận, mà là phải làm sao, bằng mọi cách, triệt tiêu cho được toàn bộ uy tín của những người đó.

Một trong những “chiến thuật” của các băng đảng để triệt hạ uy tín của những ai viết về camorra hay mafia là gây ra sự “khó chịu” trong độc giả.

Làm như chính những bài báo đó, những tố cáo đó đã khiến độc giả bị “lương tâm cắn rứt”; độc giả tự hỏi: Thế này là thế nào? Tôi đã làm gì trong khi những chuyện ghê gớm này xảy ra? Tôi phải làm gì để “lương tâm yên ổn”? Tất cả khiến độc giả cảm thấy như mình có lỗi.

Và phản ứng tự nhiên là phải làm sao trút bỏ cho được cái mặc cảm tội lỗi ấy. Thế là người ta bắt đầu “nghi ngờ”: à chắc anh viết như thế vì anh có những ích lợi riêng tư, tất cả những gì anh viết chỉ là bịa đặt, hay có thể viết quá trớn, vượt xa sự thật.

Hay tệ hơn nữa, và cái này càng phổ biến hơn, đó là lối suy nghĩ cho rằng tất cả những gì anh viết đều là thứ chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Anh chẳng có công cán gì khác hơn là góp nhặt những chuyện thiên hạ đã biết rồi đem đăng báo.

Nhưng thiên hạ không biết rằng chính những “góp nhặt” ấy giúp cho công luận có khả năng nhìn vấn đề một cách có bài bản, mạch lạc để đưa đến những nhận xét, những phân tích, đưa đến những kết luận mới. Và chính đây là điều mà các băng đảng xã hội đen sợ nhất.

Nhưng nói cho cùng, tất cả những điều kể trên “chỉ” là những “phản ứng phụ” của một cuộc đấu tranh.

Trong suốt 10 năm qua không phải tôi đã chỉ phải đối đầu với một cuộc sống đầy khó khăn của một người “được” hộ vệ, mà tệ hơn, tôi phải “lắng nghe” những tuyên bố ngu xuẩn của những người nói mà không biết rõ sự việc.

Điều tồi tệ nhất đến từ giới (làm) chính trị: họ luôn chỉ trích rằng việc hộ vệ là do chính tôi van xin yêu cầu - nhân đây tôi khẳng định thêm lần nữa là tôi chưa hề viết một lá đơn yêu cầu nào để xin được cơ quan an ninh hộ vệ - dù đa số họ cũng chưa bao giờ chịu đọc hết các tư liệu về vấn đề này.

Hình như các băng đảng chỉ muốn tôi chết ngay tức khắc, chết bằng cách này hay cách khác, càng hay hơn nếu chết một cách thê thảm và ghê gớm nhất.

Người dân xuống đường biểu tình chống Camorra ở một khu phố thuộc thành phố Napoli
Người dân xuống đường biểu tình chống Camorra ở một khu phố thuộc thành phố Napoli

 

Nhào nặn luật pháp

Sự kiện tồi tệ nhất là khi các “boss” Antonio Iovine và Francesco Bidognetti của camorra đang đợi phiên xét xử trước tòa án đã “tuyên bố” rằng phiên tòa xét xử sẽ bị “ô nhiễm” bởi những bài báo, những tư liệu, sách vở không phải chỉ do tôi viết mà của bất kỳ những ai viết báo tố cáo camorra.

Để làm chuyện này, luật sư biện hộ cho hai bị cáo đó đã lợi dụng những khe hở luật pháp để “tố cáo” khả năng xét xử có thể bị ô nhiễm và đề nghị dời cuộc xét xử sang một tòa án khác. (Lời chú thích của người dịch: thường các bị cáo hay dùng “thủ thuật”: xin dời cuộc xét xử sang một tòa án ở một thành phố khác với hi vọng là ở tòa án mới họ có thể có nhiều điều kiện để mua chuộc hay áp lực các quan án).

Chuyện xảy ra ngày 13-3-2008, Tòa án Napoli đang mở phiên tòa xét vụ chống án của các “boss” camorra trong vụ án “Spartacus”.

Vào thời điểm đó cả Bidognetti lẫn Iovine đều còn đang trốn tránh ngoài vòng pháp luật, và cả hai đã yêu cầu luật sư đại diện cho họ là Michele Santonastaso, sử dụng “lá bài cuối cùng”: đưa ra nghi vấn về tính hợp pháp của hội đồng xét xử bởi những “khả năng” bị “ô nhiễm”.

Hôm đó tay luật sư Santonastaso đã đọc trước tòa án toàn bộ bản văn “nghi vấn” dài khoảng chục trang, và đã gây nên một xìcăngđan chưa hề có ở tòa án, vì qua bản văn đó, hai tay “boss” của camorra đã “tố cáo” hội đồng xét xử của Tòa án Napoli bị “áp lực” bởi các bài báo, tư liệu của các nhà báo, các nhà nghiên cứu, các thẩm phán đã “hợp lực” với nhau để chống lại các bị can, nên hội đồng sẽ không còn có thể “vô tư” để xét xử các bị can.

Thực chất là băng đảng camorra “kêu gọi” những người như tôi phải “hành nghề một cách đứng đắn”, và với cách nhìn của camorra thì “hành nghề đứng đắn” của nhà báo có nghĩa là phải chấm dứt chuyện “tọc mạch” vào những hoạt động của các băng đảng xã hội đen, cùng lắm là chỉ có thể đăng tải tin tức theo kiểu “thấy sao viết vậy” nhưng không được quyền đưa ra các nhận xét, phân tích của người ký giả.

May mắn là “tố cáo” trên do tay luật sư của các “boss” camorra đưa ra đã bị tất cả chống đối và lên án: từ tổng chưởng lý (Attorney General) của nhà nước đến công tố viên của tòa án chống mafia.

Tất cả những ai biết rõ ngọn ngành của các cuộc xét xử băng đảng mafia và camorra đều biết rằng bản “tố cáo” nói trên của tay luật sư có mục tiêu nhất định: đó là nêu đích danh những người mà các “boss” của camorra muốn các “đàn em” phải tìm cách “khử”.

Vào thời điểm của vụ án ở Tòa án Napoli kể trên, tôi đã “được” bảo vệ hai năm, và tôi có mặt trong phiên tòa hôm đó không phải như một công dân bình thường mà là một người đang được cảnh sát hộ vệ ngày đêm, thế mà các băng đảng đã dám ngang nhiên thách thức đe dọa tôi.

Lúc ấy, tôi cảm thấy mình như một con chuột đang bị nhốt trong chuồng dù rằng tôi không hề phạm một tội trạng nào cả. Những lời đe dọa đó như một quả bom trăm cân rớt xuống đầu.

Kết cuộc là bản “tố cáo” của tay luật sư biện hộ hai “boss” của camorra đã khiến tòa án phải mở ra một phiên xử khác và chỉ kết thúc năm 2014 với kết quả là hai tay “boss” được trắng án và chỉ có tay luật sư Santonastaso bị kết án một năm tù về tội “đe dọa hội đồng xét xử”.

Quyết định “trắng án” cho hai “boss” của camorra dựa trên sự kiện là không có bằng chứng nào cho thấy là hai tay “boss” đó có dính líu đến bản “tố cáo” nói trên, mà tất cả là do chính tay luật sư Santonastaso “tự biên tự diễn” cốt chỉ để bày tỏ tấm tình “đoàn kết” với hai “boss” đó trong khi các “boss” không hề hay biết chi cả.

Những cấu kết nhơ bẩn

Tất cả những gì tôi vừa kể trên cho thấy là xung quanh các băng đảng xã hội đen có những tay luật sư, thậm chí đôi khi có cả những viên chức đại diện nhà nước, đại diện lực lượng an ninh, các tay “phe phẩy” vừa xảo quyệt vừa khao khát tiền bạc quyền lực lúc nào cũng sẵn sàng đứng ra phục vụ băng đảng xã hội đen.

Đối với hạng người này, vị trí làm người bảo vệ luật pháp nhà nước không đủ thỏa mãn những thèm khát quyền thế và tiền bạc của họ, và chính trên những hạng người như thế, camorra và mafia tin tưởng giao hết tất cả nhiệm vụ “canh cửa”, “bảo vệ” cho tất cả các “boss” trong những vụ án ngặt nghèo để tìm cách “giải cứu” các “boss” ra khỏi vòng lao lý xuyên qua luật pháp đàng hoàng.

Nói cho cùng thì những hạng “chó săn” như vừa kể cũng có mặt trong giới thượng tầng của nền kinh tế tư bản của chúng ta.

“Tôi không hề hay biết!”. Ở cái xứ Ý này bây giờ câu nói trên đã trở thành câu “thần chú” của tất cả các can phạm trước vành móng ngựa, từ các tay chính trị đến các đại gia, từ những tay “phe phẩy” đến các viên chức nhà nước khi bị đưa ra trước tòa án về những tội tham nhũng hối lộ, lạm dụng công quyền.

Tiểu thuyết Gomorra
Tiểu thuyết Gomorra

 

(Trong những năm gần đây, trong một số vụ án về tham nhũng hối lộ, theo luận tội của công tố viên thì các tay chính trị hay nhân viên chính phủ đã nhận hối lộ bằng hiện vật như villa, xe cộ, bất động sản... do người hối lộ “tặng cho”.

Nhưng khi đứng trước vành móng ngựa, các tay chính trị, nhân viên chính phủ này “mặt chai mày đá” đã ngang nhiên tuyên bố rằng... những bất động sản, những villa, những hiện vật đó “thiên hạ” sang tên cho họ mà “tôi không hề hay biết” - người dịch).

Và bây giờ câu thần chú “Tôi không hề hay biết!” cũng được các “boss” của camorra và mafia sử dụng để đổ hết trách nhiệm lên đầu mấy tay luật sư được đem ra như “vật tế thần” để chạy tội cho các “boss”.

Những con vật tế thần này phải nhận lãnh một mình tất cả trách nhiệm về những hành vi tồi tệ nhất, phạm pháp nặng nhất, những “lá bài” nguy hiểm nhất. Đấy, mấy tay “boss” của camorra và mafia là thế đấy, toàn là dân ném đá giấu tay cả.

Toàn là hạng “guappi di cartone”, nói theo cách nói của người Napoli, có nghĩa là “thứ hổ giấy”. Là đồ hèn nhát. Hèn nhát nhưng cũng đã khiến tôi phải sống 10 năm nay bằng cuộc đời bất bình thường của một người “được” hộ vệ ngày đêm.

Nhưng dù sao đi nữa, đến ngày hôm nay tôi vẫn tiếp tục hét thẳng vào mặt của bọn hèn nhát ấy rằng: chúng bây đã không làm gì được tao cả, chúng bây đã chẳng chiếm được cái chúng bây muốn.

Tôi vẫn tiếp tục đi tới, dù rằng có đôi lúc tôi đã té lên té xuống. Có một điều mà tôi lãnh hội được từ cuộc đấu tranh này là tôi đã dùng một thứ khí giới cực kỳ yếu ớt nhưng cũng cực kỳ mạnh mẽ trên đời: đó là tiếng nói. Và chính tiếng nói, ngày qua ngày, tháng qua tháng, có thể tái lập lại được những gì đã bị người ta cố tình phá vỡ.

Y hệt như câu tôi đã viết 10 năm về trước trong quyển Gomorra: “Ê mấy thằng khốn kiếp, tao vẫn còn sống nhăn ra đây”.■

(1): Nguyên tác “Sono ancora vivo - Roberto Saviano racconta i suoi 10 anni sotto scorta” của Roberto Saviano đăng trên nhật báo Ý La Repubblica ngày 17-10-2016)

(2): Ở Ý khi nói về các tổ chức băng đảng xã hội đen cần phân biệt: Mafia là tổ chức băng đảng có nguồn gốc và kiểm soát phần lớn địa bàn ở đảo Sicilia (phía nam nước Ý); Camorra là tổ chức băng đảng có nguồn gốc và kiểm soát các vùng Campagna, chủ yếu là thành phố Napoli và các địa bàn lân cận; Ndrangheta là tổ chức băng đảng có nguồn gốc và kiểm soát vùng Calabria (miền nam nước Ý). Mỗi băng đảng hoạt động ở địa phương của mình và tránh vi phạm khu vực lẫn nhau. Quyển "Gomorra" tả về các hoạt động băng đảng xã hội đen (mafioso), nhưng ở vùng Campagna do đó quyển sách nói về hoạt động và tổ chức của băng đảng camorra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận