Những con số giật mình

NGUYỄN VĂN TUẤN 25/04/2017 22:04 GMT+7

TTCT- Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta là một môi trường lý tưởng cho nghiên cứu khoa học xã hội (KHXH). Trớ trêu thay, sự hiện diện của KHXH Việt Nam trên trường quốc tế rất khiêm tốn.

 

 

Chỉ có 4% công bố quốc tế của khoa học Việt Nam là liên quan đến KHXH. Gần 80% công bố quốc tế KHXH là do hợp tác quốc tế. Sự hiện diện yếu ớt đó là một thiệt thòi cho đất nước.

Gần đây, dự thảo về quy trình và tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia và giáo sư đương nhiệm. Những ý kiến về tiêu chuẩn công bố quốc tế lại xoay về tình hình nghiên cứu KHXH ở Việt Nam.

Một bên cho rằng các giáo sư ngành KHXH có quá ít công bố quốc tế. Một bên lý giải rằng ngành KHXH, vì đặc thù của các bộ môn nghiên cứu (như lịch sử Đảng, triết học Mác - Lênin), nên đòi hỏi về công bố quốc tế là không hợp lý.

KHXH là một lãnh địa khoa học rất rộng lớn và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Chỉ tính riêng trong thư mục Web of Science của Viện Thông tin khoa học đã có hơn 3.000 tập san được phân nhóm là “KHXH và nhân văn” cho hơn 200 chuyên ngành hẹp, từ xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học, nhân chủng học, luật, quản lý công đến y học xã hội.

Mỗi năm, các tập san này công bố hơn 200.000 bài báo khoa học, chiếm hơn 23% tổng số bài báo khoa học toàn cầu.

Quá trình phát triển KHXH cũng thúc đẩy sự phát triển các ngành khoa học tự nhiên (KHTN) và phương pháp nghiên cứu. Do đó, khó nói giữa KHXH và KHTN, lĩnh vực nào quan trọng hơn.

Tình hình công bố quốc tế ngành KHXH

Tỉ trọng công bố quốc tế của khoa học Việt Nam (2001-2015). Công bố quốc tế ngành KHXH chiếm 4% tổng số công bố (18.044 bài)
Tỉ trọng công bố quốc tế của khoa học Việt Nam (2001-2015). Công bố quốc tế ngành KHXH chiếm 4% tổng số công bố (18.044 bài)

 

Tuy nhiên, nghiên cứu KHXH Việt Nam có một sự hiện diện khiêm tốn trên trường quốc tế. Từ năm 2001 đến 2015, Việt Nam công bố được khoảng 18.000 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục ISI, nhưng trong số này chỉ có 717, tức 4% bài báo thuộc ngành KHXH (1).

Tỉ trọng công bố quốc tế ngành KHXH Việt Nam chỉ bằng phân nửa các nước lân cận như Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, số bài báo KHXH từ Việt Nam liên tục tăng trong thời gian 15 năm qua. Chẳng hạn, từ năm 2011-2015, có 399 bài báo KHXH, con số này tăng gấp 5,6 lần so với thời gian 2001-2005.

Nghiên cứu về KHXH ở Việt Nam khá đa dạng. Theo cách phân nhóm của ISI, các công trình KHXH từ Việt Nam nằm trong 24 chuyên ngành, chủ yếu là quản trị công, KHXH tổng quát và KHXH y tế (xem bảng).

Nhìn qua bảng phân bố về KHXH, ta thấy gần như trống vắng những nghiên cứu về lịch sử, xã hội học, triết học, văn hóa học. Đa số những công trình nghiên cứu về KHXH từ Việt Nam là do hợp tác quốc tế. Trong số 717 công trình công bố trên các tập san ISI, 78% là có sự hợp tác từ các nhà khoa học nước ngoài. Nếu tính theo tác giả chính thì số bài báo với tác giả chính là người nước ngoài chiếm 60%.

Ngay một số lớn những công trình “nội địa” cũng được thực hiện ở nước ngoài nhưng lấy địa chỉ Việt Nam. Điều này có thể nói lên rằng nghiên cứu về KHXH ở Việt Nam còn thiếu về “nội lực” và do đó phải phụ thuộc vào nước ngoài.

Tại sao sự hiện diện của KHXH Việt Nam còn khiêm tốn? Đây là câu hỏi làm hao tổn không ít tâm trí và thì giờ của những ai còn quan tâm đến khoa học nước nhà. Tôi theo dõi tình hình công bố quốc tế từ Việt Nam qua nhiều năm, và nghĩ đến một số lý do chính liên quan đến vấn đề chọn đề tài nghiên cứu, cách tiếp cận, người hướng dẫn, và vấn đề ngôn ngữ.

Tỉ trọng công bố quốc tế của khoa học Việt Nam (2001-2015). Công bố quốc tế ngành KHXH chiếm 4% tổng số công bố (18.044 bài)
Tỉ trọng công bố quốc tế của khoa học Việt Nam (2001-2015). Công bố quốc tế ngành KHXH chiếm 4% tổng số công bố (18.044 bài)

 

Vấn đề ý tưởng

Nhiều nhà KHXH trong nước có thể thiếu định hướng nghiên cứu tốt, nên phải loay hoay với những đề tài cũ mà người khác đã làm và những đề tài cũ như thế thì khả năng và cơ may công bố kết quả rất thấp.

Nhưng đối với ngành KHXH, Việt Nam thực ra có rất nhiều đề tài nghiên cứu. Việt Nam là một nước đang phát triển, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, gây nhiều biến động trong xã hội. Đó là những đề tài nghiên cứu rất thiết thực và quan trọng cho nghiên cứu khoa học.

Tôi có thể nghĩ ngay đến những đề tài nghiên cứu về tham nhũng, hành vi hối lộ, về quan hệ giữa dân và quan chức, về lịch sử, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa... Trái với nhiều người mỉa mai về đề tài tiếp dân của quan chức xã hay hành vi nịnh hót, đó thực ra cũng là những đề tài nghiên cứu thiết thực.

Vấn đề là những nghiên cứu đó có được thực hiện đúng phương pháp và dữ liệu có giá trị khoa học hay không. Dù giới KHXH Việt Nam đang ngồi trên “mỏ vàng” về đề tài nghiên cứu, nhưng người khai thác mỏ vàng đó lại là người nước ngoài.

Như đề cập ở trên, gần 80% công bố quốc tế KHXH là do hợp tác quốc tế, chứ không phải từ nội lực. Một trong những nghiên cứu thú vị nhất có thể kể tới là của tiến sĩ Kimberley Hoàng (Mỹ), người dấn thân vào thực địa để thu thập dữ liệu về giai tầng trong các dịch vụ bia ôm, viết thành vài bài báo khoa học rất hay.

Cần nói thêm về ý kiến cho rằng chỉ có một số ngành với “những khái niệm thống nhất toàn thế giới” mới có thể công bố trên các tập san ISI và Scopus.

Điều này không đúng với thực tế. Bất cứ bộ môn khoa học nào cũng có thể công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san có bình duyệt trong danh mục ISI hay Scopus. Ngành KHXH có tất cả 3.259 tập san trong danh mục ISI, công bố rất nhiều nghiên cứu mỗi năm.

Tiêu chuẩn công bố không phải là “khái niệm thống nhất”, mà là ý tưởng mới, dữ liệu mới, cách tiếp cận mới, cách diễn giải mới và phương pháp luận đúng.

Trong KHXH, rất cần công bố những lý giải mới có thể đi ngược lại cách hiểu chính thống, những công trình như thế rất dễ đăng. Ngược lại, những công trình nhại đi nhại lại những “khái niệm thống nhất” thì rất khó công bố.

Lại có ý kiến cho rằng tập san của Mỹ không đăng những nghiên cứu “đặc thù” như triết học Mác - Lênin, lịch sử đảng, ngành an ninh, quân sự. Quan điểm này cần xem xét lại.

Trong thực tế, rất nhiều tập san chuyên công bố những nghiên cứu về quân sự, an ninh, chủ nghĩa Mác - Lênin, lịch sử đảng, xây dựng đảng... Trong danh mục ISI hay Scopus có nhiều nghiên cứu như thế.

Trong ISI, tìm cụm từ “Marxism” hoặc “Socialism” hoặc “Communism” thấy có hơn 3.100 bài trong 5 năm qua.

Bài “The Neo-Marxist Legacy in American Sociology” được công bố trên một tập san xã hội học danh tiếng của Mỹ, hay tập san The China Journal mới công bố một nghiên cứu có tựa đề “The New Life of the Party: Party-Building and Social Engineering in Greater Shanghai”.

Có tất cả 87 bài nghiên cứu về “Party Building” (xây dựng đảng) trong 5 năm qua.

Vấn đề phương pháp

Nghiên cứu KHXH ngày nay rất đa dạng, từ nghiên cứu định lượng đến nghiên cứu định tính. Nhưng nghiên cứu dạng nào thì phương pháp là rất quan trọng để có thể công bố quốc tế.

Khoảng 70% bài báo bị từ chối là do phương pháp nghiên cứu chưa đạt hay không thích hợp. Tập san uy tín càng cao thì đòi hỏi về phương pháp càng gắt gao, và tỉ lệ từ chối càng cao. Phương pháp ở đây phải hiểu bao gồm cả phương pháp luận (methodology), kỹ thuật đo lường, phương pháp phân tích.

KHXH có những phát triển rất tinh vi về phương pháp phân tích dữ liệu và họ có những tập san cho chuyên ngành này. Nhưng phương pháp nghiên cứu KHXH lại là một điểm yếu của giới KHXH Việt Nam.

Từ những khía cạnh thiết kế nghiên cứu, đến đo lường và phân tích, KHXH đều gặp phải nhiều vấn đề nan giải. Đa số công trình này chỉ công bố trên những tập san có ảnh hưởng thấp, có lẽ một phần là do chủ đề nghiên cứu chưa mới, nhưng phương pháp có thể là yếu tố kéo lùi nghiên cứu KHXH ở Việt Nam.

Một lý do khác về sự yếu kém trong công bố quốc tế ngành KHXH là thiếu những nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu ở đẳng cấp quốc tế. Đa số công trình nghiên cứu KHXH ở Việt Nam là do người nước ngoài công bố và chủ trì.

Vì thiếu những người hướng dẫn có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, nên rất nhiều nhà khoa học trẻ có nhiệt huyết và có tài, rất muốn làm nghiên cứu đành “bó tay”. Đó là điều rất đáng tiếc, vì các bạn trẻ Việt Nam chẳng kém ai trên thế giới, nếu có dịp tiếp cận tri thức tiên tiến và có người hướng dẫn tốt.

Vấn đề tiếng Anh

Trên 90% tập san khoa học quốc tế dùng tiếng Anh làm phương tiện chuyển tải. Ngay cả các tập san xuất phát từ những nước như Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Phần Lan, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc... cũng dùng tiếng Anh.

Nhưng đối với người Việt Nam, có thể nói rằng tiếng Anh là một rào cản rất lớn cho KHXH ở Việt Nam. Đòi hỏi về tiếng Anh trong công bố quốc tế KHXH cao hơn và khắt khe hơn so với các chuyên ngành về KHTN.

Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam biết tiếng Anh, có thể đọc, nghe và viết, nhưng phần lớn chưa ở trình độ có thể viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Ngay cả những nghiên cứu sinh đã theo học các đại học nói tiếng Anh ở nước ngoài cũng chưa đủ khả năng để soạn một bài báo khoa học mà không cần đến sự hỗ trợ về ngôn ngữ.

Sự yếu kém của KHXH là một thiệt thòi cho quốc gia. Công bố quốc tế là một hình thức cung cấp chứng từ khoa học.

Trong học thuật và thậm chí trong tòa án, người ta chỉ xem dữ liệu là một bằng chứng khoa học sau khi dữ liệu đó đã qua bình duyệt và công bố trên một tập san khoa học.

Đó chính là lý do tại sao tòa án Mỹ từng không xem những hình ảnh và dữ liệu về chất độc da cam của Việt Nam công bố trên truyền thông đại chúng là bằng chứng khoa học, nhưng họ xem dữ liệu của cựu chiến binh Mỹ là bằng chứng khoa học.

Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa đòi hỏi nhiều nghiên cứu và công bố quốc tế. Nhưng tìm trong khoa văn toàn cầu, ta thấy rất hiếm công trình nghiên cứu từ Việt Nam, mà lại có khá nhiều bài báo từ Trung Quốc.

Vì thế, khi các học giả nhìn vào khoa văn, họ chỉ thấy đa số là dữ liệu từ Trung Quốc, do đó chính nghĩa của Việt Nam bị thiệt thòi trên trường khoa học.■

(1): Nguyen TV, Ho-Le T, Le UV. International collaboration in scientific research in Vietnam: an analysis of patterns and impact. Scientometrics 2017; 110:1035-51.

Ngộ nhận về chi phí công bố một bài báo khoa học

Có không ít nhà khoa học phàn nàn rằng vì chi phí công bố quá cao nên họ không có ngân sách công bố khoa học.

Nhưng có nhiều tập san miễn phí cho nhà khoa học, một số tập san mở chính thống (của Springer, Nature, PLoS) không lấy ấn phí của các tác giả từ những nước nghèo. Việt Nam được xếp vào nhóm các nước nghèo nên tác giả không phải trả ấn phí.

Có ý kiến cho rằng tác giả phải trả cho chuyên gia bình duyệt 2.000 USD mỗi bài, điều này không đúng. Các tập san khoa học không trả tiền cho chuyên gia bình duyệt, các chuyên gia và ban biên tập làm việc hoàn toàn vì khoa học và tình nguyện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận