Khoa học "hiện hình" trong ngôn ngữ ký hiệu

LÊ MY 06/08/2020 21:08 GMT+7

TTCT - Phần lớn các biệt ngữ khoa học được tạo ra để con người ghi nhớ hơn là giúp ta hình dung rõ hơn những khái niệm vốn đã ít nhiều trừu tượng. Vậy làm sao để diễn đạt những từ như “ADN”, “axit deoxyribonucleic”, “đại thực bào” hay virus corona cho người khiếm thính?

Cách diễn tả từ ADN bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: The Verge
Cách diễn tả từ ADN bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: The Verge

Diễn tả về đại dịch

Cộng đồng người khiếm thính cần nắm thông tin về đại dịch COVID-19 như bao người khác. Vì thế, thật kinh khủng khi thiếu vắng những bản tin được dịch sang ngôn ngữ ký hiệu của họ. Ấy thế mà dù ca dương tính đầu tiên tại Mỹ được xác nhận từ đầu năm, cho đến cuối tháng 4 người khiếm thính nước này vẫn phải yêu cầu Nhà Trắng đưa người thông dịch ASL (hệ thống ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ) vào các buổi họp giao ban về tình hình dịch bệnh sau nhiều tháng liền bị ngó lơ, theo CNN.

Chuyện tương tự cũng cùng lúc xảy ra tại Anh. Một chiến dịch trên Twitter với khẩu hiệu #WhereIsTheInterpreter? (nghĩa là “Người thông dịch đâu rồi?”) đã trở thành một vụ kiện tập thể. Người dùng ngôn ngữ ký hiệu Anh (BSL) nói rằng họ đã bị phân biệt đối xử vì không hiểu được những thông tin quan trọng.

Giờ thì tình hình đã khá hơn. Thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu đã trở thành một phần không thể thiếu tại các cuộc họp báo, bản tin y tế, video tuyên truyền của nhiều quốc gia. Họ thường đứng cách các chuyên gia y tế một vài bước chân, hoặc xuất hiện ở góc nhỏ trên màn hình trong các chương trình truyền hình. Những thông dịch viên này đã giúp mở khóa chiếc cổng thông tin cho những người khiếm thính hoặc nghe kém.

Vậy, làm sao để diễn tả “virus corona” bằng ngôn ngữ ký hiệu? Cách dễ nhất là đánh vần C-O-R-O-N-A bằng tay. Nhưng giải pháp này sẽ không đơn giản và dễ chịu nếu từ “corona” được lặp đi lặp lại, bên cạnh là những biệt ngữ “bây giờ mới gặp” khác như phương pháp xét nghiệm Real-time RT-PCR, khẩu trang N95...

Ở Mỹ, một ký hiệu mới cho “corona” đã được bổ sung vào ASL. Nicole DeVore, thông dịch viên ASL và người quản lý một dịch vụ thông dịch cho người khiếm thính tại Mỹ, mô tả bằng lời cách ký hiệu “virus corona” như sau: “Về cơ bản, bạn nắm bàn tay trái để tạo thành một nắm đấm. Bạn mở rộng bàn tay phải để thấy rõ năm ngón, động tác này bắt đầu từ khu vực cổ tay và xoay. Nó trông gần giống như hình dạng của virus corona”.

Những thông dịch viên như Nicole cần thực hiện bước giới thiệu từ mới cho khán giả của họ. Trước hết, người thông dịch sẽ đánh vần “virus corona” bằng tay và gán nó cho ký hiệu mới. Kể từ đó, xuyên suốt bản tin hay cuộc trò chuyện, người dùng ngôn ngữ ký hiệu không những có từ vựng để bàn về đại dịch, mà còn phần nào hình dung được bộ dạng của con virus nguy hiểm.

Đóng góp của nhà khoa học

Lorne Farovitch là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Rochester (Mỹ) trong lĩnh vực khoa học y sinh “translational biomedical sciences”, chuyên nghiên cứu các bệnh do loài ve ký sinh truyền sang người.

Lorne cũng là một người khiếm thính và tiếng mẹ đẻ của Lorne là ASL. Điều này sẽ không thành vấn đề đối với công việc của anh, trừ những khi Lorne muốn thảo luận về Anaplasma phagocytophilum, vi khuẩn gây ra bệnh anaplasmosis. Trong ASL, người dùng phải đánh vần A-N-A-P-L-A-S-M-A P-H-A-G-O-C-Y-T-O-P-H-I-L-U-M bằng tay.

Hơn một thập kỷ Lorne theo đuổi nghiên cứu, rào cản ngôn ngữ khoa học chính là thứ khiến cho công việc của một người khiếm thính như anh thêm khó khăn. “Những khám phá mới trong khoa học xuất hiện liên tục - Lorne chia sẻ bằng ASL trong video phóng sự của trang tin The Verge - Từ vựng mới vì thế cũng ra đời, nhưng ASL khó mà theo kịp tất cả những thuật ngữ mới đó”.

Tình cảnh đó xảy ra ở tất cả lĩnh vực, không chỉ riêng y khoa. Giới thiên văn học vốn đã nói về các lỗ đen trong nhiều thập kỷ, nhưng phải đợi đến vài năm gần đây người ta mới có ký hiệu để diễn tả chúng, theo tiến sĩ Olja Panic - nhà vật lý thiên văn tại ĐH Leeds (Anh).

Ngôn ngữ ký hiệu vốn độc lập với các ngôn ngữ nói, cũng như việc tiếng Việt thì khác tiếng Anh vậy. Khi chưa có ký hiệu cho một từ ngữ nào đó, cách được lựa chọn nhiều nhất là đánh vần từng chữ cái bằng tay.

Nhưng mặt trái của giải pháp này là nó có thể cắt đứt mạch trò chuyện và sự hứng thú. Hãy tưởng tượng bạn lắng nghe một ai đó đánh vần lặp đi lặp lại cùng một thuật ngữ. Với người khiếm thính, phải chăm chú nhìn bàn tay thoăn thoắt đánh vần cũng không thú vị hơn.

Vì thế, nhiều nhà khoa học quyết định tạo ra “diện mạo mới” của những biệt ngữ trong ngành. Họ phát minh lại từ đầu các từ vựng khoa học. Lorne đang đóng góp cho hai sáng kiến là ASLCORE và ASL Clear.

Cả hai dự án tập hợp nhóm chuyên gia khiếm thính trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, còn được gọi là lĩnh vực STEM. Còn Olja Panic dẫn đầu một dự án tại Anh nhằm phát triển 50 ký hiệu mới về thiên văn.

Họ thảo luận về các thuật ngữ chưa có ký hiệu phổ biến và cùng nhau tạo ra những ký hiệu mới, đảm bảo chúng chính xác và dễ hiểu. ASL hay bất kỳ ngôn ngữ ký hiệu nào có khả năng biến các khái niệm trừu tượng thành các biểu diễn trực quan, phong phú.

Để diễn tả ADN, Lorne dùng ngón trỏ và ngón giữa của hai bàn tay để tái hiện cấu trúc xoắn kép của ADN qua một chuyển động vô hình, mà kết quả lại hữu hình hơn việc đánh vần. Người sử dụng ASL có thể thấy được ADN, điều mà ta khó cảm nhận được khi nói hoặc viết ra thuật ngữ này.

Ký hiệu yêu thích của Lorne là “đại thực bào”: bàn tay phải trông như biểu tượng Pac-Man nhỏ xíu trong trò chơi điện tử nổi tiếng cùng tên. Đại thực bào có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Cơ thể chúng ta cần chúng để “ăn” sạch các tế bào hư hỏng và mầm bệnh.

Cách nói từ corona bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Bộ Y tế Mỹ
Cách nói từ corona bằng ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Bộ Y tế Mỹ

Tạo nên sự thay đổi

Hơn bao giờ hết, Lorne hiểu rằng truyền thông khoa học có sức mạnh to lớn khi bước ra ngoài phòng thí nghiệm. Mục tiêu cuối cùng trong nghiên cứu của Lorne là lan tỏa đến người khiếm thính những thông tin về các bệnh do ve gây ra. Đó là một việc khẩn cấp. Biến đổi khí hậu đang giúp bọn ve ký sinh mở rộng lãnh thổ của chúng, đe dọa nhiều người hơn, và những người khiếm khuyết giác quan thường không tiếp cận được thông tin.

Lorne chia sẻ với The Verge: “Thông thường, y tế công cộng không có loại hệ thống mà ai ai cũng tiếp cận được. Bạn thường nhìn thấy những ấn phẩm tuyên truyền thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng không có ngôn ngữ ký hiệu ở đó. Điều này khiến người khiếm thính “ra rìa” và gặp nguy cơ cao hơn. Vì vậy, chúng tôi muốn đảm bảo mọi người đều nhận thức về những rủi ro”.

Cuối cùng, những ký hiệu mới để diễn tả thuật ngữ khoa học có thể tác động to lớn đến thế hệ học sinh, sinh viên khiếm thính trong tương lai. Việc giảng dạy khoa học dựa trên ngôn ngữ nói, trong trường hợp của Lorne là tiếng Anh, thường khiến người khiếm thính bỏ cuộc. Nhưng với nguồn lực phù hợp, người học sẽ có cơ hội “nhìn” khoa học ở một khía cạnh hoàn toàn khác.

Những ký hiệu mới được công bố trên Internet, để bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể sử dụng. Cộng đồng khiếm thính đang có nhiều tài nguyên hơn bao giờ hết: những từ điển chuyên ngành dưới dạng video, các diễn đàn mở, nơi ngôn ngữ ký hiệu được sáng tạo và chia sẻ theo nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, tất cả những ký hiệu khoa học trên chỉ thật sự hữu dụng khi chúng được chuẩn hóa. “Tình trạng thường thấy là trường học cho học sinh khiếm thính hoặc đại học có sinh viên khiếm thính sẽ gặp một từ trong lĩnh vực STEM và tạo ra một ký hiệu riêng cho nó.

Nó sẽ không giống như ký hiệu ở các tổ chức khác” - Geoff Poor, một giáo sư về ASL đã nghỉ hưu tại Mỹ, nói với The Verge. Đôi khi những giáo viên trong cùng một bộ môn hoặc một trường có thể có cách diễn tả khác nhau về cùng một khái niệm khoa học.

Trong vài năm qua, Geoff Poor đã đến các trường học trên khắp nước Mỹ để thu thập những ký hiệu trong lĩnh vực STEM. Ông giúp xây dựng từ điển thuật ngữ trong ASL dưới dạng video. Nhiều từ điển khác nhau có thể dẫn đến tình trạng bất nhất trong việc diễn tả khoa học bằng ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng điều đó không có gì đáng lo, khi nhiều từ điển sẽ giúp nhiều ý tưởng được chia sẻ hơn, cho đến lúc một trong những ký hiệu đó trở nên phổ biến hơn cả và được công nhận.

Nói như Nicole DeVore: “Ai đó sẽ là người tiên phong và một ký hiệu mới sẽ lan tỏa như một ngọn lửa. Đến một lúc nào đó, nó được chấp nhận là ký hiệu chính thức cho một khái niệm nào đó”. Đó thật ra là cách từ mới được hình thành trong tất cả ngôn ngữ.■

Ngôn ngữ ký hiệu có hệ thống ngữ pháp và từ vựng riêng, kể cả những phương ngữ. Có hơn 140 “sinh” ngữ ký hiệu được ghi nhận trên thế giới ngày nay, theo Anouschka Foltz - giảng viên ngành ngôn ngữ Anh tại Đại học Graz (Áo).

Các ngôn ngữ ký hiệu đã phát triển tự nhiên, giống như ngôn ngữ nói. Không có ngôn ngữ ký hiệu “quốc tế” nào dùng chung cho các cộng đồng khiếm thính trên toàn cầu. Ví dụ, BSL và ASL, lần lượt của Anh và của Mỹ, là những ngôn ngữ hoàn toàn không liên quan. Người sử dụng hai ngôn ngữ này không thể hiểu nhau mà không có sự trợ giúp của thông dịch viên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận