Tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris: Tôn trọng những vật liệu và kỹ thuật truyền thống

THUẬN (*) 03/05/2019 22:05 GMT+7

TTCT - Tái thiết bằng những kỹ thuật và vật liệu hiện đại với những kinh nghiệm riêng của nước Pháp về kết hợp giữa di tích lịch sử và kiến trúc hiện đại, hay tôn trọng các phương pháp và vật liệu truyền thống để gìn giữ sâu thẳm phần hồn của các kiến trúc... Người Pháp vừa tranh luận vừa khẩn trương xúc tiến công cuộc tái thiết cẩn trọng cho di sản hàng đầu của họ.

Một đêm bền bỉ chống chọi với ngọn lửa dữ tợn, những người lính cứu hỏa Paris đã khống chế được cơn hỏa hoạn lịch sử xảy ra vào chiều tối 15-4 vừa rồi. Nhà thờ Đức Bà Paris đã được cứu sống, nhưng toàn bộ mái và tháp nhọn bị cháy rụi và tổng thể cấu trúc bị suy yếu nghiêm trọng.

Chiếc đàn orgue khổng lồ gồm 109 phím và 7.400 ống đã thoát nạn một cách thần kỳ, không phím nào bị cháy, ống nào bị vỡ, nước cứu hỏa cũng chỉ bắn lên đôi chút, nhưng toàn bộ cây đàn đã bị phủ một lượng bụi rất lớn, cần một cuộc tổng vệ sinh cẩn thận mới làm sạch được từ trong ra ngoài. Ảnh: Getty Images
Chiếc đàn orgue khổng lồ gồm 109 phím và 7.400 ống đã thoát nạn một cách thần kỳ, không phím nào bị cháy, ống nào bị vỡ, nước cứu hỏa cũng chỉ bắn lên đôi chút, nhưng toàn bộ cây đàn đã bị phủ một lượng bụi rất lớn, cần một cuộc tổng vệ sinh cẩn thận mới làm sạch được từ trong ra ngoài. Ảnh: Getty Images

Chưa một đám cháy nào được theo dõi bởi một lượng người lớn như thế. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, từ khắp nơi, hàng triệu con mắt đổ về Paris. Ngay trong đêm, giữa cơn xúc động tăng cao, Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố “5 năm nữa chúng ta sẽ có nhà thờ Đức Bà còn đẹp hơn!”.

Rồi dường như để đạt được mục đích 5 năm ấy cho kịp Thế vận hội quốc tế 2024 và triển lãm toàn cầu 2025 mà nước Pháp đã đăng cai, hôm sau ông Macron không ngại ngần tính đến một dự luật cho phép bỏ qua một số quy tắc trong việc bảo tồn di sản. Ngay lập tức, hành động của ông nhận vô số chỉ trích. Người ta bảo ông đã nhầm: nhà thờ cần được “phục hồi” chứ không phải “xây lại”, và cái đẹp được thể hiện ở chất lượng chứ không phải ở tốc độ.

Chủ nhật vừa rồi, qua một diễn đàn trên nhật báo Le Figaro, hơn 1.000 kiến trúc sư, nhà quản lý, giáo sư, chuyên viên trong nước và quốc tế đã đề nghị Chính phủ Pháp “tránh vội vàng”, nên “kiên nhẫn tìm một hướng đi đúng”, yêu cầu tất cả những lựa chọn trùng tu đều phải có “một cách tiếp cận cẩn thận và chu đáo, tôn trọng đạo đức nhà nghề” để xứng với tầm vóc của di tích lịch sử vốn được ví như “viên ngọc của nghệ thuật kiến trúc Gô-tich”.

Trước phản ứng này, Bộ Văn hóa Pháp đã trả lời rằng dự luật đó chỉ nhắm đến những vùng lân cận của di tích, chứ không phải chính di tích.

4 tháng để ổn định

“Hai tuần sau trận cháy kinh hoàng, hiện nay chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn bảo đảm an toàn cho nhà thờ Đức Bà Paris, giai đoạn này sẽ kéo dài 4 tháng, trước khi cho phép chúng ta bắt tay vào chẩn đoán chuẩn bị cho công việc chính là trùng tu” - là lời một trong những giám đốc của nhóm GHM gồm hơn 200 doanh nghiệp chuyên về phục hồi di sản, được lựa chọn để trao trách nhiệm chăm sóc nhà thờ Đức Bà Paris trong những ngày đầu tiên.

Có một mối lo không hề nhẹ: hỏa hoạn đã khiến nhà thờ trở nên suy yếu và giảm khả năng chống chịu những cơn bão lớn. Trong một cuộc họp báo mới đây, các chuyên viên của Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia thông báo với phương pháp đo đạc kỹ thuật số, họ đã xác định được khả năng chống gió của nhà thờ Đức Bà Paris giảm tới 60%.

Lý do là bởi sau trận hỏa hoạn, cấu trúc tổng thể đã bị thay đổi: một bộ phận nhà thờ không còn nữa, mái đã biến mất cùng một phần vòm. Chính sự biến mất của phần vòm này đã gây nên những tổn thất nguy hiểm nhất cho sự cân bằng của kiến trúc Gô-tich.

Nhưng những công việc cấp cứu đã và đang tiến hành, được báo cáo trong cuộc họp báo ngày 18-4 cho thấy mọi việc đang được tiến hành khẩn trương.

Người ta tiến hành sửa chữa ngay trong đêm 15-4, đầu tiên là đầu hồi của hành lang bắc, bị suy sụp gần như hoàn toàn bởi hỏa hoạn. Sau đó đến lượt đầu hồi của hành lang tây, cũng trở nên quá yếu, bị lệch hẳn một bên, do bức tượng thiên thần gắn trên cao bị cháy và nứt toác theo chiều dọc.

Cuối cùng là tháp chuông nam, bị lửa thiêu đốt đến độ đá tảng cũng biến thành mảnh vụn, khiến các pho tượng quái thú có nguy cơ rơi xuống cây đàn orgue khổng lồ và quý hiếm mà để bảo đảm chất lượng âm thanh, người ta không thể di chuyển đi nơi khác và trước mắt phải mất vài tuần lau rửa bụi và khói cho 109 phím và 7.400 ống nhạc rồi mới bọc kín để bảo quản trong thời gian tới.

Một tuần sau, 1.300 tác phẩm nghệ thuật được di chuyển và cất giữ tại Louvre và những nơi an toàn khác.

Ngày 26-4, gian giữa và bàn thờ trung tâm đã được che bạt. Việc căng bạt đã kéo dài ba ngày, nhưng đó chỉ là chiếc bạt tạm thời. Trước khi mùa hè tới, một tấm bạt lớn có in hình mái nhà thờ bằng kích thước thật sẽ thay tấm bạt cũ, phủ lên nóc nhà thờ trong suốt thời gian trùng tu, để che mưa nắng cho nhà thờ và tạo cho mọi người ảo giác đang sống với nhà thờ Đức Bà của ngày chưa tàn phế.

Những tấm kính màu sẽ được phục chế thận trọng và thay thế y hệt đối với những phần hỏng nặng. Ảnh: francebleu.fr
Những tấm kính màu sẽ được phục chế thận trọng và thay thế y hệt đối với những phần hỏng nặng. Ảnh: francebleu.fr

Những tranh cãi giữa hiện đại và truyền thống

Đem lại cho nhà thờ Đức Bà Paris dáng vẻ ban đầu có phải là một việc khó thực hiện, với số tiền đóng góp hiện đã lên tới hàng tỉ euro?

Mái nhà thờ, nhất là phần chính điện và bàn thờ đã bị ngọn lửa đem đi vĩnh viễn, kéo theo một phần lịch sử nước Pháp cùng những bí quyết của các nghệ nhân tài năng thời đó. Khung mái làm từ gỗ sồi của thế kỷ 13, nếu được phục chế lại thì cũng chỉ là phần xác chứ không phải phần hồn. Thế nên, tái tạo nó bằng gỗ sồi của thế kỷ 21 theo tiêu chuẩn của kiến trúc Gô-tich và kỹ thuật của cha ông, hay làm lại nó bằng bêtông và kim loại, những vật liệu xây dựng tiên tiến vừa nhẹ, vừa bền, vừa rẻ, lại có khả năng chống lửa cao? Đó là câu hỏi được đặt ra và gây nhiều tranh cãi ngay vào những ngày tiếp theo vụ hỏa hoạn.

André Leroyer, một thợ mộc vùng Sarthe, vẫn muốn chọn tái thiết bằng khung gỗ, bởi “Nó vốn chống cháy và chịu nhiệt tốt hơn khung kim loại”. Hơn hết, là khôi phục diện mạo ban đầu của phần mái vốn được gọi là “khu rừng” vì người Pháp đã dùng 1.300 cây gỗ để xây dựng nó. “Vật liệu gỗ có cả sự cao quý trong đó - André Leroyer nói - Và vấn đề là phải tôn trọng những gì tiền nhân của chúng ta đã làm, kéo dài tám thế kỷ nay mà không lay chuyển. Sự khiêm nhường, chúng ta có thể nói thế, dựng lại như nó đã từng đã là giỏi lắm rồi”.

Tháp nhọn Mũi Tên cao gần 100m, phần đầu tiên của nhà thờ mà hỏa hoạn tấn công, đã bị rơi và hỏng toàn bộ. Sau ngày 15-4, Tổng thống Macron là một trong những người đầu tiên có ý tưởng thay thế nó bằng một tác phẩm kiến trúc mới hoàn toàn để ghi nhớ trận cháy lịch sử này và vinh danh nghệ thuật kiến trúc đương đại.

Ông có lý do của mình:

Thứ nhất, tháp nhọn Mũi Tên trên thực tế chỉ được lắp thêm vào nóc nhà thờ nhân cuộc đại trùng tu thế kỷ 19 do kiến trúc sư Viollet-le-Duc chỉ đạo.

Thứ hai, nhân loại đã chứng kiến những thành công hết sức bất ngờ của nước Pháp trong việc kết hợp giữa di tích lịch sử và kiến trúc hiện đại, một ví dụ tiêu biểu là tháp pyramide bằng thủy tinh trong suốt, lung linh ban ngày và rực sáng ban đêm, từng gây rất nhiều tranh cãi trước khi được khánh thành vào năm 1988, không những không làm hỏng toàn cảnh cung điện cổ kính của Bảo tàng Louvre mà còn làm cho nó trở nên đặc sắc và duyên dáng hơn.

Tinh thần cấp tiến của Tổng thống Macron không phải là không gặp chỉ trích từ các phe đối lập, nhưng rất nhanh chóng một concours (cuộc thi) quốc tế đã được hình thành để tìm ra giải pháp cho tháp nhọn Mũi Tên.

Trong lúc vô vàn tranh cãi đang và còn sẽ xảy ra, theo chiều dài của cuộc trùng tu lịch sử, đúng với bản tính thích tranh luận và tư tưởng tự do vô điều kiện của người Pháp, thì lồ lộ một vấn đề không hề nhỏ và không dễ giải quyết: tìm đâu cho được một đội ngũ đông đảo thợ giỏi các nghề mộc dụng gỗ sồi, đẽo đá tảng và lợp mái vòm, có kiến thức nhất định về kiến trúc Gô-tich, có hiểu biết ít nhiều về bí quyết xây dựng nhà thờ cách đây gần chục thế kỷ?

Và tìm đâu cho được những nghệ nhân lý tưởng như thế trong khi cuộc sống hiện đại đang cuốn đi những thanh niên cuối cùng của mọi lĩnh vực lao động chân tay vừa nặng nhọc, ít tương lai, vừa lương bổng bèo bọt?

Tìm đâu cho được những doanh nghiệp phục chế tận tụy và nhiều kinh nghiệm trong khi mà ngành trùng tu ngày càng bị nhà nước bỏ mặc, ngân sách cho di tích lịch sử liên tục bị giảm, chính sách bảo vệ nhà thờ thường xuyên bị giả vờ quên dưới cái cớ là mâu thuẫn với nguyên tắc vô thần của xã hội Pháp ngày nay?■

(*) Nhà văn, sống và viết tại Paris, Pháp.

Nhà thờ Đức Bà Paris ngay lập tức được nhìn nhận là cơ hội để chính phủ Macron lấy điểm sau những thất bại liên tục về chế độ xã hội trong thời gian vừa qua, đặc biệt là phong trào Gile vàng. Nhưng người Pháp bao giờ cũng thế, sôi nổi thì hết sức, mà cảnh giác cũng không ai bằng. Tổng thống vừa mới tỏ ra xông xáo với trùng tu và tái tạo, làm mới hay giữ nguyên, đã lập tức bị chỉnh đốn: giới bình dân thì tỏ ra nghi ngờ chính phủ muốn giúp các doanh nghiệp lớn đánh bóng tên tuổi, cải thiện hình ảnh bằng cách quyên góp cho công cuộc trùng tu, còn những người trong nghề thì nói thẳng ngay trong tựa diễn đàn báo Le Figaro: “Thưa tổng thống, xin ngài đừng cướp việc của các chuyên gia!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận