TTCT - Trước kia, nhờ sách, người ta mới có thể suy nghĩ, tư duy, cảm nhận, phân tích, nói đúng, viết đúng, bởi ngôn ngữ chính là được hình thành và sống trong một văn bản văn học, thì ngày nay, Internet đã thay thế môi trường đó. Ảnh: plus.google.com “Hiệu sách. Cậu bé chừng mười tuổi xin mẹ: - Mẹ, mua cho con cuốn này đi! - Con sẽ chẳng đọc đâu! - bà mẹ phán. - Đọc mà, mua đi! - Thôi! Nhà mình sách này đầy. Như mọi khi, tôi cũng cố xía vào: - Nhưng có thể, cháu thích chính cuốn này? - Bà sao vậy! - bà mẹ xởi lởi đáp - Đừng nghĩ là tôi keo kiệt, nhưng thằng ngốc này có đọc gì đâu. Có gí vào mắt nó đi nữa. Nhà chúng tôi có nguyên một kệ các sách này. Bà lấy cuốn sách, dúi vào tay con trai rồi cay nghiệt phán: - Mẹ mua cho mày, nhưng nếu mày không đọc, mẹ sẽ lấy nó đập vào đầu mày. Các nhà văn thân mến, hãy viết những cuốn sách hay để không ai bị chúng đập vào đầu”. Chứng kiến câu chuyện này, nhà văn thiếu nhi Nga Tamara Kriukova kể lại trên trang Facebook của mình, kèm câu hỏi: “Còn các bạn, các bậc cha mẹ đáng kính, bạn xây dựng trong con trẻ tình yêu sự đọc bằng cách nào?”. Dĩ nhiên, đó chỉ là câu hỏi tu từ của nữ nhà văn, đi kèm theo cuốn sách “đập vào đầu” của bà mẹ nọ. Từ bao lâu rồi ta chưa cầm tới sách? Những gì ta đã mất... Một khảo sát về chỉ số World culture score (“Điểm chỉ số văn hóa thế giới”) muốn tìm xem hiện nay người nước nào dành nhiều thời gian nhất cho việc đọc sách. Kết quả: về nhất là Ấn Độ (hơn 10 giờ/tuần), tiếp đó là Thái Lan (9,24 giờ), Trung Quốc (khoảng 8 giờ/tuần). Trong số các nước châu Âu nằm trong top 10, có Cộng hòa Czech (7,24), tiếp đó là Nga (7,05), Thụy Điển, Pháp rồi Hungary. Không có Việt Nam trong danh sách top 30 nước đầu. Trước kia, có thể tìm câu trả lời cho bao nhiêu vấn đề trong cuộc sống qua sách, thì nay đã xuất hiện nhiều khả năng khác, tiện lợi hơn, ít tốn thời gian hơn, tối giản đến chỉ cần một cái nhấp chuột?! Trước kia, nhờ sách, người ta mới có thể suy nghĩ, tư duy, cảm nhận, phân tích, nói đúng, viết đúng, bởi ngôn ngữ chính là được hình thành và sống trong một văn bản văn học, thì ngày nay, Internet đã thay thế môi trường đó. Nhưng cùng với đó là sự nghèo đi của ngôn ngữ nói và viết, sự thiếu đi tính đa dạng của những nội dung văn bản và những định hướng văn hóa của xã hội hình thành từ trang sách. Có phải định dạng đọc mới là tối ưu cho xã hội thông tin đang thay đổi? Liệu nó có mang đến nhiều lợi ích hơn không? Năm 2013, các chuyên gia thần kinh tại Đại học Liverpool đã kết luận rằng các buổi đọc văn học chất lượng cao tác động lên não như một “tên lửa đẩy”. Các nhà nghiên cứu đã đề nghị những tình nguyện viên đọc các trích đoạn gốc và những phương án rút gọn từ các tác phẩm của đại thi hào Anh W. Shakespeare, nhà thơ lãng mạn Anh W. Wordsworth và kịch tác gia, nhà thơ T.S. Eliot. Phản ứng của não đối với từng từ mới được đo bằng hình ảnh cộng hưởng từ. Các hình ảnh cho thấy một văn bản phức tạp hơn với những ẩn dụ và cú pháp khó đã kích động phản ứng mạnh hơn và dài hơn, đòi hỏi một khối lượng công việc lớn hơn của não và kích thích nó tiếp tục đọc. Nghiên cứu cũng cho thấy việc đọc thơ sẽ kích thích bán cầu não phải, nơi lưu trữ “trí nhớ tự thuật”, giúp người đọc thấy được trải nghiệm cá nhân dưới ánh sáng của những điều đọc được. Nhưng kiến thức mà sách điện tử cung cấp có khác chi sách giấy? Bạn sẽ chất vấn. Thì cũng đã có những nghiên cứu về khía cạnh này. Giáo sư Ziing Liu (Đại học bang San Jose), chuyên nghiên cứu về việc đọc kỹ thuật số và sách điện tử, đã xem xét các nghiên cứu so sánh những kinh nghiệm đọc sách giấy và sách số, cho rằng nhiều thứ đã thay đổi. Trên màn hình, người đọc có xu hướng lướt và quét, tìm những từ khóa và đọc theo kiểu ít tuyến tính hơn, nhưng nhiều chọn lọc hơn. Trên trang sách, họ có xu hướng tập trung hơn vào việc chỉ dõi theo văn bản. Đọc lướt đã trở thành kiểu đọc mới, càng đọc trực tuyến, chúng ta càng di chuyển nhanh, không ngừng lại để suy ngẫm về bất cứ điều gì. Có nghĩa chúng ta đang trở thành những người đơn giản chỉ góp nhặt thông tin, không để đầu óc kịp tiêu hóa để sản sinh ra những tư tưởng mới. Những thí nghiệm so sánh giữa việc đọc sách số và sách giấy cũng cho thấy những ai đọc sách giấy hiểu và ghi nhớ được nhiều hơn, mà theo các nhà nghiên cứu, là bởi bản thân sách là vật chất, nó cho phép những thao tác thực thể. “Chủ nhân của sách cảm nhận được từng trang sách lật, toàn bộ vật thể trong tay mình, bất cứ lúc nào cũng có thể chuyển đến một trang khác của cuốn sách như ý muốn, và tất cả những hoạt động đó tạo ra một phản ứng tương tác mạnh hơn so với chỉ lướt web hay mở rộng màn hình iPad”. Trước “một kiểu văn minh mới” Tiến sĩ ngôn ngữ và sinh học Nga, giáo sư Tachiana Chernigovskaya nhận định con người đã chuyển sang “một kiểu văn minh mới”, nơi khối lượng thông tin nhiều đến độ đã đánh mất một phần giá trị của nó. Ngay cả trong những cộng đồng chuyên ngành rất hẹp, mỗi ngày cũng có nhiều bài nghiên cứu lớn mà không phải ai cũng có khả năng đọc qua và xử lý hết. Con người đang phải đứng trước tình huống mà họ cần phải xử lý nhanh, không ngừng, những khối thông tin lớn. Vì thế cần đọc lướt, quét qua những từ khóa chính, biết đọc theo đường chéo để xác định mình có cần đọc bài đó hay không. Đó là một hệ thống lọc mà con người hiện đại không thể thiếu. Bà cho rằng từ “đọc” ngày nay đã không chứa đựng hết nội hàm ý nghĩa hiện đại. “Là một chuyện khác khi bạn ngồi trong một điền trang và đọc chậm, lâu một bài sonnet của Shakespeare, một việc thật sự cần thời gian, cần nghiền ngẫm, đọc nhiều tầng. Đó là những quá trình khác nhau nhưng được gọi cùng bằng một từ” - bà nhận định. Ta phải làm gì với “kiểu văn minh mới” đó? Chuyên gia về não Tachiana Chernigovskaya cho rằng không phải tất cả mọi người đều nhận ra mọi việc đã thay đổi, nhưng một thực tế là “đã có những đứa trẻ sinh ra trong kỷ nguyên số. Đó đã là những đứa trẻ khác. Đã có một thế giới được điều tiết không phải như trước, và chúng ta cần hiểu phải sống thế nào trong thế giới này”. Người ta đang thu thập quá nhiều dữ liệu mà vẫn chưa biết sẽ khai thác chúng thế nào. Viktor Mayer Schonberger và Kenneth Cukier trong cuốn Dữ liệu lớn tuy cổ xúy cho “dữ liệu lớn và lớn hơn nữa” cũng thừa nhận “rất cần một nơi cho con người để dành không gian cho trực giác, cho sự suy xét nhằm bảo đảm chúng ta không bị dữ liệu và những câu trả lời bằng máy chôn vùi”. Mà để trực giác phát triển, để rèn luyện não, chỉ có thể bằng cách trao cho nó những bài tập khó: xem những bộ phim và những vở kịch phức tạp, đọc những cuốn sách phức tạp, nghe những bản nhạc phức tạp, Tachiana Chernigovskaya khẳng định. Bà khuyên: Phải đọc kiểu tuyến tính, từ đầu tới cuối. Siêu văn bản, buộc phải nhấp vào từ được tô khiến người ta như đắm chìm trong nó, tạo ra sự thiếu vững chắc của suy nghĩ. Nếu trẻ em chỉ đọc truyện tranh, não chúng không chỉ không phát triển thuật toán để đọc văn học phức tạp giúp hình thành nhận thức, mà không phát triển cả thuật toán cho việc tư duy phức tạp - chúng chỉ nghĩ tới việc bấm nút nào để người ta mang hamburger tới. Chính ở đó là vai trò của sự đọc.■ Tags: Trẻ emKỷ nguyên sốSự đọcĐiểm chỉ số văn hóa thế giới
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng Tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...