Thế giới có đủ lớn cho cả hai?

DANH ĐỨC 04/04/2016 17:04 GMT+7

TTCT - Những cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung luôn diễn ra trong trạng thái bằng mặt mà không bằng lòng. Những bất đồng lớn khiến cuộc gặp sắp tới không phải là ngoại lệ.

Quan hệ Trung - Mỹ về cơ bản vẫn là những bất đồng                  -The Economist
Quan hệ Trung - Mỹ về cơ bản vẫn là những bất đồng -The Economist

 

Sáu ngày trước cuộc gặp song phương Tập Cận Bình - Barack Obama bên lề Thượng đỉnh an ninh hạt nhân ngày 31-3 ở Washington, Nhà Trắng thông báo “đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy hợp tác Mỹ - Trung về một số vấn đề lợi ích chung, đồng thời tạo điều kiện cho Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập bàn đến những lĩnh vực bất đồng một cách xây dựng”.

Có thể thấy qua loan báo trên hai thành tố của mối quan hệ Mỹ - Trung: hợp tác ở một số lĩnh vực lợi ích chung và bất đồng ở một số lĩnh vực khác mà hai ông Obama và Tập sẽ trao đổi riêng với nhau. Để chuẩn bị dư luận cho cuộc gặp, mỗi bên đều bắn tiếng về nội dung mình muốn đề cập qua trung gian một viên chức cấp thứ trưởng ngoại giao.

“Thái Bình Dương đủ lớn cho cả hai” là nghĩa lý gì?

Chín ngày trước cuộc gặp Tập - Obama, phía Mỹ bắn tiếng trước bằng một cuộc diễn thuyết của trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel R. Russel tại Trường quản trị Hertie ở Đức với tựa đề “Hướng Đông: Các xu hướng ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Chọn một trường hành chính ở Đức để đăng đàn nói về châu Á - Thái Bình Dương có vẻ như là một “sân trung lập”. Song trợ lý Russel đã giới thiệu ngay “mẫu số chung” giữa Đức nói riêng, châu Âu nói chung với Mỹ:

“Trước hết, tôi muốn nói về việc Đại Tây Dương có ý nghĩa như thế nào với Thái Bình Dương... Đức cùng các nước châu Âu khác đóng góp vào an ninh khu vực, tỉ như tham gia Diễn đàn an ninh ASEAN (ARF), các cuộc diễn tập hỗn hợp như RIMPAC.

Các nước châu Âu hợp tác với các nước châu Á trong các chiến dịch chống cướp biển ở Ấn Độ Dương... Mỹ, châu Âu và EU đã tiên phong khởi xướng một mức độ hợp tác phát triển mới với năm nước lưu vực sông Mekong. Chúng ta đã cùng nhau cộng tác để thúc đẩy cách tiếp cận phát triển kinh tế bền vững hơn tại đường thủy quan trọng này...”.

Trợ lý Russel đi vào chi tiết các mối quan ngại: “Để giải quyết những thách thức chung của khu vực như các thảm họa quốc gia, an ninh lương thực và nước, y tế công cộng, khu vực này sẽ muốn một sự kết hợp của các định chế thường trực và những nhóm chuyên môn bao gồm chẳng hạn như Diễn đàn khu vực ASEAN hoặc Sáng kiến hạ lưu Mekong”.

Việc ông Russel nhắc rằng sự hợp tác Âu, Mỹ với các nước hạ lưu sông Mekong mang tính “tiên phong” thật trùng hợp, được đưa ra không đầy một tuần trước Hội nghị Mekong - Lan Thương tại Tam Á (Hải Nam) giữa Trung Quốc và các nước có sông Mekong chảy qua ở Đông Nam Á vào thời điểm khu vực hạ lưu đang “nhờ” Trung Quốc xả nước ở thượng nguồn trong cơn khô hạn.

Tuyên bố chung Tam Á “Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mekong - Lan Thương” phản ánh phần nào tâm tư của những nước ở hạ lưu: “Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng sông Mekong với sự phát triển của các nước ven sông và nhất trí tăng cường hợp tác giữa sáu nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương.

Hội nghị cho rằng các nước cần tăng cường phối hợp trong ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và việc Trung Quốc tăng lượng xả nước ở thượng nguồn để hỗ trợ khắc phục hạn hán ở hạ nguồn là sự khởi đầu tốt đẹp của hợp tác”.

Song cũng phản ánh nhãn quan của nước lớn nhất trong hội nghị: “Sáu nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân”. Vấn đề là hợp tác như thế nào, đến mức nào, dưới hình thái nào, như hợp tác chính trị - an ninh, để hợp tác mà không hợp nhất?

Trở lại với trợ lý Russel, ông không quên nhắc nguyên tắc nền tảng của Mỹ hiện nay ở Thái Bình Dương: “Để đảm bảo an ninh chung, toàn khu vực muốn một số sắp xếp nhằm ngăn chặn bất kỳ một thế lực bản địa nào, bất kỳ cường quốc nào hoặc thống trị, hoặc chia rẽ châu Á”.

Trong phần hỏi đáp, ông Russel nói thẳng: “Người Trung Quốc thích nói “Thái Bình Dương đủ lớn cho cả hai”. Điều đó không có nghĩa là họ có thể vạch một đường ở giữa Thái Bình Dương rồi nói rằng “Quý vị ở yên ở bờ đông, còn chúng tôi sẽ kiểm soát tất cả mọi thứ ở phía tây. Điều đó không thể chấp nhận được!”.

Vấn đề hạt nhân

Đáp trả, hai ngày trước hội nghị thượng đỉnh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông phát đi qua China Daily thông điệp của Bắc Kinh tập trung vào vấn đề an ninh hạt nhân. Có vẻ như phía Trung Quốc muốn né tránh tranh cãi về vấn đề châu Á - Thái Bình Dương mà ông Russel đã khơi mào và hướng sự chú ý vào đề tài an ninh hạt nhân.

Thứ trưởng Lý quả quyết việc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục dự thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần này sau khi đã dự một hội nghị tương tự năm 2014 ở Hà Lan cho thấy Trung Quốc muốn thực thi sách lược an ninh hạt nhân mà ông Tập đã lần đầu nêu ra năm ngoái, đồng thời cho thấy “tinh thần trách nhiệm của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh hạt nhân toàn cầu”.

Lập trường của Trung Quốc là “cộng đồng quốc tế cần tăng cường phối hợp và quản lý trong lĩnh vực hạt nhân trên quy mô toàn cầu” thông qua “việc các nhà nước thực thi trọn vẹn trách nhiệm cùng nghĩa vụ quốc tế của mình. Các nhà nước cần có luật pháp cùng các cơ chế giám sát nhằm đảm bảo hiệu quả các vật liệu cùng cơ sở hạt nhân, cung cấp một sự đảm bảo an ninh hạt nhân về mặt định chế, kỹ thuật và nhân sự trong mọi thời tiết”.

Nôm na mà nói, Trung Quốc - từng thử bom A lần đầu tiên năm 1964, bom H năm 1967 sau khi đã kinh qua giai đoạn đầu tiên là sản xuất “bằng mọi giá” bom hạt nhân, điều mà các nước phát triển vũ khí hạt nhân đều phải trải qua - nay đã là một cường quốc hạt nhân, không muốn thấy có những ý muốn làm chủ vũ khí hạt nhân “bằng mọi giá” tương tự và khuyến cáo các nước “thượng tôn luật pháp” trong lĩnh vực hạt nhân thông qua việc đảm bảo sự kiểm soát một hệ thống nhân lực, cơ sở, kỹ thuật hoàn chỉnh, hầu không để xảy ra sự cố.

Quan ngại thứ nhì của Trung Quốc, qua bài viết của Thứ trưởng Lý, là ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân.

Quan ngại thứ ba là đừng để vũ khí hạt nhân lọt vào tay khủng bố. Chính vì thế mà một Trung tâm an ninh hạt nhân do Trung Quốc và Mỹ cùng sáng lập vừa được khánh thành hôm 18-3 tại Bắc Kinh nhằm giúp cải thiện an ninh hạt nhân, trước hết ở châu Á - Thái Bình Dương, sau đó là trên toàn cầu.

Ở Thượng đỉnh an ninh hạt nhân Washington tuần này, Trung Quốc “hi vọng các nước sẽ cùng đạt một sự đồng thuận mới và cùng nỗ lực xây dựng một hệ thống an ninh hạt nhân công bằng hơn, hợp tác hơn, đem lại lợi ích toàn cầu hơn, hầu có thể phát triển năng lượng hạt nhân một cách lành mạnh hơn trên thế giới”.

Tính từ “công bằng” hơn trong cụm từ “một hệ thống an ninh hạt nhân công bằng hơn” cho thấy đã có và vẫn còn khác biệt không nhỏ giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề vũ khí chiến lược của mỗi bên. Trong một bài viết đăng tháng 12 năm ngoái, Trung tâm Carnegie Endowment for International Peace phân tích khác biệt này:

“Trung Quốc coi việc các nước khác phát triển khả năng chiến lược như hành động (nhằm làm) suy yếu khả năng trả đũa hạt nhân của mình, (thành ra) dứt khoát Trung Quốc sẽ xem xét việc triển khai thêm vũ khí hạt nhân. Tỉ như để đáp ứng khả năng phòng thủ tên lửa ngày càng tăng của Mỹ, Trung Quốc chọn việc phát triển thêm nhiều tên lửa tấn công hơn.

Nếu xảy ra một cuộc chạy đua số lượng tên lửa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đó sẽ là một cuộc chạy đua vũ khí bởi một tình thế lưỡng nan về an ninh. Trung Quốc cam kết không theo đuổi một chiến lược tăng trưởng hạt nhân cho quyền bá chủ toàn cầu, song không loại trừ một chiến lược tăng trưởng hạt nhân để đối phó với một tình thế an ninh khó xử”.

Nôm na mà nói, Mỹ càng phát triển phòng thủ tên lửa, Trung Quốc càng cảm thấy khả năng răn đe hạt nhân của mình bị đe dọa, nên Trung Quốc sẽ càng phát triển hạt nhân và tên lửa hơn để hóa giải “gọng kềm” phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Đây cũng là lý do khiến Trung Quốc hiện hết sức phản kháng việc Hàn Quốc và Mỹ sắp triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn giai đoạn chót ở độ cao (THAAD), sau khi CHDCND Triều Tiên thử nghiệm bom khinh khí vào tháng 1 năm nay. Trung Quốc lo sợ hệ thống THAAD có thể “trói tay” sức mạnh tên lửa của họ. Ngược lại, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng THAAD chỉ để phòng thủ, chống lại nguy cơ bị Bình Nhưỡng tấn công.

Vấn đề tên lửa THAAD liên quan đến Triều Tiên còn liên đới đến một bất đồng khác nữa giữa Mỹ và Trung Quốc, đó là việc Triều Tiên nay coi như đã làm chủ vũ khí hạt nhân “trước mặt” Trung Quốc. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 6-1 sau vụ thử bom H của Bình Nhưỡng vẫn là điệp khúc muôn thuở:

“Chúng tôi mong rằng ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ dấn tới nhằm buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm. Trung Quốc đóng một vai trò then chốt do lẽ họ có ảnh hưởng, tôi muốn nói là ảnh hưởng độc nhất vô nhị (với Triều Tiên)...

Chúng tôi mong rằng Trung Quốc tiếp tục ảnh hưởng của mình một cách tích cực”. Khi nói “một cách tích cực”, Mỹ ngụ ý rằng đến nay các ảnh hưởng của Trung Quốc lên Triều Tiên là “chưa tích cực”!

Mỗi bên một cách tiếp cận thông tin về cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia như một báo trước nội dung “làm việc”. Đây không phải là cuộc gặp đầu tiên và cũng chưa phải cuối cùng, dù ông Obama sẽ rời khỏi chức vụ trong tám tháng nữa. Các vấn đề giữa hai bên vẫn sẽ còn đó, có khi còn trầm trọng hơn như đã có thể nghiệm thấy. Các cuộc gặp có thể chưa giải quyết được gì, song ít nhất cũng cho phép hiểu rõ hơn phía kia muốn gì. Lần này có vẻ như phía Mỹ cảm thấy đã đến lúc nói “toạc móng heo”!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận