Vụ tấn công nhà máy lọc dầu Saudi Arabia: Một kiểu chiến tranh ngoài sức tưởng tượng

DANH ĐỨC 21/09/2019 21:09 GMT+7

TTCT - Cuộc tấn công chưa từng thấy vào hai cơ sở dầu hỏa chính của Saudi Arabia sáng cuối tuần rồi từ đâu mà có, và sẽ dẫn tới gì?

Trong chớp mắt, nhà máy lọc dầu lớn nhất Saudi đã chìm trong biển lửa. Ảnh: ABC News
Trong chớp mắt, nhà máy lọc dầu lớn nhất Saudi đã chìm trong biển lửa. Ảnh: ABC News

Phải nói là cuộc tấn công của phe phiến quân Houthi ở Yemen sáng sớm thứ bảy 14-9 tuần rồi đã có cách thực hiện và sức công phá ngoài trí tưởng tượng khi một chục máy bay không người lái (UAV) được cho là đã nhấn chìm hai cơ sở lọc dầu ở Khurais và Abqaiq của tập đoàn dầu hỏa lớn nhất Vương quốc Saudi Arabia, Aramco chỉ trong nháy mắt, đồng thời làm giá dầu thế giới tăng ngay 20% - một kỷ lục từ sau chiến tranh vùng Vịnh 1991. 

Không tăng vọt sao được khi mà hoạt động sản xuất bị gián đoạn khiến lượng cung dầu thô giảm ước tính 5,7 triệu thùng, tương đương 50% sản lượng của Aramco và 6% sản lượng dầu thế giới, theo AP 17-9.

Những lời tố cáo trái ngược

Thông tấn xã SPA của Saudi Arabia cho biết Hoàng tử Abdulaziz bin Salman bin Abdulaziz, bộ trưởng Bộ Năng lượng, tuyên bố vụ tấn công và phá hoại khủng bố này là sự mở rộng các cuộc tấn công gần đây nhắm vào những cơ sở dân sự và dầu mỏ, trạm bơm và tàu chở dầu ở vịnh Ả Rập. Tức đây không phải lần đầu, còn có là lần cuối hay không muốn biết vui lòng hỏi nơi khác. Vấn đề đặt ra là ai đã bày ra vụ tấn công này, ai thực hiện?

Houthi Yemen, lực lượng đứng ra nhận trách nhiệm, là nhóm phiến quân đã nổi dậy ở nước phía nam Saudi Arabia này từ năm 1994, đến tháng 9-2014 thì chiếm được thủ đô Sanaa, được cho là với sự hỗ trợ của Iran, khiến tổng thống Abd Rabbuh Mansour Hadi phải từ chức. Tháng 2-2015, lực lượng Houthi giải tán Quốc hội Yemen của chính quyền Hadi và tự lập chính phủ lâm thời với tên gọi Ủy ban cách mạng tối cao.

Yahia Sarie, người phát ngôn của lực lượng Houthi đang làm chủ Yemen, xuất hiện trên kênh tin tức vệ tinh Al-Masirah, tuyên bố Houthi đã phóng 10 máy bay không người lái (UAV) tự hủy và có nhận được hỗ trợ “tin tức tình báo từ bên trong Saudi Arabia” khi nhắm bắn các mục tiêu.

Về phần mình, đại tá Al-Maliki của liên quân do Saudi đứng đầu quả quyết vụ tấn công khủng bố không xuất phát từ lãnh thổ Yemen như loan báo của phe Houthi, và mọi vũ khí sử dụng đều là của Iran, tức quy trách nhiệm cho Tehran. Ông hẹn sẽ sớm công bố các kết quả điều tra.

Một ngày sau, chủ nhật 15-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới bày tỏ ý kiến về vụ này qua Twitter: “Không có bằng chứng các cuộc tấn công đến từ Yemen”. Tuy chưa nêu đích danh ai đã ra tay, song ông Pompeo cũng nhắm thẳng vào một nước thứ ba: “Tehran đứng đằng sau gần cả trăm cuộc tấn công vào Saudi Arabia, trong khi [Hassan] Rouhani và [Mohammad Javad] Zarif [tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Iran] vờ vịt các biện pháp ngoại giao. Giữa tất cả những lời kêu gọi giảm leo thang căng thẳng, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công chưa từng có vào nguồn cung cấp năng lượng của thế giới”.

Các tay súng Houthi. Ảnh: Middles East Monitor
Các tay súng Houthi. Ảnh: Middles East Monitor

Giáo khoa về chiến tranh bất đối xứng

Nhiều chuyên gia tin rằng chỉ có các UAV, như loan báo của phe Houthi, thì khó lòng gây ra thiệt hại lớn đến vậy. Asia Times 16-9 dẫn lời các nhà quan sát Iraq nói đã có ba UAV và ba tên lửa hành trình được phóng vào nhà máy lọc dầu Abqaiq. Các tên lửa hành trình này được cho là một phiên bản của tên lửa Quds-1, sản xuất tại Iran cho phe phiến quân Houthi ở Yemen.

Còn về loại UAV được sử dụng, tờ National Interest của Mỹ hôm 16-9 cho rằng đó không thể là loại Qasef-1 của Iran mà phe Houthi vẫn đang sử dụng, mà phải là một loại tên lửa khác, do lẽ các Qasef-1 có tầm bắn chỉ khoảng 150km, không thể phóng tới mục tiêu từ trong lãnh thổ Yemen, vốn cách xa các cơ sở dầu hỏa 1.200-1.600km tùy vị trí. Các lập luận kiểu đó đều chỉ hướng về phía Iran, rằng nước này đã ra tay dù trực tiếp hay gián tiếp.

Nhưng cho dù vũ khí được sử dụng có là gì, với quy mô thiệt hại, đây rõ ràng là một thảm bại của lực lượng phòng không của Saudi Arabia trong việc bảo vệ hai cơ sở lọc dầu mang tính chiến lược! Thất bại này là quá sức tưởng tượng khi hệ thống phòng không Saudi Arabia thuộc hàng “khủng”: quân đội nước này sở hữu 17 rađa mảng pha chủ động, tìm kiếm ba chiều AN/FPS-117 (Lockheed Martin sản xuất), sáu rađa tìm kiếm chiến thuật ba chiều AN/TPS-43 (Northrop-Grumman); tên lửa phòng không thì có Hawk cải tiến, Patriot lừng lẫy, và cả tên lửa THAAD mà cả Trung Quốc và Nga vẫn đòi Mỹ rút khỏi Hàn Quốc, tất cả đều là hàng Mỹ chính hãng.

Với pháo phòng không để trị các UAV hay tên lửa bay thấp, Saudi Arabia có trong tay pháo tầm ngắn hai nòng Oerlikon 35mm đang được Anh, Đức, Hi Lạp, Nhật, Hàn... sử dụng. Nghĩa là về khí tài, hệ thống phòng không, Saudi Arabia hoàn toàn đủ “đồ chơi” chẳng kém gì Mỹ, và còn hơn Nhật hay Hàn vốn chỉ “núp ké” THAAD đặt tại Guam và Hàn Quốc. Nhưng toàn bộ hệ thống đấy đã im lặng như tờ trong cuộc tấn công tổn thất nặng nề vừa qua.

Có thể có ba cách giải thích tạm: (1) phe Houthi ngày càng dày dạn kinh nghiệm và được trang bị tốt hơn, lại có động lực chiến đấu hơn (thánh chiến Hồi giáo và trả thù dân tộc do Yemen thường xuyên bị Saudi Arabia và liên quân tấn công); (2) quân chính phủ Saudi Arabia vẫn “không chịu” thiện chiến như “truyền thống” lâu nay.

Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Saudi Arabia đã hớt hải cầu cứu Mỹ bảo vệ trước Iraq, dù lúc đó quân đội nước này - cũng như bây giờ - được trang bị vũ khí mạnh nhất ở Trung Đông nhờ tiền bán dầu; (3) cũng có thể có bàn tay của ngoại nhân hỗ trợ. Các nguồn tin từ Iraq và Washington còn cho rằng vụ tấn công được khởi phát từ Iraq, bởi các nhóm dân quân thân Iran hoạt động công khai và dưới sự bảo trợ của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran.

Nếu gọi đây là một chiến thắng thì đây là một trận đánh bằng không lực bất đối xứng tiêu biểu, lấy ít - thậm chí là lấy vừa đủ - đánh nhiều, vũ khí có sức công phá đủ để hủy hoại lớn vào các mục tiêu bêtông, thép kiên cố, nhắm thẳng vào các hạ tầng cụ thể: nhà máy lọc dầu, bồn dầu, đường ống.

Đây là một trận đánh mà mục tiêu đã được nghiên cứu kỹ lưỡng: trong một đất nước dầu hỏa, nếu đánh các giếng dầu - vốn phân tán chằng chịt trên một diện tích lên đến 2,15 triệu km2 - sẽ khó hơn nhiều so với tập trung vào hai cơ sở lọc dầu, trong đó nhà máy Abqaiq rất dễ tổn thương khi đây là nơi xử lý dầu thô nhẹ có công suất lớn nhất thế giới (6 triệu thùng/ ngày), tập trung ở một diện tích nhỏ là hàng loạt trạm bơm dầu, đường ống, trạm đầu cuối... nằm dọc vùng Vịnh và Hồng Hải.

Đây cũng không phải lần đầu phòng không Saudi bị thử thách và không vượt qua được. Trong tháng 8, rải rác đã xảy ra không ít cuộc tấn công vào các cơ sở dầu hỏa, sân bay... ở nước này. Hôm 25-8, phe Houthi loan báo bắn 10 tên lửa đạn đạo Badr-1 vào phi trường Jizan ở miền nam Saudi, làm chết và bị thương mấy chục người; phe chính phủ và liên quân thì nói đã bắn hạ được sáu tên lửa.

Trước đó, hôm 17-8, phe Houthi loan báo 10 UAV đã tấn công một cánh đồng dầu khí ở đông Saudi, song theo Aramco thì không có thiệt hại gì và cũng không gây gián đoạn sản xuất. Trước đó nữa, hôm 5-8, phe Houthi loan báo đã tấn công bằng UAV vào căn cứ không quân Khalid cùng hai sân bay Abha và Najran, gây gián đoạn hàng không tại cả hai sân bay này.

Danh sách này còn dài suốt năm, trong đó có những vụ tên lửa đạn đạo thậm chí phóng tới cả thủ đô Riyadh, với mục tiêu chính là trụ sở Bộ Quốc phòng Saudi dù không quân Saudi Arabia đã đánh chặn được vụ này.

Có vẻ tất cả những vụ đó vừa là sự chuẩn bị, vừa là những đòn nghi binh cho cuộc tấn công chấn động vừa rồi. Thời điểm được chọn cũng quan trọng: khóa họp lần thứ 74 của Đại hội đồng LHQ vừa khai mạc hôm 17-9 với các phiên họp chính kéo dài từ 24 tới 30-9. Nếu Iran muốn đưa việc ông Trump đơn phương bác bỏ hiệp định hạt nhân ra “làm lớn chuyện” trước Đại hội đồng thì phải chăng cần “dằn mặt” trước?

Trong khi đó, ông Trump bình thản viết Tweet rằng ông “đã biết kẻ thủ ác, song cứ đợi xác minh cái đã”, rồi lại nói với báo chí rằng nước Mỹ dư sức đánh Iran, “song, chúng tôi nhất định muốn tránh chiến tranh”. Càng đáng ngạc nhiên khi ông ra lệnh mở ngay kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, tương đương ba tháng sản lượng dầu của Saudi Arabia, để “điều tiết thị trường”.

Chưa thấy ông Trump “hiền như masơ” như vậy bao giờ! Nhắc lại hồi tháng 6, khi chiếc UAV tối tân Global Hawk của Mỹ bị bắn rơi ở vùng Vịnh, Washington đã dọa đánh Iran. Những lộn xộn bắt tàu dân sự qua lại ở eo biển Hormuz chưa dứt, nay lại là vụ đánh sập nhà máy lọc dầu của Saudi, mà theo lời Ngoại trưởng Pompeo, là “cuộc tấn công chưa từng có vào nguồn cung cấp năng lượng của thế giới”. Song, ông Trump đã không chọn chiến tranh, thậm chí còn nói rõ “không có chuyện bảo vệ Saudi”.

Câu chuyện sẽ có bước ngoặt mới ngày 24-9 ở trụ sở LHQ tại New York, sân nhà của ông Trump. Đây sẽ là nơi để nước nào đang ân oán với ai, có dịp để nói ra trước cả thế giới, còn không nói ra thì thiệt thân ráng chịu.■

Bồ câu Donald Trump

Về chính sách đối ngoại, cho tới nay có thể khẳng định ông Trump là một trong những tổng thống “yêu hòa bình” nhất của nước Mỹ trong thời hiện đại. Ông không chỉ gặp và đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, gặp riêng Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông còn mời Taliban tới Nhà Trắng, dứt khoát không động binh ở Syria hay với Iran, và mới đây nhất cuối tháng 8, đầu tháng 9, chính quyền của ông đã mở thương lượng với phiến quân Houthi nhằm vãn hồi trật tự tại Yemen sau năm năm chiến tranh.

“Chúng tôi tập trung vào việc cố gắng kết thúc cuộc chiến với Yemen - trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Cận Đông David Schenker nói ngày 5-9 - Chúng tôi cũng đang thương thuyết trong phạm vi có thể với người Houthi để cố gắng tìm một giải pháp được các bên chấp nhận cho cuộc xung đột”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận