Lãnh đạo cá nhân - Lãnh đạo tập thể

DANH ĐỨC 03/03/2018 18:03 GMT+7

TTCT - Những thay đổi thể chế ở cấp cao nhất của Trung Quốc đã gián tiếp được báo trước từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10-2017, cùng nhiều diễn biến chính trị nội bộ nước này.

Tư tưởng Tập Cận Bình giờ là yếu tố cốt lõi của nền chính trị Trung Quốc. Ảnh: nybooks.com
Tư tưởng Tập Cận Bình giờ là yếu tố cốt lõi của nền chính trị Trung Quốc. Ảnh: nybooks.com

 

Tân Hoa xã ngày 25-2-2018 đăng tin dạng bố cáo: “Hôm chủ nhật (25-2), Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra đề xuất về việc sửa đổi hiến pháp Trung Quốc. Đề xuất này được đưa ra cho Ủy ban Thường vụ quốc hội (NPC), được xây dựng phù hợp với tình hình mới và thực tiễn của việc duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.

Đề xuất khéo léo

Tân Hoa xã lần lượt đăng lại các đề xuất: (1) tư tưởng mới; (2) mặt trận thống nhất - quan hệ hài hòa giữa tất cả các nhóm sắc tộc; (3) cộng đồng chia sẻ tương lai với nhân loại;

(4) sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; (5) các giá trị chủ nghĩa xã hội cốt lõi; (6) tuyên thệ trung thành; (7) chủ tịch và phó chủ tịch nước; (8) chức năng mới của nội các;

(9) thêm nhiều thành phố có quyền lập pháp; (10) các ủy ban kiểm tra.

Thứ tự các đề xuất đó được sắp xếp rất khéo léo. Bắt đầu là “Tư tưởng mới”: Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất “đưa tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới vào luật cơ bản của đất nước”.

Đưa tư tưởng lãnh tụ vào hiến pháp là điều tối quan trọng trong thể chế chính trị của Trung Quốc, như bình luận của ban Việt ngữ Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) 26-2-2018: “Việc đưa tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới vào hiến pháp có ý nghĩa to lớn”.

Sau đề xuất “chỉ đường dẫn lối” đó là các đề xuất cụ thể hơn liên quan đến công việc chung, mãi đến vị trí 7 mới tới đề xuất mà cả thế giới quan tâm song vẫn mang tính “chung”: Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị bỏ điều khoản “Nhiệm kỳ của chủ tịch và phó chủ tịch Trung Quốc giống với Đại hội đại biểu toàn quốc, tức không quá hai nhiệm kỳ” khỏi hiến pháp.

Trên lý thuyết, đây vẫn là một điều khoản “vô danh tính” (càng tỏ rõ khi có lẽ không nhiều người biết tên Phó chủ tịch Trung Quốc hiện thời, ông Lý Nguyên Triều). Cũng khéo léo không kém là trước đề xuất sửa đổi thứ 7, còn có đề xuất thứ 6: Tuyên thệ trung thành.

Theo đó, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất “tất cả viên chức nhà nước phải tuyên thệ trung thành với hiến pháp khi đảm nhiệm chức vụ”. Không chối cãi, kỷ nguyên mới này rất thượng tôn hiến pháp và sự sửa đổi hiến pháp lần này cũng là vì “cái chung”.

CRI Việt ngữ nhấn mạnh: “Điều này phản ánh đầy đủ nguyện vọng chung của toàn Đảng và nhân dân các dân tộc toàn quốc, thể hiện sự thống nhất cao độ giữa chủ trương của Đảng và ý chí của nhân dân, có ý nghĩa hiện thực to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu xa đối với việc củng cố nền tảng tư tưởng chung của toàn Đảng và nhân dân các dân tộc toàn quốc phấn đấu vì thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, giành thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.

Tuần tự nhi tiến

Ngày 24-10-2017, trong phiên họp bế mạc, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX đã thống nhất đưa tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới vào điều lệ Đảng.

Kể từ thời Mao Trạch Đông, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo đương quyền có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong điều lệ Đảng. Cũng nhân dịp này, điều lệ Đảng chỉ ghi nhận thêm “lý luận Đặng Tiểu Bình”, mà “lý luận” tức là ở một vị trí thấp hơn “tư tưởng” (Mao và Tập).

Những cân nhắc trên của Đại hội Đảng lần thứ XIX chính là chỉ dấu khiến báo chí quốc tế nhất tề gọi ông Tập là “đồng cân” với ông Mao. AFP viết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phủi bụi danh vị một thời của Mao để nay dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm vinh danh lãnh tụ uy quyền nhất từ sau “Người cầm lái vĩ đại”. Từ “lãnh tụ” mang hàm ý cung kính và tinh thần hơn từ ngữ “lãnh đạo” thường dùng, vốn đã không còn được sử dụng nữa kể từ thời Hoa Quốc Phong kế vị ông Mao”.

Ai cũng hiểu rằng quyết định trên của Đại hội XIX không chỉ nhằm đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp rồi thôi, mà còn phải dẫn tới một điều gì đó. Cùng thời điểm với Đại hội XIX, từ Mỹ, nhà nghiên cứu kỳ cựu Li Cheng (Lý Thành) tung ra cuốn biên khảo “Chính trị Trung Quốc trong kỷ nguyên Tập Cận Bình - Đánh giá lại sự lãnh đạo tập thể” dày 512 trang, qua ban tu thư của Viện Brookings nổi tiếng ở Mỹ. Phân tích công phu của ông Li về xu hướng từ giã cơ chế lãnh đạo tập thể ở Trung Quốc giúp người đọc dễ hiểu hơn lý do từ nay ông Tập sẽ không bị khống chế nhiệm kỳ làm chủ tịch nước.

Trong chương 1, “Đánh giá lại sự lãnh đạo tập thể”, ông Li viết: “Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc trải qua một quá trình chuyển đổi quan trọng trong cấu trúc lãnh đạo và cầm quyền. Sự thay đổi này là sự dịch chuyển từ thời kỳ định hình bởi quyền lực cá nhân tùy ý của một lãnh tụ toàn năng uy quyền, đầu tiên là Mao và sau đó là Đặng, sang thời kỳ lãnh đạo tập thể.

Điều đó có nghĩa là thành phần Ban Thường vụ Bộ Chính trị là quan trọng hơn bao giờ hết. Đặc biệt đáng kể là lề thói của từng thành viên, rồi đến động năng của tập thể và rồi sự cân bằng quyền lực...

Trái ngược với thời Mao và Đặng, cơ cấu tổ chức của Trung Quốc, các quy tắc và chuẩn mực chi phối giới chính trị ưu tú, cùng các quy trình ra quyết định liên quan dường như đã thay đổi đáng kể”.

Ông Li cũng nêu ra những nhận định về ưu nhược của mô hình lãnh đạo này: “Một số nhà phân tích tin rằng điều gọi là sự lãnh đạo tập thể đã không hiệu quả trong quá khứ, và cũng không bao giờ hiệu quả ở tương lai vì tự thân nó đầy phân rã và thiếu hiệu quả, chỉ dẫn đến đấu đá chính trị nội bộ và bế tắc vì hệ thống quan liêu. Điều này được thể hiện qua một hiện tượng thời Hồ Cẩm Đào rằng “các chính sách đã quyết tại Trung Nam Hải lại không bao giờ ra khỏi Trung Nam Hải”...

He Pin, một nhà phân tích kỳ cựu ở New York, cho rằng hệ thống lãnh đạo tập thể, trong đó không cá nhân nào chịu trách nhiệm và có trách nhiệm giải trình, là không bền vững. Theo He, sự củng cố quyền lực của ông Tập là “quay lại với một thực tế chính trị bình thường hơn ở Trung Quốc”. Li cũng dẫn một số nhà phân tích khẳng định nguyên tắc cầm quyền qua Thường vụ Bộ Chính trị (thường ủy chế độ) đặc trưng của thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, nay được thay thế bằng hệ thống một người đứng đầu (nguyên thủ chế độ).

Sự củng cố quyền lực của ông Tập là quay lại với một thực tế chính trị bình thường hơn ở Trung Quốc.
 

Nhu cầu hay ao ước?

Câu hỏi đặt ra là quyền lực tập trung ở một cá nhân chỉ là tham vọng của cá nhân đó hay thật sự là một nhu cầu sinh tử? Li Cheng giải thích với việc lần giở những năm tháng đầu tiên ông Tập mới lên nắm quyền: “Với sự xuất hiện của Tập Cận Bình giai đoạn 2012-2013, xu hướng lãnh đạo tập thể sẵn có trở nên ít rõ ràng hơn, hoặc thậm chí có thể bị đảo ngược...

Trong ba năm đầu tiên của ông ở vai trò người lãnh đạo cao nhất, Tập Cận Bình đã làm nhiều nhà phân tích Trung Quốc ngạc nhiên với những động thái chính trị và chủ trương chính sách táo bạo và hiệu quả của ông”.

Ông Li liệt kê các thành quả của ông Tập: “Đầu tiên, ông Tập nhanh chóng và khéo léo kết thúc vụ xét xử Bạc Hi Lai, mà cả các phương tiện truyền thông Trung Quốc và quốc tế đều gọi là “phiên tòa của thế kỷ”. Vụ Bạc Hi Lai có lẽ là thách thức lớn nhất với tính chính danh của Đảng kể từ vụ Thiên An Môn năm 1989, và đã được nhìn nhận rộng rãi là một tình hình “không - thắng” đối với giới lãnh đạo Đảng.

Vụ việc chấn động này phơi bày lối sống sa đọa của một số lãnh đạo cao cấp trong Đảng, tình dục, ma túy, rửa tiền, thậm chí giết người. Ông Tập và các cộng sự đã giải quyết vụ án một cách khôn ngoan. Các công tố viên tập trung vào tham nhũng chính thức của Bạc Hi Lai, chứ không nhắm vào các hành vi bất hợp pháp hoặc vô đạo đức khác...

Truyền thông và mạng xã hội trong nước tập trung vào các chi tiết tố tụng tại tòa, từ đó chặn đứng những chỉ trích tiềm ẩn về phiên xử thiếu công khai. Bản án chung thân cho Bạc Hi Lai có vẻ thích hợp, không quá nặng và cũng không quá khoan dung”.

Theo Li, ông Tập không hề là “người hùng cô đơn”: “Với sự hỗ trợ của đồng minh chính trong Thường vụ Bộ Chính trị, “ông trùm đả hổ” Vương Kỳ Sơn, ông Tập đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng đầy hung hiểm... Đến tháng 5-2016, ông đã thanh lọc tổng cộng khoảng 160 lãnh đạo ở cấp thứ trưởng và quan đầu tỉnh trở lên về tội tham nhũng, trong đó có 20 ủy viên trung ương khóa 18 và một thành viên của Ban Kiểm tra kỷ luật trung ương”.

Tuy nhiên, đối mặt với “cả bầy hổ” phải có vũ khí hơn người: “Vì chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ và cải cách thị trường toàn diện sẽ làm suy yếu các nhóm lợi ích khác nhau, bao gồm các đảng viên và các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước, nên ông Tập cần tối đa hóa quyền lực và thẩm quyền để đạt được các mục tiêu này. Không có quyền lực này, ông không thể làm được”.

Song, cũng theo Li Cheng, ông Tập có thể gặp khó từ trong nội bộ: “Từ một góc độ khác, ông Tập có thể cảm thấy cần phải kiểm soát chặt Đảng để thực hiện những cải cách mà Trung Quốc cần. Các cộng sự của ông và các lãnh đạo cấp cao, tất nhiên, ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của ông. Nhưng sự ủng hộ của họ đối với sự tích lũy quyền lực cá nhân của ông có thể chỉ là tạm thời thay vì vĩnh viễn.

Ngoài ra, tại thời điểm diễn ra sự thay đổi nhanh chóng này, thực tiễn của hai thập kỷ ra quyết định tập thể đối mặt với cuộc thử nghiệm nghiêm trọng, không thể tránh khỏi bất đồng”.

Trung Quốc, sau gần bốn thập niên phát triển thần tốc, đang ở một ngã ba đường, và lựa chọn hướng đi của họ với tư cách một siêu cường đang nổi sẽ ảnh hưởng tới toàn thế giới, mà trước hết là những láng giềng gần gũi nhất. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận