Tết Việt và sinh viên ngoại

HÀ BÌNH GHI 31/01/2011 11:01 GMT+7

TTCT - Đầy háo hức, những sinh viên nước ngoài đang học tiếng Việt tại khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ những cảm nhận về Tết Nguyên đán cũng như dự định đón tết năm nay của mình ở Việt Nam.

Phóng to
Ảnh: Hà Bình

Kanto Kenji - người Nhật, sinh viên năm 2:

Bất ngờ thú vị

Tôi đến Việt Nam như một cái duyên tình cờ. Tôi là vận động viên môn bi sắt của đội tuyển Nhật Bản tham dự Giải vô địch bi sắt châu Á năm 2004. Không may bị chấn thương và không thể thi đấu, tôi quyết học tiếng Việt để sau này có thể tìm một công việc ở Việt Nam.

Đây là năm thứ hai tôi ăn tết ở Việt Nam. Cũng như những người nước ngoài khác, những ngày tết đầu tiên tôi đi từ cảm xúc ngạc nhiên đến bất ngờ thú vị. Ngạc nhiên vì mới hôm trước, TP.HCM tràn ngập xe máy nhưng hôm sau mọi người dường như biến mất. Thêm vào đó, tất cả hàng quán đều đóng cửa không bán.

Ở Nhật thì không như vậy, các cửa hàng vẫn mở cửa và vẫn có nhiều người làm việc vào dịp năm mới. Thật thú vị khi biết được tết là lúc mọi người đi học, đi làm ăn xa trở về quê sum họp cùng gia đình.

Tuy nhiên, qua báo chí tôi biết được có nhiều bạn trẻ là sinh viên, công nhân cả năm đi xa nhà nhưng tết đến rất khó để mua được một tấm vé xe, vé tàu về quê sum họp cùng gia đình.

Tôi cũng biết có những bạn trẻ Việt Nam sẵn sàng dành những ngày lễ được mong đợi nhất trong năm của mình để đi đến những nơi xa xôi, mang tết đến cho những người nghèo, người kém may mắn. Càng cảm nhận được giá trị truyền thống của tết Việt là sum họp bao nhiêu, tôi càng thấy khâm phục những người trẻ ấy bấy nhiêu.

Một điều thú vị nữa là cô bạn gái người Việt của tôi cứ dặn đi dặn lại ngày tết không được quét nhà, không được giặt quần áo, vì... cả năm sẽ phải làm những việc ấy (cười). Tôi không tin nhưng vẫn theo lời bạn gái để mong những điều tốt đẹp cho một năm mới. Tết này, tôi sẽ cùng bạn gái sum họp ở gia đình bà ngoại của cô ấy tại Q.7 (TP.HCM), sẽ đến chúc tết bà với một chậu mai vàng thật đẹp cùng những lời chúc năm mới tốt đẹp dành cho bà.

600 người học tiếng Việt mỗi năm

Theo văn phòng khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), hằng năm có khoảng 600 người từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Úc, Anh, Đức, Nga, Turmenistan... theo học các khóa tiếng Việt (từ 2-12 tháng). Riêng các lớp chính quy, hằng năm có khoảng 150 sinh viên nước ngoài theo học để lấy bằng cử nhân tiếng Việt.

Tháng 12 hằng năm, khoa tổ chức “Ngày hội Việt Nam học” để sinh viên nước ngoài có điều kiện tìm hiểu thêm về văn hóa Việt thông qua Tết Nguyên đán cũng như trang phục, ẩm thực, nghệ thuật đặc sắc của người Việt.

Phóng to
Ảnh: Hà Bình
Ugru Altas - Người Thổ Nhĩ Kỳ, sinh viên năm 4:

“Về quê ăn Tết”

Tôi may mắn được ăn tết ở Việt Nam lần này là lần thứ tư. Năm nào cũng vậy, khi không khí bên ngoài se lạnh, bạn bè, thầy cô giáo người Việt chuẩn bị đón tết, tôi lại thấy nôn nao, háo hức một cách lạ thường. Năm 2006, khi mới đến Việt Nam để học tiếng Việt, buổi sáng mồng 1 tết, tôi chạy xe máy ra đường và cứ băn khoăn tự hỏi: “Tại sao hôm nay lại ít người hơn?”. Sau này, tôi được một người bạn giải thích: “Mọi người về quê ăn tết cùng gia đình”.

Tết thứ hai ở Việt Nam, tôi được người bạn quê Tây Ninh mời về quê ăn tết. Lần này tôi đã biết và tự chuẩn bị một ít bao lì xì nho nhỏ để mừng tuổi cho em của bạn và mấy đứa trẻ hàng xóm. Tôi cũng đã biết chúc “Vạn sự như ý” rành như... người Việt khi chúc tết cha mẹ bạn và thầy cô giáo người Việt của mình. Lần đầu tiên trong đời, tôi được ba mẹ bạn lì xì và cảm thấy rất vui. Đến bây giờ tôi vẫn giữ bao lì xì ấy và coi đó là “tiền may mắn”.

Tết năm trước, tôi lại “về quê ăn tết” cùng người bạn ở Bình Định. Đến nhà bạn vào ngày mồng 2 tết tôi ngạc nhiên khi thấy ông bà nội ngoại, cô dì, chú bác... của bạn tập trung hết ở nhà. Chưa bao giờ tôi thấy một gia đình người Việt tập trung đông đủ và sum họp đầm ấm như vậy. Ở Thổ Nhĩ Kỳ quê tôi hằng năm cũng có lễ hội đón năm mới và mọi người thường trở về quê đón tết cùng gia đình. Tôi vui vì thấy được điểm tương đồng đó trong văn hóa ở hai nước.

Tết năm nay với tôi không còn lạ lẫm nữa nhưng như bất kỳ người Việt Nam nào, tôi vẫn háo hức mong chờ những ngày tết. Tôi sẽ lại chuẩn bị bao lì xì, nhắn tin “Chúc mừng năm mới, vạn sự như ý” đến thầy cô, bạn bè. Ngày 28 tháng chạp, tôi sẽ bắt xe về Tây Ninh ăn tết cùng gia đình người bạn. Tôi cũng được ”về quê ăn tết” đó chứ!

Phóng to
Ảnh: Hà Bình
Anne - người Pháp, sinh viên năm 1:

Mồng 3 Tết thầy!

Tôi chưa ăn tết ở Việt Nam lần nào cả. Trước đây, tôi là nhân viên của Trường ĐH Lyon (Pháp). Công việc của tôi là giúp đỡ những du học sinh nước ngoài. Tôi đến Việt Nam học tiếng Việt vì ở trường tôi ngày càng có nhiều sinh viên từ Việt Nam theo học. Hiểu được ngôn ngữ, văn hóa của người Việt sẽ thuận lợi hơn cho công việc của tôi.

Tôi mới đến Việt Nam được sáu tháng. Trong những buổi học gần đây, tôi nghe các bạn sinh viên đủ quốc tịch học cùng lớp râm ran người Việt chuẩn bị đón lễ lớn nhất trong năm. Chúng tôi còn được giáo viên kể về những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt thông qua ngày tết.

Khi nhà trường cho nghỉ tết, tôi sẽ ra chợ Thủ Đức mua một cặp bánh chưng, một ít bánh kẹo và mời bạn bè đến nhà chung vui. Tôi sẽ mua cho Lucie - cô con gái tôi nhận nuôi ở Philippines - quần áo mới và đưa con đi chơi ở đường hoa Nguyễn Huệ. Mồng 3 sẽ là ngày tôi đến chúc tết cô giáo dạy tiếng Việt của mình theo phong tục “mồng 3 tết thầy”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận