Thượng đỉnh Mỹ - Trung: "Đình chiến" tạm thời

THANH TUẤN 26/11/2023 09:59 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8-11 được coi là dấu hiệu tiến bộ sau giai đoạn căng thẳng dài, nhưng mấu chốt của những căng thẳng thì vẫn còn đó.

Ông Biden đã rút điện thoại ra sau khi kết thúc cuộc họp dài 4 tiếng và chỉ cho ông Tập xem một bức hình. "Ông biết thanh niên trẻ này không?" - ông Biden hỏi. Ông Tập cười và nói: "Đó là tôi 38 năm trước".

Ảnh: Agenzia Nova

Ảnh: Agenzia Nova

Bức hình chụp ông Tập hồi trẻ đứng cạnh Cầu Cổng Vàng trong chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ năm 1985 khi còn là cán bộ cấp tỉnh. 

"Ông không thay đổi gì", ông Biden nói. Theo Financial Times, khoảnh khắc nhẹ nhàng đó là chỉ dấu mọi thứ đã thay đổi rất nhiều - không chỉ trong bốn thập kỷ qua mà đặc biệt trong những năm gần đây, khi quan hệ Mỹ - Trung liên tiếp rơi vào khủng hoảng.

Dinh thự cho đám cưới các trùm công nghệ

Chín tháng sau sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ, cuộc gặp Tập - Biden thứ hai đã có những tiến triển cụ thể. Hai nhà lãnh đạo đồng ý mở lại kênh liên lạc quân sự giữa quân đội hai nước, vốn đã dừng từ 2022 sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội. 

Hai bên cũng đồng ý thiết lập nhóm làm việc chống ma túy để Trung Quốc trấn áp các băng nhóm cung hóa chất cho các cartel Mexico sản xuất fentanyl - chất tổng hợp opioid gây ra khoảng 70.000 ca tử vong ở Mỹ vào năm ngoái.

Nơi tổ chức cuộc gặp, dinh thự Filoli, với khu vườn rộng 264ha, vốn là nơi quen thuộc cho các bộ phim Hollywood và đám cưới của các ông trùm công nghệ. Cả hai phía Mỹ và Trung Quốc đã chuẩn bị rất tỉ mỉ. 

"Điều quan trọng là thế giới thấy chúng tôi tiếp cận theo đúng truyền thống tốt nhất của ngoại giao Mỹ: chúng tôi nói chuyện với đối thủ - ông Biden nói với phóng viên sau đó - Chủ tịch Tập và tôi đồng ý rằng mỗi khi nhấc điện thoại gọi trực tiếp thì chúng tôi sẽ được lắng nghe ngay lập tức". 

Ông Tập cũng có thông điệp mềm mỏng: "Trái đất đủ lớn cho cả hai nước thành công, và thành công của một nước là cơ hội cho nước khác".

Nhưng trong một số thời điểm của cuộc họp, hai nhà lãnh đạo thể hiện rõ nhiều khác biệt lớn. Ông Tập cảnh báo Mỹ không được can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc - ý chỉ Đài Loan - và phê phán Mỹ vì kiểm soát xuất khẩu công nghệ. 

Ông Biden thì bày tỏ lo ngại về các hành vi thương mại không công bằng và hoạt động quân sự "đe dọa" của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Theo Financial Times, một hội nghị thượng đỉnh sẽ không bao giờ giải quyết được các khác biệt lớn giữa hai đối thủ lúc này. Bắc Kinh không hài lòng với trật tự thế giới do Mỹ chi phối, còn Washington lo sợ sự vươn lên của một đối thủ ngang hàng.

Ảnh: NDTV

Ảnh: NDTV

Giới chuyên gia đánh giá ít nhất hội nghị là bước mở mới cho quan hệ song phương, có thể trấn an các đồng minh của Washington, vốn đang lo lắng trước về một năm 2024 đầy bất định với cuộc bầu cử ở Đài Loan vào đầu năm và bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm. 

Một số nói đây có thể là thượng đỉnh Biden - Tập cuối cùng khi chủ nhân Nhà Trắng sắp tới sẽ lại đổi người. "Hội nghị tạo không gian thuận lợi cho hai bên hợp tác trên một loạt vấn đề toàn cầu - Amanda Hsiao, chuyên gia về Trung Quốc ở Tổ chức International Crisis Group, nói - Đồng thời giảm thiểu khả năng hai bên vô tình rơi vào xung đột quân sự".

Khác biệt khó hàn gắn

Khi ông Tập và Biden gặp nhau một năm trước ở Bali, hai bên đồng ý thiết lập "mức sàn" để quan hệ Mỹ - Trung không rơi xuống dưới mức đó. Nhưng vụ bắn hạ khinh khí cầu do thám và một loạt vấn đề gần đây đã khiến mức sàn đó có nguy cơ bị vượt qua.

Kết quả của hội nghị San Francisco do đó không nên bị nhầm là nối lại quan hệ hữu hảo, mà chỉ là Mỹ cảm thấy đạt được mục tiêu về quan hệ ổn định, theo một quan chức Mỹ giấu tên. Việc truyền thông Trung Quốc đưa tin tích cực về hội nghị cho thấy Bắc Kinh đang mong muốn hòa dịu. 

Tờ Nhân Dân Nhật báo nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân giữa hai lãnh đạo khi ông Biden tiễn ông Tập ra tận chiếc xe Hồng Kỳ (ông Biden còn ngó vào xe để coi nội thất). Ông Tập còn có cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, gồm CEO của Apple Tim Cook và chủ tịch quỹ đầu tư BlackRock LarryFink.

Theo phóng viên Peter S. Goodman của The New York Times, gần 30 năm qua, mối quan hệ Mỹ - Trung giống như một liên doanh đặc biệt. Mỹ coi Trung Quốc là nơi sản xuất hàng hóa giá rẻ số lượng lớn. 

Các hãng lớn của Mỹ đều tận dụng Trung Quốc để cắt giảm chi phí. Sự dịch chuyển này đã giúp hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát nghèo, còn Bắc Kinh mua vào hàng nghìn tỉ USD trái phiếu, giúp kinh tế Mỹ có lãi suất ngân hàng thấp để làn sóng chi tiêu tiếp tục suốt nhiều thập kỷ. 

Hai đất nước tách biệt bởi Thái Bình Dương, một là nền kinh tế tư bản tự do, một là mô hình điều hành khác biệt, nhưng kết hợp với nhau để tạo ra ảnh hưởng lớn tới mức mà sử gia kinh tế Niall Ferguson đã nghĩ ra thuật ngữ "Chimerica" ghép tên hai nước để nói về "quan hệ cộng sinh về kinh tế" giữa hai bên.

Giờ thì đó đang là một thuật ngữ lỗi thời. Ở Washington, hai đảng hầu như không thể thống nhất được điều gì lại rất đồng lòng coi Trung Quốc là đối thủ địa chính trị lớn nhất và là mối đe dọa sống còn với vị thế của Mỹ. 

Lưỡng đảng của nền chính trị Mỹ đua nhau chứng tỏ mình mới là cứng rắn hơn trong chủ đề này. Bắc Kinh thì cáo buộc Mỹ cản trở quá trình vươn lên hòa bình của họ.

Ảnh: Asia Times

Ảnh: Asia Times

Khi mỗi nước tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nước kia, giới doanh nghiệp sẽ phải vật lộn để thích ứng. 

"Trong thế giới lý tưởng, đây là hai nước rất phù hợp với nhau vì họ bổ trợ cho nhau - Yasheng Huang, nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh Sloan, MIT, nói với The New York Times - Nhưng thực tế thì họ giống như kết hôn mà không biết người kia theo đạo gì". 

Tuy nhiên, ly hôn không phải giải pháp lúc này. Nền kinh tế hai nước quá gắn kết và dù tình hình địa chính trị làm quan hệ đang rất xấu, không dễ tìm ra quốc gia thay thế vai trò của Trung Quốc cho Mỹ, và ngược lại.

Tâm lý chống Trung Quốc ở Washington

Theo Wang Yiwei, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, Mỹ biết các đồng minh đang lo ngại về áp lực từ Washington đòi họ siết lại các mối liên hệ kinh tế với Trung Quốc. 

"Có thể sẽ còn rung lắc nhiều hơn, nên ổn định quan hệ Trung - Mỹ lúc này là để Trung Quốc có thể tập trung vào kinh tế", Wang nói. 

Dù vậy, các chuyên gia vẫn bày tỏ nghi ngại về khả năng cuộc gặp đạt được kết quả thật sự với các khác biệt nền tảng, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. Những người biết chi tiết đàm phán nói thảo luận về Đài Loan là phần khó nhất trong họp thượng đỉnh.

"Ông Tập rất cứng rắn về vấn đề Đài Loan, nhưng vấn đề không bị đẩy nóng hơn. Phần trao đổi ngắn hơn so với Bali", quan chức này nói. Tại họp báo, ông Biden né câu hỏi Mỹ có bảo vệ Đài Loan không nếu hòn đảo này bị tấn công, mà chỉ nhắc lại Mỹ cam kết với chính sách "Một Trung Quốc".

Nhưng tâm lý chung chống Trung Quốc ở Washington vẫn là rào cản lớn cho quan hệ song phương, theo Ryan Hass, cựu giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng về vấn đề Trung Quốc và Đài Loan. 

Ảnh: The China Project

Ảnh: The China Project

"Ông Tập dường như chìa cánh tay cho cộng đồng doanh nghiệp và dư luận ở Mỹ - ông Hass, giờ là chuyên gia Trung Quốc ở Viện Brookings, nói - Đó là động thái đáng chú ý nhưng sẽ không được đáp lại bởi lãnh đạo Mỹ trong bối cảnh chính trị hiện nay". 

Zou Zhibo, quan chức tại Viện nghiên cứu CASS của Trung Quốc, cho rằng về ngắn hạn, tình hình căng thẳng sẽ không thay đổi nhiều. "Tôi lo về phía Mỹ nhiều hơn. Năm tới họ tranh cử và có thể dùng vấn đề Đài Loan".

Nhưng hội nghị thượng đỉnh cũng cho thấy hai nhà lãnh đạo ít nhất có thể trao đổi với nhau. Jennifer Welch, chuyên gia phân tích địa kinh tế ở Bloomberg, nói bà ngạc nhiên khi ông Tập khá trân trọng các cử chỉ từ phía Mỹ, như bức ảnh ông Biden cho ông xem. 

"Đó là tín hiệu tốt rằng hai nhà lãnh đạo có thể có mối quan hệ hợp tác bất chấp những căng thẳng mang tính cấu trúc lúc này", bà nói.

Thách thức lớn nhất lúc này là câu hỏi hai bên có tuân thủ các cam kết đã đạt được hay không. Nhiều người nhắc lại cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập với ông Barack Obama ở Washington hồi 2015, khi phía Trung Quốc cam kết không quân sự hóa các thực thể đảo ở Biển Đông. 

Trong tâm lý nghi kỵ đó, WSJ có bài xã luận gọi đây là "cuộc đình chiến tạm thời" và nói dù kết quả thế nào, đây vẫn sẽ là kỷ nguyên của cạnh tranh khốc liệt giữa hai siêu cường.■

Trước mắt, hai nhà lãnh đạo đều có những vấn đề nan giải cần đến phía bên kia. Ông Tập đang cần đầu tư nước ngoài và thị trường để cải thiện khó khăn kinh tế trong nước. Ông Biden thì muốn quan hệ êm ả để tránh một cuộc khủng hoảng an ninh mới vào lúc Mỹ đã có quá nhiều vấn đề, từ chiến tranh ở Ukraine tới xung đột Trung Đông và các thách thức từ Iran, Nga.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận