Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu...

DU LONG - H.MINH 30/08/2022 06:26 GMT+7

TTCT - Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, thiết lập một cục diện kinh tế - chính trị mới cho thế giới. Giờ đây, tấm bản đồ lớn lại đang có nguy cơ phải vẽ lại...


Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu... - Ảnh 1.

Ảnh: Foreign Policy

Điều này thể hiện từng bước, khởi đầu là cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Richard Nixon và thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai nửa thế kỷ trước. Hội nghị kéo dài ở Bắc Kinh suốt từ chiều 21-2-1972 tới sáng 26-2, rồi lại dời xuống Thượng Hải họp tiếp hai ngày 27 và 28-2. Những gì họ trao đổi với nhau đã để lại hệ quả tới tận bây giờ.

Nửa thế kỷ trước

Mỗi ngày mỗi họp, riết đâm quen thân, ăn nói cũng rôm rả, cởi mở, thân tình hơn. Đặc biệt trong các cuộc gặp, hai phía Trung - Mỹ đã bàn rất nhiều về những người thứ ba. Chuyến thăm của ông Nixon diễn ra không đầy ba tháng sau khi chiến tranh Ấn Độ - Paksitan bùng nổ (3-12 tới 16-12-1971, kết quả là Pakistan đầu hàng ở Dhaka). 

Cuộc chiến tranh chớp nhoáng đó thuộc "khuôn khổ" cuộc chiến giải phóng Bangladesh, trước đó là Đông Pakistan. Kết quả của cuộc đọ sức là Bangladesh độc lập, Pakistan mất toàn bộ lực lượng hải quân, 1/4 không quân, 1/3 bộ binh và hơn 90.000 quân nhân, bán quân nhân, công chức bị bắt làm tù binh.

Tất nhiên, một sự kiện nóng như vậy không thể không được các ông Nixon và Chu nhắc tới bên cạnh chủ đề chính là Mỹ - Trung kết bạn. Cụ thể, ông Chu Ân Lai nhắc tới bài báo "Ai thắng ở Ấn Độ?" của James Reston đăng trên báo Mỹ The New York Times số ra ngày

17-12-1971. Theo đó, ngoài các bên tham chiến trực tiếp, "Sau cuộc xung đột bi thảm song có thể tránh được này, Liên Xô trở thành kho vũ khí và người bảo trợ chính trị của Ấn Độ, (đổi lại) hải quân đang lên của Matxcơva được tiếp cận Ấn Độ Dương, lập căn cứ cho các hoạt động chính trị và quân sự ở sườn phía nam Trung Quốc".

Đó là một cục diện "phân chia thế giới" chẳng khác nào các cường quốc châu Âu vẽ bản đồ thực dân thế kỷ 19, hay việc tam cường Xô, Mỹ, Anh hoạch định cục thế toàn cầu sau Thế chiến II.

Tác giả Reston phân tích: "Đó không chỉ là cuộc chiến cục bộ giữa Ấn Độ và Pakistan, không chỉ là tiếp nối cuộc xung đột tôn giáo kéo dài giữa người Hồi giáo và người Hindu, không chỉ là xung đột đạo đức giữa sự đàn áp tàn khốc của Pakistan với quân nổi dậy Bangladesh và động thái quân sự có tính toán của Ấn Độ nhằm chia cắt đất nước Pakistan. Đằng sau tất cả những điều này còn là cuộc tranh giành thế lực Trung Quốc - Liên Xô, cuộc đấu tranh chiến lược giữa Matxcơva và Washington, và tại thời điểm này, vẫn chưa phải là chương cuối cùng".

Nhắc lại biến cố đó chính là để nhìn nhận rõ hơn thế giới ngày nay, một thế giới hậu chiến Nga - Ukraine, khi mà quan hệ Trung - Mỹ đang xa nhau hơn bao giờ hết sau lần xích lại gần nhau 50 năm trước.

Cặp đôi mới

Lịch sử cho thấy cứ mỗi lần quan hệ song phương Mỹ - Trung có gì thay đổi, thì quan hệ song phương Trung - Liên Xô/Nga cũng biến đổi theo. 50 năm sau ngày Trung - Mỹ đề huề, quan hệ tam cường lại căng thẳng, lần này một cặp đôi mới đang xuất hiện.

Năm mới 2022 bắt đầu với chút thở phào bước đầu ra khỏi đại dịch Covid-19. Olympic mùa đông 2022 nhờ đó mà khai diễn đúng ngày, chứ không bị dời cả năm hơn như Olympic mùa hè Tokyo 2020. 

Bắc Kinh đón các đoàn vận động viên đến tranh tài từ ngày 4 tới 20-2. Tuy nhiên, kỳ Thế vận hội đó bị chính trị hóa cao độ khi một loạt nước tẩy chay về mặt ngoại giao, bao gồm Mỹ, Anh, Ấn Độ, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Estonia, Lithuania... Rốt cuộc, Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành đại thượng khách ở lễ khai mạc ít khách mời tham dự.

Trong thông cáo chung Nga - Trung ra ngày 4-2, ông Putin và chủ nhà, ông Tập Cận Bình, bố cáo: "Một số tác nhân tuy chỉ đại diện phe thiểu số trên quy mô quốc tế, song tiếp tục ủng hộ cách tiếp cận đơn phương để giải quyết các vấn đề quốc tế và sử dụng vũ lực, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ, kích động mâu thuẫn, khác biệt và đối đầu, cản trở sự phát triển và tiến bộ của nhân loại, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế".

Thông cáo chung quả quyết "dân chủ không thể nào là độc quyền của một số nước". Cụ thể hơn: "Nga và Trung Quốc chia sẻ nhận thức rằng dân chủ là giá trị chung của con người, chứ không phải đặc quyền của một số ít quốc gia". 

Riêng trong lĩnh vực này, quan điểm của Matxcơva và Bắc Kinh gần như đồng quy, cũng là dễ hiểu: "Nga và Trung Quốc là những cường quốc trên thế giới với di sản văn hóa và lịch sử phong phú, có truyền thống dân chủ lâu đời, dựa trên kinh nghiệm phát triển hàng nghìn năm, có sự ủng hộ rộng rãi của người dân".

Bằng chứng là cả hai ông Tập và Putin đều đang được tin tưởng cho sứ mệnh lãnh đạo tối cao, nếu không phải là suốt đời, thì cũng là rất lâu dài. Ông Putin sẽ có thể tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa sau khi mãn nhiệm vào năm 2024, căn cứ hiến pháp sửa đổi được dân Nga bỏ phiếu thông qua tháng 7-2020. 

Ông Tập thì được Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp ngày 11-11-2021 thông qua vai trò "lãnh đạo hạt nhân" trong một tương lai không xác định.

Ai là ai

Thông cáo chung tháng 2 còn cho thấy sự gắn bó keo sơn qua nguyên tắc chung liên quan đến an ninh chính trị hai nước: "Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau trong bảo vệ các lợi ích cốt lõi, chủ quyền nhà nước và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đồng thời phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của mình". 

Từ đó, "phía Nga tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc Một Trung Quốc, khẳng định Đài Loan là bộ phận bất khả xâm phạm của Trung Quốc và phản đối mọi hình thức độc lập của Đài Loan". Đến nay, khi tình hình Đài Loan nóng lên, tuyên bố này lại lập tức trở nên thời sự, và một sự so sánh với những gì diễn ra nửa thế kỷ trước là không thể tránh khỏi. Quan hệ Trung - Mỹ cũng đã đầm ấm xuất phát trước hết từ việc Mỹ cam kết với nguyên tắc Một Trung Quốc.

Ngày nay, đổi lại cam đoan của Nga, "hai bên phản đối việc mở rộng hơn nữa NATO và kêu gọi Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ bỏ cách tiếp cận với ý thức hệ chiến tranh lạnh, tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích của các quốc gia khác, tôn trọng sự đa dạng về văn minh, văn hóa và lịch sử, và có thái độ công bằng, khách quan với sự phát triển hòa bình của các quốc gia khác". 

Tóm lại, trong khi thông cáo chung không nói đến vấn đề Ukraine, vốn sẽ bùng nổ thành một cuộc chiến tranh chỉ sau đó 20 ngày, nó đã dự báo trước rất nhiều điều.

Tuy nhiên, cũng như mối quan hệ Trung - Mỹ 50 năm trước, mối quan hệ Nga - Trung ngày nay cũng không hoàn toàn là bình đẳng và sòng phẳng, như một số người muốn tin. Vài tuần trước khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, hai ông Putin và Tập đã tuyên bố mối quan hệ đối tác "không giới hạn", điều đang ngày càng trở thành sự thực khi quan hệ Trung - Mỹ giờ đã xuống mức thấp nhất trong mấy chục năm.

Tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại Matxcơva Zhang Hanhui (Trương Hán Huy) tuyên bố với Hãng tin Nga Tass: "Là đối tượng khiêu khích và kích động chính yếu trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Washington, trong khi áp đặt các lệnh cấm vận toàn diện chưa từng có tiền lệ lên Nga, lại tiếp tục cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine. Mục tiêu cuối cùng của họ là làm suy kiệt và nghiền nát nước Nga bằng một cuộc chiến tranh kéo dài và cấm vận".

Trước đó không lâu, thư ký báo chí của ông Putin, Dmitry Peskov, công kích chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi: "Đây không phải là động thái nhằm ủng hộ tự do và dân chủ. Đây là hành động khiêu khích. Phải gọi đúng bản chất của sự việc".

Trong khi sự ủng hộ chính trị và ngoại giao qua lại là rõ ràng, bức tranh quan hệ song phương sẽ chưa đầy đủ nếu thiếu các con số thống kê, nhất là về thương mại và kinh tế. Cuộc chiến Ukraine đã khiến Nga ngày một xích gần lại với Trung Quốc, có thể nói là hơn nhiều so với chiều ngược lại. 

Xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc tăng 80% vào tháng 5-2022 so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên. Trong khi hàng hóa sản xuất chế tạo từ Trung Quốc đã nhanh chóng thay thế các hàng nhập khẩu từ phương Tây của Nga.

Tháng 7 vừa rồi, đồng nhân dân tệ lần đầu tiên vượt qua đồng euro trở thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên thị trường chứng khoán chính thức của Nga, MOEX. Một số chuyên gia, như Alexander Gabuev - nhà nghiên cứu về Nga ở Quỹ Niên liễm Canergie về hòa bình quốc tế - thậm chí cho rằng nhân dân tệ đã "trở thành dự trữ ngoại hối trên thực tế của Nga". Đó thực sự là một mối lợi song phương quá lớn.

Ngay sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, một số chuyên gia phương Tây đã tin rằng Trung Quốc rồi cũng sẽ tham gia các lệnh trừng phạt nhắm vào Kremlin, hay ít ra là không giúp gì nhiều cho Nga về mặt kinh tế. Nhưng những động thái của Mỹ ở Đài Loan vừa qua đã khiến lòng tin đó trở thành ảo tưởng. 

"Cách tốt nhất để phương Tây đối phó với sự liên kết Trung - Nga là phải công nhận rằng mối liên hệ đấy là mạnh mẽ, từ đó phải tăng cường sức bền và năng lực răn đe của chính chúng ta" - Justyna Szczudlik, chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Quan hệ quốc tế Ba Lan, tuyên bố.

Con tạo cứ thế xoay vần. Năm 1972, Trung Quốc và Mỹ kết thân đối đầu với Liên Xô. Năm 2022, Trung Quốc và Nga liên kết đối đầu với Mỹ. Sự gắn bó của năm 2022 dựa trên sự đồng dạng của hai nước, như người Pháp có câu châm ngôn: Ai giống nhau, tụ tập với nhau. Hay như người Trung Quốc nói: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. ■

Thứ tư tuần trước, 17-8, quân đội Trung Quốc đã có mặt ở Nga để tham gia một cuộc tập trận chung bao gồm cả Ấn Độ, Belarus, Mông Cổ, Tajikistan... Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra một thông báo "rào trước" nói cuộc tập trận này "không liên quan tới tình hình quốc tế và khu vực hiện giờ". Tháng trước, Matxcơva đã tuyên bố dự tính tổ chức các cuộc tập trận "Vostok" (phương Đông) từ 30-8 tới 5-9.

Đây chỉ là một sự kiện trong cả chuỗi hợp tác an ninh quốc phòng chặt chẽ chưa từng thấy giữa hai siêu cường quân sự. Gần đúng một năm trước, Nga - Trung đã tổ chức tập trận quy mô rất lớn ở vùng Ninh Hạ, bắc Trung Quốc, với sự tham gia của hơn 10.000 binh sĩ. Tháng 10-2021 là cuộc diễn tập hải quân song phương trên biển Nhật Bản.

Chỉ vài ngày sau, tàu chiến Nga - Trung lần đầu tiên cùng nhau tuần tra ở tây Thái Bình Dương. Tháng 11-2021, Hàn Quốc thông báo họ đã cử máy bay chiến đấu xuất kích sau khi 2 máy bay Trung Quốc và 7 máy bay Nga cùng nhau đi vào vùng nhận diện phòng không của nước này trong một sự kiện mà Bắc Kinh giải thích là "diễn tập thường xuyên".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận