TTCT - 5 năm liền không vào chung kết Champions League và hầu như không trình làng ngôi sao trẻ nào mới, có thể khẳng định kỷ nguyên thành công của Barcelona đã kết thúc. Begiristain được xem là kiến trúc sư cho thế hệ thành công rực rỡ của La Masia. Ảnh: BarcelonaThảm bại 2-8 dưới tay Bayern Munich tuần rồi có thể là dấu chấm hết cho một hành trình thoái trào thực ra đã bắt đầu từ nhiều năm trước.Thành công phải dựa trên truyền thốngBarcelona không phải một CLB bình thường. Sự khác biệt của họ đến từ cấu trúc đội bóng, cách vận hành, đào tạo trẻ... Cả hệ thống khổng lồ mà tập thể những Lionel Messi, Gerard Pique, Sergio Busquets... chỉ là phần ngọn vẫn thường được gọi với cái tên “Barca”. Không vị chủ tịch nào một mình sở hữu hệ thống đó, mà là hơn 140.000 cổ đông, những CĐV có quyền sở hữu và biểu quyết ở CLB được gọi bằng cái tên “socis”.Cũng ở cốt lõi của Barca là La Masia - học viện lừng danh được xem là lò đào tạo bóng đá chất lượng nhất thế giới. Hằng năm, hơn 1.000 đứa trẻ độ tuổi từ 6-8 bước vào khâu sát hạch đời đầu, để chọn ra 200 cầu thủ nhí tiếp theo đưa vào những đội bóng các lứa tuổi. Đó là chưa kể hệ thống “chân rết” rải khắp thế giới.Với cấu trúc như vậy, “truyền thống” không chỉ là nói suông ở Barcelona. Đó luôn được coi là tiêu chí quyết định để xây dựng thành công cho đội bóng. Trên thế giới chỉ một số ít CLB đạt đến quy mô và tầm vóc đó, có thể tạm kể vài cái tên như kình địch của Barca Real Madrid, Bayern Munich của Đức, Liverpool của Anh, và phần nào đó là Ajax ở Hà Lan.Sự thoái trào của Barcelona bắt đầu khi La Masia không còn cung cấp đủ nguyên liệu để phần ngọn duy trì chất truyền thống trong đội hình. Dấu hiệu của điều đó là khi thế hệ vàng Xavi, Andres Iniesta, Carles Puyol... ra đi, còn những Messi, Busquets, Pique, Jordi Alba... đều đã ngoài 30, trong khi không có hậu bối nào từ La Masia đủ năng lực thay thế họ. Sergi Roberto là đại diện duy nhất của thế hệ 9x ở đội hình chính Barca hiện giờ. Lứa sinh sau năm 2000 đến nay chỉ mới xuất hiện đúng một cái tên chứng tỏ được tiềm năng là Ansu Fati. Hiệu suất đào tạo trẻ đó còn kém cả Real Sociedad hay Villarreal - những đội trung bình khá ở La Liga nhưng lại đang đóng góp khá nhiều ngôi sao “cây nhà lá vườn” cho tuyển Tây Ban Nha.Phong độ của Messi rốt cuộc cũng chỉ là một phần nhỏ trong truyền thống Barcelona. Thậm chí, sự xuất sắc quá mức của siêu sao người Argentina nhiều năm qua đã tạo nên ảo tưởng cho người hâm mộ xứ Catalonia rằng đội bóng của họ vẫn còn giữ được vị thế như xưa. Bao năm qua, “quả ngọt” Messi và các đồng đội Pique, Busquets đã bị vắt kiệt, còn “cây nhà” La Masia từ lâu đã chẳng còn được vun trồng đúng cách.Guardiola, Enrique hay Begiristain?Trong hành trình suy thoái đó, đâu là cột mốc khởi đầu? Sự ra đi của Pep Guardiola vào năm 2012 hay Luis Enrique năm 2015? Đó đều là những chiến lược gia gắn với triết lý truyền thống của Barcelona, nhưng họ đã không thể tỏ ra là những kiến trúc sư cho thành công lâu dài. Một cái tên khác ít được chú ý hơn: Txiki Begiristain, có lẽ mới là nhân vật then chốt của quá trình xây nền đắp móng. Mùa hè 2010, vị giám đốc thể thao rời sân Nou Camp để lại một chiếc ghế không ai ngồi vừa. Đà suy thoái thực sự đã bắt đầu từ đó, khi những culé còn đang ngất ngây với thành công của đội bóng.Năm 2003, Begiristain trở lại Camp Nou - nơi ông từng có 7 năm thi đấu thành công. Barcelona cũng là một trong những CLB lớn đầu tiên của châu Âu áp dụng mô hình giám đốc thể thao (hay giám đốc kỹ thuật) khi đó. Trách nhiệm chính của Begiristain là xây dựng lò đào tạo trẻ. Lúc Begiristain đảm nhận cương vị, Messi, Pique, Pedro đều mới 16 tuổi, Busquets 15, Jordi Alba 14..., độ tuổi quan trọng nhất của quá trình phát triển cầu thủ trẻ. 5 năm sau, lứa cầu thủ đó được Guardiola đưa lên đỉnh cao. Nhưng Guardiola chỉ là người hái quả, người vun trồng thực sự là Begiristain.Nếu như HLV trưởng có thể bộc lộ tầm ảnh hưởng và biết được thành bại chỉ sau 12 tháng làm việc thì công việc của một giám đốc thể thao thường phải mất 3-4 năm mới cho thấy tác động. Ngày Begiristain ra đi, thế hệ cầu thủ do ông vun trồng chỉ mới bắt đầu bước vào thời kỳ đỉnh cao. Phải 5 năm sau, người ta mới nhận thấy La Masia suy tàn thế nào khi không có Begiristain.Ban lãnh đạo Barelona tất nhiên hiểu rõ tầm quan trọng của vai trò giám đốc thể thao. Họ đã nỗ lực tìm người lấp vào chỗ trống Begiristain để lại. 10 năm qua, Barca lần lượt chọn Andoni Zubizarreta, Roberto Fernandez, và giờ là Eric Abidal, tất cả đều là những cựu danh thủ gắn bó lâu dài với đội bóng, cho trọng trách này, nhưng kết quả không mấy khả quan. Mùa giải này, Abidal thậm chí phạm phải sai lầm nghiêm trọng: chỉ trích cầu thủ công khai với truyền thông, khiến mâu thuẫn nội bộ đội bóng trở nên không thể hàn gắn. Với tất cả những điều đó, chừng nào Barca chưa tìm được một Begiristain nữa, hi vọng thống trị trở lại của họ sẽ còn nhạt nhòa.■Những Begiristain khácCùng thời với Begiristain trên cả sân cỏ lẫn công việc giám đốc thể thao là Matthias Sammer. Cựu tiền vệ người Đức thành công với vai trò giám đốc thể thao đến mức anh được xem như người định nghĩa cho công việc này. Năm 2006, Sammer bắt đầu làm việc cho LĐBĐ Đức, và góp công lớn vun đắp cho đội tuyển quốc gia Đức một thế hệ cầu thủ trẻ xuất sắc đạt đến đỉnh cao chói lọi là chức vô địch World Cup 2014, 8 năm sau khi Sammer được bổ nhiệm.Sammer là cầu thủ có một sự nghiệp hiển hách, vô địch Champions League và giành cả Quả bóng vàng (1996). Nhưng có thể nói ông còn thành công hơn ở vai trò giám đốc thể thao. Từ 2006 đến nay, Sammer đi đến đâu là nơi đó gặt hái thành công, dù là tuyển Đức hay CLB Bayern Munich, rồi giờ là Borussia Dortmund. Uy tín của một cựu danh thủ, sự thấu hiểu truyền thống đội bóng, thái độ quyết liệt, và hiển nhiên, kiến thức về khả năng quản lý là điều đã làm nên sự khác biệt cho Sammer.Gần đây nhất, Ajax cũng lấy lại hình ảnh huy hoàng thuở xưa nhờ việc bổ nhiệm những nhân tố hợp lý cho ban lãnh đạo: cựu thủ thành Edwin Van Der Sar và cựu tiền vệ Marc Overmars. Đầu thập niên 2010, cả hai trở lại Ajax theo lời kêu gọi của Johan Cruyff - cố vấn cấp cao của Ajax lúc đó. “Thánh Johan” không ở lại Ajax quá lâu, nhưng tôn chỉ của ông được Van Der Sar và Overmars kế tục, ngoài ra còn có Frank De Boer trên ghế HLV trưởng. Cùng nhau, những huyền thoại của Ajax thuở nào đã giúp đội bóng giàu truyền thống nhất Hà Lan một lần nữa trở lại đỉnh cao. Tags: Bóng đáBarcelonaBarca
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).