Thử đề khởi một phong cách văn hóa thuốc lá tại VN

TTCN - Một đất nước muốn phát triển bền vững phải luôn giữ một sự hài hòa giữa kinh tế với xã hội và văn hóa, giữa sinh hoạt của con người với thiên nhiên. Đi tắt đón đầu về kinh tế không dễ thực hiện trong thời gian ngắn và trên qui mô rộng, nhưng nếu kết hợp với đi tắt đón đầu về văn hóa, xã hội, môi trường thiên nhiên thì chất lượng cuộc sống tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế.

Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, đi tắt đón đầu về văn hóa có thể góp phần làm cho kinh tế phát triển nhanh hơn vì tiết kiệm được nhiều nguồn lực.

Mặt khác, một nước dù trình độ phát triển kinh tế còn thấp nhưng tiếp thu nhanh các giá trị văn hóa mới hoặc phát ra được các tín hiệu về giá trị văn hóa có thể giành được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế, có sức thu hút và trở thành điểm hẹn của du khách, của bạn bè thế giới. Đó là một mặt của sức mạnh mềm (soft power), khác với sức mạnh do thành công của phát triển kinh tế mang lại.

Tôi chưa tìm ra một ví dụ nào có sức bao quát về các vấn đề vừa phân tích hơn là vấn đề hút thuốc lá. Trên thế giới, vấn đề này phát triển nhanh quá. Thành quả nghiên cứu về y học, về phân tích phí tổn kinh tế, về ảnh hưởng môi trường... được công bố nhiều hơn, nhưng nổi lên nhất là phong trào xã hội và chính sách nhà nước các cấp liên quan đến việc nhanh chóng xác lập một tác phong mới, một tập quán mới, một hệ thống pháp luật mới về thuốc lá. 

Tại VN vấn đề này đang được dư luận chú ý và đây đó đã có những nỗ lực hướng đến việc giảm tác hại của thuốc lá đến môi trường sống.

Phí tổn y tế phi bất khả kháng và hút thuốc thụ động

Cho đến nay, ảnh hưởng độc hại của thuốc lá đã được nói đến nhiều. Vấn đề này được tiếp tục nghiên cứu và quảng bá để cảnh báo người nghiện thuốc. Nghiên cứu gần đây cho thấy trong khói thuốc có tới khoảng 4.000 loại hóa chất và trong đó có độ 60 loại trực tiếp làm phát sinh bệnh ung thư.

Gần đây báo chí ở Nhật Bản có giới thiệu một kết quả nghiên cứu cho thấy người nghiện thuốc sẽ dễ bị mắc bệnh phổi khi về già và cứ năm người mắc bệnh này sẽ có một người phải quằn quại nhiều năm cho đến khi chết vì không thở được do một phần của tế bào phổi bị rạn nứt.

Nghiên cứu kinh tế đưa ra những kết quả cũng đáng chú ý. Bệnh tật gây ra do hút thuốc quá nhiều đang ngày càng làm cho ngành y tế phải phụ đảm một phí tổn không đáng có. Phí tổn y tế lẽ ra nên dành cho các bệnh tật bất khả kháng như suy yếu vì tuổi già, cảm ho vì thời tiết, bị thương tật vì tai họa thiên nhiên..., những chứng bệnh không hoặc khó chủ động phòng ngừa.

Ta tạm gọi đó là các phí tổn y tế bất khả kháng. Nhưng có những sản phẩm hoặc dịch vụ nếu con người chủ động không tiêu thụ hoặc tiêu thụ ở mức độ vừa phải như rượu, thuốc lá... thì sẽ không phát sinh bệnh và do đó không phát sinh phí tổn mà ta có thể gọi là phí tổn y tế phi bất khả kháng.

Theo một nghiên cứu gần đây, tại Nhật phí tổn y tế phi bất khả kháng năm 1999 là 3.190 tỉ yen, chiếm 10% tổng phí tổn y tế. Trong đó, phí tổn phi bất khả kháng do ảnh hưởng của thuốc lá là 1.294 tỉ yen. Nhật Bản là nước có tỉ lệ người già cao nhất thế giới, phí tổn y tế cho họ khá lớn nên tỉ lệ của phí tổn phi bất khả kháng tương đối thấp.

Tại những nước mà trình độ phát triển và tỉ lệ dân số còn non trẻ mà có tỉ lệ người hút thuốc tương đương Nhật Bản, chắc chắn tỉ lệ phí tổn y tế phi bất khả kháng rất cao.

Nhưng khác với rượu là thứ chỉ tác động đến người tiêu thụ, còn thuốc lá thì khác. Một khái niệm ngày càng phổ biến trên thế giới là hút thuốc thụ động để chỉ trường hợp người không hút thuốc nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng của khói thuốc do người khác gây ra (nếu kể cả trường hợp này, phí tổn y tế phi bất khả kháng sẽ càng cao hơn nữa).

Ở các nước tiên tiến, hút thuốc thụ động trở thành vấn đề xã hội lớn ảnh hưởng rộng đến hoạt động kinh tế, hành chính, văn hóa... khi có nghiên cứu cho thấy đã có khá nhiều người chết hoặc mắc bệnh phổi, bệnh suyễn do tác động của khói thuốc mặc dù không hút.

Từ khoảng 15 năm trước, nhiều nước đã giải quyết bằng biện pháp tạo sự phân cách giữa người hút thuốc và không hút thuốc, chẳng hạn bố trí chỗ ngồi riêng trong nhà hàng, quán cà phê... Các công sở, văn phòng làm việc của công ty dành riêng một phòng nhỏ cho người hút thuốc và qui định không được hút thuốc nơi khác.

Nghiên cứu gần đây cho thấy khói thuốc có sức thâm nhập rất mạnh và tinh vi, có thể len vào những kẽ hở rất nhỏ, do đó việc phân cách giữa người hút thuốc và người không hút thuốc ngày càng khó khăn và tốn kém. Phân chia hai tầng lầu của một quán cà phê bây giờ không được xem là hợp tiêu chuẩn nữa. Vì lý do này, hiện nay tại Nhật nhiều nhà hàng, nhà ga, siêu thị phải cấm hút thuốc toàn diện.

Tại Nhật việc giảm tỉ lệ người hút thuốc trở thành mục tiêu quốc gia. Tỉ lệ người hút thuốc nam giới năm 2001 là 46%, đã giảm đáng kể trong thời gian ngắn so với 56% của năm 1987. Nhưng tỉ lệ này vẫn còn khá cao, mục tiêu của Nhật là nhanh chóng giảm xuống mức tương đương với các nước Âu - Mỹ (28 -29%).

Để đạt mục tiêu đó, Nhật đã tăng thuế tiêu thụ thuốc lá và ban hành Luật gia tăng sức khỏe dân chúng, trong đó chủ yếu buộc các cơ sở công cộng phải triệt để đề phòng ảnh hưởng của khói thuốc đối với người không hút. Chính phủ cũng đã quyết định trên nguyên tắc cấm hút thuốc tại các cơ quan nhà nước ở trung ương.

Chính quyền địa phương các cấp cũng ban hành các điều lệ, các biện pháp giảm tối đa ảnh hưởng của khói thuốc. Quận Chiyoda ở Tokyo ra điều lệ xử phạt những người vừa đi đường vừa hút thuốc. Nhiều tỉnh đã quyết định cấm thầy giáo và khách viếng thăm hút thuốc tại các trường tiểu học và trung học.

Đáng chú ý nhất là các doanh nghiệp, các khách sạn, nhà hàng ngày càng xem việc phòng ngừa ảnh hưởng của thuốc lá không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là một trong những yếu tố tăng sức cạnh tranh. Số người không hút thuốc ngày càng nhiều và ý thức về sự độc hại của khói thuốc ngày càng cao thì ngày càng nhiều khách hàng tránh xa những nơi không làm tốt công việc ngăn ngừa ảnh hưởng của thuốc lá.

Mặt khác, các công ty không làm tốt công việc này sẽ ít có khả năng thu hút được người tài giỏi vào làm việc. Matsushita - công ty sản xuất đồ điện hiệu National nổi tiếng thế giới, đã có kế hoạch giảm tỉ lệ hút thuốc của công nhân viên nam giới từ 54,6% hiện nay xuống còn 34% vào năm 2010 và dự định thi hành các biện pháp triệt để bảo vệ người hút thuốc thụ động.

Một phong cách văn hóa thuốc lá tại VN?

Cần có phong cách văn hóa hút thuốc
Tại VN số người hút thuốc lá khá đông. Tôi chưa thấy có thống kê về tỉ lệ người hút thuốc nhưng làm việc nhiều ở Hà Nội và TP.HCM tôi có cảm tưởng tỉ lệ người hút thuốc lá nam giới ở Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn Nhật Bản một tí, nhưng ở TP.HCM có lẽ tỉ lệ này cao hơn Nhật Bản rất nhiều.

Điều quan trọng hơn là phong cách của đa số người hút thuốc và sự thiếu quan tâm đúng mức của các cơ quan hành chính, các cơ sở công cộng, các doanh nghiệp... đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, đến người hút thuốc thụ động.

Khói thuốc bay mù mịt ở nhiều nơi công cộng đông người tàn thuốc vung vãi bừa bãi ngoài đường phố, nhiều người bình thản hút thuốc hàng giờ trước mặt phụ nữ và trẻ em...

Dĩ nhiên hiện nay ta không thể làm hoàn toàn những gì Nhật Bản và nhiều nước tiên tiến đang làm. Tuy nhiên đây là lĩnh vực có khả năng đi tắt đón đầu dễ dàng vì điều kiện để thực hiện phần lớn là ý thức, là cơ chế, chính sách và tác phong văn hóa.

Để giảm số lượng tiêu thụ thuốc lá và giảm ảnh hưởng của thuốc lá đến môi trường và người hút thuốc thụ động, một mặt cần nỗ lực từ các cấp nhà nước, các công ty, các cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng, mặt khác cần xác lập một phong cách văn hóa thuốc lá hợp với đòi hỏi của thời đại.

Chính quyền các cấp cần quảng bá hơn nữa sự độc hại của thuốc lá, đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp tiểu học và trung học để giảm “đội quân” dự bị hút thuốc trong tương lai, triệt để cấm hút thuốc ở bệnh viện và các trường trung, tiểu học và từng bước chuẩn bị các điều lệ nhằm ngăn ngừa ảnh hưởng của khói thuốc đến người hút thụ động. Các nhà hàng, khách sạn..., cần thực hiện ngay cơ chế phân ly người hút thuốc và không hút thuốc.

Vấn đề xác lập một phong cách văn hóa thuốc lá có lẽ khó hơn nhưng nếu làm được thì hiệu quả rất lớn. Trước hết, nếu ai cũng quan niệm rằng người lịch sự chỉ hút thuốc ở những nơi có sẵn gạt tàn thuốc thì giải quyết được rất nhiều vấn đề: không còn tình trạng vừa đi vừa hút thuốc, một hành động vừa làm phiền người đi đường khác vừa làm ô nhiễm môi trường, hạn chế được lượng tiêu thụ của người hút thuốc ảnh hưởng tốt đến sức khỏe của họ.

Về phong cách văn hóa, còn một vấn đề rất tế nhị là trong các buổi gặp mặt, các bữa cơm thân mật, các buổi uống cà phê giữa bạn bè, đồng nghiệp mà trong đó có cả hai thành phần hút và không hút, đặc biệt có cả phụ nữ không hút thuốc thì làm thế nào? Cho đến nay trong những trường hợp như vậy không ai ý thức đến ảnh hưởng của khói thuốc đến người hút thật thụ động và người không hút thuốc vì phép lịch sự đã chịu đựng sự khó chịu do khói và mùi thuốc lá.

Nhưng từ nay, do sự độc hại của thuốc lá ngày càng được xác nhận qua các nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ nên dành phép lịch sự cho người hút thuốc, nghĩa là bây giờ đến lượt người hút thuốc vì phép lịch sự nên chịu đựng sự khó chịu của riêng mình khi không được hút thuốc. 

Nếu nhà hàng hoặc quán cà phê có phân cách chỗ ngồi cho hai đối tượng rồi thì dù số người hút thuốc đông hơn vẫn nên chọn khu không hút thuốc vì phép lịch sự mới. Phép lịch sự mới có tác dụng tốt đến tất cả mọi người trong cộng đồng, kể cả người hút thuốc.

Xác lập một lối sống mới trong đó giảm tiêu thụ thuốc lá và tránh tác hại của mùi và khói thuốc đến người không hút sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí y tế và bảo vệ môi trường. Vấn đề này ngày càng trở thành một giá trị văn hóa phổ biến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận