Những hình dạng của kinh tế hậu COVID-19

CHIÊU VĂN 16/03/2020 22:03 GMT+7

TTCT - Những suy giảm, và cả hoảng loạn, trên các thị trường tài chính lớn vì COVID-19 một tháng qua khi dịch bệnh ngày càng giống với một đại dịch toàn cầu làm nảy ra nhiều tranh luận kinh tế vĩ mô. Phải chăng đây chỉ là bước lùi tạm thời, hay sẽ là một cuộc suy thoái toàn cầu nữa? Nếu là một cuộc suy thoái, thì suy thoái do COVID-19 có thể tệ tới mức nào? Sẽ có những kịch bản nào cho tăng trưởng và hồi phục? Và cuối cùng, liệu sẽ có tác động dài hạn nào về mặt cấu trúc với nền kinh tế bởi những gì đang diễn ra không?

Coronavirus economic impact concept image
 

“Dự báo tăng trưởng GDP, ngay cả trong những giai đoạn bình lặng nhất, cũng hiếm khi đáng tin, và càng trở nên đáng ngờ khi hướng phát triển của virus, hiệu quả của nỗ lực phòng chống, và phản ứng từ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, giờ là không thể chắc chắn - tạp chí chuyên về kinh doanh và kinh tế Harvard Business Review viết - ... (Vì thế) chúng ta phải nhìn vào các tín hiệu thị trường, các mô thức suy thoái và tăng trưởng, cũng như lịch sử các cú sốc thị trường khi có dịch bệnh, để ít nhiều nhận ra con đường phía trước”.

V, U, hay L?

Những đợt suy giảm liên tiếp của các thị trường tài chính toàn cầu có vẻ cho thấy kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Những tài sản an toàn cao, như trái phiếu Chính phủ Mỹ, tăng giá mạnh, với mức lãi suất giảm kỷ lục (là cái giá giới đầu tư chấp nhận - lợi nhuận thấp, ở đây là lãi suất trái phiếu, để đổi lấy sự an toàn).

Mức độ dễ tổn thương của các nền kinh tế lớn, bao gồm của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), và nhất là của Trung Quốc, đã tăng lên và tăng trưởng ở nhiều nước giờ bị điều chỉnh giảm do dịch bệnh.

Nhưng dù các nền kinh tế lớn có tránh được suy thoái hay không, con đường hồi phục hậu COVID-19 sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như mức tăng trở lại của tổng cầu, cú sốc do dịch bệnh gây ra là ngắn hay lâu dài, và có đổ vỡ về mặt cấu trúc với cả nền kinh tế hay không. CNBC dẫn lời các chuyên gia kinh tế nói sẽ có ba kịch bản chính cho sự hồi phục: hình chữ V, U, hoặc L.

Hình chữ V là kịch bản mô tả một cú sốc “kinh điển” với nền kinh tế thực: tức sự suy giảm sản lượng, nhưng tăng trưởng dần hồi phục. Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ hấp thu cú sốc COVID-19 hoàn toàn. Chữ U là người em song sinh ít được mong đợi hơn của chữ V: tác động của cú sốc kinh tế kéo dài, dù sau đó vẫn sẽ có tăng trưởng trở lại.

Cuối cùng là kịch bản xấu nhất, hình chữ L: dịch bệnh gây ra thương tổn về mặt cấu trúc, tức đổ vỡ với phía cung của nền kinh tế - thị trường lao động, nguồn vốn, và năng suất, dẫn tới sự trì trệ kéo dài.

Các kinh tế gia cũng tranh cãi đó là một cú sốc với bên “cung” hay bên “cầu”, tức do sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu - chủ yếu bắt nguồn từ Trung Quốc, hay sự suy giảm tiêu dùng vì dịch bệnh - điều diễn ra ở quy mô lớn hơn.

“Tôi nghĩ đây là cú sốc về cầu và nó chỉ mới bắt đầu - CNBC dẫn lời Peter Tchir thuộc Academy Securities - Việc hạn chế tiếp xúc của mọi người để tránh dịch sẽ tác động đến bên cầu”. Jim Paulsen của Leuthold Group thì nghĩ khác: “Chúng ta đang gặp những cú sốc cả về cung và cầu... cả hai vì cùng một lý do: Nỗi sợ hãi! Câu hỏi là: Nỗi sợ này sẽ còn trong bao lâu?”.

Trong dài hạn, theo Matt Maley ở Miller Tabak, “vấn đề lớn nhất là tình hình có kéo dài tới mùa hè hay không. Nếu điều đó xảy ra, một số sự suy giảm về cầu sẽ không thể bù đắp được bởi mức tăng sau đó”.

Lấy ví dụ, nếu bạn có một quán ăn quen mà bạn vẫn ghé mỗi tuần một lần, nhưng nay vì dịch nên không ghé nữa. Khi dịch hết, bạn có trở lại ăn ở quán đó hai lần một tuần để bù cho những lần mình đã không đi trước kia không? Bạn có uống gấp đôi lượng bia, đi gấp đôi số chuyến xe công nghệ, hay đi du lịch nhiều gấp đôi so với tất cả những gì bạn đã bỏ qua trong khi còn dịch bệnh?

Tương tự, nếu bạn đã không mua hoa 8-3 cho vợ hay người yêu tuần rồi “vì dịch” nên ngại ra đường, thì tổn thất đó với nền kinh tế là không thể bù đắp được nữa! Thực tế là với nhiều doanh nghiệp nhỏ, như các nhà hàng hay cửa hàng hoa, họ sẽ phải đóng cửa nếu việc kinh doanh chỉ cần ế ẩm vài tháng.

Tuy nhiên, những người lạc quan thì đang chỉ ra rằng Trung Quốc đã thực sự hồi phục.

Ngóng Trung Quốc

Không biết có phải do nghi ngờ tình trạng “xào nấu” số liệu kinh tế mà chính quyền Trung Quốc từng nhiều lần bị cáo buộc hay không, hãng tin chuyên về kinh tế Bloomberg đã dựa vào một chỉ số không hề chính quy để đo đạc mức độ hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là nơi khởi phát và tâm điểm của COVID-19: mức độ ô nhiễm.

“Dù mức phát thải khí nitrogen dioxide (NO2) ở Trung Quốc đã tăng gần 50% tính từ 17-2, nó vẫn còn kém 20% so với cùng kỳ năm ngoái” - Bloomberg dẫn số liệu của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch ở Helsinki (Phần Lan), sử dụng dữ liệu từ NASA.

Theo đó, mức xả thải NO2 ở Hồ Bắc, tỉnh tâm dịch và là vùng sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, đã tăng vượt mức cùng kỳ năm ngoái. Ở trung tâm sản xuất chế tạo Quảng Đông (tính tới đầu tuần có nhiều ca nhiễm nhất sau Hồ Bắc), cũng đã có lúc vượt mức năm 2019. Ở Sơn Tây, tỉnh sản xuất than lớn nhất nước, mức NO2 đã gần bằng năm ngoái.

Giống như người tiêu dùng cá nhân đã nói ở trên, hiệu ứng tăng trưởng bù đắp cũng có thể diễn ra với nền kinh tế Trung Quốc. Theo China Daily, JP Morgan Research dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ trong quý 2-2020 sau khi đã giảm 3,9% trong quý 1-2020.

“Khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại và tiếp tục các kế hoạch trong dài hạn sẽ cho thấy sức bật của kinh tế Trung Quốc - Jing Ulrich, phó chủ tịch khối ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JP Morgan, nói - Dù sự hồi phục chậm hơn dự kiến, chúng tôi tin các hoạt động kinh tế sẽ bắt đầu mạnh mẽ trở lại từ cuối tháng 3 và trong quý 2”.

Theo China Daily, hơn 90% các công ty với doanh số trên 20 triệu nhân dân tệ (2,88 triệu đôla) ở Chiết Giang, trung tâm thương mại của miền đông, đã hoạt động trở lại. Số liệu tương tự cũng đã ở mức trên 60% tại hầu hết những trung tâm sản xuất lớn, như Quảng Đông là 82% hay Thượng Hải là 73%.

COVID-19 là một đòn mạnh giáng vào mục tiêu xây dựng “xã hội khá giả” của Trung Quốc, cụ thể là loại bỏ hoàn toàn nghèo đói cùng cực vào cuối năm 2020 (2021 là 100 năm kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc). Để đạt mục tiêu đó, Trung Quốc cần tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người so với năm 2010, đồng nghĩa nền kinh tế phải tăng trưởng 5,5 - 6% trong năm nay.

Tuy nhiên, Jeremy Stevens - kinh tế gia về Trung Quốc ở Standard Bank Bắc Kinh - nói với China Daily rằng không giống định kiến trên truyền thông phương Tây, giới làm chính sách Trung Quốc không hẳn là quá ám ảnh với GDP.

“Các biện pháp ngăn chặn cú sốc kinh tế do dịch (của Trung Quốc) không chỉ chăm chăm vào tăng trưởng. Thật ra, các biện pháp được coi trọng là làm sao để khoảng 18 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này và hạn chế tác động lên công ăn việc làm” - Stevens nói.

Kinh tế hậu dịch bệnh trong lịch sử

Lịch sử chỉ ra rằng kinh tế thường hồi phục nhanh và mạnh sau các cuộc khủng hoảng lớn về y tế. David Routt - giáo sư lịch sử ở Đại học Richmond, Mỹ - đã nghiên cứu sâu rộng về dịch bệnh châu Âu thời Trung cổ, và ông kết luận sau các đợt dịch lớn là những lần tăng trưởng kinh tế mạnh.

Chẳng hạn, dịch hạch cuối những năm 1340 “là một trong những yếu tố giúp phá vỡ trật tự kinh tế thời Trung cổ, và tạo ra tăng trưởng đưa châu Âu tiến vào giai đoạn hiện đại. Nó đã đẩy nhanh quá trình tan rã của hệ thống phong kiến bóc lột nông nô”.

COVID-19, cùng tất cả tác hại của nó, rất có thể cũng đang thúc đẩy một quá trình cấu trúc lại kinh tế như vậy, mà tiên phong là các tập đoàn công nghệ, bán lẻ trực tuyến, cũng ở Trung Quốc.

Kinh tế thế giới cũng hồi phục mạnh mẽ sau dịch SARS 2003. “Nếu nhìn vào lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời xảy ra dịch SARS, ta có thể thấy điều chỉnh giảm mạnh trong khoảng ba tháng sau đỉnh dịch bệnh - Ulrich của JP Morgan nói - Nhưng sau đó là một đợt hồi phục tương đối nhanh”.

Michael Milken - chuyên gia tài chính và tỉ phú Mỹ - thì nói trong khi thận trọng trong ngắn hạn, ông vẫn lạc quan. Forbes dẫn lời Milken ở một hội thảo vào đầu tháng 3 tại California phân tích rằng mô hình máy tính và trí tuệ nhân tạo ngày nay dự báo dịch bệnh tốt hơn nhiều so với dịch SARS hay H1N1 (2009 - 2010) khi từ 700 triệu tới 1,4 tỉ người đã nhiễm bệnh trên toàn thế giới và có thể tới 500.000 người đã thiệt mạng. Milken cũng nhắc lại dịch bại liệt ở Mỹ năm 1952 và dịch HIV/AIDS những năm 1980.

“Thời đó, ở chung phòng với người nhiễm HIV là người ta đã phát hoảng rồi” - Milken nói. Những nỗi sợ đó không phải là không dai dẳng, nhưng theo Milken, chủ nghĩa tư bản, khi được quản trị hợp lý, vẫn có sức mạnh hồi phục đủ tốt.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến lãi suất vay tiền mua nhà ở Mỹ hiện là thấp nhất trong lịch sử, giá dầu và khí đốt ở mức thấp gần bằng năm 2009. “Chi phí sinh hoạt đang giảm xuống. Sức mua rồi sẽ tăng lên” - Milken nói, điều mà ông tin rằng sẽ giúp đưa tới sự hồi phục nhanh chóng hơn sau COVID-19.■

Bài học từ dịch SARS

Năm 2003, một nhân viên Công ty Alibaba nhiễm SARS, toàn bộ nhân viên công ty, bao gồm chủ tịch Mã Vân, đều bị cách ly. Ông Mã ngay từ đó đã có sáng kiến làm việc trực tuyến trong thời gian cách ly rồi chuyển đổi luôn mô hình hoạt động, lập ra sàn giao dịch điện tử taobao.com.

Do hội đồng quản trị lúc ấy đều không đồng ý, cho rằng không khả thi, ông đã lập một nhóm nghiên cứu âm thầm tiến hành. Trong khi nhiều doanh nghiệp hoạt động kiểu truyền thống gặp khó khăn, Mã Vân và taobao.com đã cất cánh. Đến nay, nhiều cư dân mạng vẫn cho rằng: “Nếu không có đại dịch SARS sẽ không có taobao.com ngày hôm nay”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận