Tệ "bắt chước" và bản lĩnh "dám là mình"

TƯƠNG LAI 02/02/2004 03:02 GMT+7

TTCN - Nhân đầu năm mới Giáp Thân, tôi muốn mượn chuyện khỉ để nói về một nét văn hóa cần có khi chúng ta đang dấn mạnh bước trên con đường hội nhập. Bắt chước là biệt tài của khỉ, và dám là mình là bản lĩnh của con người.

Phóng to
Một nét đẹp văn hóa Tết Giáp Thân: lễ hội bánh tét khổng lồ tại trung tâm TP.HCM - Ảnh: Bùi Thành
TTCN - Nhân đầu năm mới Giáp Thân, tôi muốn mượn chuyện khỉ để nói về một nét văn hóa cần có khi chúng ta đang dấn mạnh bước trên con đường hội nhập. Bắt chước là biệt tài của khỉ, và dám là mình là bản lĩnh của con người.

Sách của Trang Chu có chép câu chuyện về cái tệ bắt chước khá thâm thúy giúp người đời lấy đó mà răn mình .

Chuyện rằng: “Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau, ôm bụng nhăn mặt lại càng đẹp lắm. Có người đàn bà cùng làng thấy Tây Thi nhăn mặt mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng mà nhăn mặt. Người làng trông thấy người ấy tưởng là ma quỉ; nhà giàu thì đóng cửa chặt, nhà nghèo thì bồng bế vợ con chạy trốn”.

Xem ra ở ta hiện nay cũng có khối người cùng làng với Tây Thi, “cũng ôm bụng mà nhăn mặt”, lấy cái biệt tài của khỉ làm của mình để chuốc lấy tiếng chê cười của người đời. Cứ nhìn lên sân khấu ca nhạc thì có thể thấy ngay cái “biệt tài” ấy.

Bên cạnh những thành tựu thật đáng khích lệ của giới trẻ đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống văn hóa của xã hội, không hiếm những hình ảnh lai căng, kệch cỡm do ăn sống nuốt tươi, bắt chước một cách thô thiển và thảm hại trang phục cũng như cử chỉ, hành vi, động tác biểu diễn của những ca sĩ nước ngoài mà không kịp suy xét xem thử lợi hại ra sao.

Thật ra, thị hiếu thẩm mỹ là một vấn đề rất tế nhị. Cảm thụ cái đẹp không thể được chỉ đạo bằng những mệnh lệnh hành chính. Càng không thể lấy sự yêu thích của một lớp người nào đó làm chuẩn buộc thế hệ trẻ phải khuôn theo theo kiểu áp đặt của một thời dựa vào cái nguyên lý “nối tiếp, làm theo và không bao giờ thay đổi” (kế, thuật, vô cải).

Trân trọng và cổ vũ cho những sáng tạo của tuổi trẻ để làm giàu thêm năng lực thưởng thức nghệ thuật, cảm thụ cái đẹp là thái độ cần thiết và đáng kính của thế hệ những người đi trước.

Nhạc sĩ lão thành Phan Huỳnh Điểu đã từng viết: “Chúng ta nên để cho lớp trẻ được tự do suy nghĩ, lật đi lật lại các vấn đề khúc mắc mà cha ông mình chỉ biết tin tưởng và vâng lời. Phải suy nghĩ sao cho lành mạnh, cho có lý trí sáng suốt”.

Và rồi, cũng chính ông đã nhận xét: “Xem ra thì so với lớp chúng tôi ngày xưa, lớp trẻ bây giờ có học nhiều hơn. Nhưng lại có dấu hiệu nông cạn trong sáng tác, lại chạy theo kỹ thuật của nước ngoài…, nhạc mà không viết theo âm giai của dân tộc, lời ca lại không kế thừa những truyền thống tốt đẹp của cha anh… như thế sao gọi là nhạc trẻ Việt Nam được… Nếu cứ để “nhạc trẻ Việt Nam” phát triển theo chiều hướng này, e rằng có một ngày họ đánh mất tất cả...” (báo Văn Nghệ ngày 26-10-2002 )

Tự đánh mất mình là sự mất mát đáng sợ nhất. Dân tộc ta tồn tại và trưởng thành trong cái thế kẹt của vị trí địa - chính trị nên phải triền miên chống họa xâm lăng, nhưng chính vì sự thách đố sống còn đó mà dân tộc ta tự rèn cho mình bản lĩnh “có cứng mới đứng được đầu gió”. Để đứng được đầu gió, phải có bản lĩnh tự khẳng định chính mình, bản lĩnh ấy thể hiện tập trung trong văn hóa. Đánh mất bản lĩnh văn hóa đó thì khó mà không dẫn tới họa mất nước.

Bản lĩnh của một con người cũng như của một dân tộc thường được hình thành từ sự thách thức và sự chống trả. Phải chăng vì thế mà ông cha ta rất chuyên chú đến việc tôi rèn bản lĩnh tự khẳng định, ngăn chặn và phê phán thói nô lệ bắt chước.

Lật trang sách xưa, Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) nhắc nhở: “Tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ. Vun đắp ở bên trong thì bên ngoài tốt tươi… Gọi là cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn”.

Cùng thời với “thần Siêu” còn có “thánh Quát” Cao Bá Quát (1809-1854) đã lên án cái tệ Việc nào cũng bắt chước cũ, câu nào cũng học theo người”, “Bắt chước quá nhiều mà phong cốt chưa cao, tô điểm có khéo nhưng tinh thần còn thấp”.

Lên án cái tệ bắt chước đó, ông gợi lên hình ảnh thật độc đáo về con sáo được nuôi trong lồng chịu để cắt mất đầu lưỡi : “Chỉ vì để có thể bắt chước được tiếng người, để đến nỗi cụt mất đầu lưỡi”! Luận về sự “lớn”, “nhỏ”, “cao”, “thấp” đó, từ thế kỷ 18, Nguyễn Hành (1771-1824) đã cho rằng: “Mơ tưởng về người xưa, sao bằng mắt thấy tai nghe về đời này, cầu ở nước ngoài, sao bằng tìm ở nước nhà…”.

Tôi hiểu rằng đây không là chuyện đóng cửa và bài ngoại, mà là ông cha ta khuyên dạy chúng ta phải dám là mình, chứ đừng chỉ biết bắt chước người. Hình ảnh con sáo “tự nguyện” cắt đầu lưỡi mà Cao Bá Quát gợi lên đó thật là thê thảm.

Trong thế giới của con người, hình như không chỉ có chuyện tự nguyện “cắt đầu lưỡi” mà thôi mà còn tự hủy hoại cả khả năng suy nghĩ bằng cái đầu của mình mà chỉ muợn cái đầu của người khác để nghĩ hộ!

Cao Bá Quát hướng cảm hứng ngày Xuân của mình vào khát vọng đổi mới, nhân ngày mồng một tết, ông viết :

Tiếng chim hót trên cành cây nghe đã thấy khác,
Cây tùng ở trước sân lạnh lẽo trông vẻ muốn vươn lên,
Muôn việc từ nay sẽ đổi mới cho tốt

(Bài số 97)

Cảm hứng đổi mới ấy là cảm hứng cần có trong ngày xuân . Đặc biệt là trong ngày xuân của thời đoạn đất nước đang dồn bước trên con đường hội nhập. Trên con đường ấy, tính đa dạng văn hóa lại là điều cần phải nắm vững. Phải từ tính đa dạng đó mà thúc đẩy sự giao lưu và đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh.

Khi lên án tệ bắt chước, tôi không cổ súy cho một chủ nghĩa biệt lập, chỉ mở cửa về kinh tế mà đóng cửa về văn hóa. Ngược lại! “Tất cả những sản phẩm của con người mà chúng ta hiểu được và hưởng thụ được đều trở thành của chúng ta, bất kể xuất xứ của chúng.

Tôi tự hào về nhân loại của tôi, khi tôi có thể công nhận thi sĩ và nghệ sĩ các nước khác như là của mình. Tôi vui mừng vô bờ bến rằng mọi vinh quang vĩ đại của con người đều thuộc về tôi” - đó là cảm nhận của đại thi hào Ấn Độ R.Tagore.

Đồng hương của nhà thơ vĩ đại đó, Amartya Sen, người được giải thưởng Nobel về kinh tế năm 1998, viết rằng: “Dù mỗi nền văn hóa đều có nét độc đáo riêng thì vẫn cần có sự tinh tế để hiểu rằng chịu ảnh hưởng của giao lưu văn hóa không có gì đáng xấu hổ cả và mỗi nước đều có khả năng cơ bản là hưởng thụ sản phẩm của các nền văn hóa khác”.

Chỉ đáng xấu hổ khi chúng ta cố bắt chước làm cái bóng của người khác mà không dám là mình. Đứng vững trên cái gốc văn hóa dân tộc, chúng ta đến với thế giới bằng tấm lòng rộng mở để đón nhận những tinh hoa của của văn hóa mà loài người đã đạt được nhằm làm phong phú thêm, mạnh mẽ thêm bản lĩnh văn hóa của ta để rồi đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của thế giới những nét riêng của dân tộc mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận