Thế giới 2019: Đơn phương lấn át đa phương

DANH ĐỨC 20/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Cuối cùng, năm 2019 cũng kết thúc với vài diễn biến tạm gọi là “có hậu”, như vòng 1 đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc với một thỏa hiệp, bỏ phiếu ở Anh chấm dứt cuộc tranh cãi Brexit hay không Brexit. Tuy nhiên, chính những diễn biến đó cho thấy thế lấn át của xu hướng tư duy và hành động đơn phương, bất chấp những hô hào đa phương, cả về kinh tế lẫn chính trị và quân sự.


 

 Ảnh: ft.com


Đã có một thời thế giới vang dội những khúc hoan ca vinh danh toàn cầu hóa, mà biểu tượng là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay Liên minh châu Âu (EU). Thập niên vừa kết thúc, toàn cầu hóa vẫn tiếp tục trong một số cấu trúc, song đến giữa thập niên đã thấy hụt hơi. 

Trước đó hai thập niên là thời kỳ hoàng kim của niềm tin vào những tập hợp chính trị và kinh tế mới - các cộng đồng khu vực từ EU đến ASEAN. Mới năm 2017 thôi, gần hết châu Á - Thái Bình Dương còn nức lòng trước viễn tượng tự do thương mại toàn khu vực nhờ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đùng một cái, giấc mơ TPP chấm dứt, và ngay sau đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Song song là những mở rộng hiện diện quân sự, những lấn chiếm của các cường quốc cũ nay trở lại (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc các cường quốc mới (Trung Quốc), kèm theo đó là những tháo lui, bỏ đi, tự trói tay của các cường quốc hiện hữu (EU, Mỹ).

Xu thế mới: Vị kỷ

Có thể lấy vụ Brexit làm thí dụ. Giành đến 365 ghế, trong khi chỉ cần 326 ghế là đủ trở thành đa số, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử có ý nghĩa như cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc ra khỏi hay ở lại EU.

Khẩu hiệu tranh cử của ông Johnson là “Hãy hoàn tất Brexit”, và chọn lựa trên của cử tri Anh là “đồng ý”. Đảng Lao động, vận động trên cương lĩnh “từ từ đã”, thua cuộc và mất 42 ghế, chỉ còn 203 ghế. Với chọn lựa này, Brexit nay là không thể cản trở nữa.

Kết quả bầu cử càng khẳng định những lý do dẫn đến quyết định Brexit của cử tri Anh vào năm 2016. Các đồng tác giả của nghiên cứu “Tìm hiểu Brexit ở cấp địa phương: Những nguyên nhân của sự bất mãn cùng các tác động phi đối xứng”, thuộc Trường Kinh tế London, tóm tắt các nguyên nhân như sau: “Cảm giác bi quan, bất an và mất kết nối với giới tinh hoa chính trị “ngoài tầm với” của người dân.

Người dân cảm thấy những mối quan tâm của họ không được lắng nghe nơi hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị, và toàn cầu hóa, hiện thân qua EU, trong óc tưởng tượng tập thể người Anh, đã trở nên không thể kiểm soát và không mang lại lợi ích cho họ”.

Một kết luận khác của các tác giả cũng là lời cảnh tỉnh những chính phủ hời hợt nhận thức thực tế: “Sự thịnh vượng được tạo ra nhờ tự do hóa thương mại đã được phân bổ rất không đồng đều. Những người thua cuộc trong toàn cầu hóa - tầng lớp lao động, người già và ít học - nhiều khả năng bỏ phiếu ủng hộ Brexit [...]. Ở một số vùng tăng trưởng kinh tế suy giảm hoặc trì trệ, dân chúng... thậm chí coi việc bỏ phiếu là một hình thức “trả thù””.

Qua nghiên cứu trên, có thể thấy Brexit đã bắt đầu từ người dân rồi lan đến chính phủ. Nói cách khác, tính vị kỷ của mỗi nước thể hiện trong hai cấp độ: đầu tiên là trong lòng mỗi công dân - chán ngán sự phụ thuộc vào nước ngoài dưới bất cứ hình thức nào, kế đến, sự chán ngán đó biến thành ý muốn của chính phủ qua lá phiếu.

Từ vị kỷ đến đơn phương

Đó cũng là nguồn gốc sâu xa của những lá phiếu dành cho ông Donald Trump cùng khẩu hiệu “nước Mỹ trước hết” của ông. Đó còn là điều thúc giục ông Trump tiến đến chiến tranh thương mại với nhiều nước, mà Trung Quốc là đối thủ chính và EU là đối thủ phụ.

Đối với ông Trump, mọi việc đều rất đơn giản như qua tuyên bố “Các cuộc chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng” của ông hôm 18-3-2018 khi lần đầu tiên ông loan báo đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu nước ngoài ở quy mô lớn.

Đã có nhiều giải thích về các quyết định khác thiên hạ và khác những người tiền nhiệm của ông Trump, song vẫn được lòng đông đảo cử tri Mỹ. Nhiều học giả tâm lý học ở Mỹ đã chẩn đoán ông Trump bị chứng tự ái mộ (narcissism), luôn tự cho mình là nhất trần đời, chẳng quen đồng cảm với ai. Song chuyện ngược đời là ông lại thu hút các cử tri Cơ Đốc giáo thuần thành.

Đối với họ, ông Trump là người “cứu rỗi” khỏi những chao đảo xã hội, những đe dọa và bất an. Những tuyên bố hùng hồn của ông như “Bọn IS là một lũ man rợ Trung cổ. Các đối thủ kinh tế của chúng ta, như Trung Quốc, ít gây kinh hãi hơn, song lại không kém phần hiếu chiến. Họ vẫn tiếp tục tấn công chúng ta. Chúng ta phải đánh trả họ” rất hợp ý đội ngũ cử tri này.

Ngay từ tháng 6-2016, GS Dan McAdams đã báo trước đặc tính của ông Trump: “Chiến thắng kinh tế là một chuyện; khởi động chiến tranh thực sự và chiến thắng lại là một chuyện hoàn toàn khác. Trump dường như ít có xu hướng hành động quân sự hơn một số ứng cử viên khác.

Ông đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của George W. Bush xâm chiếm Iraq năm 2003, và đã cảnh báo không nên gửi quân đội Mỹ đến Syria”. Thay vào đó, ông Trump đánh võ mồm. “Ăn nói bỗ bã đôi khi có thể ngăn chặn xung đột vũ trang, khiến một kẻ thù tiềm năng xuống nước trong sợ hãi. Nhưng ngôn ngữ hiếu chiến cũng có thể kích động cơn thịnh nộ quốc gia dân tộc nơi những người ủng hộ ông Trump, và kích động các quốc gia đối thủ mà Trump nhắm tới”.

Tất cả những báo trước của GS Dan McAdams có thể giải thích chuyện ông Trump hỉ nộ ái ố với ông Un của Bình Nhưỡng: dường như ông này đã đọc rất kỹ bài phân tích “Tâm hồn của ông Trump” trên tờ The Atlantic và đã hành xử thích ứng. Giải thích luôn tại sao năm nay, ông Trump lại khơi khơi rút quân Mỹ khỏi Syria hay không va chạm gì với Nga ở Ukraine hay đòi dẹp NATO...

Những giấc mộng không chung đường

Từ các phân tích tâm lý trên, càng có thể hiểu tại sao ông Trump hay quyết định đơn phương. Song, cũng chính vì thế mà ông gây thù chuốc oán rất nhiều ở các nước đối địch, nhất là tại Trung Quốc, nơi mà tính tự ái mộ không có gì lạ.

Mới đây, trên tờ Le Nouvelliste của Canada ngày 9-12-2019, GS Gilles Vandal, Trường Chính trị thực hành Đại học Sherbrooke, đã viết về làn sóng dân tộc chủ nghĩa chống Mỹ đang nổi lên ở Trung Quốc - khớp với cảnh báo của GS McAdams rằng ngôn ngữ hiếu chiến của ông Trump cũng có thể kích động các quốc gia đối thủ.

Theo GS Vandal, từ ba năm xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc vừa qua, chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa trở nên bạo dạn hơn. Trên các phương tiện truyền thông trong nước, Trung Quốc được mô tả công khai là nạn nhân bị Mỹ đe dọa, trong khi người Trung Quốc ngày càng tự hào về 5.000 năm văn minh của họ, dẫn tới luận điệu chống Mỹ càng thêm quyết liệt.

Chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa cũng có nguồn gốc lịch sử: Tranh chấp thương mại hiện nay gợi lại nỗi sỉ nhục mà Trung Quốc từng phải chấp nhận trước các cường quốc nước ngoài trong thời kỳ thuộc địa. Nói cách khác, Hoa Kỳ tìm cách áp đặt các điều kiện bất bình đẳng với Trung Quốc giống như Pháp, Anh, hay Nhật Bản đã làm với các hiệp ước bất bình đẳng.

“Một số chuyên gia Mỹ cho rằng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc là có kiểm soát, thậm chí là do chính quyền khơi dậy” - GS Vandal viết. “Nhưng tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều [...]. Chủ nghĩa dân tộc là một yếu tố rất quan trọng trong sự chính danh của chế độ”.

Nghĩa là theo ông, chính quyền càng chống Mỹ thì càng chứng tỏ được tính chính danh. Ngược lại, cũng theo GS Vandal, “Bắc Kinh nhận thức được rằng chủ nghĩa dân tộc là một lực lượng có thể phản tác dụng. Chính quyền theo sau và tìm cách kiểm soát những bất ổn có thể phát sinh từ các phong trào dân tộc, nhưng không phải lúc nào cũng thành công”.

Dù quan hệ với Mỹ là căng thẳng hay hòa hoãn, mối quan tâm lớn nhất của chính quyền Trung Quốc “vẫn là làm sao duy trì hòa bình và ổn định nội bộ”, GS Vandal kết luận. 

Điều này thể hiện trong chính sách của Trung Quốc, mà GS Daniel Russel, phó chủ tịch Viện Chính sách của Hội châu Á tại Mỹ, đã nêu rõ ở Diễn đàn Hòa bình thế giới ngay tại Bắc Kinh hôm 6-7-2019: “Có một nhận thức rộng rãi ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây rằng chính sách của Trung Quốc trong thập kỷ này được định hướng để tối đa hóa lợi ích và quyền tự chủ của Trung Quốc […].

Nói cách khác, Trung Quốc đã và đang thực hiện một cách tiếp cận đơn phương. Quý vị phải thừa nhận rằng có một sự đối xứng đáng kinh ngạc giữa hai khẩu hiệu “Canh tân Trung Quốc vĩ đại” và “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” [cũng như “Trung Quốc mộng” và “giấc mơ Mỹ”]”.

Xem ra, 2019 là một năm có quá nhiều giấc mơ dứt khoát không thể đi chung đường!■

Mới đây, trên The Atlantic số ngày 2-12-2019, GS tâm lý học Dan P. McAdams của Đại học Northwestern giải thích rằng sở dĩ tháng 8 vừa rồi, ông Trump vẫn khăng khăng “quyết đấu” về thương mại với Trung Quốc là vì ông nghĩ ông là “người được chọn” (trong ý nghĩa được Thượng đế chọn, theo lời của chính ông Trump). Các cuộc chiến tranh thương mại của ông, bởi vậy, là do “sứ mệnh” thiêng liêng đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận