ASEAN và những mối quan hệ đan xen

DANH ĐỨC 11/08/2019 18:08 GMT+7

TTCT - Quan hệ giữa các quốc gia bao gồm nhiều mặt đồng thời, gọi là ngoại giao đa phương. Các hội nghị cấp ngoại trưởng và hội nghị mở rộng của ASEAN tuần qua đã cho thấy điều đó phức tạp ra sao. Dễ hiểu, các mối quan hệ biến đổi cùng với sự thịnh suy của từng đối tác và chọn lựa của từng nước ASEAN cũng như của cả khối, vấn đề là làm sao cân đối được tất cả để giữ tình hình được cân bằng.

ASEAN cần thực sự khẳng định được tính trung tâm trong các vấn đề khu vực. Ảnh: cnas.org
ASEAN cần thực sự khẳng định được tính trung tâm trong các vấn đề khu vực. Ảnh: cnas.org

 

Trong góc nhìn đó, ASEAN là một mẫu hình quan hệ đa phương điển hình với hàng loạt đối tác bên ngoài, dù là quốc gia khác, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc… hay một khối quốc gia - khu vực khác, như Liên minh châu Âu (EU) chẳng hạn.

Với tính chất đa phương đó, xét ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí là cả bên phía châu Á của Thái Bình Dương, ASEAN, trong các tài liệu của mình, đều hướng tới điều mà khối gọi là “tính trung tâm” (centrality) của cả khối.

Quan hệ đa phương

Đầu tiên phải kể đến quan hệ giữa nội bộ các nước ASEAN ở thời điểm hiện tại như thể hiện trong thông cáo chung mà các quan chức cao cấp đã họp thảo luận từng chữ trước đó, vốn phản ánh quan điểm và lập trường chung của cuộc họp các bộ trưởng ASEAN lần thứ 52 về từng vấn đề lớn nhỏ đang đặt ra trước cả khối.

Trong một thông cáo chung gồm đến 78 đoạn (đề mục), thật ý nghĩa khi các ngoại trưởng ASEAN cùng xếp ở vị trí thứ ba (chỉ sau mục 1: “tự giới thiệu” và mục 2 về xây dựng cộng đồng ASEAN) lời quả quyết sau: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết chung của chúng tôi trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực cũng như giải quyết tranh chấp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, mà không dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đúng theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thừa nhận một cách phổ quát toàn cầu, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”.

Một tuyên xưng thượng tôn pháp luật chung như thế là tối quan trọng vào lúc mà luật pháp quốc tế đang bị chà đạp ngay “bao lơn ra biển Thái Bình Dương” của ASEAN.

Cũng vậy, tuyên xưng trong đề mục 4 tỏ rõ lập trường chung của các ngoại trưởng ASEAN: “Chúng tôi tái khẳng định niềm tin của mình rằng chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương là những nguyên tắc và khuôn khổ quan trọng của hợp tác, và rằng sức mạnh và giá trị của điều đó nằm ở tính dung nạp trọn vẹn cùng bản chất dựa trên luật pháp, và nhấn mạnh lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau”.

Có thể thấy đứng ở góc độ toàn khối, ASEAN đã cố kết là một, cùng nhìn nhận thấy lợi ích dài hạn của từng nước ở tính khu vực và đa phương, không ngả nghiêng phía này phía kia, vì “lợi ích chung và vì tôn trọng lẫn nhau”.

Sự thống nhất trong toàn thể đó cuối cùng cũng thể hiện sự một lòng một dạ cần có trong cả đề mục 75 nói về việc đang tiến đến bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc: “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC, và do đó hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể giảm căng thẳng và nguy cơ sự cố, hiểu lầm và tính toán sai lầm”.

Tiến triển trong bản dự thảo là đáng hoan nghênh, song tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán còn quan trọng hơn.

“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc thực hiện mọi hoạt động của các bên khiếu nại và tất cả các quốc gia khác, bao gồm những hoạt động đã được đề cập trong Bản tuyên bố ứng xử (DOC) có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông” - thông cáo chung của các ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh.

Cụ thể của “thống nhất trong đa dạng”

Thế nào là “những hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông đã được đề cập trong DOC”? Giở lại DOC ký năm 2002 bởi đặc phái viên thứ trưởng ngoại giao lúc ấy của Trung Quốc là ông Vương Nghị, nay đã là bộ trưởng ngoại giao, có thể thấy ngay từ năm 2000, ASEAN đã yêu cầu “kiềm chế hành động cư trú trên các hòn đảo hiện không có người ở, các rạn san hô, bãi cát, dải đá cùng các thực thể khác và xử lý các dị biệt một cách xây dựng”. 17 năm sau vẫn phải nhắc lại các hành động từng được yêu cầu tuân thủ, quả là… một thực tế phát phiền!

Việc các ngoại trưởng ASEAN cùng thông qua nhắc nhở này là một quyết định “thống nhất trong đa dạng” (“unity in diversity”) - một khẩu hiệu quen thuộc của ASEAN nay được áp dụng trong thực tế đang rất nóng bỏng. Có thể thấy rõ hơn chi tiết “thống nhất trong đa dạng” này qua tường thuật cuộc gặp ASEAN - Trung Quốc cấp ngoại trưởng của nhật báo Thái Lan Bangkok Post ngày 1-8-2019:

“Hội nghị bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc được đồng chủ trì bởi các ông Vương (Nghị) và Teodoro L. Locsin, Jr, ngoại trưởng Philippines, một trong những quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu sách trong tranh chấp Biển Đông. Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam có liên quan đến các yêu sách chồng lấn với khu vực hàng hải, đường thủy rộng lớn và giàu tài nguyên này.

Trong các cuộc họp gần đây về tranh chấp, các nước ASEAN bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các hoạt động quân sự, đánh bắt cá bất hợp pháp và không được kiểm soát, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm hàng hải, cạn kiệt tài nguyên biển và sử dụng lực lượng bên ngoài ở Biển Đông”.

Việc tờ Bangkok Post nêu lần lượt các mối quan ngại cho thấy: (1) có những lo ngại khác biệt giữa các nước; (2) song, cuối cùng cũng đồng lòng nêu ra theo một thứ tự nhất định, bắt đầu là “sự gia tăng của các hoạt động quân sự”, cuối cùng mới là việc “sử dụng lực lượng bên ngoài ở Biển Đông”.

Thứ tự lo ngại này còn thể hiện qua phát biểu của Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai mà Bangkok Post thuật lại: “Trong khi đó, Ngoại trưởng Don Pramudwinai kêu gọi ASEAN hãy hướng tới tương lai và đoàn kết hơn trước những thách thức… Ông nói rằng cả khối đã nhất trí tăng cường hợp tác và biến xung đột thành hợp tác trong khi duy trì nguyên tắc không can thiệp của ASEAN”.

Về phần mình, Thông tấn xã Bernama của Malaysia ngày 3-8-2019 cũng có tường thuật qua tựa đề “ASEAN muốn tàu chiến ra khỏi Biển Đông”: “Các nước ASEAN bày tỏ mối quan ngại của họ với căng thẳng gia tăng do sự hiện diện của các tàu chiến ở Biển Đông, theo Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah. Ông nói cả khối muốn có ít tàu chiến hơn trong vùng biển tranh chấp để đảm bảo hòa bình và ổn định, an toàn và tự do hàng hải. Ông đã phát biểu với Bernama ở đây hôm nay, bên lề Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các cuộc họp sau hội nghị lần thứ 52 (AMM/PMC)…”.

Ông Saifuddin cho biết các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa ở Biển Đông. Căng thẳng bùng lên hồi tháng trước khi Trung Quốc thử tên lửa đạn đạo chống hạm tại các khu vực tranh chấp của tuyến đường thủy giàu tài nguyên, trong khi Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền bằng cách can thiệp các hoạt động dầu khí ngoài khơi.

Trong tháng 6, một thuyền đánh cá Philippines thả neo gần một bãi ngầm đang tranh chấp - được cho là chứa một lượng lớn dầu và khí tự nhiên - đã bị chìm sau khi bị một tàu Trung Quốc đâm.

ASEAN và quan hệ hướng ra ngoài

Có thể thấy tuy mỗi quốc gia có chính sách, quan điểm, thái độ và cách phản ứng riêng, song cuối cùng vẫn thống nhất ở một mức độ nào đó. Như có thể thấy qua tuyên bố của chủ tịch Diễn đàn khu vực (ARF) ngày 2-8-2019. ARF, ngoài 10 quốc gia thành viên ASEAN, còn có 10 đối tác là Úc, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ cùng các nước đối thoại Bangladesh, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Pakistan, Sri Lanka, Đông Timor và một quan sát viên là Papua New Guinea. Có thể đây chỉ là một diễn đàn nhưng với sự dung nạp lớn như vậy, tuyên bố của chủ tịch diễn đàn được thông qua thể hiện tính chính đáng cách nêu vấn đề.

Đoạn 7 của tuyên bố nêu rõ: “Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, và công nhận lợi ích của việc Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC. Các bộ trưởng nhiệt liệt hoan nghênh sự hợp tác tiếp tục được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc và được khuyến khích bởi tiến trình đàm phán thực chất nhằm sớm kết thúc Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất ở Biển Đông (COC) đúng thời gian hai bên đã thống nhất…

Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC, và do đó hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ sự cố, hiểu lầm và tính toán sai lầm.

Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa… đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982”.

Một lần nữa, qua ARF, ASEAN lại nêu yêu cầu “duy trì môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC”, nhấn mạnh lần thứ hai tính đồng thuận của khối về vấn đề này. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận