Bầu cử Mỹ: Còn đâu uy danh Nhà Trắng !

DANH ĐỨC 30/10/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Tuần tới, dù ứng cử viên nào thắng, nước Mỹ cũng sẽ khác trước rất nhiều, cả đối nội lẫn đối ngoại, và bất ổn đến từ chính những người trong cuộc!

Ảnh: Courier Newsroom
Ảnh: Courier Newsroom

Trên báo chí Mỹ và quốc tế đang thể hiện khá nhiều băn khoăn về một mai sau bầu cử. “Điều gì có thể xảy ra nếu cuộc bầu cử này xấu đi?”, tờ Politico chuyên đưa tin về chính trường Mỹ đặt dấu hỏi.

Tờ Washington Post cũng mở đầu bằng thể câu nghi vấn: “Bầu cử Mỹ này có ý nghĩa gì với các nước trên thế giới?”. Thậm chí tờ Financial Review tận nước Úc cũng nhấn mạnh: “Đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ”…


Phủ định nhau và phủ định uy tín Mỹ

Đáng tiếc là các thắc mắc, băn khoăn ít liên quan đến chính sách, quan điểm của mỗi ứng cử viên, mà chủ yếu lại là quan ngại về tính yên ổn sau bầu cử lần này.

Nói cho ngay, có cuộc bầu cử đa đảng nào mà không “chia phe”, song hầu hết các ứng viên thắng cử đều ráng ra vẻ “đoàn kết quốc gia” mà vỗ ngực xưng rằng mình sẽ là tổng thống của cả đất nước - tức của cả phe thua cuộc, dù ai cũng thừa hiểu đấy chỉ là lời “chót lưỡi đầu môi” của thời khắc “kết quả đêêêê...”.

Vậy mà một tờ báo uy tín toàn cầu từ thế kỷ trước như tờ Newsweek hôm 26-10 lại cảnh báo độc giả Mỹ: “Hiện chúng ta đang đối mặt một cuộc khủng hoảng kép về tính chính danh, khi mỗi bên có thể tuyên bố rằng ứng viên của bên kia “không phải là tổng thống của tôi””. Về tình hình không ai chịu chấp nhận thất bại đó, tờ báo kết luận: “Đó là một trạng thái thất bại”.

Cảnh báo này trùng hợp với kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây như của Reuters/Ipsos, công bố hôm 25-10. Một mẫu dân số gồm 2.649 người Mỹ trưởng thành, sai số 4%, thì có 1.039 nói đã hoặc sẽ bầu cho ông Donald Trump, 1.153 người đã/sẽ bỏ phiếu cho ông Joe Biden.

Nhưng đáng ngại hơn, 43% người ủng hộ ông Biden cho biết sẽ không chấp nhận kết quả nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, trong khi 41% người ủng hộ ông Trump cũng “ditto”(như trên). Với tất cả sự tôn trọng, thái độ “không chấp nhận kết quả” này xưa nay thường thấy tại các quốc gia như Bờ Biển Ngà hay Thái Lan hơn.

Dẫu sao thì việc bày tỏ ý kiến “không chấp nhận kết quả bầu cử” vẫn chưa đáng ngại bằng thái độ sẵn sàng xuống đường khi những lá phiếu hóa ra không như ý người bỏ.

Thăm dò Reuters/Ipsos nói trên còn cho biết 22% người ủng hộ ông Biden và 16% người ủng hộ ông Trump cho biết sẽ hành động để tỏ rõ sự không chấp nhận của họ, cụ thể là sẽ “xuống đường phản kháng nếu ứng viên của họ thua”. Thật không khác gì ngụ ngôn hai chú dê qua cầu.

Cũng đáng lưu ý từ kết quả thăm dò là chi tiết tỉ lệ người ủng hộ ông Biden đòi xuống đường cao hơn phe ông Trump tới 6 điểm phần trăm, do lẽ tới nay những người theo phò ông Trump vẫn mang tiếng là bạo lực hơn.

Chính tờ Newsweek cảnh báo: “Các nhóm dân quân cánh hữu ngày càng gia tăng đe dọa bạo lực sau bầu cử. “Nội chiến” đã trở thành chủ đề chính ở thời điểm này, được sử dụng như một thanh gươm thần rực lửa, như thể chỉ cần đem ra dọa thôi sẽ khiến kẻ thù phải đầu hàng… Từ những thách thức pháp lý đến cảnh giác bạo lực, họ thề sẽ kháng cự “tới bến””!

Trên thực tế, ông Trump đã không ngớt tố cáo cuộc bầu cử năm nay là gian lận, dàn dựng, bị phe Dân chủ thao túng... Ngay từ tháng 5, ông đã “la làng”.

Trong một mẩu tweet hôm 20-5, ông cảnh cáo: “Bang Nevada tưởng họ có thể gửi đi các phiếu bầu bất hợp pháp bằng cách bỏ phiếu qua bưu điện, tạo ra kịch bản Gian Lận Bầu Cử Lớn [ông Trump viết hoa trong nguyên văn] ở bang này và nước Mỹ, nhưng đừng hòng. Tôi đang tính đình chỉ ngân sách cấp cho bang này. Xin lỗi, các người không thể gian lận bầu cử được đâu”.

Vẫn vào vai mũ cao áo dài, danh môn chánh phái, chính trị chuẩn mực quen thuộc (mà phải nói là chẳng có gì khó khăn trước một nhân vật bất cần và rất ít chuẩn mực như ông Trump), ông Biden không bỏ lỡ cơ hội để “lên lớp” đối thủ: “Điều tệ hại nhất mà ngài tổng thống đã làm trong nhiệm kỳ này là làm tê liệt “thẩm quyền đạo đức” của Hoa Kỳ trên toàn cầu”, Newsweek ghi lại.

Cùng hủy hoại uy danh Nhà Trắng

Thật vậy, không chỉ ông Trump đe dọa thanh danh nước Mỹ, cả ông Biden cũng chẳng phải chính nhân quân tử gì. Những tố cáo qua lại “con ông, con tôi” đóng vai Lý Cường, Bá Kiến, núp bóng bố già “ăn tiền” nước ngoài không dừng lại ở chuyện tiền nong, mà còn bật ngược lên bản thân hai ứng viên tổng thống, như đã thấy trong cuộc tranh luận thứ nhì tuần trước.

Có một thực tế là so với các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước kia, hiếm khi nào lại thấy một màn đấu tố nhau kịch liệt, và phải nói là nhiều dơ bẩn, như thế. Lập luận của ông Biden: “Ông ấy là tổng thống duy nhất mà tôi biết có 6 tướng lĩnh từng làm việc trực tiếp dưới quyền nói ông ấy không thích hợp để trở thành tổng thống và tổng tư lệnh”, để rồi kết luận: “Thành ra, tôi chẳng sợ gì đảo chánh ở đây”.

Có thể là hợp logic, song cũng thật đẹp mặt cho Nhà Trắng: Trump không thể đảo chánh không phải vì ông không muốn, mà vì ông bị các tướng lĩnh coi khinh!

Quả thật, với việc liên tục gây mích lòng các lực lượng sức mạnh, nếu như ở một nước Phi châu nào đó, ông Trump có lẽ đã bị lật đổ từ lâu rồi. Bởi vậy mới có chuyện hôm 24-9 mới rồi, USA Today còn đưa tin “gần 500 tướng lĩnh, đô đốc, và cựu quan chức an ninh quốc gia cả hai đảng công khai ủng hộ Phó Tổng thống Joe Biden”.

Cụ thể, một lá thư có chữ ký của 489 nhân vật thuộc một nhóm tên gọi “Các lãnh đạo an ninh quốc gia ủng hộ Biden”, bao gồm những tên tuổi như các cựu bộ trưởng quốc phòng Ash Carter, Chuck Hagel và Leon Panetta, cựu bộ trưởng hải quân Sean O’Keefe, tướng không quân Paul Selva, người tới năm 2019 còn là Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân dưới quyền chính Tổng tư lệnh Trump.

Ông O’Keefe, vốn là đảng viên Cộng hòa, nói thẳng luôn trong một cuộc phỏng vấn rằng lá thư nhắm tới “những cử tri còn chưa quyết định”.

“Đây cơ bản là một cuộc trưng cầu dân ý về những gì chúng ta muốn củng cố và thiết lập, những gì đã giúp duy trì thí nghiệm về nền dân chủ này suốt 250 năm, hoặc bước vào những rủi ro chưa từng biết và định nghĩa lại tư cách người Mỹ”, ông O’Keefe nói. Đó đúng là giọng điệu của dân bảo thủ chính hiệu, ngay cả khi ông này đang ủng hộ ông Biden của phe Dân chủ, vốn được coi là cấp tiến hơn

Sau ta là Đại hồng thủy

Nhưng ngay cả như vậy, ông Biden vẫn khó rũ bỏ tiếng xấu "già lẫn". Cái biệt hiệu “Sleepy Joe” đã kịp “chết tên” ngay từ những ngày đầu ông Trump nghĩ ra nó. Thái độ đó có thể thấy qua sự dè dặt của báo Pháp Le Monde 23-10: “Ông ấy [Biden] sẽ kế thừa di sản nhiệm kỳ của ông Donald Trump, người đã tạo ra cuộc khủng hoảng niềm tin mang tính lịch sử với các đồng minh của Washington.

Ông Trump đã làm suy yếu những gì còn lại của chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu hay ngăn chặn tham vọng quân sự hạt nhân của Iran. Ông ấy đã làm hoen ố hình ảnh mà Hoa Kỳ tự vẽ ra cho mình và những giá trị mà đất nước ông ấy luôn đề cao, điều chưa từng có trước đây”.

Còn ông Biden, trong một bài ký tên ông đăng trên Foreign Affairs tựa đề “Tại sao nước Mỹ phải lãnh đạo trở lại?”, đã nói đến yêu cầu “cứu vãn danh dự của chúng ta, xây dựng lại niềm tin trong các mối quan hệ của chúng ta, vận động nước Mỹ và các đồng minh nhanh chóng đáp ứng những thách thức mới ”.

Ông hứa “với tư cách tổng thống, tôi sẽ thực hiện ngay lập tức các bước nhằm đổi mới nền dân chủ và liên minh của Hoa Kỳ, bảo vệ tương lai kinh tế của Hoa Kỳ và một lần nữa để nước Mỹ dẫn đầu thế giới”.

Cụ thể trong sách lược với Trung Quốc [nơi con ông Hunter Biden bị tố cáo làm ăn kiếm chác], ông ủng hộ hợp tác với các đồng minh cùng chí hướng “để đối phó các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc”.

Về mặt thương mại, Biden nhấn mạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Hoa Kỳ, dỡ bỏ các rào cản thương mại trên thế giới và tránh xa chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Tất nhiên, những hứa hẹn trên chỉ có tính tham khảo, cho thấy ông Biden muốn ra khỏi con đường phiêu lưu “một mình một ngựa” của ông Trump, song cụ thể như thế nào thì chưa ai biết. Tờ Le Monde phân tích trong quá khứ, ông Biden từng có những chọn lựa không thể coi là đúng đắn, như việc ủng hộ sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Iraq năm 2002 khi còn là thượng nghị sĩ.

Về đối nội, dù ai đắc cử, yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch COVID-19. Nếu đắc cử, ông Trump sẽ tiếp tục chính sách hiện tại: xét nghiệm nhiều nhất thế giới, chờ đợi một hay vài vaccine giải cứu.

Còn ông Biden có lẽ sẽ mạnh tay hơn để chặn đứng dịch, bất chấp sự phản đối của phe ủng hộ ông Trump. Làm được điều đó mới hi vọng “tăng cường sức mạnh của Mỹ ngay trong nước là điều kiện tiên quyết để khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu”, như tờ The Guardian 25-10 phân tích, cũng là lời khuyên chí tình nhất cho nước Mỹ hiện tại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận