NATO: Nhờ ai, ai nhờ?

DANH ĐỨC 14/12/2019 00:12 GMT+7

TTCT - Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuần rồi tại Watford, gần London, đáng lẽ phải diễn ra trong bầu không khí hội hè kỷ niệm 70 năm thành lập, song rồi cuộc gặp hóa thành cảnh cãi nhau như vỡ chợ, ồn ào bế mạc với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ về mà không dự họp báo chung. Hậu quả sẽ thế nào đây?

NATO đang đứng trước nguy cơ chia rẽ và đổ vỡ hơn nữa. Ảnh: The Economist
NATO đang đứng trước nguy cơ chia rẽ và đổ vỡ hơn nữa. Ảnh: The Economist

CNBC 4-12 đưa tin ông Trump đột ngột hủy họp báo, sau khi một đoạn video cho thấy Thủ tướng Canada Justin Trudeau chế nhạo ông mà quên tắt micro lan truyền khắp trên mạng chỉ vài giờ trước khi cuộc họp báo chuẩn bị bắt đầu. 

Ông Trudeau khi đó đang nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Liên minh kiểu gì?

Sang đến đầu tuần này, bầu không khí “vỡ chợ” đó vẫn còn dư âm khi một hội thảo kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, dự kiến tổ chức tại Copenhagen vào ngày 10-12, bị hủy vì đại sứ Mỹ tại Đan Mạch can thiệp để loại học giả người Mỹ Stanley Sloan - vốn hay chỉ trích Tổng thống Trump - khỏi danh sách tham dự.

Kết cục ở Watford trái với những kỳ vọng mà Hãng thông tấn Mỹ AP nêu ra trước khi thượng đỉnh NATO khai diễn. “NATO đang hi vọng thể hiện sự thống nhất trong bối cảnh có bất hòa giữa 29 thành viên.

Đầu tháng 11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai phiền trách sự thiếu lãnh đạo của Hoa Kỳ, đồng thời nêu lên mối lo ngại về cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria. Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên liên minh không chi tiêu đủ cho quốc phòng” - AP viết.

Dẫu sao thì lời phi lộ trên cũng phản ánh cốt lõi cuộc khủng hoảng xoay quanh “tam giác đối kháng” Pháp - Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang chia rẽ NATO với những câu hỏi “hiện sinh” cho tổ chức này: NATO là gì? Một liên minh quân sự hay một câu lạc bộ chi tiêu quốc phòng? Thậm chí một tập đoàn bảo kê?

Các nhà lãnh đạo NATO trông mong gì từ thượng đỉnh này? Thủ tướng Đức Angela Merkel nói trước khi họp riêng với ông Trump rằng hội nghị đã bàn về một số chiến lược tối quan trọng nhằm đảm bảo tương lai của liên minh. Các vấn đề chiến lược tối quan trọng đó là gì?

Tổng thống Pháp Macron thì không giấu giếm sự bất đồng rõ ràng trong cuộc họp báo chung ngắn ngủi với ông Trump. Bất đồng từ ý nghĩa của NATO: “Tôi biết những phát biểu của tôi đã tạo ra một số phản ứng [...]. Tôi vẫn giữ quan điểm đó. Khi chúng ta nói về NATO không chỉ là nói về tiền. Chúng ta phải tôn trọng những người lính của chúng ta.

Gánh nặng đầu tiên chúng ta chia sẻ, tổn phí đầu tiên chúng ta phải trả là mạng sống của những người lính”. Đến những vấn đề chiến lược: “Khi tôi nhìn vào tình hình ở Syria, Iraq cũng như Sahel, những nơi mà Pháp đều có mặt, nhận xét đầu tiên của tôi là chúng ta phải làm rõ chiến lược.

Chúng ta không thể đơn giản cứ nói phải bỏ tiền ra, phải đưa quân vào. Chúng ta phải làm rõ các nguyên tắc cơ bản của NATO là gì? Hòa bình ở châu Âu thì sao? Tôi muốn làm rõ điều đó”.

Ông Macron nêu những băn khoăn cụ thể của không chỉ riêng ông sau những quyết định “long trời lở đất” của ông Trump, như việc đơn phương ra khỏi Hiệp ước Mỹ - Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung (INF): “Sau quyết định kết thúc INF, chúng ta phải xây dựng một cái gì đó mới chớ. Bởi vì sẽ là rủi ro cho Đức, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác khi các tên lửa xuất phát từ Nga đe dọa chúng tôi. Chúng tôi cần được làm rõ. Và tôi muốn châu Âu tham gia các cuộc đàm phán INF mới trong tương lai”.

Còn về mặt trận chống khủng bố mà bấy lâu nay Hoa Kỳ mặc tình đưa quân NATO hết sang Afghanistan, Iraq, Syria, rồi thích thì tự ý ngưng, ông Macron không giấu sự bực dọc: “Tôi xin lỗi khi nói rằng chúng ta không có định nghĩa giống nhau về khủng bố quanh bàn họp này”.

Hay chuyện “Thổ Nhĩ Kỳ nay đang chống lại những người đã sát cánh cùng chúng ta chiến đấu chống IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Có lúc Thổ Nhĩ Kỳ còn cộng tác với IS. Đó là một vấn đề, một vấn đề chiến lược”.

Tập đoàn bảo kê?

Trong một góc nhìn nào đó, có thể cảm nhận NATO nay trở thành một “tập đoàn bảo kê”. Chẳng hạn như khi nghe những phát biểu của Tổng thống Trump trong một buổi ăn trưa - làm việc với lãnh đạo các nước mà ông gọi là “nhóm 2%” hôm 4-12 tại thượng đỉnh.

Ông Trump khen ngợi một số đồng minh: “Đây là 8 nước, cùng với chúng tôi - Hoa Kỳ - đã thanh toán đầy đủ. Các nước này đã đạt mục tiêu 2%. Chúng tôi gọi các nước đó là “nhóm 2%”. Sẽ có ngày chúng tôi nâng lên 3%, rồi 4% [...]. Còn bây giờ chừng đó được rồi. Các quốc gia này đã không trễ hạn thanh toán. Có một vài trường hợp còn đóng hơn 2%. Đó thực sự là một dấu hiệu tôn trọng Hoa Kỳ [...]. Tôi muốn mời các vị “2%” ăn trưa, một bữa ăn trưa mà tôi trả tiền”.

Diễn nôm, các nước được ông cho là “đàng hoàng” đã nâng ngân sách quốc phòng lên 2%, qua đó cho thấy sự tôn trọng Hoa Kỳ vốn đã và đang gánh vác chính chi tiêu cho NATO: ăn đồng chia đủ, y hệt như chia tiền ăn nhà hàng. Khen xong, ông lại mạt sát ngay những đồng minh khác: “Bất hạnh thay, chúng ta cũng có một số đông các nước chưa đạt mục tiêu này. Một vài nước gần đạt và cũng sẽ đạt thôi”.

Dẫu sao, ông đã bước đầu thành công: “Chúng ta đã nhận thêm 130 tỉ đôla mỗi năm [...]. Tôi đã làm được điều này trong ba năm. Hồi tôi mới lên, [ngân sách NATO] không đi lên mà cứ đi xuống, tới mức thấp nhất chưa từng có. Kể từ đó, chúng ta đã tăng ồ ạt. Và giờ đây, chúng ta sẽ đạt đến mức cao nhất từ trước đến nay. Chúng tôi nghĩ trong vòng ba năm sẽ tăng thêm 400 tỉ đôla”.

Hiện có 8 nước đạt mốc 2%, trong đó nổi bật là Bulgaria, Lithuania và Latvia đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm qua. Ngược lại, có những nước như Bỉ chỉ chi 0,93% GDP cho quốc phòng. Mở ngoặc đơn: nếu dò trên danh sách ngân sách quốc phòng các nước NATO, có thể nhận ra tỉ lệ tăng hay giảm, ngoài lý do kinh tế tài chánh của mỗi nước (công nợ, thâm thủng ngân sách, xuất phát điểm chi tiêu quốc phòng...), vị trí địa lý có vai trò quyết định.

Ví dụ, ba nước Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia, hay Ba Lan, vốn nằm sát vách “đại bàng” Nga, không tăng ngân sách quốc phòng mới lạ. Còn Tây Ban Nha ở tít đầu kia châu Âu, không nghĩ sẽ cần đánh đấm với ai, chỉ chi có 0,92%, không tăng, không giảm suốt 5 năm qua! Còn những nước như Pháp, Đức, Ý... mà ông Trump cho là “chây ì” do tự thân ngân sách quốc phòng đã cao, nên tốc độ tăng đâu cần kíp như ba nước Baltic.

Còn chuyện Mỹ chi 3,42% GDP cho quốc phòng và hơn thế nữa trong hơn thập niên đã qua là do Mỹ lao vào chiến tranh Afghanistan, rồi Iraq, Syria... mà nay vẫn chưa yên ổn ra khỏi, các nước kia đâu có chủ ý nhảy vô đó và đâu có đóng vai chánh.

NATO đang ngày càng chia rẽ vì những ý kiến trái khoáy của ông Trump. Ảnh: ft.com
NATO đang ngày càng chia rẽ vì những ý kiến trái khoáy của ông Trump. Ảnh: ft.com

Đã lỗi thời?

Đúng là ngân sách quốc phòng các nước NATO, trừ Hoa Kỳ, đã thấp trong một thời gian dài do tình hình yên ả ở châu Âu sau chiến tranh lạnh và cuộc khủng hoảng Nam Tư cũ. Sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO mới “choàng tỉnh” và quyết định nâng ngân sách quốc phòng lên tối thiểu 2% GDP tới năm 2024, chớ đâu có đợi ông Trump đốc thúc.

Năm 2014 đó, ông Trump còn bận lo tổ chức Hoa hậu hoàn vũ: tháng 11-2013 ông “chủ xị” cuộc thi sắc đẹp này tại Nga và còn băn khoăn trên Twitter không biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có hạ cố tới dự hay không, chắc chưa có tâm trí lo chuyện NATO.

Tới tháng 12-2015, ông Trump bán công ty, thương hiệu và quyền tổ chức Hoa hậu hoàn vũ, rồi lên Twitter kêu ca về sự cố xướng lộn tên hoa hậu, gây cảnh người đã đội vương miện rồi phải gỡ ra trao cho người trúng thiệt. Bấy giờ, mẩu tweet của ông Trump chỉ có hơn 8.000 lượt đọc, chớ đâu như bây giờ nhất cử nhất động của ông đều có hàng triệu người theo dõi sát sao.

Cho tới giờ thì trong các nghị trình đối ngoại, các liên minh quân sự, dù là NATO hay với Nhật Bản và Hàn Quốc, có vai trò nổi bật trong các quyết sách của chính quyền ông Trump. Câu hỏi là tại sao lại như vậy?

The New York Times 2-4-2016 thuật lại cuộc đấu khẩu của hai ứng cử viên Đảng Cộng hòa: “Vai trò của Hoa Kỳ trong NATO đã trở thành một điểm gây tranh cãi ở đây giữa ông Trump và đối thủ chính của ông, thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas.

Ông Cruz đã chỉ trích những bình luận của ông Trump về NATO, nói rằng Hoa Kỳ cần phải hỗ trợ tổ chức cuộc chiến chống khủng bố và đối trọng với ảnh hưởng của Nga [...]. Ông Trump thì mô tả tổ chức này là cổ lỗ và lỗi thời. Ông cho rằng NATO thực sự được thiết kế vì Liên Xô, bây giờ không tồn tại nữa, chớ không phải thiết kế cho chống khủng bố”.

Ghi chép sau của tờ New York Times nay vẫn còn nguyên giá trị: “Ông Trump đã đi xa hơn bao giờ hết trong những chỉ trích nhắm vào NATO, khi nói với đám đông ở đây rằng ông sẽ “phẻ” (khỏe) nếu chia tay NATO. Ông Trump nói tại một cuộc mittinh ở ngoại ô Milwaukee: Họ phải trả những khoản tiền còn thiếu trong quá khứ, hoặc họ phải ra khỏi NATO. Và nếu điều đó phá banh NATO, thì cứ để NATO bị phá banh”.

Xâu chuỗi tất cả, một khi NATO tanh bành, Nhật, Hàn đang lo sốt vó, ai, hay những ai, sẽ bất chiến tự nhiên thành? Hỏi, cũng tức là trả lời.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận