Khủng hoảng trung niên: Chỉ là mốt hay đúng quy trình?

PAMELA DRUCKERMAN 08/05/2019 21:05 GMT+7

Hội chứng khủng hoảng trung niên được “phát minh” tại London vào năm 1957. Đó là khi một người đàn ông Canada 40 tuổi tên Elliott Jaques đứng lên giữa một hội nghị của Hội Phân - tâm học Anh Quốc, cầm một tờ giấy và đọc to những gì ông viết sẵn trên đó.

 

Từ lịch sử một cái tên

Trước khoảng 100 cử tọa, Jaques tuyên bố rằng người ta ở khoảng giữa tuổi 30 thường sẽ trải qua một giai đoạn khủng hoảng kéo dài mất nhiều năm. Jaques, vốn là một bác sĩ và nhà phân tâm học, nói ông sở dĩ nhận ra hiện tượng này nhờ nghiên cứu đời sống của nhiều nghệ sĩ lớn, và dĩ nhiên, khủng hoảng ở nghệ sĩ lớn nó cực đoan hơn người thường. Ở người thường, triệu chứng có hiền hòa hơn, thí dụ đột nhiên “giác ngộ” về tôn giáo, hoặc bỗng không thấy đời còn gì vui, hoặc tệ hại nhất, tự nhiên thành bê tha, lang chạ. Nhưng bao trùm cả là một sự lo âu “đến phát bệnh” về sức khỏe và bề ngoài, và một nỗ lực để vẫn còn trẻ trung.

Ở giai đoạn này, người ta bỗng giật mình nhận ra mình thế là đi đứt nửa đời rồi, và cái chết không phải là chuyện chỉ xảy ra với người khác: chính mình rồi cũng sẽ phải chết.

Jaques mô tả một bệnh nhân trầm cảm 36 tuổi nói với người điều trị, “Trước giờ, đời tôi như một cuộc leo dốc bất tận, mắt chẳng thấy gì ngoài chân trời xa xa. Thế mà nay bỗng thình lình như đã tới đỉnh đồi, trải dài trước mặt là sườn dốc xuống dẫn tới cuối con đường, với cái chết lù lù đợi đó, xa thì xa mà không sai đâu được”.

Nhưng Jaques vốn thật thà, ông không nhận vơ mình là người đầu tiên phát hiện ra sự thay đổi “giữa đời” này. Ông chỉ ra, vào thế kỷ 14, nhân vật chính của Dante Alighieri trong Thần Khúc (mà theo các học giả thì lúc đó 35 tuổi) đã có lời tuyên bố rất nổi tiếng ngay mở đầu sách: “Nửa đường đời tôi rơi vào rừng tối/ Xa chính đạo sảy chân lạc lối”.

Và Jaques đặt cho một cái tên: “Khủng hoảng trung niên”.

 Elliott Jaques (18/1/1917 – 83/2003) 

...đến một sự thất vọng

Khi trình bày tại hội nghị ở London, Jaques hơi run. Nhiều ông trùm phân tâm học thời đó đang ngồi trên ghế cử tọa, trong đó có chủ tịch Hội Donald Winnicott, nổi tiếng nhờ thuyết “vật thế vị”, cùng Melanie Klein, nhà tâm lý học trẻ em lừng danh, cũng là thầy của Jaques.

Đó là một tập hợp người chua cay gay gắt, chia ra thành các phe nhóm cạnh tranh. Cử tọa có tiếng là hay phang thẳng người trình bày trong phần hỏi đáp. Mà Jaques đâu chỉ trình bày một lý thuyết trừu tượng không ai kiểm chứng được: trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông nói bệnh nhân 36 tuổi mà ông mô tả trong tài liệu chính là... ông.

Khi kết thúc báo cáo có tên “Khủng hoảng trung niên”, Jaques ngừng lại và chờ các cuộc tấn công. Thay vào đó, sau một thoáng bàn tán, là “một sự im lặng chết chóc - Jaques nhớ lại - Thật hết sức, hết sức bối rối, chẳng ai đứng lên nói gì. Chuyện này là mới nhé. Chuyện này tuyệt đối hiếm nhé”. Ngày hôm sau, Melanie Klein cố làm cho học trò mình vui lên, bà nói: “Nếu có một thứ mà Hội Phân tâm không thể đối đầu, đó chính là chủ đề về cái chết”.

Thu mình lại, Jaques dẹp “Khủng hoảng trung niên” qua một bên. Ông tiếp tục viết về những đề tài ít tính cá nhân hơn, trong đó có lý thuyết về thời gian và công việc. “Khi đó tôi tin chắc vụ kia là hoàn toàn thất bại rồi” - Jaques kể lại.

Một biến chuyển ngoạn mục: cả xã hội “khủng hoảng trung niên”

Nhưng Jaques vẫn không quên nổi cái cảm giác của một người hoang mang, đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống. Khoảng sáu năm sau, ông nộp một luận văn cho tạp chí Phân Tâm Học Quốc Tế, và được đăng vào số tháng 10-1965 dưới nhan đề “Cái chết và khủng hoảng trung niên”. Lần này, thay cho sự im lặng, là một sự ngốn ngấu ngon lành lý thuyết của Jaques. Khủng hoảng trung niên được đặt ngang hàng với hệ tư tưởng của thời đại lúc ấy.

Nếu là một người sinh vào năm 1900, bạn chỉ có 50% cơ hội sống tới 60. Tuổi thọ trung bình của người ta lúc ấy khoảng 52, nên cũng hợp lý khi mới 40 mà đã bắt đầu nghĩ dần cho hậu sự.

Nhưng ở các nước giàu, cứ một thập kỷ người ta lại sống lâu thêm 2-3 năm. Những người sinh vào những năm 1930 có đến suýt soát 80% khả năng sống tới 60 tuổi. Điều đó mang lại cho tuổi 40 một sức sống mới. Thậm chí vào năm 1933, ở Mỹ có một tựa sách phi hư cấu thuộc hàng bán chạy nhất, tên Đời bắt đầu lúc 40. Walter Pitkin, nhà báo đã viết cuốn sách ấy, giải thích rằng trước thời đại máy móc, người ta cạn kiệt lúc 40 tuổi. Nhưng nhờ có công nghiệp hóa, thuốc men mới, điện và máy rửa chén, đàn ông lẫn đàn bà đều chuyển từ nhiệm vụ cổ xưa là kiếm sống, sang một nhiệm vụ mới và lạ lùng là sống cho ra sống.

Vào thời Elliott Jaques đăng “Cái chết và khủng hoảng trung niên” năm 1965, tuổi thọ trung bình ở các nước phương Tây đã lên tới 70. Có thay đổi cuộc đời vào những năm tuổi 30 hoặc 40 khi ấy cũng là hợp lý: nửa còn lại đủ dài để mà vui hưởng nghề nghiệp mới hoặc vợ/chồng mới.

Và việc thay đổi cuộc đời ngày càng dễ hơn. Phụ nữ đi làm nhiều hơn nên độc lập về tài chính hơn. Người trung lưu có nghề nghiệp đi điều trị tâm lý và tư vấn hôn nhân nhiều hơn; lại bắt đầu sinh thắc mắc “ta là ai”. Người ta bắt đầu coi hôn nhân không đơn thuần là một “thể chế có tính lãng mạn” nữa, mà là một cái cớ để “hiện thực hóa những tiềm năng bản thân”. Luật ly dị cũng lỏng lẻo hơn, tỉ lệ ly dị cũng thế mà tăng vọt. Và bước ngoặt trong xã hội mới ly kỳ làm sao, từ phong trào đòi quyền công dân chuyển sang viên thuốc ngừa thai. Giờ không chỉ cá nhân mang khủng hoảng trung niên. Toàn xã hội khi ấy dường như đang mắc phải hội chứng này.

 

Một phong trào đại chúng

Ý tưởng cho rằng khủng hoảng trung niên là không tránh khỏi chẳng mấy chốc đã “nhảy” từ những trang viết hàn lâm của Jaques sang văn hóa đại chúng. Tác giả Barbara Fried năm 1967 viết: khủng hoảng trung niên là một khía cạnh bình thường của trưởng thành ở người tuổi 40, ngang với việc mọc răng ở trẻ con.

Một bài báo năm 1971 trên New York Times mô tả chi li: “Người ấy đau đớn..., mà thậm chí cũng không hiểu điều gì đang diễn ra trong cơ thể mình; một thay đổi gì đó về thể chất làm ảnh hưởng tới xúc cảm... Người ấy vật vã vì do dự, bồn chồn, chán nản, thấy cái gì cũng “chẳng để làm gì”, cảm giác như mình bị giam cầm”.

Các công ty được dặn dò cần nhạy cảm trước người làm công đang có chuyện khủng hoảng. Năm 1972, ở Mỹ, người ta “ngờ” rằng khủng hoảng trung niên là nguyên nhân làm tăng tử suất ở người 35-40 tuổi. “Đến cuối tuổi 30, dường như có một cảm giác lỗi thời, vô dụng xâm chiếm những người nhà quản lý hạng trung. Sự nghiệp dường như đã đến độ “bình nguyên”, và họ nhận ra cuộc đời từ nay sẽ là một cuộc đi xuống dài và không tránh khỏi”.

Bất chấp khía cạnh sinh học, người ta vẫn coi khủng hoảng trung niên là “hoạn nạn” của riêng tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Đối tượng chính là “đàn ông, da trắng, có nghề nghiệp, có thời gian rảnh để ngẫm ngợi về sự phát triển bản thân, có điều kiện để mua xe thể thao và để có nhân tình”. Người da đen hoặc người lao động thấp coi như không có vụ “hiện thực hóa tiềm năng bản thân” (nên không khủng hoảng). Phụ nữ thì được xếp sang một “lịch trình” khác: khủng hoảng của họ khởi phát là do hôn nhân, mãn kinh, và con cái lớn lên rời nhà...

Nhưng chẳng mấy chốc, phụ nữ nhận ra khủng hoảng trung niên là một câu chuyện về tự do, rất ăn ý với phong trào mới nổi của phụ nữ thời ấy. Nếu thấy ghét cuộc đời mình đang sống thì “đổi đời” thôi.

Ý tưởng này tìm được một tuyên truyền viên hoàn hảo: nhà báo Gail Sheehy. Sheehy từng học kinh tế, từng lấy một ông bác sĩ và có một đứa con, nhưng vẫn không vừa ý. Đầu những năm 1970, cô ly dị và theo nghề báo. Tháng 1-1972, trong lúc đang phỏng vấn một thanh niên Công giáo đi biểu tình ở Bắc Ireland, người được Sheehy phỏng vấn bị bắn thẳng vào mặt. Cú sốc này được bồi thêm bằng một cú sốc khác: Sheehy bước vào tuổi 35. “Như thể có kẻ chui vào tâm thần tôi mà thét: Kiểm kê ngay! Mi đã tiêu hết nửa đời rồi!”.

Gail Sheehy

Cô nói chuyện với các nhà nghiên cứu. Họ giải thích rằng nỗi sợ ấy ở tuổi 35 là bình thường, do người lớn thì cũng phải trải qua các giai đoạn phát triển hệt trẻ con thôi. Sheehy bèn đi một vòng nước Mỹ, phỏng vấn đàn ông đàn bà trung lưu có học, tuổi từ 18-55. Đến hè 1976, cô xuất bản một cuốn sách 400 trang có tên: Trao đổi: Những khủng hoảng có thể lường trước của đời trưởng thành. Sách lọt vào danh sách best-seller của New York Times và ngự trong top 10 suốt một năm.

Sheehy đã săn lùng các ca khủng hoảng giữa đời ở Mỹ, và đã tóm được chúng. “Đi đến giữa đời, ta sẽ có một cảm thức trì trệ, mất cân bằng, và trầm cảm - Sheehy viết - Rồi thể nào cũng có những lúc “bất chợt thay đổi cách nhìn, thường là không hài lòng (mà chẳng hiểu vì sao) với con đường mình đã hào hứng theo đuổi suốt mấy năm qua””. Theo Sheehy, từ 37-42 tuổi là những năm “đỉnh cao sầu muộn” với gần như tất cả mọi người. Quan trọng nhất, Sheehy bảo khủng hoảng như thế xảy ra với cả đàn bà!

Thế là suốt cả chục năm sau, ý tưởng khủng hoảng trung niên lớn mạnh và lan rộng, coi như là chuyện đương nhiên khi sống trên đời. Khắp nơi là áo thun, ly sứ về chủ đề khủng hoảng, lại có cả một bộ cờ thách thức người chơi: Liệu mi có qua được khủng hoảng trung niên mà không phát điên, ly dị hay phá sản?

??
 

Sự thức giấc của các nhà khoa học

Giữa lúc ấy, nhà nhân chủng học Stanley Brandes bỗng nghi ngờ. Ông đặt câu hỏi: “Nhưng thật sự có khủng hoảng giữa đời không?”. Vào những năm 1980, khi bước vào tuổi 40, Brandes để ý trong cửa hàng sách ở Berkeley quê ông, các sách “sống đẹp” đều cảnh báo rằng ông sắp trải qua một cuộc đảo lộn lớn trong đời.

Brandes nhớ tới cuốn Coming of Age in Samoa kinh điển năm 1928 của Margaret Mead, trong đó Mead lập luận khi người Mỹ nghĩ rằng thiếu nữ nào cũng sẽ trải qua khủng hoảng tuổi thiếu niên, thì nhiều em bị thế thật. Nhưng người Samoa không cho rằng cứ tuổi thiếu niên là tràn ngập hỗn mang, thế là ở Samoa thiếu niên vẫn... ngoan.

Brandes bèn lý luận rằng khủng hoảng giữa đời có thể cũng là một thứ do văn hóa dựng nên. “Kiểu như một trò chơi khăm mà văn hóa đang lỡm tôi, nhưng tôi lại không hay”. Năm 1985, ông trình bày lý thuyết này trong cuốn Forty: The Age and the Symbol. Brandes không có nhiều dữ kiện để đi tiếp. Nhưng các nhà khoa học về sau bắt tay phân tích các dữ liệu từ các nghiên cứu, trong đó có một nghiên cứu lớn bắt đầu từ năm 1995 có tên “Midlife in the United States” (MIDUS). Họ phát hiện ra những gì?

“Đa phần không gặp khủng hoảng” - một thành viên của MIDUS là Margie Lachman (Đại học Brandeis) nói. Lachman cho rằng người trung niên căn bản là lành mạnh, có đời sống xã hội bận rộn, lại đang ở đỉnh cao của kiếm tiền, nên “người ta khá là thỏa mãn”. Một số người khai đang có khủng hoảng trung niên thì lại là những người tinh thần vốn dễ bị khủng hoảng, hoặc “dễ nổi điên”, Lachman nói. Những người này thì cả đời khủng hoảng, chẳng đợi phải tới trung niên. Một nửa số người có khủng hoảng trung niên nói việc đó có liên quan đến một sự cố, thí dụ có vấn đề về sức khỏe, mất việc, ly dị, chứ không phải do già đi mà khủng hoảng.

Chỉ có 10-20% người Mỹ trải qua cái gọi là khủng hoảng trung niên, theo MIDUS và các nghiên cứu khác.

Thế là sau khi dữ liệu tung ra ồ ạt, hầu hết các nhà khoa học bèn từ bỏ cái ý tưởng rằng khủng hoảng trung niên là chuyện “sinh học” tất nhiên. Họ coi đó chủ yếu là một thứ hình thành do văn hóa. Cũng những phương tiện truyền thông đại chúng một thời “tiên tri” rồi ai cũng sẽ gặp khủng hoảng giữa đời, nay bắt đầu hạ bệ nó, bằng mấy chục bài báo có tít tựa kiểu “Huyền thoại về khủng hoảng trung niên”.

Nhưng ý tưởng về khủng hoảng trung niên đã quá mỹ miều đến nỗi khó mà hạ bệ. Nó đã trở thành một phần của câu chuyện về tầng lớp trung lưu phương Tây. Một lý do nữa để nó thành công, theo Lachman, là do người ta thích gán những cái tên cho các giai đoạn đời, thí dụ tuổi chập chững bị gọi là “bọn hai tuổi hãi hùng”, trong khi ai cũng biết tuổi đó cực dễ thương. “Khủng hoảng trung niên” vẫn sống dai dẳng, một phần do nó có cái tên quá “bắt”.■

P.T.V.A. chuyển ngữ từ bản gốc trênThe Atlantic.

Phần Elliott Jaques, ông kinh ngạc quan sát trận lở tuyết do luận văn của mình gây ra. Đơn đặt hàng tái bản “Cái chết và khủng hoảng trung niên” đổ về từ khắp nơi trên thế giới. Về sau, ông trở thành một chuyên gia về quan hệ nơi làm việc, về nghĩ ra cách đo lường năng lực nhân viên theo thời gian họ được giao để hoàn tất công việc. Không bao giờ viết lại về chủ đề khủng hoảng trung niên nhưng trong cáo phó của ông in trên New York Times, người ta viết: “Elliott Jaques, 86, nhà khoa học đã đặt ra thuật ngữ “Khủng hoảng trung niên””.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận